Lo Trung Quốc tấn công phủ đầu, Ấn Độ gấp rút xây boong-ke, chôn mìn, lắp ụ súng máy
“Chúng tôi phải chặn được Trung Quốc tại đây bởi nếu chúng tôi thất bại, họ sẽ tiếp cận được Cổ gà và cắt đứt Ấn Độ với khu vực Đông Bắc”, người lính Ấn Độ nói.
Lo Trung Quốc tấn công phủ đầu, Ấn Độ gấp rút xây boong-ke, chôn mìn, lắp ụ súng máy
Trong thời điểm căng thẳng gia tăng nơi biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhà báo Ấn Độ Subir Bhaumik đã tới một căn cứ gần “điểm nóng” Doklam và tường thuật những gì ông mắt thấy tai nghe tại đó. Dưới đây là phần lược dịch bài viết của ông đăng trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Không khí ở Nathang
Suốt chặng đường đi từ sân bay Bagdogra ở miền Đông Ấn Độ lên Gangtok, rồi tới căn cứ Nathang của quân đội Ấn Độ gần khu vực Doklam, tôi đếm được ít nhất 6 đoàn xe quân sự đang tiến về hướng biên giới Sikkim (biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ).
Tại Nathang, cách Doklam – nơi lực lượng hai bên đối đầu – chỉ vài km, có thể thấy rõ quá trình xây dựng lực lượng của New Delhi dù tới đêm, các phương tiện quân sự chở pháo và xe tăng hạng nhẹ mới di chuyển để tránh gây chú ý.
Boong-ke mới đang được xây dựng và mìn được chôn dưới đất để đề phòng các cuộc tấn công từ Trung Quốc. Các ụ súng máy cũng đã được dựng lên tại nhiều cứ điểm, còn các binh lính thì thực hành chiến đấu 2 lần/ngày. Dù vậy, các bên vẫn kêu gọi “kiềm chế”.
“Chúng tôi được lệnh không làm căng thẳng thêm trầm trọng, vì thế chúng tôi sẽ không gây hấn, chắc chắn không sử dụng hỏa lực, nhưng chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả nếu phía Trung Quốc có động thái tấn công”, một binh lính Ấn Độ thuộc sư đoàn “Mèo đen” (sư đoàn Bộ binh số 17) đóng tại Nathang cho biết.
Thung lũng Nathang, nơi Ấn Độ đặt căn cứ. Ảnh: Mountain Monks
Nathang đóng vai trò như một căn cứ tiếp viện cho tiền đồn Lalten của Ấn Độ. Lalten nằm ở vị trí cao hơn, tạo điều kiện giúp New Delhi có tầm nhìn rõ ràng hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc ở vùng Yadong (Tây Tạng), một phần của thung lũng Chumbi, trông xuống hành lang Siliguri (hay còn gọi là “Cổ gà”) nhạy cảm.
Video đang HOT
Ấn Độ đặc biệt lo ngại về khu vực Cổ gà, nhưng đây cũng là nơi quân đội Ấn Độ có ưu thế chiến lược trong trường hợp giao tranh biên giới xảy ra.
“Chúng tôi phải chặn được Trung Quốc tại đây bởi nếu chúng tôi thất bại, họ sẽ tiếp cận được Cổ gà và cắt đứt chúng tôi với khu vực Đông Bắc”, người lính cho hay.
Khu vực Cổ gà (khoanh đỏ) rất nhạy cảm đối với Ấn Độ.
Quyết giữ chốt, không cho Trung Quốc xây đường
Người lính trẻ cho biết, tại Lalten, quân Trung Quốc đã vượt qua biên giới, vào khu vực Ấn Độ kiểm soát hồi tháng 6 và đập nát 2 chiếc boong-ke mà sư đoàn Mèo đen đã dựng lên. Anh cũng cho biết, quân đội Ấn Độ đã quyết tâm ngăn Trung Quốc thi công con đường C40 (đường có tải trọng 40 tấn) mà nước này đang cố gắng xây dựng qua cao nguyên Doklam.
Sau khi bỏ chiến lược phòng thủ truyền thống “Chỉ – giữ – biên – giới”, Ấn Độ đã mất 4 năm để gây dựng một quân đoàn tấn công ở vùng núi với khoảng 80.000 quân.
“Điều đó khiến Trung Quốc lo ngại khi mà giờ đây chúng tôi có cơ sở hạ tầng tốt hơn, năng lực không vận chiến lược tốt hơn, cùng nhiều khu vực đổ bộ có ưu thế ở Himalayas”, Thiếu tướng Apurba Bardalai, chỉ huy đội huấn luyện quân sự Ấn Độ tại Bhutan cho hay, “Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc thêm một chút, xét về năng lực”.
Nhiều người tin rằng đó có thể là nguyên nhân châm ngòi cho tình trạng thù địch: “Không xây được đường thì chiến lược thống trị của PLA ở khu vực biên giới tranh chấp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều đó cũng sẽ dập tắt nỗ lực lôi kéo Bhutan của Trung Quốc”, ông Subir Dutta, cựu quan chức cơ quan tình báo Ấn Độ cho hay.
Mặc dù nhiều bên đang kêu gọi hai nước giải quyết vấn đề thông qua đối thoại nhưng Trung Quốc kiên quyết yêu cầu quân đội Ấn Độ phải rút quân trước. Tuy nhiên, theo một binh sĩ khác thuộc sư đoàn Mèo đen, “giây phút chúng tôi bỏ chốt thì người Trung Quốc sẽ xây đường ngay, chúng tôi không chấp nhận điều đó”.
Với tình hình căng thẳng như hiện nay, giải pháp có lẽ sẽ không sớm xảy ra. Ít nhất đó là suy nghĩ của nhiều binh lính Ấn Độ.
Binh lính Trung Quốc và Ấn Độ gặp nhau tại biên giới khi căng thẳng giữa hai nước chưa tăng cao. Ảnh: AP
“Chúng tôi muốn hòa bình quay trở lại. Chúng tôi muốn quan hệ bình thường với người Trung Quốc trong khi duy trì sự bình lặng nơi biên giới. Nhưng chúng tôi phải chuẩn bị trong trường hợp gây hấn từ phía bên kia”, một binh lính chia sẻ.
Khi tôi trò chuyện với người lính trong lều, ở ngoài kia các hoạt động có vẻ đang diễn ra sôi nổi. Các binh lính dựng boong-ke và xây các công sự, cố gắng chạy đua với thời gian để hoàn thành phần việc được giao trước khi mặt trời lặn. “Nhanh tay lên các cậu!”, người sĩ quan chỉ huy giám sát hô vang.
Theo Thời đại
Cuộc đụng độ Ấn Độ muốn Trung Quốc nhớ lại
50 năm trước, giao tranh Trung - Ấn diễn ra tại biên giới và Trung Quốc được cho là bên chịu thiệt hại lớn hơn.
Binh lính Trung Quốc theo dõi Ấn Độ tại Nathu La ngày 3/10/1967. Ảnh: Hulton Archive
Khi truyền thông Trung Quốc đang cảnh báo về một cuộc chiến với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại biên giới, truyền thông Ấn Độ đã nhắc nhở Trung Quốc về cuộc đụng độ 50 năm trước tại Nathu La và Cho La. Theo India Times, xung đột kết thúc với sự thất bại của Bắc Kinh.
Các cuộc đụng độ Nathu La và Cho La (11-14/9/1967 tại Nathu La và ngày 1/10/1967 tại Cho La) là xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới Vương quốc Sikkim, khi đó thuộc bảo hộ của Ấn Độ. (Sikkim hiện là một bang của Ấn Độ.)
Sau thất bại trong chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, quân đội Ấn Độ đã tăng gấp đôi quy mô. 7 sư đoàn lính sơn cước được thiết lập để bảo vệ biên giới phía bắc trước bất cứ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc. Hầu hết đơn vị này không đóng gần biên giới, ngoại trừ tại Thung lũng Chumbi, nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở rất gần nhau. Đặc biệt ở đèo Nathu La tại thung lũng, bên cạnh biên giới Sikkim - Tây Tạng, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở cách nhau khoảng cách 20 - 30 m.
Biên giới ở đây chưa được phân chia rõ ràng. Trung Quốc kiểm soát phần phía bắc của Nathu La, trong khi quân đội Ấn Độ kiểm soát phần phía nam. Từ năm 1963, các cuộc xô xát quy mô nhỏ trong khu vực thường xuyên xảy ra.
Vị trí của Nathu La và Chola. Đồ họa: TopYaps
Ngày 13/8/1967, quân đội Trung Quốc bắt đầu đào hào ở Nathu La. Lính Ấn Độ quan sát thấy một số đường hào lấn sang phía Sikkim và phản ánh điều đó cho chỉ huy Trung Quốc, yêu cầu họ rút về. Binh sĩ Trung Quốc đã lấp hào lại nhưng lắp đặt thêm loa phóng thanh. Quân đội Ấn Độ sau đó dựng hàng rào dây thép gai dọc theo Nathu La để thể hiện đường ranh giới nhưng phía Trung Quốc phản đối điều này.
Ngày 11/9/1967, ẩu đả xảy ra giữa hai bên liên quan đến việc dựng hàng rào dây thép gai bùng nổ thành giao tranh. Cuộc đụng độ kéo dài suốt cả ngày lẫn đêm trong ba ngày tiếp theo với pháo binh, súng cối và súng máy. Ngày 14/9/1967, một lệnh ngừng bắn được đi vào hiệu lực. Do quân đội Ấn Độ kiểm soát những phần nhô cao hơn của con đèo nên họ có thể phá hủy nhiều hầm trú ẩn của Trung Quốc tại Nathu La.
Theo quan điểm của Ấn Độ và phương Tây, cuộc đụng độ này do phía Trung Quốc khơi mào. Trong khi đó, Trung Quốc đổ lỗi cho quân đội Ấn Độ đã kích động vụ đụng độ, cáo buộc rằng phía Ấn Độ nổ súng trước.
Ngày 1/10/1967, một cuộc đụng độ khác diễn ra tại Cho La, con đèo trên biên giới Sikkim - Tây Tạng, cách Nathu La vài km về phía bắc.
Theo Ấn Độ, cuộc đụng độ được khởi xướng bởi quân đội Trung Quốc sau một cuộc ẩu đả giữa hai bên, khi quân đội Trung Quốc thâm nhập vào Sikkim. Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ thâm nhập vào lãnh thổ của mình, khiêu khích binh sĩ Trung Quốc và nổ súng.
Cuộc đối đầu quân sự kéo dài một ngày. Trung Quốc nói rằng họ mất 32 lính còn Ấn Độ mất 65 lính trong vụ Nathu La. Trong cuộc đụng độ ở Chola, 36 lính Ấn Độ thiệt mạng, không rõ số lính Trung Quốc chết.
Trong khi đó, Ấn Độ nói rằng 88 người thiệt mạng và 163 người bị thương ở phía Ấn Độ trong khi 340 người thiệt mạng và 450 người bị thương ở phía Trung Quốc trong hai vụ xô xát.
Theo Taylor Fravel, chuyên gia về an ninh quốc tế, Trung Quốc và Đông Á, cuộc cạnh tranh để kiểm soát vùng tranh chấp ở thung lũng Chumbi đã đóng vai trò quan trọng trong việc leo thang căng thẳng này.
Fravel nhận xét rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm nhận mối đe dọa tiềm ẩn từ Ấn Độ do căng thẳng biên giới và quyết định rằng cần một cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, Fravel cũng nhấn mạnh rằng sau vụ Nathu La, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã yêu cầu lực lượng chỉ nổ súng đáp trả khi bị tấn công.
Theo John Garver, giáo sư về vấn đề quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia, Ấn Độ "khá hài lòng với khả năng chiến đấu của lực lượng trong cuộc đụng độ ở Nathu La, coi đó là dấu hiệu cải thiện đáng kể so với cuộc chiến năm 1962".
Phương Vũ
Theo VNE
Mỹ theo dõi chặt căng thẳng Trung - Ấn Chính quyền Mỹ đang theo dõi sát căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ và kêu gọi đối thoại. Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu một tháng qua tại biên giới. Ảnh: AP. "Chúng tôi khuyến khích hai nước đối thoại trực tiếp để giảm căng thẳng", Economic Times dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng...