Lộ uẩn khúc vụ án cha nạn nhân kêu oan cho hung thủ
Bị khép tội giết anh vợ theo lời khai của 3 nhân chứng, Lưỡng một mực kêu oan, cha nạn nhân cũng “bảo vệ” Lưỡng. Sau 5 lần hoãn xử vì nhân chứng “chạy làng”, Tòa phúc thẩm buộc phải yêu cầu công an áp giải họ tới tòa.
Theo án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp, tối 25/12/2007, sau khi đi dự đám giỗ về, Bùi Văn Lưỡng (34 tuổi) chở vợ con đến nhà em vợ là Nguyễn Văn Diển Em chơi. Em mách với Lưỡng rằng vừa bị nhóm của Nguyễn Văn Chăng gây sự.
Lưỡng liền gọi điện cho anh vợ là Nguyễn Tùng Lâm về “xử lý” gấp. Sau đó, vợ chồng Lâm cùng ba người em ruột chạy đến bến sông, nơi ông Nguyễn Văn Bôn (cha của Chăng) đậu ghe để tìm đánh Chăng.
Cũng theo bản án, thấy có tiếng la hét, ông Bôn và các ông Việt, Phương, Đông đang ngồi uống rượu gần đấy liền chạy ra thì thấy Lưỡng cầm cây tràm đánh vào đầu Tùng Lâm nhiều cái làm nạn nhân té ngã.
Lúc này, ông Việt giật cây tràm trên tay Lưỡng và nói “mày đánh thế chết người ta thì sao”, còn ông Phương cũng bảo “mày đánh nhầm anh mày rồi”. Riêng ông Đông can ngăn đám đánh nhau cũng nghe nói Lưỡng đánh nhầm “đối thủ”. Do vết thương quá nặng, hôm sau, anh vợ của Lưỡng chết.
Video đang HOT
Tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa sơ thẩm, Lưỡng một mực kêu oan cho rằng không đánh anh Lâm mà chỉ cầm cây định đánh ông Bôn nhưng do ông Việt la, nên vứt cây tại hiện trường.
Ngoài ra, em ruột và con trai của Tùng Lâm cũng có lời khai đã tận mặt nhìn thấy ông Bôn cầm cây đánh vào đầu nạn nhân. Tuy nhiên lời khai này đã không được các cơ quan pháp luật chấp nhận.
Bùi Văn Lưỡng. Ảnh: Vũ Mai
Theo đó, TAND tỉnh Đồng Tháp đã căn cứ vào lời khai của các nhân chứng (ông Bôn, Việt, Đông, Phương) cho rằng chính mắt nhìn thấy Lưỡng đánh chết nạn nhân, tuyên phạt bị cáo mức án 10 năm tù về tội “giết người”.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, Lưỡng và gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo kêu oan khắp nơi.
Tháng 3/2010, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử nhưng các nhân chứng không đến tòa theo giấy triệu tập. Tại phiên tòa này, ông Bôn thay đổi lời khai, cho rằng “đêm đó trời tối nên chỉ nhìn thấy một bóng người cầm cây đánh vào đầu nạn nhân mà không xác định được đó là ai”.
Trong khi đó, em và con ruột của nạn nhân vẫn khẳng định chính ông Bôn mới là hung thủ. Ngoài ra, một cán bộ địa phương cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc có đến hiện trường để giải quyết thì cha của nạn nhân cho biết ông Bôn đã đánh chết con mình, còn ông Bôn lúc này cầm cây đi vòng vòng và tuyên bố: “Đánh chết thằng nào thì đỡ thằng đó”.
Hôm đó, nhận thấy vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới trong khi 3 nhân chứng quan trọng không có mặt, HĐXX đã hoãn phiên tòa.
Sau 5 lần hoãn xử vì không thể triệu tập được các nhân chứng, ngày 18/6, Tòa phúc thẩm lại đưa vụ án ra xét xử. Lần này, cơ quan xét xử tối cao đã ra lệnh cho công an áp giải họ phải đến tòa theo quy định của pháp luật nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ “mời” được ông Việt (còn ông Phương và Đông đã đi khỏi địa phương).
Trình bày với tòa, ông Việt cũng thay đổi lời khai, khẳng định “khi nghe đánh nhau, ông Bôn chạy ra trước rồi la lên chứ không nhìn thấy rõ ai đánh ai”. Ngoài ra, quá trình xét xử cũng xác định các nhân chứng của vụ án đều là người rất thân thiết với ông Bôn.
Sau khi nghị án, cùng quan điểm với VKSND Tối cao, HĐXX cho rằng vụ án đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì biên bản khám nghiệm hiện trường không có mặt của bị cáo.
Biên bản có chữ ký người làm chứng nhưng người này cũng không có mặt tại hiện trường mà do cơ quan điều tra làm xong rồi đưa đến nhà cho ký. Ngoài ra, cấp sơ thẩm buộc tội Bùi Văn Lưỡng về tội “giết người” dựa vào lời khai của 3 nhân chứng, trong khi họ lại có mối quan hệ thân thiết với ông Bôn (vốn có mâu thuẫn với gia đình nạn nhân và bị cáo) là không khách quan.
Trong khi đó, HĐXX đã 6 lần triệu tập nhân chứng đến tòa để lấy lời khai nhưng cố tình không đến, tại phiên tòa hôm nay nhân chứng Việt lại thay đổi lời khai… Do vậy, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu.
Theo vnexpress