Loại bỏ định kiến, tăng quyền tiếp cận đất đai cho phụ nữ
Phụ nữ đóng góp sức lực ngang bằng nam giới trong gia đình, nhưng nhiều chị lại đang chịu phận “thấp cổ, bé họng” vì không cùng sở hữu tài sản với chồng, không được chia tài sản thừa kế. TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đã chia sẻ về nghịch lý này.
Phụ nữ bị trói buộc bởi khái niệm “của chồng, công vợ”
Theo bà, hiện phụ nữ đang chịu thiệt thòi gì trong việc sở hữu những tài sản lớn như đất đai, nhà cửa?
TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS)
Quan niệm “của chồng, công vợ” trong bối cảnh quy định về sổ đỏ hai tên không được tuân thủ nghiêm túc có thể đã “vô hình hoá” quyền tài sản của người phụ nữ. Tôi rất tiếc nhiều chị em phụ nữ còn bị “ru ngủ” bởi quan niệm đó”. TS.Khuất Thu Hồng
- Trước khi có Luật Đất đai năm 2003, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp dưới tên “chủ hộ gia đình”. Do vậy, nam giới được hưởng lợi hơn từ quy định này. Theo điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004, có tới 66% đất đai được đăng ký quyền sử dụng dưới tên của chủ hộ là nam, 19% chủ hộ là nữ và chỉ có 15% là có tên cả vợ và chồng. Hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả tên vợ và tên chồng nếu đó là tài sản có trong hôn nhân nhưng quy định này ít được tuân thủ.
Video đang HOT
Nghiên cứu của ISDS ở một số địa phương cho thấy nam giới thường là người sở hữu đất đai và các tài sản lớn. Ví dụ, ở Hưng Yên, tỷ lệ nam giới sở hữu đất là 62%, ở Long An là 72%. Tại hai xã thuộc địa bàn dự án ở Hưng Yên, tỷ lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả hai vợ chồng chỉ chiếm 35%, trong khi ở hai xã dự án của tỉnh Long An, tỷ lệ này chỉ là 1% vào thời điểm khảo sát năm 2014.
Hiện trạng này không chỉ xảy ra ở hai tỉnh nói trên. Trong một nghiên cứu với cỡ mẫu đại diện quốc gia do ISDS thực hiện và công bố năm 2016, chỉ có 20% phụ nữ là người sở hữu duy nhất nhà hoặc đất thổ cư.
Nghiên cứu của nhiều tổ chức khác cũng đưa ra các số liệu tương tự. Một khảo sát được thực hiện trong năm 2012, với 1.250 người tham gia phỏng vấn cho thấy, có 45% các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở chỉ có tên chồng, trong khi chỉ 22% là có cả tên vợ và chồng, 19% có vợ đứng tên một mình.
Người ta thường nói “của chồng, công vợ”, phụ nữ không đứng tên tài sản nhưng vẫn là của gia đình. Theo chị, quan niệm này có khiến phụ nữ đối diện với nhiều hạn chế?
- Thực tế, những tài sản có giá trị như đất đai, nhà cửa và các tài sản có giá trị khác phải đăng ký sở hữu thường mang tên người chồng, mặc dù đều do công sức của hai vợ chồng làm ra. Nhiều phụ nữ không biết những quy định pháp lý về quyền sở hữu bình đẳng của mình đối với những tài sản đó. Tuy nhiên, ngay cả những người biết về các quy định pháp lý, nhưng lại bị trói buộc bởi quan niệm “của chồng, công vợ” nên không chủ động bảo vệ quyền của mình. Điều này có thể khiến người phụ nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.
Trong cuộc sống hàng ngày, người phụ nữ có thể bị “lép vế” trong việc tham gia vào các quyết định lớn trong gia đình như mua bán đất đai, xây sửa nhà cửa, mua sắm đồ dùng có giá trị. Trong nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn, vì chỉ có người chồng đứng tên trên sổ đỏ nên đã xảy ra tình trạng anh ta thế chấp sổ đỏ để vay mượn cho các mục đích cá nhân, đến khi vỡ nợ thì vợ con lại phải “è cổ” trả nợ. Cũng có nhiều trường hợp, khi người phụ nữ muốn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình thì chồng không đồng ý. Bạo lực gia đình cũng xảy ra vì những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề này.
Đặc biệt, trong trường hợp ly hôn, phụ nữ không có tên trên sổ đỏ thường khó đòi hỏi được phần tài sản của mình. Những phụ nữ ly hôn hoặc góa chồng mà chưa có con, hoặc không có con trai, thường bị thiệt thòi. Họ có thể phải ra đi với hai bàn tay trắng, cho dù họ đã lao động và đóng góp cho gia đình nhà chồng. Không ít trường hợp người phụ nữ là người mang lại thu nhập chính để mua tài sản đó, nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận thua thiệt.
Nhiều định kiến còn… rất phổ biến
Người phụ nữ sẽ có cơ hội nhiều hơn để phát huy năng lực của mình trong sản xuất. Ảnh: L.H.T
Thưa bà, những định kiến nào đang ngăn cản phụ nữ tiếp cận với quyền đất đai?
- Nhiều định kiến và khuôn mẫu truyền thống đang ngăn cản phụ nữ tiếp cận với quyền đất đai. Ví dụ, tâm thức trọng nam khinh nữ, quan niệm “con gái là con người ta” cũng như các phong tục quy định chỉ có con trai mới có thể thờ cúng tổ tiên, con gái lấy chồng phải theo chồng, … vẫn còn đang rất phổ biến ở Việt Nam. Cha mẹ đẻ không chia nhà đất cho con gái nên người phụ nữ bước vào nhà chồng thường với hai bàn tay trắng, trở thành thành viên “hạng hai”, ý kiến của họ không được lắng nghe.
Những định kiến này khiến nhiều gia đình không bênh vực quyền lợi của phụ nữ mà thường đòi hỏi phụ nữ phải hy sinh và nhường nhịn.
Sự thiếu hiểu biết về luật pháp cũng là một rào cản đáng kể. Chính quyền địa phương cho dù rất mong muốn nhưng không đủ nhân lực để giải thích tuyên truyền đầy đủ cho mọi người dân. Cũng còn có trường hợp bản thân cán bộ chính quyền vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các quan niệm cũ.
Hiện ISDS có các giải pháp nào để tăng cường quyền tiếp cận đất đai cho phụ nữ?
- ISDS và Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ quốc tế (ICRW) với tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang triển khai Dự án “Tăng cường tiếp cận quyền đất đai cho phụ nữ Việt Nam” ở hai tỉnh Hưng Yên và Long An. Các hoạt động của dự án tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân và các thể chế liên quan về quyền đất đai của phụ nữ trong khuôn khổ luật pháp hiện hành; hỗ trợ tăng cường năng lực của phụ nữ để tiếp cận quyền đất đai…
Ngoài ra, dự án còn thu thập bằng chứng về các rào cản liên quan đến giới đối với việc thực hiện quyền đất đai ở nông thôn. Những hoạt động này được thực hiện bởi đội ngũ tình nguyện viên được lựa chọn từ chính cộng đồng. Hiện nay, dự án đã đào tạo được 62 tình nguyện viên làm việc tại 4 xã thuộc huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) và Cần Đước (Long An). Sắp tới sẽ có 48 tình nguyện viên mới được lựa chọn 4 xã mới thuộc 2 huyện Phù Cừ (Hưng Yên) và Tân Thạnh (Long An).
Các tình nguyện viên gặp riêng hoặc đến từng gia đình để tư vấn cho bà con ở địa phương về các quy định pháp lý liên quan đến đất đai và bình đẳng giới, hướng dẫn cho bà con các thủ tục làm sổ đỏ hoặc hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến đất đai. Trong giai đoạn 1 của dự án, các tình nguyện viên đã tư vấn cho hơn 8.000 trường hợp có nhu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai như xin cấp sổ đỏ, điều chỉnh thông tin trên sổ đỏ, chia đất cho con cái, làm di chúc.
Theo bà những tác động xã hội khi phụ nữ có quyền đất đai ngang bằng với nam giới là gì?
- Đất đai, nhà cửa đảm bảo sinh kế và nơi ăn chốn ở cho con người. Quyền bình đẳng về tài sản là nền tảng căn bản của bình đẳng giới. Khi người phụ nữ có tài sản thì họ sẽ tự tin hơn, chủ động hơn trong bảo về các quyền chính đáng khác của mình cả trong gia đình và xã hội.
Người phụ nữ sẽ có cơ hội nhiều hơn để phát huy năng lực của mình trong sản xuất, tham gia đời sống chính trị-xã hội. Tiếng nói của họ trong các quyết định quan trọng ở mọi cấp độ từ gia đình đến cộng đồng và quốc gia sẽ có trọng lượng như tiếng nói của nam giới. Khi đó gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ có được sự đóng góp nhiều hơn.
Xin cảm ơn bà!
Theo Danviet