Loa kèn dáng lạ của dân chơi âm thanh Hà Nội
Kết hợp gỗ và mica, một người thợ ở Hà Nội đã tạo ra mẫu loa kèn mô phỏng theo đường cong vành tai người, thiết kế mới lạ nhưng vẫn chú trọng vào chất âm.
Chủ nhân của cặp loa kèn có thiết kế độc đáo này là anh Trương Vĩnh Khang, một người chơi âm thanh tại Vĩnh Tuy, Hà Nội. Chia sẻ về cảm hứng thiết kế sản phẩm, anh Khang cho biết loa tạo nên dựa trên kiến thức âm học về loa toàn dải, các tính toán đường tiếng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. “Để độc lập, loa có dạng vành tai người nhưng khi ghép đôi sẽ là hình trái tim”, anh Khang chia sẻ.
Củ loa toàn dải được chọn là mẫu RFT L2302 đường kính 14 cm có xuất xứ tại Đức. Theo anh, củ loa này có kích thước nhỏ nhưng đem lại hiệu quả âm thanh khá nhờ độ nhạy 99 dB, dải tần từ 75 đến 16.000 Hz. Với xu hướng hiện đại và đòi hỏi khắt khe hơn của người chơi âm thanh, củ loa cần đóng thùng để nâng cao trải nghiệm đặc biệt là dải trầm.
Bản vẽ thùng loa được dựng trên máy tính bằng các phần mềm đồ họa sau đó giả lập âm thanh để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Do dáng cong phức tạp nên việc thi công cần đến sự trợ giúp từ máy tiện CNC cho độ chính xác cao.
Video đang HOT
Vật liệu làm thùng loa dùng gỗ MDF và gỗ Veneer để hoàn thiện, hai bên thành loa dùng Mica độ dày 10 mm. Các bước chỉn chu, lắp ráp và tạo thẩm mỹ cho sản phẩm được thực hiện thủ công.
Anh Khang cho biết cấu trúc kèn gồm hai phần: bộ phận đón âm phía sau củ loa và phần giao động cộng hưởng. Dải trầm của củ loa chưa tốt nhưng khi đi qua đường tiếng sẽ được cải thiện giúp bass sâu hơn. Tuy vậy cũng không vì thế mà “tham” khiến các dải mid hay treble bị lấn át.
Đường khí được tính toán trên lý thuyết, phần mềm mô phỏng và kinh nghiệm song khi ra sản phẩm vẫn phải chỉnh sửa nhiều, anh Khang nói. Từ thiết kế, độ rộng đến độ mở miệng loa đều được thử nghiệm, gọt giũa nhằm cải tiến chất lượng âm thanh. “Loa kèn hay nhưng dễ khiến các âm bị dính vào nhau, trễ tiếng”, đây là điểm anh Khang cho rằng mất nhiều thời gian, công sức để đưa ra mẫu loa ưng ý.
Mẫu loa kèn dáng lạ được thiết kế hướng đến người nghe thích sự mộc mạc có phần cổ điển. Sản phẩm phù hợp với các thể loại nhạc đồng quê, vocal, jazz, blue… các bài hát có tiết tấu vừa phải, không nhiều tiếng trầm. Trong khi đó với các thể loại nhạc hiện đại, người nghe đòi hỏi âm thanh sôi động với tiếng bass xuống sâu, tiết tấu nhanh sẽ khó tìm thấy sự hài lòng. Đối tác phù hợp cho loa kèn là nguồn phát analog, ampli bóng đèn công suất chỉ vài ba Watt.
Theo VNE
Loa Acapella - Vua của các loại loa kèn
Loa Acapella được dân sành điệu (ít nhất là ở Đức) coi là vua của kèn hiện nay. Giá Acapella loại nhỏ nhất cũng khoảng 15.000Euro trở đi.
Hôm trước chúng tôi được nghe 2 đôi là Violin MK III (24.000Euro) và Campanelle (40.000Euro) tại một cửa hàng High End hạng nhất ở Berlin trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, thử hơn chục CD đủ loại. Amli và CD-Player là của Electroniet (mỗi thớt khoảng 3500Euro- chỉ là hạng trung) và của Phonosophy (hạng còn rẻ hơn). Để được nghe như vậy, chúng tôi đã phải hẹn trước 1 ngày, và mang theo tổng cộng 2 LPs và 4 CDs để thử.
Chúng tôi được ngồi hẳn trong một phòng thử riêng, dưới tầng hầm, rộng chỉ khoảng 20m vuông, khá vuông vắn- được cách âm tất nhiên là rất chuyên nghiệp. Đầu tiên, anh chủ cửa hàng bật cái Violin MK III, chơi một đĩa Vocal/Blue. Tiếng loa vừa cất lên một cái, chúng tôi đã gần như choáng váng. Dù là tiếng kèn, như con Violin MKIII này có âm thanh rất mềm và đẹp, dễ chịu- không hề bị gắt hay hơi chói như vài loa kèn rẻ tiền em đã nghe.
Tiếng cô ca sĩ (dù không biết là ai) rất rõ, âm hình hơi lồi về phía trước và khá tập trung- mọi âm thanh guitar điện đều rõ và rất thật. Chỉ khoảng 1 phút đồng hồ với đĩa nhạc này, chúng tôi đã có cảm giác đây quả thật là một loại loa kinh hoàng. Cũng có thể là do lâu nay không đi nghe loa giàn, nhưng sau 1 phút, chúng tôi không thể tìm nổi bất cứ điểm yếu nào của đôi loa này. Tôi phải buột miệng thốt lên với anh chủ cửa hàng: "super".
Bắt đầu với kế hoạch bới lông tìm vết, nhằm thử khả năng chơi tổng hợp, độ phức hợp (complex) của loa, tôi đưa cho anh chủ cửa hàng cái đĩa giao hưởng số 5 của Mahler- bản thu của EMI năm 1970 với Barbirolli là chỉ huy (đĩa Greatests recordings of the century). Tiếng kèn cất lên- miễn bàn, tiếng Contrabass cất lên, miễn chê, tiếng bè violin cất lên, miễn chê. Thậm chí cả âm hình phát ra từ loa cũng cho cảm giác đúng là mình đang nghe live, ngồi rất gần giàn nhạc.
Độ complex của bản nhạc được tái hiện gần như hoàn hảo. Tất nhiên ít nhiều tôi cũng nhận ra là vì loa này vẫn là loa nhiều đường tiếng- nên vị trí nguồn âm của nó phát ra nghe không tự nhiên hoàn toàn như loa toàn giải. Tức là có một chút cảm giác giàn nhạc ngồi hơi sai vị trí. Nhưng nếu không cố bới lông tìm vết, có lẽ tôi cũng không thể nhận ra được điều đó rõ ràng.
Đĩa thứ 3, nhằm thử độ thật của âm thanh- tôi nghe thử Sarah Chang và Voigt chơi Sonata của Franck- vì em mới nghe Sarah Chang trực tiếp 2 lần trong vòng nửa năm nay- nên vẫn còn nhớ khá rõ tiếng đàn của cô ấy. Tôi đề nghị anh chủ bật luôn chương 4- với cái giai điệu rất hay da diết nồng nàn rất hợp với Sarah ấy- để nghe cho rõ. Tiếng đàn cất lên, rất mượt mà, đúng chất Sarah Chang.
Tiếng piano của Voigt cũng đẹp, và rất thật. Tôi ngồi mất khoảng vài chục giây, căng tai mới nhận ra quả thật tiếng violin hơi bị pha một chút. Tôi phải tự hỏi mình liệu có phải do bản thân tiếng violin thật khi mà mình nghe sát tai thì sẽ ra như vậy không. Tôi hình dung lại tiếng violin khi tự chơi thì như thế nào và công nhận rằng bộ kèn hơi biến dạng tiếng violin đi một chút. Nhưng cực kỳ ít, ít đến khó nhận ra. Và ngạc nhiên nhất là- khi Sarah kéo dây E cao, càng lên các nốt cao hơn thì tiếng kèn dường như càng làm cho nó lấp lánh, mềm mại long lanh hơn cả tiếng violin thật một chút. Một hiện tượng thực sự bất ngờ.
Ai biest chơi violin chắc cũng biết kéo dây E lên các nốt trên cao tiếng thường rất khó chịu và bị ma sát kêu hơi sàn sạt nếu kéo hơi chậm. Cái loa Violin MKIII này làm cho bản thân các nốt ấy trở nên sạch và trong hơn tí chút. Tôi nói ngay với anh chủ cửa hàng về hiện tượng đó. Cũng có thể còn là do kỹ thuật thu CD digital- làm cho các tạp âm phụ của violin biến mất- chỉ còn các chủ âm và rất ít tạp âm phụ nên nghe tiếng violin qua Acapelle mới bị sạch và trong hơn một chút như vậy. Nói gì thì nói, giống được tới mức ấy với loa kèn quả là một chuyện khó tin.
Anh chủ giải thích thêm tại sao Acapella có thể tái tạo âm thanh tốt như vậy cho chúng tôi- là vì củ loa trung của Acapelle được chế tạo hình tròn- nên nó chỉ nhờ miệng kèn tỏa âm thanh ra, chứ không phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của kèn. Vì thế âm thanh tỏa ra rất linear- không bị bóp méo. Bản thân cái kèn cũng được tính toán tới độ chính xác nhiều số sau dấu phẩy- một việc hiện nay các kèn Đức khác không làm được.
Anh cũng nói luôn là kèn của Avantgarde cũng bắt chước làm củ tròn, nhưng không làm kèn đủ chính xác- nên nghe rất khó chịu- chỉ to và gắt, pha tiếng. Còn loa cao của Acapella là loa tweeter mạ vàng- hiện được coi là tweeter có tốc độ cao kỷ lục thế giới- riêng tweeter này giá thô đã khoảng 3000Euro một khối, có tube driver riêng, nặng khoảng 15kg.
Tiếp theo tôi nghe thử với đĩa Accado chơi bản violin "Il Cannone" của Paganini để thử độ thật cho chắc, vì bản thân bản thu của Accado là để giới thiệu âm thanh của cái violin huyền thoại ấy- nên được thu hoàn toàn trung tính, không có bất kỳ chỉnh sửa nào bởi các kỹ sư phòng thu.
Tiếng đàn cất lên, cái đập ngay vào tai chúng tôi là sự chính xác và chi tiết của cái kèn Acapella làm cho người ta nhận ra ngay lỗi kỹ thuật của Accado- một tay violin có kỹ thuật không tốt lắm. Tiếng cái Il Cannone vốn đã khỏe và hơi trầm, lại càng trở nên nổi bật hơn với cái kèn này. Nghe một lúc, tôi càng khẳng định được bộ loa kèn này có làm tiếng violin thật bị pha đi tí chút. Nhưng như vậy cũng là khó tưởng tượng đối với loa kèn rồi.
Sau khi đã tạm thỏa mãn, anh chủ cửa hàng chuyển sang cặp loa Campanelle to cho chúng tôi nghe thử. Bản thử đầu tiên là cái giao hưởng MAhler 2. Anh chủ cho tôi nghe thử bởi cả cái Violin MK III và Campanelle nhằm giúp tôi phân biệt tiếng của 2 cái kèn đó. Campanelle tất nhiên là tái tạo bè trầm còn tốt hơn Violin MKIII, chạy thoải mái và dễ dàng hơn cái Violin MKIII mỗi khi cả giàn nhạc hùng hục kéo, thổi. Tuy nhiên, các âm thanh cơ bản của Campanelle thì tương tự như Violin MKIII; không có khác biệt nào đáng kể.
Sau đó chúng tôi có thử nghe vài đĩa kèn, Jazz và 2 cái LPs của tôi mang theo gồm đĩa Ring des Nibelungen- hồi 3- Walkuerenritt của Wagner do Solti thu những năm đầu 1960- Stereo. Tiếng bật lên bị sạn nhiều và yếu- nhưng đó là nguyên nhân chủ yếu do bản thân đĩa LPs này đã cũ . Tôi nghe thử tiếp bản Mutter chơi sonate số 2 của Brahms. Bản này thu vinyl nhưng là Digital- nghe rõ hơn và cũng hay- nhưng không đặc biệt ấn tượng- có lẽ do không hợp với loa và giàn to.
Sau gần 2 tiếng- chúng tôi ra về. Nói chung phải nói về hai đôi Acapella tôi được nghe là mỹ mãn. So với mấy đôi loa tầm 20.000Euro chúng tôi đã được nghe thì quả thật đôi Violin MKIII không có địch thủ, kể cả địch thủ tầm gần. Nếu có 20 ngàn, thì chắc chắn tôi sẽ mang đôi Violin MKIII về. Một đôi kèn gần như tuyệt hảo. Tôi cũng nghĩ là người ta không cần phải bỏ nhiều hơn 20 ngàn để mua bất kỳ đôi loa nào khác nữa, vì thế là lên đến đỉnh của tái tạo âm thanh rồi, dù không chính xác đến tuyệt đối. Nhưng đó là vấn đề giới hạn của khoa học công nghệ nói chung.
Theo VNE
Trumpet Skirt - Bông hoa nở giữa mùa đông Chân váy với phần đuôi xòe bay bổng và lãng mạn là item thịnh hành trong mùa đông năm nay. Trumpet Skirt là kiểu váy được thiết kế với phần đuôi váy giống như một bông hoa loa kèn với phần trên ôm sát hông và chân váy xòe ra. Có lẽ, kiểu váy này khá kén người mặc bởi kết cấu váy...