Lo tôm nhiễm bệnh sau mưa lũ ở thị xã Kỳ Anh
Sau mất mát do mưa lũ, người nuôi tôm TX Kỳ Anh ( Hà Tĩnh) lại đối mặt với nỗi lo số tôm còn lại trong hồ nuôi đang có nguy cơ dịch bệnh cao.
Xã Kỳ Hà – “vựa tôm” của TX Kỳ Anh có 45/56 ha diện tích hồ tôm bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ. Số tôm còn lại trong các hồ nuôi đang đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm do thay đổi môi trường nước và thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Hầu hết người nuôi tôm ở TX Kỳ Anh đang như “ngồi trên lửa” vì lo sợ tôm nhiễm bệnh sau mưa lũ.
Gia đình ông Nguyễn Đức Tiến (thôn Đông Hà, xã Kỳ Hà) có 1,5 ha hồ nuôi với hơn 32 vạn con tôm thẻ chân trắng. Lũ lớn đã phá vỡ nhiều điểm bờ hồ ngay cận kề thời điểm thu hoạch khiến ông Tiến mất hơn 50% số tôm. Cùng đó, nước lớn kết hợp với thủy triều dâng, kéo theo nhiều rác thải, tạp chất đã khiến các hồ nuôi bị ô nhiễm nặng nề.
Hơn nửa số tôm còn lại trong hồ của ông Tiến đã đến kỳ xuất bán vẫn có nguy cơ mắc bệnh rất cao khi môi trường nước cũng như nhiệt độ thay đổi đột ngột
Ông Tiến cho biết: “Mất mát ngay trong lũ thì đã đành rồi nhưng lo nhất bây giờ là rất có thể mất hết số tôm còn lại do dịch bệnh. Không chỉ nước bị ô nhiễm mà thời tiết sau lũ cũng thay đổi quá nhanh, nắng oi vào ban ngày, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, là điều kiện tốt để phát sinh các loại dịch bệnh ở tôm”.
Chia sẻ về các dấu hiệu tôm mắc bệnh có thể nhận biết được sớm, ông Tiến cho hay, qua kiểm tra hồ nuôi, nếu thấy tôm vùi mình vào đáy ao, bờ ao, bơi lờ đờ và ăn kém hoặc bỏ ăn, tức là tôm đã bắt đầu nhiễm bệnh. Để phòng ngừa, mấy hôm nay, tôi thường xuyên kiểm tra ao, theo dõi sát sức khoẻ của tôm, cố gắng điều tiết mức nước phù hợp, đảm bảo lượng ô xi hòa tan đầy đủ.
Ông Tiến (bên trái) bán bớt tôm cho tiểu thương nhằm giảm thiệt hại vì lo số tôm còn lại trong ao bị dịch bệnh
Tại xã Kỳ Nam, 29 ha ao nuôi tôm của 12 hộ nuôi cũng bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua. Hầu hết số tôm tại đây đều mới được thả nuôi, sức đề kháng kém nên việc nhiễm bệnh trên tôm là rất dễ xảy ra.
Ông Lê Văn Phong ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam thả hơn 30 vạn con tôm thẻ mới hơn 1 tháng. Mưa lớn cộng với thủy triều dâng cao đã cuốn mất hơn 17 vạn tôm giống của gia đình. Số còn lại trong hồ những ngày này đang được ông túc trực kiểm tra thường xuyên.
Video đang HOT
Nguồn nước kéo theo tạp chất sau mưa lũ đang đe dọa các hồ nuôi của ông Phong
“Theo kinh nghiệm của tôi, thời tiết sau mưa lũ thường là điều kiện tốt cho dịch bệnh trên tôm bùng phát. Các bệnh thường gặp gồm: bệnh đỏ thân, đốm trắng… Mặc dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng dịch nhưng tôi vẫn rất lo sợ vì nguồn nước ô nhiễm từ đợt mưa lũ làm tôm thẻ khó có thể thích nghi kịp…” – ông Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Địa phương đã phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con hướng khắc phục. Đồng thời giao Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi phối hợp với các xã, phường kiểm tra, chỉ đạo bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường nước đối với các diện tích còn lại. Đối với những hồ tôm bị ngập, trôi hoặc chết thì chỉ đạo các hộ tiếp tục cải tạo lại ao để thả nuôi tiếp trong thời gian tới”.
Sau mưa lũ, thời tiết thay đổi đột ngột là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm có thể bùng phát
Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh đang hướng dẫn hộ nuôi xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí thường xuyên nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Bên cạnh đó, rải vôi bột quanh bờ ao kết hợp bón vôi trong lòng ao để ổn định độ PH; đồng thời bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh trên tôm sau mưa lũ.
130 người chết trong mưa lũ ở miền Trung
Hơn 3 tuần miền Trung hứng chịu mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề với 130 người chết, 18 người vẫn đang mất tích, tài sản, cơ sở vật chất giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tối nay (25/10) đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.
Từ ngày 6-25/10 mưa lũ đã làm 130 người chết, 18 người mất tích bao gồm cả 12 người tại thủy điện Rào Trăng 3.
885 nhà bị hư hỏng, trong đó thiệt hại nhiều nhất là Quảng Nam 210, Quảng Bình 129; Quảng Trị 175; Quảng Ngãi 161.
Đến hôm nay còn 326 nhà bị ngập giảm 274 nhà so với hôm qua (24/10).
Hàng trăm ngôi nhà ở miền Trung bị hư hỏng sau nhiều ngày hứng chịu mưa lũ.
Về nông nghiệp hơn 1.400 ha lúa bị ngập; 7.800 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 7.039 con gia súc và 927.792 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Nhiều tuyến đường còn sạt lở ách tắc như đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 16 điểm hay ở tỉnh Quảng Bình với các điểm ở Quốc lộ 12C, 12A, 9B, 9C, 9E.
Tỉnh Quảng Trị có quốc lộ 15D còn 11 điểm sạt lở Tỉnh Thừa Thiên Huế có quốc lộ 49 còn 6 điểm cấm ô tô, chỉ cho xe máy và người đi bộ lưu thông.
Kể từ khi xảy ra mưa lũ đến nay đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 267 xã, hiện còn 28 xã còn bị cắt điện, gồm Hà Tĩnh 6 xã, Quảng Bình 8 xã, Quảng Trị 10 xã, Thừa Thiên Huế 1 xã, Quảng Nam 3 xã.
Hỏa tốc ứng phó bão Molave
Cũng trong tối nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã gửi công văn hỏa tốc tới các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận sẵn sàng ứng phó với bão Molave ngày mai sẽ vào Biển Đông.
Theo BCĐ cơn bão có đường đi và cấp độ tương tự bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa tháng 11/2017), đã gây thiệt hại cho hàng loạt tỉnh, trong đó nặng nề nhất là tỉnh Khánh Hòa.
Dự báo thời tiết 26/10: Miền Trung mưa liên tục, "nín thở" chờ bão Molave
Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển, tránh trú; hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai neo đậu tại các cảng. Tại khu neo đậu, tránh trú, cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra việc neo đậu; không để người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ.
Rà soát, có phương án bảo vệ nuôi trồng thủy sản, cương quyết đưa người dân vào bờ, không để lại trên lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn. Chính quyền cơ sở phải kiểm tra việc chấp hành của người dân, bố trí lực lượng bảo vệ tài sản cho người dân trú tránh bão.
Sẵn sàng đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển. Triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng...
Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài ngày.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông, nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Quảng Bình: Mưa lũ khiến 19 người chết, 93 người bị thương Mưa lũ khiến Quảng Bình thiệt hại hết sức nặng nề, theo thống kê đã có 19 người chết, 93 người bị thương, 2 trường hợp vẫn còn mất tích. Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, mưa lũ vừa qua đã khiến 19 người chết, 93 người bị thương. Ngoài...