Loài đỉa nắm giữ ‘chìa khóa’ ngăn bùng phát virus corona tương lai
Một phương pháp mới dùng để giám sát các loài động vật hoang dã có thể thành công cụ hữu hiệu phòng các dịch bệnh tương lai – bắt đầu bằng việc mổ con đỉa ra lấy máu.
Dùng công nghệ sinh học mới nhất, nhóm của Giáo sư Douglas Yu của Đại học East Anglia, ở Norwich, Anh, có thể lấy máu mà con đỉa hút vào dạ dày, tách các mã di truyền ADN, rồi xác định xem con đỉa đó đã hút máu những con vật nào.
Sau 5 năm và 30.000 con đỉa, nhóm nghiên cứu hy vọng ứng dụng được công nghệ tương tự như trên để góp phần phòng các dịch bệnh trong tương lai. Chẳng hạn, một mẫu nước thải từ chợ bán đồ tươi sống có thể được phân tích, xem có hay không bằng chứng tiêu thụ hay buôn bán động vật hoang dã – đang được coi là nguyên nhân gây dịch virus corona hiện tại.
Động vật hoang dã – mầm mống các dịch bệnh
Động vật hoang dã mang nhiều chủng virus có thể “nhảy” sang các loài khác, bao gồm con người, nhờ vào khả năng thay đổi gene di truyền của virus. Chẳng hạn, dịch SARS bùng phát được cho là do virus “nhảy” từ dơi sang con cầy hương rồi sang người.
Giáo sư Douglas Yu dẫn đầu nhóm nghiên cứu tách ADN động vật từ máu trong dạ dày đỉa. Ảnh: South China Morning Post.
Virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV) bị nghi lây từ tinh tinh sang người trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20.
Nguồn gốc của dịch virus corona chủng mới (nay có tên gọi Covid-19) là chưa rõ, nhưng tê tê, loài vật hoang dã được buôn bán nhiều nhất thế giới, được cho là một vật chủ trung gian. Các nhà khoa học đặt giả thuyết virus có thể đã nhảy từ dơi sang tê tê trước khi sang người.
“Động vật hoang dã nguy hiểm. Săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ chúng rất nguy hiểm”, giáo sư Yu cho biết. Ông cũng dẫn đầu công tác điều tra tại Viện Động vật học Côn Minh ở Vân Nam, Trung Quốc.
Chuyên ngành của ông là sinh thái, nghiên cứu về sự tương tác giữa sinh vật và môi trường. Theo South China Morning Post, ông là người đi đầu trong việc ứng dụng “e-DNA” hay “environmental DNA” (tạm dịch: ADN môi trường) vào nghiên cứu sinh thái. “ADN môi trường” có thể coi là tập hợp tất cả những mảnh ADN nhỏ mà các loài khác nhau để lại trong môi trường sống, hay còn được giới khoa học gọi là “bát súp ADN”.
Video đang HOT
Nhờ khái niệm “ADN môi trường”, sự có mặt của các loài vật có thể được phát hiện nhờ mẫu đất, nước, hay mẫu máu trong dạ dày loài đỉa.
Phát hiện động vật hoang dã nhờ đỉa
Trước nay, việc khảo sát các loài trong một hệ sinh thái, như một khu rừng, là việc không hề đơn giản. Có thể dùng “bẫy camera”, nhưng camera không quay được các loài nhỏ. Đi vào rừng khảo sát thì mất thời gian và đòi hỏi nhiều người.
“Động vật không muốn con người thấy”, ông Yu nói.
Nhóm nghiên cứu chọn dùng con đỉa, vì đây là loài có ở mọi nơi, hút nhiều máu của mọi loài, và không “kén ăn”. Đối với chúng, máu của ếch hay máu của gấu đều “ngon” như nhau. Chúng có số lượng lớn – tới mùa hè, khách tới thăm các cánh rừng ở Vân Nam kinh hãi vì cứ vài phút lại phải gạt đi các con đỉa bám vào giày.
Dự án khảo sát rừng thông qua dạ dày đỉa của nhóm ông Yu bắt đầu từ năm 2015, tại Khu Bảo tồn Ailao Shan cách Côn Minh 170 km về phía nam. Có diện tích ngang với Singapore, đây là nơi có thiên nhiên phong phú bậc nhất Trung Quốc, nhưng chưa được khảo sát đầy đủ. Hiện tượng săn bắt trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra.
Khu Bảo tồn Ailao Shan cách có thiên nhiên phong phú bậc nhất Trung Quốc. Ảnh: WildChina.
Nhóm nghiên cứu thuê kiểm lâm thu thập đỉa trong các chuyến đi tuần tra, và các nhóm kiểm lâm bao phủ được toàn bộ diện tích rừng.
Nhóm của giáo sư Yu sau đó tách ADN từ dạ dày đỉa, rồi dùng phần mềm thống kê tinh vi để so sánh các mã ADN khác nhau với mã ADN của cơ sở dữ liệu sẵn có, tương tự cách mà phần mềm nhận dạng khuôn mặt so sánh một người nghi vấn với hàng triệu khuôn mặt đã biết, theo South China Morning Post.
Nhờ những con đỉa, nhóm nghiên cứu tìm ra ADN của nhiều loài, như gấu đen châu Á, hươu Sambar… Danh sách bao gồm cả các động vật sắp tuyệt chủng.
Kết quả này gần giống với thực tế. “Đúng những loài đó được tìm thấy ở đúng nơi trong thực tế”, phù hợp với hồ sơ về những lần bắt gặp các loài vật trong khu bảo tồn, ông Yu nói. “Có thể tin được những con đỉa”.
Dạ dày đỉa chứa mã di truyền ADN của những loài nó đã hút máu. Ảnh: Reuters.
Giúp trấn áp các chợ bán thú hoang dã
Giờ đây, thành quả của Giáo sư Douglas Yu bỗng nhiên có thể góp phần quan trọng trong việc phòng dịch bệnh.
“Chúng tôi không biết dịch virus corona sẽ bùng phát”, ông nói. “Giờ đây chính phủ cho biết có thể sẽ cấm hoàn toàn các chợ bán động vật hoang dã và trấn áp nạn buôn bán các loài này”.
Việc thực thi lệnh cấm đòi hỏi khả năng giám sát chặt chẽ. Công nghệ phân tích ADN từ máu trong dạ dày đỉa có thể được áp dụng để phân tích mẫu nước thải từ chợ, xem có xuất hiện động vật hoang dã trong chợ không. Ông Yu nói nhóm của ông “đã sẵn sàng cho việc đó”.
Việc phân tích cũng giúp đánh giá sự hiệu quả, chuyển biến từ lệnh cấm, so sánh lượng mã ADN động vật hoang dã trước và sau khi trấn áp.
Ông cũng cho rằng chi phí vài trăm nghìn nhân dân tệ (6,98 tệ = 1 USD) mỗi đợt khảo sát là cái giá phải chăng.
Chợ hải sản Hoa Nam, được cho là nơi khởi nguồn dịch bệnh, bị đóng cửa. Ảnh: AFP.
Vị giáo sư sinh ra ở Mỹ cũng đưa ra đánh giá về nguy cơ từ buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều nước trong khu vực.
“Chỉ một tỷ lệ nhỏ người Trung Quốc ăn thú hoang dã, nhưng vì là Trung Quốc, một tỷ lệ nhỏ cũng là rất nhiều người. Những người tiêu thụ động vật hoang dã đang ‘trả lương’ cho cả đường dây cung ứng từ thợ săn, vận chuyển, người bán – tất cả đang tiếp xúc với mầm bệnh, virus – và nguy cơ đó đã bùng phát thành dịch virus corona năm nay”, ông nói với South China Morning Post.
Theo news.zing.vn
Nhóm điều tra virus corona của WHO đến Trung Quốc
Nhóm nghiên cứu quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về điều tra bùng phát virus corona chủng mới đã đến Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết hôm thứ Hai.
Trung Quốc tuyên bố bắt đầu kiểm soát được virus corona.
"Theo thông tin của tôi, nhóm điều tra của WHO và Trung Quốc về bùng phát viêm phổi do virus corona chủng mới đã đến Bắc Kinh và đã bắt đầu làm việc. Nhóm này cũng bao gồm các chuyên gia Mỹ, họ sẽ tiến hành kiểm tra tại Bắc Kinh, cũng như ở các tỉnh Quảng Đông và Tứ Xuyên", ông Geng Shuang nói trong cuộc họp ngắn.
Thứ Sáu tuần trước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhan Ghebreyesus nói rằng nhóm quốc tế của WHO sẽ bao gồm 24 chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài. Trước đó, một nhóm chuyên gia tiên phong của WHO do Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward dẫn đầu đã đến Trung Quốc.
Vào cuối tháng 12, nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo về một đợt bùng phát bệnh viêm phổi không rõ nguồn gốc ở Vũ Hán. Trước đó, các chuyên gia đã sơ bộ xác định rằng tác nhân gây bệnh là một loại virus corona chủng mới (Covid-19).
Virus đã lây lan ra bên ngoài Trung Quốc, các ca nhiễm bệnh được báo cáo ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan, ở Singapore, Hồng Kông và Úc cũng có những trường hợp nghi nhiễm virus corona. Chính quyền Trung Quốc đã chính thức xác nhận rằng virus này được truyền từ người sang người.
Ngày 16.2, Ủy ban Y Tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, nước này đã bắt đầu kiểm soát được tình trạng lây lan của virus corona.
Theo danviet.vn
Không loại trừ các ca nhiễm corona 'siêu lây lan' và ủ bệnh trong 24 ngày Nghiên cứu mới đây của Trung Quốc về virus corona cho thấy không loại trừ các ca "siêu lây lan" và thời gian ủ bệnh có thể kéo dài 24 ngày. Theo kết quả nghiên cứu "Các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra tại Trung Quốc năm 2019" do Viện sỹ Chung Nam...