Loài gà sẽ làm gì trong hậu truyện ‘Phi đội gà bay’?
“ Phi đội gà bay 2″ sẽ lên sóng trên dịch vụ xem phim trực tuyến. Nhà sản xuất mới đây đã tiết lộ các tình tiết chính trong tập phim mới.
Trailer Chicken Run
20 năm sau ngày ra mắt Phi đội gà bay (tên gốc: Chicken Run), Aardman Animation Studios đã xác nhận hãng đang hợp tác với Netflix để sản xuất phần hậu truyện. Hãng phim trực tuyến đồng thời nhận trách nhiệm phát hành bộ phim trên toàn thế giới, ngoại trừ thị trường Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra trong một sự kiện tọa đàm trực tuyến về ngành làm phim hoạt hình. Việc sản xuất phần hậu truyện Phi đội gà bay đã được đồn đại từ cách đây rất lâu, nhưng sự tham gia của Netflix vào quá trình sản xuất là thông tin mới xuất hiện.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc Studiocanal – hãng đầu tư, phân phối và buôn bán các bộ phim của Aardman kể từ Shaun the Sheep Movie năm 2015 – và Pathé – hãng phim rót vốn sản xuất phần phim đầu tiên – đã kết thúc thỏa thuận với Aardman.
Những năm đầu 2000, Phi đội gà bay là bộ phim hoạt hình stop-motion được yêu thích trên toàn thế giới.
Hai thập kỷ sau ngày ra mắt, Phi đội gà bay vẫn là bộ phim hoạt hình stop-motion có doanh thu cao nhất mọi thời đại, và nhận đề cử hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc tại Quả cầu vàng 2001.
Trong phần hậu truyện của Phi đội gà bay, bộ đôi nhà làm phim hoạt hình stop-motion Peter Lord ( The Pirates! Band of Misfits) và Nick Park ( Wallace & Gromit) sẽ nhường ghế đạo diễn lại cho Sam Fell – tác giả của hai phim hoạt hình Paranorman và Flushed Away.
“Chúng tôi đã trao đổi kỹ càng suốt nhiều năm và đưa ra rất nhiều cái tên, nhưng chưa có phương án nào ưng ý”, Peter Lord trả lời trong một video. “Đó vẫn luôn là trăn trở của chúng tôi”. Ông cũng kể lại việc tại xưởng hoạt hình Aardman, mọi người luôn đưa chủ đề hậu truyện của Phi đội gà bay ra trao đổi khoảng 3-4 năm một lần.
Giờ đây, nhà làm phim đã có thể yên tâm: “Chúng tôi đã có trong tay kịch bản hoàn hảo, và quan hệ làm ăn với Netflix diễn ra khá trôi chảy bởi họ xây dựng được một môi trường thân thiện với các nhà làm phim… Tôi cảm thấy giờ chúng tôi đã có thể làm phần hậu truyện Phi đội gà bay mà tất cả đều tâm huyết bấy lâu nay”.
Bộ phim thu về 224,8 triệu USD từ phòng vé toàn cầu với kinh phí 45 triệu USD.
Trong khi đó, Sam Fell chia sẻ về việc họ đã xây dựng kịch bản phim ra sao. Nhà làm phim cũng tiết lộ một vài tình tiết hấp dẫn trong kịch bản hậu truyện Phi đội gà bay. Phần phim sẽ tập trung vào Ginger. Cô giờ đang sống yên ấm tại thiên đường gà không dấu chân người.
Tại đây, cô con gái Molly của Ginger và Rocky đã chào đời. Molly lớn nhanh “như bất cứ đứa bé nào” – Fell nói – và bắt đầu khám phá hòn đảo nơi gia đình gà sinh sống.
Cùng lúc đó, những lời đồn đại bắt đầu lan ra toàn đảo về một mối đe dọa mới sắp ập tới. Điều này buộc Ginger phải tập hợp những người chị em năm xưa, đánh cược tự do của mình vì lợi ích của loài gà.
“Tôi dám khẳng định bộ phim sẽ vô cùng vui nhộn và giàu tính giải trí khi những cô gà bắt đầu thực hiện phi vụ hành động mới” – Fell hứa hẹn. Nhà làm phim cũng tiết lộ tất cả trang thiết bị, dụng cụ được các cô gà sử dụng cho phi vụ đột nhập và đánh cắp thú vị trong phim đều được lấy cảm hứng từ Mission: Impossible.
Việc ghi hình cho phim được lên kế hoạch khởi động vào năm 2021 với Lord, Carla Shelley và Karey Kirkpatrick của phần phim đầu tiên quay trở lại trong vai trò giám đốc sản xuất.
Disney và âm mưu 'nuốt chửng' xưởng hoạt hình số một Nhật Bản
Dù đội ngũ sáng tạo của Disney có ưu ái Hayao Miyazaki suốt hai thập kỷ qua, "nhà chuột" vẫn chưa bao giờ thâu tóm được Studio Ghibli.
Từ giữa thập niên 1990, các bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli đã bắt đầu được phát hành tại thị trường Mỹ thông qua Walt Disney Company, nhưng phần lớn đều không tạo được thành công vang dội.
Nguyên nhân của sự yếu kém này không nằm ở Studio Ghibli - đây là giai đoạn mà các tác phẩm mới của hãng đều nhận được sự đánh giá cao của giới phê bình cũng như khán giả. Vấn đề nằm ở chỗ, với tư cách là đơn vị đỡ đầu cho các tác phẩm của Ghibli tại Mỹ, "nhà chuột" chưa bao giờ đánh giá đúng mức sự đặc sắc trong các phim hoạt hình của Studio Ghibli.
Thương vụ đầu tiên và cây kiếm của Ghibli
Năm 1996, Walt Disney Company, khi ấy đang ở thời kỳ Phục hưng với tiềm lực kinh tế dồi dào và sức sáng tạo thăng hoa, đã có được sự ủy quyền của Ghibli để phát hành phim hoạt hình Princess Mononoke do Hayao Miyazaki đạo diễn tại thị trường Mỹ. Khi ấy, bộ phim đang là cái tên "gây bão" tại Nhật, và xưởng hoạt hình cũng đã sẵn sàng để tiến ra thế giới.
Rắc rối phát sinh khi Harvey Weinstein, nhà sản xuất của Walt Disney thời bấy giờ, cảm thấy Princess Mononoke cần được biên tập lại để phù hợp với thị hiếu khán giả phương Tây. Tại Mỹ, khán giả xem phim hoạt hình chủ yếu là các gia đình và những bộ phim kéo dài 2 tiếng thường không nằm trong ưu tiên của họ. Toshio Suzuki, nhà sản xuất của Hayao Miyazaki, đã hồi đáp yêu cầu của Weinstein bằng món quà đáp lễ là một cây kiếm Nhật cùng lời nhắn: "Không cắt".
Princess Mononoke là bộ phim đầu tiên của Ghibli "Mỹ tiến".
Hayao Miyazaki đã lập nên kỳ tích khi buộc Weinstein, vốn được mệnh danh là "Harvey Tay kéo", phải nhượng bộ và phát hành nguyên vẹn Princess Mononoke thông qua hãng Miramax. Sự kiện này cũng chứng tỏ sức mạnh của Toshio Suzuki và tầm ảnh hưởng của Ghibli trước ông lớn của ngành hoạt hình.
Princess Mononoke đã thoát lưỡi kéo kiểm duyệt trong lần phát hành đầu tiên tại Mỹ, nhưng phần lớn khán giả lại không có cơ hội thưởng thức bộ phim. Dù được giới phê bình tung hô nhiệt liệt, Princess Mononoke chỉ được phát hành giới hạn vào mùa thu năm 1999 và thu về 2,3 triệu USD từ tiền bán vé tại thị trường nội địa Mỹ.
Pixar và sự ngưỡng mộ dành cho Hayao Miyazaki
Thất bại của Princess Mononoke khiến các giám đốc điều hành Disney không còn mặn mà với Ghibli. Tuy nhiên, hãng phim đã may mắn tìm được John Lasseter của xưởng hoạt hình Pixar khi đưa Spirited Away "Mỹ tiến".
Theo Jim Hill Media, website nghiên cứu lịch sử Disney, Spirited Away được chiếu tại Mỹ lần đầu tiên trong xưởng phim Pixar. Lasseter đã lập tức phải lòng bộ phim, và đề nghị làm giám đốc sản xuất cho phiên bản phát hành tại Mỹ.
Với Spirited Away, lãnh đạo của Pixar đã mời Kirk Wise - đồng đạo diễn của Beauty and the Beast, bộ phim đã mang về cho Disney hai giải Oscar vào năm 1992 - chỉ đạo việc chuyển ngữ. Tại Nhật, thành công của Spirited Away là không thể bàn cãi: gần 20 năm sau ngày ra mắt, đây vẫn là bộ phim có doanh thu nội địa cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên tại Mỹ, dù có được sự hậu thuẫn của Pixar, Spirited Away vẫn phải chật vật để bứt phá.
Dù Lasseter và Wise đã nỗ lực hết mình phía sau hậu trường, phần còn lại của đế chế Disney lại khá chiếu lệ trong việc quảng bá Spirited Away. Disney không đưa thông tin về phim lên website chính thức của họ, đồng nghĩa với việc khiến bộ phim trở nên "vô hình" trong mắt số đông khán giả.
Princess Mononoke và Spirited Away đã tạo ra một công thức chung cho các phim của Studio Ghibli phát hành tại Mỹ: sau khi được giới phê bình tung hô hết lời, phim biến mất không dấu vết tại rạp chiếu nội địa. Spirited Away chỉ thu về 10 triệu USD tại Mỹ khi ra mắt tại một số cụm rạp vào mùa thu 2002 và 2003 dù tác phẩm từng giành được Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc.
Khó khăn trong việc tiếp cận khán giả
Sau Spirited Away, ba bộ phim tiếp theo của Hayao Miyazaki đều được phát hành tại thị trường nội địa Mỹ thông qua Walt Disney Company. Tuy nhiên, do đã quen với kiểu hoạt hình của Disney, phần lớn khán giả Mỹ gặp khó khăn trong việc thưởng thức các phim hoạt hình của Ghibli.
Howl's Moving Castle được phát hành tại Mỹ thông qua Pixar, dưới bàn tay chỉ đạo của Pete Docter (nhà làm phim đứng sau thành công của Up và Inside Out). Với sự ảnh hưởng của Disney, Docter đã quy tụ được một dàn diễn viên gồm Christian Bale, Lauren Bacall và Billy Crystall để thực hiện phần lồng tiếng cho phim.
Nhưng Howl's Moving Castle, bộ phim hoạt hình mang nặng tư tưởng phản chiến kể về cuộc phiêu lưu của cô thiếu nữ tên Sophie bị trúng lời nguyền biến thành bà lão và chàng pháp sư Howl lại chỉ thu về chưa đầy 5 triệu USD khi phát hành tại Mỹ ngay giữa mùa phim hè.
Ponyo là phim hoạt hình Ghibli có doanh thu cao nhất khi phát hành tại Mỹ.
Phim tiếp theo của Hayao Miyazaki, Ponyo on the Cliff, đã được đổi tên thành Ponyo khi phát hành tại Mỹ trong một chiến dịch được truyền thông rầm rộ. Dàn diễn viên lồng tiếng gồm những cái tên như Tina Fey, Matt Damon và Liam Neeson chính là bảo chứng cho thành công của phim. Thêm vào đó, cô bé Ponyo cũng gợi nhắc ít nhiều tới nàng tiên cá Ariel trong phim hoạt hình Disney.
Tales from Earthsea của Ghibli là bộ phim hoạt hình đầu tiên do Walt Disney Pictures phát hành được dán nhãn PG-13. Phim chỉ được phát hành tại 5 rạp chiếu, trong khoảng thời gian vắng khách của mùa phim hè 2010 và thu về chưa đến 50.000 USD. The Secret World of Arrietty thu về 19 triệu USD tại thị trường nội địa Mỹ, và trở thành bộ phim thành công nhất của Ghibli tại quốc gia này.
The Wind Rises, bộ phim mới nhất của Hayao Miyazaki, cũng được gắn nhãn PG-13 khi phát hành tại Mỹ. Với độ dài hơn 120 phút và nội dung khó tiếp cận nhóm khán giả trẻ em, phim đã ở vào thế khó ngay từ trước khi ra rạp. The Wind Rises được Disney phát hành thông qua Touchstone Pictures và thu về hơn 5 triệu USD sau khi trình chiếu tại 496 cụm rạp nội địa Mỹ.
Disney và âm mưu "nuốt chửng" Ghibli
Dù doanh thu không khả quan, nhưng The Wind Rises vẫn được nhiều nhà phê bình điện ảnh tung hô nhiệt liệt. Tiểu sử không phải một lựa chọn dễ dàng với thể loại hoạt hình. Nhưng câu chuyện về sự tàn phá của chiến tranh được thể hiện qua con mắt của chính người tiếp tay cho nó càng trở nên thấm thía khi được thể hiện bằng những khung hình vẽ tay mang lại cảm giác hoài niệm.
Trong nhiều thập kỷ, Ghibli đã phản đối việc phát hành các tác phẩm của mình dưới định dạng tập tin kỹ thuật số. Chính Disney cũng đã thất bại khi cố thuyết phục xưởng phim hoạt hình Nhật chấp thuận cho "nhà chuột" phát hành tác phẩm của họ trên nền tảng truyền hình trực tuyến.
The Wind Rises là cái tên tiếp theo của Ghibli được lòng giới phê bình.
Đề nghị này được Disney đưa ra trước khi thỏa thuận hợp tác giữa hai bên hết hiệu lực. Sự vắng bóng những bộ phim của Ghibli trên nền tảng Disney chính là bằng chứng rõ nhất cho thấy, Studio Ghibli chưa bao giờ thuộc về, hay chịu sự chi phối của Walt Disney Company.
Nhưng vào năm 2019, Studio Ghibli đã thay đổi chính sách, và lần đầu tiên cho phép các hãng kinh doanh dịch vụ truyền hình trực tuyến đăng tải tác phẩm của họ. Đầu năm 2020, chùm phim hoạt hình của Ghibli đã lên sóng Netflix tại các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Khán giả tại Mỹ sẽ được xem các phim hoạt hình của Ghibli thông qua dịch vụ truyền hình trực tuyến khi HBO Max chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 5.
Trong hơn 30 năm, thông qua rất nhiều thương vụ mua lại, Disney đang cố gắng thâu tóm các thương hiệu điện ảnh ăn khách, cũng như những sản phẩm giải trí có giá trị. Nhưng dù đội ngũ sáng tạo của "nhà chuột" có ưu ái Hayao Miyazaki tới mức nào, Disney cũng chưa bao giờ thâu tóm được Studio Ghibli.
'Missing Link': Có gì trong tác phẩm hoạt hình vừa vượt qua loạt bom tấn tỷ đô của Disney để ẵm Quả Cầu Vàng 2020? Chiến thắng của Missing Link trước ba đối thủ sừng sỏ đến từ Disney là một trong những điều bất ngờ và ấn tượng nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm nay. Lấy bối cảnh tại nước Anh vào thế kỷ 19, Missing Link kể về chuyến phiêu lưu của nhà thám hiểm Lionel Frost cùng sinh vật cổ đại trong...