Loại mìn “nhỏ mà có võ” của Iran khiến Mỹ bất an
Mìn limpet là một trong những vũ khí phi đối xứng sở trường của Iran, cùng với các tàu tên lửa và tàu ngầm cỡ nhỏ, giúp Tehran đủ sức phong tỏa eo biển Hormuz – huyết mạch dầu mỏ của thế giới.
Bức ảnh Mỹ công bố cho thấy thủy thủ Iran gỡ mìn khỏi tàu chở dầu.
Theo Washington Times, mìn limpet mang tên một loại ốc sên biển, với khả năng bám chặt vào đá hoặc các vật thể khác. Loại mìn này rất rẻ, dễ sử dụng, nhỏ gọn, chỉ cần hướng dẫn một lần là dùng được nhưng lại tạo ra thiệt hại đáng gờm.
Mìn limpet thường có ngòi nổ hoặc được cài thời gian, giúp người nhái có thời gian để tìm đến nơi an toàn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran sử dụng mìn limpet để tấn công hai tàu chở dầu ở vịnh Oman hồi tuần trước. Các chuyên gia đánh giá loại mìn này có từ Thế chiến 2 nhưng vẫn chưa hề lỗi thời trong thế kỷ 21.
Video đang HOT
Năm 2010, một sát thủ lái xe máy ở thủ đô Tehran cài bom từ tính tương tự vào xe của một nhà khoa học hạt nhân. Vụ nổ khiến nhà khoa học hạt nhân Iran mất mạng, cửa kính các căn nhà xung quanh vỡ vụn và nhiều người bị thương.
Giới phân tích nhận định, mìn limpet là vũ khí rất phù hợp của Iran trong việc răn đe các tàu chở hàng di chuyển ở Trung Đông. Mục đích là phá hoại, vô hiệu hóa tàu thương mại nếu xung đột xảy ra, chứ không cần phải đánh chìm tàu.
Một số cho rằng, mìn limpet là thứ vũ khí phù hợp nhất để Iran phá hoại trên quy mô nhỏ, khiến căng thẳng với Mỹ leo thang có kiểm soát. “Điều mà họ làm khiến những nấc thang căng thẳng cứ tiếp tục dài ra vô tận”, cựu sỹ quan hải quân Mỹ, Christopher Harmer, nói.
Hôm 17.6, Mỹ đã tung bức ảnh màu cho thấy các thủy thủ Iran gỡ vật gì đó giống như mìn khỏi tàu hàng và rời đi bằng tàu tuần tra. Giới chức Mỹ nói mìn limpet cũng chính là thứ vũ khí gây ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu hồi tháng trước ở eo biển Hormuz.
Mìn limpet có kích thước nhỏ gọn, người nhái mang theo bên mình và cho dính chặt vào thân tàu.
Theo giới phân tích, mìn limpet gây ra vụ nổ nhỏ trên biển, nên điều quan trọng là vị trí cài mìn. “Bạn cần phải biết làm gì với mục tiêu và làm như thế nào khi sử dụng loại mìn này”, chuyên gia vũ khí Mark Hiznay của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói. “Thông thường, mìn limpet được cài ở phần thân tàu chìm dưới nước, lợi dụng sức nước để gây thiệt hại lớn, thậm chí đánh chìm tàu, nếu thủy thủ đoàn không biết khắc phục”.
Trong trường hợp hai tàu hàng bị tấn công hồi tuần trước, mìn limpet được dính chặt vào phần thân tàu ở trên mặt nước.
“Có thể là những người cài mìn không muốn đánh chìm tàu, hoặc là họ muốn lửa cháy lan rộng trên tàu, vì đây là những tàu chở dầu cỡ lớn”, Harmer nói.
Không rõ Iran hiện sở hữu bao nhiêu mìn limpet trong kho vũ khí, nhưng những loại vũ khí cỡ nhỏ này hoàn toàn có thể được Iran sản xuất với số lượng không hạn chế, không cần phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài.
Giới phân tích nhắc đến việc mìn limpet do Iran chế tạo rất dễ phân biệt. Đó có thể là lý do Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) phải gấp rút áp sát tàu chở dầu để xóa dấu vết. Dĩ nhiên, việc gỡ mìn như vậy là hết sức nguy hiểm bởi nếu phát nổ, tất cả những người xung quanh sẽ chết. “Thông thường, đó là nhiệm vụ dành cho một người, nhưng họ lại mang cả nhóm đến”.
Theo Danviet
Nhật Bản yêu cầu có bằng chứng về sự số tàu bị tấn công
Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh nhận định của Washington cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản gần eo biển Hormuz ngày 13-6 vừa qua.
Một tàu chở dầu đang bốc cháy trên biển Oman hôm 13-6-2019
Theo hãng Kyodo ngày 16-6, các quan chức Chính phủ Nhật Bản vẫn hoài nghi về nhận định của Mỹ. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản cho rằng giải thích của Mỹ chưa giúp vượt qua sự suy đoán và không phải là những bằng chứng cụ thể về việc Iran đứng sau vụ này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố mặc dù việc Iran chịu trách nhiệm cho vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu hồi tuần trước là "hiển nhiên", song Mỹ không muốn bước vào cuộc chiến với Tehran.
Trong khi đó, 2 tàu chở dầu đã cập bến an toàn ở hai cảng khác nhau tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để được đánh giá mức độ hư hỏng trước khi hàng hóa được bốc dỡ.
HẠNH XUÂN
Theo sggp
Bảo bối giúp Iran tự tin trước đe doạ 'huỷ diệt' của ông Trump So sánh tương quan lực lượng với Mỹ, Iran có quân đội nhỏ hơn nhưng nước này vẫn có trong tay những bảo bối mà Mỹ phải dè chừng nếu hai bên lao vào chiến tranh. Một trong những vũ khí lợi hại nhất của Iran là tàu ngầm lớp Ghadir chuyên hoạt động ở vùng nước nông. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran...