Lộ trình bền vững vì con người
Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), hiện có khoảng 1,3 tỷ người (một nửa là trẻ em và người trẻ tuổi) trên thế giới sống trong tình trạng nghèo về mọi mặt: mất an ninh lương thực, thu nhập bấp bênh và chủ yếu làm việc trong những lĩnh vực lao động không chính thức.
Những tác động từ đại dịch COVID-19, xung đột cho tới biến đổi khí hậu khiến chênh lệch về cơ hội và thu nhập vẫn tăng mạnh mỗi năm trong khi khoảng cách giàu – nghèo ngày càng nới rộng.
Người vô gia cư sống tại khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Lima, Peru. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nghèo và bất bình đẳng là những điều vẫn đang tồn tại, với những tác động vô hình nhưng dai dẳng, khiến con người bị đẩy ra rìa xã hội, chịu sự phân biệt đối xử và mất quyền quyết định, làm cho những người mắc kẹt trong nghèo đói càng khó có thể thoát ra, thậm chí khiến họ đánh mất những quyền cơ bản của con người, mất đi nhân phẩm.
Video đang HOT
Từ thực trạng đó, LHQ đã chọn “Nhân ph ẩm thực sự cho tất cả” (Dignity for all in practice) là chủ đề bao trùm của Ngày Quốc tế xóa nghèo 17/10 năm nay, với thông điệp rằng xóa nghèo dưới mọi hình thức không chỉ là mục tiêu đầu tiên trong các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, mà còn là lộ trình cần thiết để xây dựng cuộc sống bền vững, phúc lợi và nhân phẩm cho tất cả mọi người.
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 công nhận nhân phẩm, những quyền lợi ngang bằng và không thể thiếu của tất cả các thành viên trong xã hội loài người chính là nền tảng của tự do, bình đẳng và hòa bình. Trong khi đó, Ngày Quốc tế xóa nghèo nhằm thể hiện sự tôn trọng và chia sẻ với hàng triệu người trên thế giới trong hoàn cảnh nghèo khó đã dũng cảm vượt khó khăn để duy trì cuộc sống mỗi ngày; kêu gọi đoàn kết toàn cầu và tinh thần sẻ chia trách nhiệm từ mỗi cá nhân và chính phủ để cùng nhau hoàn thành mục tiêu xóa nghèo và đấu tranh chống mọi hình thức phân biệt. Chủ đề năm nay chính là một lời nhắc nhở rằng thế giới cần đảm bảo những cơ hội công bằng cho tất cả mọi người.
Thực tế cho thấy những người sống trong cảnh đói nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hành vi vi phạm quyền con người, nhân phẩm của họ cũng không được công nhận và không được tôn trọng. Họ có ít cơ hội hưởng lợi từ những hình thức giáo dục, dịch vụ y tế chất lượng và càng không được hưởng những phúc lợi xã hội phù hợp. Đại dịch COVID-19 thậm chí còn đẩy thêm nhiều người vào cảnh nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch đẩy thêm khoảng 143-163 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo khó trong năm 2021, tỷ lệ người nghèo tăng khoảng 8,1% vào năm 2020 so với năm 2019. Gần 50% người bị đẩy vào diện nghèo tập trung ở các nước Nam Á, hơn 30% ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
Năm 2023 là năm LHQ thực hiện đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và đây là cơ hội cho các chính phủ khẳng định quyết tâm khắc phục tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đang khiến cái nghèo kéo dài hơn và cản trở tiến bộ xã hội. Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội đều cam kết tìm kiếm những giải pháp bền vững để xóa nghèo, tạo cơ hội việc làm cho tất cả mọi người và xây dựng xã hội bình đẳng, toàn diện hơn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đoàn kết để đảm bảo công bằng và thực hiện các mục tiêu toàn cầu càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam,nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Trong báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” công bố cuối tháng 4 vừa qua, WB nhấn mạnh trong 10 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của WB (3,20 USD/ngày ngang giá sức mua năm 2011) giảm từ 16,8% xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo. Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho biết trong nghị trình giảm nghèo và bình đẳng, cho đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt mục tiêu nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên.
LHQ chỉ rõ thế giới chỉ có thể xóa nghèo bền vững khi giải quyết được các mối đe dọa về an ninh lương thực, cùng tập trung vào giảm nghèo đói và bất bình đẳng, nâng cao năng lực, đảm bảo sinh kế bền vững và công bằng xã hội cho tất cả mọi người, và đặc biệt, tôn trọng phẩm giá con người. Điều đó có nghĩa lộ trình xóa nghèo bền vững không chỉ tập trung vào sự hỗ trợ về mặt vật chất mà còn cần sự tôn trọng năng lực và nhân phẩm, từ đó khơi dậy niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên thoát nghèo của chính những người đang khốn khó. Chính sách “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật” mà Việt Nam đang triển khai cũng thể hiện rõ nét quan điểm tôn trọng nhân phẩm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người nghèo, thực hiện xóa đói giảm nghèo để bảo đảm quyền con người.
Ai Cập kêu gọi thiết lập cơ chế trao đổi lúa mì và phân bón giữa các nước châu Phi
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait ngày 13/10 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế linh hoạt cho hoạt động trao đổi các hàng hóa cơ bản giữa các quốc gia châu Phi, đặc biệt là lúa mì và phân bón, nhằm tối đa hóa năng lực của các nền kinh tế châu Phi.
Theo truyền thông Ai Cập, ông Maait đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp với các bộ trưởng tài chính châu Phi, với sự tham dự của đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi, bên lề các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ). Ông Maait cho rằng việc tăng cường trao đổi thương mại nội khối và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế ở châu Phi sẽ đảm bảo sự gắn kết và khả năng phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng khác nhau.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập nói thêm việc thiết lập một cơ chế cho các chuỗi cung ứng của châu Phi là cần thiết để đưa châu lục trở thành một trung tâm lương thực, cho phép các quốc gia châu Phi xuất khẩu các sản phẩm của mình sang tất cả các nước trên thế giới. Ông Maait cũng nêu bật sự cần thiết phải đạt được an ninh lương thực ở châu Phi, coi đây là một ưu tiên cấp bách của châu lục. Theo ông, điều này đòi hỏi tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có của châu lục và mở rộng các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Ai Cập cho rằng các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu, đồng thời lưu ý hậu quả của nó là rất phức tạp. Ông Maait nói thêm các cuộc khủng hoảng liên tiếp, bắt đầu từ đại dịch COVID-19 đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đã gây ra làn sóng lạm phát toàn cầu tồi tệ, dẫn đến sự leo thang giá cả của các mặt hàng cơ bản và nhiên liệu, do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng vọt. Các quốc gia châu Phi cần phải trao đổi ý tưởng, tầm nhìn và kinh nghiệm để đạt được các giải pháp linh hoạt nhằm đa dạng hóa các nguồn tài chính và thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy sản xuất và đạt các mục tiêu kinh tế và phát triển ở các nước châu Phi.
Ông Maait cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi và các nền kinh tế mới nổi giảm gánh nặng nợ nần, cũng như cung cấp các cơ hội tài chính thích hợp cho họ.
Nỗ lực mới của IMF nhằm giúp thế giới ứng phó với khủng hoảng lương thực Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/9 đã cảnh báo cuộc chiến tại Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc và phân bón, dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 với khoảng 345 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đói...