Loài lan kiêu sa nơi núi rừng Đà Nẵng cho thu nhập 30 triệu/tháng
Đưa loài lan kiêu sa nguồn gốc Thái Lan về đất xã Hòa Bắc ( huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1965, ở thôn Lộc Mỹ) cũng không ngờ có ngày loài hoa này đã giúp gia đình đổi đời. Núi rừng Hòa Bắc bây giờ như rực rỡ hơn bởi những luống hoa lan đủ màu sắc bung nở mỗi ngày.
Dồn hết vốn liếng trồng lan
Là một trong những người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã miền núi của Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thạnh đã gặt hái được khá nhiều thành công. Cũng nhờ trồng loại hoa lan này mà gia đình ông có thu nhập ổn định, bình quân mỗi tháng hơn 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh được xem là một trong những người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã Hòa Bắc của Đà Nẵng. Ảnh: Diệu Bình
Tìm đến vườn hoa của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thạnh và bà Lê Ngọc Hà vào một ngày tháng Bảy oi bức, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi ngay trên mảnh đất vốn nổi tiếng khắc nghiệt lại xuất hiện vườn hoa lan khá đẹp và đang khoe sắc ngay bên thượng nguồn dòng sông Cu Đê, xã Hòa Bắc. Những luống lan được trồng thẳng tắp, bố trí khoa học, từng bông hoa rực rỡ sắc màu khiến không gian càng thêm sinh động. Nhìn vườn lan này mới thấy những nỗ lực, tâm huyết của chủ nhân không hề nhỏ.
Trước khi đến với mô hình trồng lan cho thu nhập bạc tỷ, ông Thạnh mất nhiều năm loay hoay tìm cho mình một hướng đi hiệu quả trong sản xuất. Ngặt nỗi, đất Hòa Bắc khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, bao nhiêu năm nay bà con chỉ quen với cây khoai, cây bắp… hoa lan, nhất là giống nhập ngoại từ Thái Lan vẫn là một cái gì đó xa xỉ.
Chia sẻ với phóng viên lý do chọn loài lan Mokara để lập nghiệp, ông Thạnh nói: “Trong một chuyến đi tham quan ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), thấy mô hình trồng hoa lan Mokara của anh em ở đây rất hiệu quả, tôi chợt có suy nghĩ, tại sao mình không thử trồng loài hoa này tại địa phương, trên chính mảnh đất trước giờ chỉ trồng khoai, sắn, bắp. Nếu không mạnh dạn thay đổi sẽ chẳng thể thoát nghèo”.
Từ chính suy nghĩ có phần “mạo hiểm” đó, trở về, ông Thạnh bàn với vợ quyết tâm thực hiện mô hình trồng hoa lan này. Thế là bao nhiêu vốn liếng vợ chồng ông dành dụm bấy lâu, cộng thêm vay mượn của người thân và bạn bè, ông mua 4.000m2 đất vườn bỏ hoang ngay sát vườn nhà để bắt đầu công cuộc tô điểm sắc màu cho vùng đất khô cằn sỏi đá.
Nói là làm, ông liền xây dựng nhà lưới, tường rào, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, xây nhà chứa vật tư, dụng cụ ngay tại vườn lan… và trồng 500 nhánh lan giống mua từ TP.Hồ Chí Minh (giá 50.000 đồng/nhánh)… Lúc đó, không ít người nghi ngờ quyết định mạo hiểm này của ông Thạnh, họ nghĩ nắng gió Hòa Bắc không thể phù hợp với một giống lan yêu kiều, khó chăm sóc có xuất xứ tận Thái Lan.
Ông Thạnh cho biết thêm, thời gian đầu ông khá bỡ ngỡ với việc trồng, chăm sóc lan nên gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng cặm cụi suốt ngày đêm trong vườn hoa, từ tưới nước, vun xới rồi bắt sâu, nhổ cỏ không lúc nào rời. Nhìn 500 nhánh lan đầu tiên bắt đầu bén rễ, ông chỉ mong sao cây phát triển khỏe mạnh, vì bao nhiêu tiền của, công sức của gia đình đều đã đổ vào đó.
Video đang HOT
“Lan trồng được năm rưỡi, tôi cắt phần ngọn trồng nhân giống, phần gốc lại mọc ra nhiều nhánh con, 3 tháng sau, tiếp tục cắt nhánh trồng nhân rộng, chỉ để lại 1 nhánh cho ra hoa. Trời không phụ lòng người, 500 nhánh lan trồng trên 2.000m2 đất cứ thế phát triển khỏe mạnh, cùng đua sắc với núi rừng Hòa Bắc mặc cho nắng gió khắc nghiệt…” – ông Thạnh phấn khởi nói.
Thành công bất ngờ
“Từ 500 nhánh lan ban đầu được tôi nhân lên 10.000 nhánh và từ 2.000m2 diện tích ban đầu, bây giờ khu vườn lan tăng lên 4.000m2 và đã được lấp đầy hoa lan đủ màu sắc… Hiện nay, mỗi tuần vợ chồng tôi cắt 2 lần, hoa nở rộ thì mỗi lần lần cắt được 1.100 – 1.200 bông, thấp nhất cũng được 400 – 500 bông. Số lượng hoa nhiều như vậy nhưng không đủ để cho các đại lý, siêu thị và các shop hoa trên địa bàn Đà Nẵng…” – ông Thạnh thông tin.
Nhờ trồng hiệu quả nên mỗi tháng ông Thạnh cắt được 7-8 lần để cung cấp hoa cho thị trường, trung bình doanh thu đạt trên 30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình ông Thạnh đút túi 17 – 20 triệu đồng và mỗi năm ông thu lãi trên 200 triệu đồng từ trồng hoa lan Mokara.
Ông Thạnh chia sẻ thêm, loại lan Mokara này chỉ gửi trên đất, không đòi hỏi đất tốt xấu gì. Thời tiết nắng nóng cũng không ảnh hưởng, chỉ có điều, không chăm sóc kĩ là hay bị nấm bệnh. Trồng lan Mokara phải bón lót bằng lớp vỏ đậu phụng dày 25cm và đóng ống nhựa cao 1,2m theo từng luống. Ngoài ra, ông cũng áp dụng công nghệ tưới phun sương điều khiển bằng điện thoại di động và bón phân bằng bình xịt, qua đó điều chỉnh cây ra hoa chuẩn về màu sắc và độ đồng đều cao cũng như giảm được chi phí chăm sóc…
Theo ông Thạnh, thời gian qua chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp của TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ cho mô hình của ông rất nhiều, tuy nhiên việc trồng loại hoa lan này cần số vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn của gia đình còn khá hạn hẹp. “Vốn cần nhiều lắm, tôi cứ thực hiện mô hình theo dạng “cuốn chiếu”, thu được cái này lấy đập qua cái khác, chứ không có điều kiện đầu tư một lần. Bây giờ tôi chỉ mong có đủ vốn để lấy giống rồi mở rộng diện tích trồng hoa vì nhu cầu thị trường còn rất lớn” – ông Thạnh mong muốn.
Là một trong những người tiên phong đưa loài lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã miền núi Hòa Bắc, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thạnh được biết đến là những một nông dân giỏi, dám nghĩ, dám làm. Mô hình trồng hoa của ông Thạnh không những đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tô điểm cho Hòa Bắc ngày càng tươi đẹp, phát triển hơn…
Theo Danviet
Chơi loài hoa "quý tộc", Cao Bá Hạnh rinh bạc tỷ
Vườn lan Thuận Phát nằm trên thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định), là một "không gian lan" với muôn cánh hoa đang kiêu sa khoe sắc.
Biến đam mê thành nghề kinh doanh
Người khai sinh ra vườn lan Thuận Phát là ông Cao Bá Hạnh ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Năm nay 66 tuổi, ông Hạnh đã có gần 50 năm gắn bó với hoa lan. Ông "mê" lan từ hồi còn rất trẻ, xuất phát từ cái tính hay "chinh phục" của chàng thanh niên cá tính. Bởi, lan là loài hoa "nắng không ưa mưa không chịu", rất "đỏng đảnh" với thời tiết, nhưng nếu được chăm chút hết lòng thì nó sẽ ban tặng cho người chơi những đóa hoa vừa đẹp vừa kiêu sa.
Không gian ngập sắc hoa lan trong vườn Thuận Phát
Sau thời gian khoác áo bộ đội, ông về tham gia phong trào xây dựng HTXNN tại quê nhà và bắt đầu "gầy" lại niềm đam mê phong lan ông có từ thời trai trẻ. Ngày ấy, người chơi lan ở địa phương chủ yếu là mấy loại lan rừng. Năm 1995, thấy phong rào chơi lan rộ lên khắp nơi, thị trường hoa lan sôi động hẳn lên, ông Hạnh quyết định biến niềm đam mê của mình thành nghề kinh doanh, vậy là ông bắt đầu vào nghề trồng lan.
"Trong tỉnh thì có lan An Lão, lan Vĩnh Thạnh; ngoại tỉnh thì có lan Bờ Y (Kon Tum), lan Sông Hinh (Phú Yên), lan Đức Cơ (Gia Lai). Hồi ấy, người dân ở các huyện miền núi thường vào rừng khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng, trong đó có hoa lan, tôi đặt hàng và họ khai thác về bán cho mình. Khi nào có hàng, họ gọi điện thì mình lên chở về", ông Hạnh nhớ lại.
Nói về lan rừng, ông kể một thôi một hồi những cái tên nghe rất lạ. "Ngọc Điểm, Vân Hài, Dã Hoa, Thủy Tiên, Hoàng Thảo Ngũ Sắc, Long Tu... Đó là những loài lan người chơi rất ưa chuộng. Trong đó, lan Vân Hài là cực kỳ quý hiếm, và tôi đã sớm sở hữu đến 6 dòng lan này. Ai mua xô thì mình bán xổi với phương thức tính kg, số còn lại sau khi trồng mình bán hàng thuần với giá cao hơn", ông Hạnh kể thêm.
Khách hàng tìm đến vườn lan Thuận Phát mua hoa
Ngày ấy, thị trường tiêu thụ lan rừng của ông Hạnh trải đều khắp đất nước, nhưng mạnh hơn cả vẫn là ở các tỉnh phía Bắc. Nói về lan rừng, ông Hạnh là "thương hiệu mạnh" của miền Trung. Ngoài cơ sở lan ở huyện Tuy Phước (Bình Định), ông Hạnh còn một cơ sở khác rộng 700m2 tại Sài Gòn, ông giao cho 2 người con trai chăm sóc. Đến thời điểm này, ông Hạnh đã đầu tư chuyên sâu vào công nghệ cấy mô. Hai hậu duệ của ông Hạnh phụ trách cơ sở ở Sài Gòn chuyên thực hiện cấy mô, nhân giống các loại lan; đồng thời mở rộng kinh doanh nhập lan ngoại từ Thái Lan, Đài Loan về cung ứng cho phía Nam.
Cha truyền con nối
Người chơi trước tiên là phải biết thẩm thấu vẻ đẹp kiêu sa của lan, thứ đến là phải có tiền, bởi giá của loài hoa này khá đắt. Đến thời điểm lan nhập ngoại từ Thái Lan, Đài Loan về Việt Nam nườm nượp; thêm vào đó, nhiều giống lan được di thực, thuần dưỡng phù hợp với khí hậu Việt Nam nên giá lan cũng không còn quá đắt như trước đó, đến khi ấy người chơi lan ngày càng nhiều. Việc kinh doanh lan của ông Hạnh ngày càng ăn nên làm ra, đến lúc này các con trai của ông Hạnh cũng nhập cuộc.
Anh Cao Bá Hòa, con trai ông Hạnh, người từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị - maketing ở Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp ra làm việc đúng ngành một vài năm, sau đó về hẳn ở quê làm lan với cha, hiện giờ anh "cầm trịch" vườn lan Thuận Phát. "Lúc còn đang học đại học ở Sài Gòn, mỗi dịp nghỉ hè về quê tôi thường giúp cha trong công việc trồng lan. Làm riết quen việc. Ra trường vào năm 2007, tôi làm việc tại Sài Gòn được vài năm thì gặp lúc việc sản xuất, kinh doanh hoa lan của cha ở quê đang hưng thịnh, công việc bề bộn mà không có ai làm nên tôi quyết định nghỉ việc về quê giúp cha và "dính" luôn với loài hoa phong lan cho đến bây giờ", anh Hòa nhớ lại.
Hiện ở huyện Tuy Phước anh Hòa đang quản lý 2 cơ sở sản xuất và kinh doanh hoa lan. Riêng vườn lan Thuận Phát ở thôn Vinh Thạnh 1 (Phước Lộc) có diện tích 3.000m2 chuyên kinh doanh hoa lan và 1 xưởng chuyên nuôi cấy mô các loại hoa lan. Lan cấy mô được cung cấp cho những người chuyên bán lẻ hoặc những nhà vườn mua về để sản xuất. Tại xưởng nuôi cấy mô, Hòa đảm nhiệm những công đoạn then chốt như xử lý môi trường nuôi cấy, còn những việc phụ như tách cây thì thuê người làm.
Vườn lan Thuận Phát thường xuyên có mặt hàng trăm loài hoa lan
Cũng heo anh Hòa, hiện lan Dã Hạt, 1 loại lan rừng được người sành điệu ưa chuộng nhất, có giá từ vài ba trăm ngàn đến vài ba triệu 1 giò, những loài lan rừng khác hiện không còn được thị trường "ăn" mạnh như trước đây. "Lan rừng có nhược điểm là ra hoa chỉ năm bảy bữa là tàn, do đó người chơi không còn "hít" như thời gian trước đây, chỉ có vài loại như Ngọc Điểm, Dã Hạt, Trầm là những loài lan có mùi hương nên còn nhiều người thích. Trong khi đó các loài lan lai nhập ngoại hoa đã đẹp lại lâu tàn, nên hiện đang được thị trường ăn rất mạnh", anh Hòa phân tích.
Cách đây hơn 10 năm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT tỉnh Bình Định đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất hoa phong lan công nghệ cao để xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình" do Thạc sĩ Lê Thị Kim Đào làm Chủ nhiệm, với kinh phí đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Sau 2 năm thực hiện, đề tài này đã "cho ra lò" 2 loại lan Dendro và Hồ Điệp được sản xuất theo quy mô hộ gia đình phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đơn vị này đã nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm thành công khoảng 20 dòng hoa thuộc 2 loại hoa nói trên. Đây là các giống phong lan tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu tại Bình Định và được người tiêu dùng chấp nhận.
Dáng dấp cây phong lan chẳng có gì hấp dẫn, rất mộc mạc và nguyên sơ, thế nhưng lại sinh ra những đóa hoa đẹp đến ngây ngất lòng người. Bởi thế người chơi lan mới có câu: "Kiến giả thị bảo, bất kiến giả thị thảo", dịch ra là: "Biết thì là bảo vật, không biết thì chỉ là cỏ", quả không ngoa!
"Tại vườn lan Thuận Phát lúc cao điểm có đến vài ba trăm loài lan, thời điểm ít nhất cũng 100 loài, cung cấp cho thị trường trong Nam ngài Bắc, cả lên các tỉnh Tây Nguyên. Việc kinh doanh thì năm được năm không, năm được thì vườn lan doanh thu được bạc tỷ, năm không thì cũng được vài ba trăm triệu đồng. Cả anh em trong nhà lẫn nhân công thuê vào làm tại vườn lan Thuận Phát hiện có đến 12 người và không khi nào hết việc", anh Cao Bá Hòa nói.
Theo Vu Đinh Thung (NNVN)
[Video] Lại tai nạn giao thông ở Kim Thành-Hải Dương, ùn tắc gần 10km Tại Km 62 400, xã Lai Vu huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương lại xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ôtô bán tải và xe container gây ùn tắc trên quốc lộ 5 gần 10km. Clip Vnews Theo đó, vào thời gian trên, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1981, trú tại huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) điều khiển xe container...