Loại nhóm Chu Vĩnh Khang, lãnh đạo Trung Quốc “cài cắm” bạn thân vào Quân ủy trung ương
Trong nỗ lực nắm trọn quyền kiểm soát Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA), Chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình “cài cắm” bạn thân vào tổ chức quân sự cao nhất này: thượng tướng Lưu Nguyên, 62 tuổi có thể được được chỉ định làm một trong hai phó chủ tịch quân ủy trung ương (CMC).
Hai nguồn tin cấp cao cho Reuters biết: tướng Lưu là chính ủy Tổng cục hậu cần, và là con trai cả của cố chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ.
Hai nguồn tin này cho biết việc ông Tập đề cử ông Lưu vào CMC tại hội nghị trung ương 4 khóa 18 của đảng Cộng sản TQ (CPC) vốn sẽ có 205 ủy viên trung ương CPC họp vào tháng 10 tới. Một nguồn tin khẳng định tướng Lưu có thể trở thành ủy viên hoặc phó chủ tịch CMC.
Hai nguồn tin này đều giấu tên để tránh bị làm khó dễ vì tiết lộ chuyện chính trị cấp cao với nhà báo nước ngoài khi chưa được phép, gồm một người thân cận với lãnh đạo, người còn lại thân cận với quân đội.
Họ nói tướng Lưu có năng lực lãnh đạo, cùng “có gan” chống tham nhũng, và việc đưa ông vào CMC sẽ góp phần đẩy mạnh bài trừ tham nhũng trong PLA vốn đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, tức sẽ có “những phần tử cơ hội” dở trò “rút ruột” ngân sách quốc phòng.
Ngày 30.7, khi thị sát các đơn vị quân ở tỉnh Phúc Kiến, chủ tịch CMC Tập tuyên bố sẽ tấn công quyết liệt vào nạn hối lộ, tham nhũng trong quân đội vốn có 2,3 triệu quân. Ông cũng chỉ đạo quân đội phải “tắm sạch” và sẵn sàng chiến đấu.
Hàng chục năm qua, TQ chưa đánh trận lớn nào, luôn tuyên bố muốn lập quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, nhưng vài năm qua lại có những hành động ngang ngược đòi độc chiếm hầu hết biển Đông, gây ra tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Đài Loan và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Ông Tập từng nhiều lần công khai tình bạn với tướng Lưu, một người dám “tuýt còi” tố cáo tham nhũng nghiêm trọng trong PLA, đến độ nhà ông Lưu đã được bảo vệ kỹ lưỡng sau khi ông bị dọa giết, theo 3 nguồn tin khác.
Những tố cáo của tướng Lưu đã góp phần buộc tội tham nhũng đối với tướng Từ Tài Hậu, 71 tuổi, cựu phó chủ tịch CMC và cựu ủy viên Bộ chính trị CPC, và trung tướng Cốc Tuấn Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần PLA.
Theo nhiều nguồn tin, trong một cuộc họp kín của các lãnh đạo cấp cao hồi năm 2012 (trước khi ông Tập trở thành tổng bí thư ở đại hội đảng CPC khóa 18 hồi cuối năm ấy), tướng Lưu đã tố cáo Cốc và “ô dù” của ông ta tham nhũng.
Ảnh: Tướng Lưu Nguyên
Video đang HOT
Tướng Lưu tuyên bố ông sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến cùng, dù có bị mất chức chăng nữa. Kết quả, hồi đầu năm, Cốc chính thức bị truy tố tội tham nhũng, biển thủ, lạm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực, trở thành sĩ quan cao cấp nhất phải đối mặt với tòa án binh TQ kể từ năm 2006.
Hồi tháng 6.2014, TQ nói Từ (về hưu năm 2013) đã bị khai trừ đảng, bị điều tra tham nhũng và lạm quyền khi “ăn bẩn” từ các sĩ quan muốn “chạy chức, lên lon”. Giới thạo tin nói “đệ tử” Cốc khi bị điều tra đã “phun” hết tất cả những sai trái của “ông anh” Từ.
Reuters không thể gặp hai ông tướng “ăn bẩn” này, tướng Lưu và người thân từ chối bình luận.
TQ đã tăng cường truy quét nạn tham nhũng nghiêm trọng trong PLA từ cuối thập niên 1990. PLA bị cấm tham gia kinh doanh, nhưng vài năm qua, quân đội TQ “bung ra làm ăn lớn” do thiếu sự kiểm tra-giám sát rốt ráo.
Chuyện “chạy chức” trong quân đội cũng là “niềm riêng mà ai cũng biết”, nhưng giới truyền thông TQ thường phải “lượn ngay và luôn cho lành”. Các sĩ quan đều chọn cách “đút lót” để “đầu tư có lãi cao”.
Vì thế, việc ông Tập cất nhắc người bạn Lưu có thể là những “điềm xấu”, theo chuyên gia Huang Jing về PLA ở đại học quốc gia Singapore.
“Vì ông ấy là người nổi tiếng chống tham nhũng, việc đưa tướng Lưu lên có thể là một bước lùi, khi cơ cấu chính trị TQ là thế”, ông Huang nói ám chỉ “văn hóa tham nhũng” bắt rễ sâu trong PLA.
“Lãnh đạo TQ nên cẩn trọng, nếu họ muốn đưa tướng Lưu vào CMC”, ông Huang nói.
Tướng Lưu gần đây tố cáo mạnh mẽ nạn tham nhũng trong quân đội, qua một bài viết đăng trên báo Qiushi của CPC: ông kêu gọi loại bỏ lập tức “những phần tử suy thoái đạo đức” ra khỏi đảng, và cần đưa các đảng viên tích cực đấu tranh chống tham nhũng lên cấp lãnh đạo.
Tướng Lưu viết: “Dám phê bình, kiên quyết xóa tan nỗi sợ từ việc lo ngại phê phán cấp trên thì chỉ gây ra rắc rối”.
Tướng Lưu từng thu hút sự chú ý hồi năm 2010, khi ông viết một tiểu luận dài như lời nói đầu cho một cuốn sách của một người bạn. Trong bài viết này, ông kêu gọi TQ loại thải các mô hình chính trị “nhập khẩu” gồm nền dân chủ phương Tây và chủ nghĩa cực hữu, cực tả. Ông cũng dùng ngôn ngữ đan xen nhau để xem ra gợi ý về một hệ thống chính trị “cởi mở” hơn, cho phép tranh luận thoải mái mà không thách thức lãnh đạo CPC.
Tướng Lưu lập binh nghiệp trễ: ông từng thuộc Lực lượng công an nhân dân vũ trang, làm đến chính ủy ở tuổi 41 thì mới chuyển ngành qua quân đội.
Tại đại hội CPC cuối năm 2012, tướng Lưu không được cất nhắc vì bị xem là thân cận cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người bị tù chung thân vì tham nhũng và lạm quyền, bao che vụ vợ Cốc Khai Lai chủ mưu đầu độc doanh nhân Neil Heywood người Anh.
Theo Một Thế Giới
Chu Vĩnh Khang cho xe biển quân sự tông chết vợ cả?
Truyền thông Trung Quốc đột ngột đưa tin về số phân người vợ cả và cuộc sống đời tư của Chu Vĩnh Khang có thể là một phần của chiến dịch bôi nhọ ông.
Ông Chu Vĩnh Khang.
The Telegraph ngày 1/8 đưa tin, sau khi Chu Vĩnh Khang, một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc bị điều tra tham nhũng, các phương tiện truyền thông nước này bắt đầu đưa tin đậm hơn về số phận người vợ đầu tiên của ông.
Sau khi những kiểm duyệt các thông tin về Chu Vĩnh Khang được nới lỏng, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin ngụ ý, cựu Trưởng ban Chính pháp trung ương đầy quyền lực này có thể đã sát hại người vợ đầu tiên của ông ta. Trước khi có tuyên bố chính thức về việc điều tra Chu Vĩnh Khang hôm Thứ Ba vừa rồi, tên tuổi Chu Vĩnh Khang cũng bị kiểm duyệt trên mạng internet tại Trung Quốc chứ chưa nói gì tới quá khứ "u ám" của ông ta.
Tuy nhiên bây giờ các thông tin này được truyền thông Trung Quốc công khai đăng tải. Hôm Thứ Tư, tờ Tin tức Tài chính đã đăng bài viết về cuộc sống đời tư của Chu Vĩnh Khang, trong đó bao gồm người vợ đầu tiên Vương Thục Hoa.
Bà Hoa là một người phụ nữ sống cởi mở, đơn giản đã gặp Chu Vĩnh Khang khi họ làm việc cùng nhau tại một mỏ dầu ở Liêu Hà, khu tự trị Nội Mông những năm 1970 và bà qua đời năm 2000 trong một tai nạn xe hơi. Sau đó Chu Vĩnh Khang tái hôn với 1 biên tập viên truyền hình trẻ đẹp chỉ 28 tuổi.
"Vương Thục Hoa đã làm tất cả các việc vặt trong nhà. Bà ấy cũng chăm sóc cho 2 đứa con. Bà ấy là một người vợ đảm đang", một người bạn của vợ chồng Chu Vĩnh Khang nói với Tin tức Tài chính.
Tin tức Tài chính không trực tiếp cáo buộc Chu Vĩnh Khang liên quan đến cái chết của người vợ cả như những tin đồn đang truyền đi nhan nhản trên mạng internet ở Trung Quốc, nhưng cái chết của bà Hoa diễn ra ngay sau khi hai vợ chồng ly thân năm 2000.
Bà Vương Thục Hoa (hàng thứ 2) trước lúc ly hôn với Chu Vĩnh Khang.
"Dân trong làng (quê Chu Vĩnh Khang) có lần thấy bà ấy khóc khi viếng mộ gia đình nhà chồng và mời bà ấy ăn tối. Bà ấy từ chối và nói rằng mình đã ly dị, không còn là thành viên gia đình họ Chu nữa. Ngay sau đó, tai nạn xe hơi đã giết chết bà ấy". Nguồn tin nói với Tin tức Tài chính.
Đài Phượng Hoàng ở Hồng Kông thì đưa tin cụ thể hơn về cái chết của Vương Thục Hoa. Bà đã đóng cửa phòng và khóc thầm khi biết chồng mình có bồ. Sau đó một nhóm những bà vợ của các lãnh đạo cấp cao quyết định thu xếp cho Vương Thục Hoa 1 chuyến đi dã ngoại để bà trấn tĩnh lại tinh thần. Chuyến đi diễn ra vào một ngày cuối tuần và chiếc xe của bà Hoa đã bị một chiếc xe mang biển kiểm soát quân sự tông vào, bà Hoa đã chết.
Một cán bộ hưu trí của mỏ dầu Liêu Hà đề nghị giấu tên nói rằng, cái chết của Vương Thục Hoa đã dẫn đến những đồn đoán không ngớt trong khu. Mọi người đều nghi ngờ khả năng bà Hoa bị sát hại.
Người vợ thứ 2 của Chu Vĩnh Khang, Giả Hiểu Diệp đã bị bắt trong chiến dịch điều tra nhằm vào ông Khang. Bà Diệp là một phóng viên trẻ của đài CCTV, kênh kinh doanh và tài chính.
Việc truyền thông Trung Quốc đột ngột đưa tin về số phân người vợ cả và cuộc sống đời tư của Chu Vĩnh Khang có thể là một phần của chiến dịch bôi nhọ ông trong mắt công chúng hoặc cũng có thể đó là "tâm trạng phấn khởi" tự nhiên của truyền thông nước này vốn bị cấm đưa tin về đời tư các lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp cao trong nhiều năm qua.
"Kể từ khi Chu Vĩnh Khang trở thành 1 con hổ chết và bị loại bỏ, các phương tiện truyền thông Trung Quốc mới có một chút can đảm hơn trước và tất cả các thông tin có thể về đời tư của ông Khang đều được lên mặt báo", một nhà báo Trung Quốc nhận xét.
"Độc giả có xu hướng thích những câu chuyện thâm cung bí sử về các nhà lãnh đạo Trung Quốc như đọc một cuốn tiểu thuyết. Những thông tin này không thực sự nghiêm túc và bạn không thể biết bao nhiêu phần trăm trong số đó là sự thật. Một bộ phận công chức Trung Quốc có thể tò mò tìm hiểu những thông tin như thế này, nhưng khó có thể xác định chính phủ Trung Quốc có bật đèn xanh cho công bố thông tin về đời tư của Chu Vĩnh Khang hay không".
Chu Thụy Phong, một người điều hành trang web whistleblowing cho biết ông đã nghe tin đồn này nhiều lần, rằng một chiếc xe của Cảnh sát vũ trang chống khủng bố đã tông chết bà Hoa, hung thủ chỉ bị tù một vài năm và sau đó được tự do. Nhưng ông không nghĩ rằng thông tin đó đáng tin cậy 100%.
Một nguồn tin từ Tứ Xuyên, nơi ông Chu Vĩnh Khang từng làm Bí thư tỉnh ủy cho biết, khi còn ở Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang là người có tham vọng chính trị và luôn giữ đời sống cá nhân trong sạch. Mặc dù trong dân gian vẫn đồn đoán Chu Vĩnh Khang giết vợ, nhưng hầu hết các quan chức Tứ Xuyên không tin điều đó.
Theo Giáo Dục
Sau Chu Vĩnh Khang, sẽ có 'con hổ' bị điều tra? Nếu Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đi xa hơn trong việc xử lý các "con hổ" khác, điều này có thể làm nhiều chính trị gia cấp cao phải e dè... Sau một thời gian đồn đoán, cuối cùng giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính...