Lộ trình sử dụng 100% xe điện và bài toán cần lời giải
Theo các chuyên gia, dù có nhiều thách thức nhưng kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện là phù hợp thực tế.
Theo lộ trình, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang xe điện. Theo các chuyên gia, dù có nhiều thách thức nhưng kế hoạch này hoàn toàn khả thi.
Theo Bộ GTVT, tại Việt Nam hiện nay chỉ có VinFast và VinBus sản xuất ô tô, xe buýt điện
Kế hoạch tham vọng nhưng cần thiết
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 876, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Theo đó, đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nhận định về mục tiêu này, một đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, ngay lúc này có lẽ sẽ chưa hãng nào làm kế hoạch đến năm 2040 vì quá xa.
“Thường doanh nghiệp chỉ làm kế hoạch 5 năm, tầm nhìn 10 năm. Tuy nhiên, khi quyết định được ban hành, các hãng sẽ phải điều chỉnh kế hoạch, lộ trình điện hóa ô tô. Bản thân VAMA cũng đã phải điều chỉnh lộ trình điện hóa, thời gian sớm hơn so với dự định. So với Liên minh châu Âu, lộ trình của Việt Nam chậm hơn nhưng phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, với tình hình công nghệ, kỹ thuật trên thế giới hiện nay, nếu Việt Nam chuyển đổi thì hoàn toàn có thể làm được. Thách thức còn lại là về mặt tài chính, thói quen người sử dụng, hạ tầng trạm sạc.
“Rất nhiều quốc gia đã đưa ra lộ trình cho ô tô điện nhưng chủ yếu là phương tiện cá nhân. Một số nước trên thế giới còn có lộ trình dừng sản xuất và kinh doanh xe động cơ đốt trong nhưng phương tiện cũ vẫn được sử dụng. Sau đó, họ có thể sẽ đưa ra chính sách để khuyến khích người dân chuyển sang phương tiện xanh. Hoặc người dân thấy khó quá khi sử dụng xe động cơ đốt trong sẽ tự chuyển sang xe điện”, ông Phúc nói thêm.
Video đang HOT
Vẫn còn nhiều thách thức
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, để triển khai kế hoạch này, đầu tiên là hệ thống trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ phải được đầu tư.
Ví dụ trên mỗi tuyến ít nhất phải có khoảng 5 điểm sạc, mỗi điểm có thể sạc cùng lúc từ 20 – 30 xe.
Thêm vào đó, công nghệ pin cũng cần phải được nâng cao, như sạc nhanh chỉ khoảng 15 phút là đầy 100% pin. Ngoài ra, thu nhập của người dân cũng phải tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.
“ Phát triển ô tô điện cũng cần phải tính đến bài toán đáp ứng được nguồn cung cấp điện. Bên cạnh đó, điện được phát triển phải là loại điện xanh, không sử dụng điện than nữa. Theo tôi, sẽ phải mất ít nhất khoảng 50 năm nữa chúng ta mới có thể rời bỏ được hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nói thêm.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, quyết định đã đưa ra lộ trình, định hướng dài hạn, mục tiêu cụ thể rõ ràng. Việc ban hành sớm lộ trình này giúp các hãng xe có sự chủ động trong việc xây dựng chiến lược.
Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn cần phải có những quy định cụ thể hơn. Cần có các chính sách rõ ràng thúc đẩy hạ tầng cho xe điện, chính sách thúc đẩy đầu tư, sản xuất lắp ráp xe điện tại Việt Nam để thu hút các nhà sản xuất. Bởi nếu không, các hãng xe có thể sẵn sàng chuyển sang nhập khẩu.
“Do đây là chuyển đổi mang tính bước ngoặt, cần phải đầu tư mới… Việc thực hiện quy hoạch điện cũng cần phải có thời gian triển khai. Đây là bài toán rất lớn của Nhà nước về năng lượng”, vị chuyên gia nói.
Theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, với tốc độ và kỳ vọng như lộ trình đề ra không phải quá thách thức về mặt công nghệ. Thách thức ở đây sẽ là hạ tầng và thói quen sử dụng. Khi đưa ra chính sách mà hạ tầng không đủ để đáp ứng thì khó đạt được mục tiêu.
“Hạ tầng tương đối nhưng người tiêu dùng không sẵn sàng, hay tài chính chưa đủ thì cũng cần xem xét. Vì vậy, cần phải có chính sách mạnh mẽ thúc đẩy hạ tầng, hỗ trợ tài chính, thay đổi thói quen người tiêu dùng. Điều đó như thể “kiềng 3 chân” để phát triển xe điện”, ông Phúc nói thêm.
Việt Nam sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu xe động cơ đốt trong
Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Các phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh được ưu tiên phát triển
Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh
Theo Quyết định, chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trong nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT có nền tảng là sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, cần dựa vào thể chế, quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn chất lượng cao.
Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện, thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Quan điểm của Chương trình cũng nêu việc huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT. Khẩn trương bổ sung, sửa đổi thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến; tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào quá trình thực hiện.
Tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT dựa trên cách tiếp cận toàn cầu với sự phối hợp của tất cả các quốc gia, tranh thủ tối đa sự ủng hộ và hỗ trợ quốc tế.
Theo Chương trình, mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030 là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.
Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng SXLR và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước
Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh
Lộ trình đối với đường bộ sẽ chia làm 2 giai đoạn 2022 - 2030 và 2030 - 2050. Trong giai đoạn đầu tiên, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp (SXLR), nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Ở giai đoạn 2031 - 2050, đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Toàn bộ các các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đối với Đường sắt và Đường thuỷ nội địa, lộ trình cũng đến 2050 chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe, phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh. Thêm vào đó chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga, cảng, bến thuỷ nội địa.
Hàng hải cũng hướng tới mục tiêu từ năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Ngành Hàng không cũng được đề ra mục tiêu từ năm 2050 sẽ chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tuỳ thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp các-bon để đạt phát thải ròng bằng "0"...
Đối với giao thông đô thị, sẽ quy hoạch và xây dựng hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xe cho phương tiện.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, một số giải pháp được đưa ra như: Áp dụng giới hạn mức tiêu hao nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình; Thúc đẩy hợp tác quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách; Huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải...
Chính quyền Tổng thống Mỹ khởi động kế hoạch phát triển ô tô điện Chính quyền Mỹ đã công bố kế hoạch phát triển công nghệ pin và dây chuyền sản xuất xe điện, tổng chi phí lên tới 3,1 tỉ USD. Mục tiêu của dự án này sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ pin, tạo ra các sản phẩm pin ưu việt hơn các viên pin hiện có trên thị trường và giảm...