Lộ tin nhắn khiến cô giáo bị chồng cũ đánh bầm tím khắp cơ thể
“Qua lời kể, tôi được biết trước đó giữa cô Q. và chồng cũ có nhắn tin cho nhau với ý định trêu đùa, không ngờ lại xảy ra sự việc đau lòng đến vậy”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Hòa cho biết.
Chị Lê Thị Tú O. (SN 1982, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là giáo viên của Trường tiểu học cơ sở Minh Hòa ( Yên Lập, Phú Thọ) bị chồng cũ đánh đập dã man, bầm tím khắp cơ thể phải nhập viện cấp cứu.
Chồng cũ của chị O. là anh Lương Tiến D. (SN 1981), trú tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hai người làm đơn và tòa án đã giải ly hôn.
Theo tìm hiểu của PV, vụ việc xảy ra vào ngày 29/5, tại khu nhà tập thể giáo viên của Trường tiểu học Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Đường dẫn vào xã Minh Hòa, nơi xảy ra sự việc.
Hiện tại, chị O. đang nằm điều trị tại khoa ngoại của Bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông (Phú Thọ). Sáng ngày 3/6, chị O. nằm ở trong giường bệnh và có thể ăn được cháo. Ngồi ngay bên cạnh chăm em là người chị dâu.
Ông Đào Nguyên Khải – Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông xác nhận bệnh nhân O. đang nằm điều trị tại bệnh viện. Và phía công an huyện cũng đã đến lấy lời khai để phục vụ công tác điều tra.
Một người dân sống gần khu tập thể giáo viên cho biết, đêm hôm xảy ra sự việc trời mưa tầm tã. Khi anh đi bắt ếch về nhà thì bàng hoàng nhìn thấy cô O. được hai người đưa đi đến trạm y tế xã.
Video đang HOT
Lúc này, đầu tóc của cô giáo rũ rượi và có vết máu ở mặt. Khi mọi người đến đông thì anh mới biết việc cô O. bị chồng cũ đánh.
“Khi đưa đến trạm y tế xã, bác sỹ định tiến hành sơ cứu ban đầu cho cô giáo. Tuy nhiên, chị O. lại bảo đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông cách đó chừng vài chục km. Thể theo nguyện vọng của chị O., mọi người đã đưa chị O. đến bệnh viện bằng xe taxi”, một người dân cho biết.
Cô giáo O. bị chồng đánh đập dã man.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin ngày 3/6, cô Nguyễn Ảnh – Hiệu trưởng trường tiểu học Minh Hòa (Yên Lập, Phú Thọ) cho biết: “Đêm hôm đó, cô nhận được cuộc điện thoại vào lúc rạng sáng.
Nhấc máy nghe được một câu thì không thể nói chuyện được nữa. Nghi có chuyện chẳng lành, cô mới gọi điện cho bảo vệ của nhà trường xuống nhà tập thể giáo viên xem có chuyện gì.
Bởi vì nhà cô ở xa hơn nên đến muộn. Khi cô đến nơi, cô O. đã được đưa đến trạm y tế xã. Khi mở cửa vào phòng, cô soi đèn thì vẫn thấy con của cô O. đang ngủ ở giường. Qua lời kể của cô O., được biết, cô bị chồng đánh đập. Sau đó, cô mới thoát được ra ngoài và chạy đến phòng của một giáo viên khác ở cùng dãy kêu cứu”.
Cũng theo lời cô Nguyễn Ảnh cho biết, lúc ở bệnh viện cô O. kể lại, trước lúc xảy ra sự việc, buổi tối hôm đó là ngày chủ nhật nên cô O. được nghỉ. Cô ở phòng trông con còn anh D. lái xe về đấy.
Sau đó, cô O. có nhắn tin với đại ý “trêu đùa, bỡn cợt” với chồng cũ. Được biết, người chồng cũ của cô O. là người hiền lành nhưng nóng tính. Thấy thế, khi về đến nhà, anh D. đã đánh đập chị không thương tiếc dẫn đến phải nhập viện cấp cứu.
Được biết, vợ chồng chị O. và D. đã ly hôn và có với nhau hai đứa con. Mặc dù đã ly hôn, nhưng anh D. luôn nghĩ đến con nên đã qua thăm con thường xuyên. Anh D. làm nghề lái xe và không có tiền án tiền sự.
Vụ việc đang được điều tra làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo Yên
Theo_Người Đưa Tin
Chậm ra văn bản hướng dẫn Luật: Sự chậm trễ khó tránh!
Đây cũng là nhược điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 nhưng đã được khắc phục ở luật 2015
Luật Đầu tư sửa đổi 2014 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 là 2 trong số 10 luật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng 2 bộ luật mới này sẽ tạo ra bước đột phá về thể chế kinh tế, tạo bước ngoặt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, trao đổi tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý II và 6 tháng đầu năm 2015, có ý kiến băn khoăn 2 luật có hiệu lực đã được nửa tháng nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định thời hạn ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật không? Có cách nào để các văn bản hướng dẫn phải có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của các văn bản luật hay không?
Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, nêu rõ, do không lường hết được những khó khăn trong quá trình xây dựng luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, vì vậy khi soạn thảo quy định hướng dẫn chi tiết phải cần có sự phối hợp rất nhiều với bộ, ngành, do đó việc chậm trễ là không thể tránh khỏi.
Ông Tuyến cho rằng đây cũng là nguyên nhân mà Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra khi nói về tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết việc thực thi luật, pháp lệnh. Đây cũng là yếu điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, dẫn tới tình trạng có luật rồi nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên luật vẫn chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, nhược điểm này đã được khắc phục trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Cụ thể, tại Điều 11 khi trình văn bản luật phải trình đồng thời các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đó.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)
Ông Tuyến cho rằng quy định như thế tuy không quy định thời hạn nhưng còn hơn cả quy định thời hạn, tức là với quy định này, chắc chắn tất cả các cơ quan tổ chức trình luật, pháp lệnh sẽ phải trình đồng thời cả văn bản dự thảo chi tiết. Như vậy khi luật có hiệu lực, đồng thời văn bản quy định chi tiết cũng có hiệu lực.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đây là 2 đạo luật rất quan trọng có tác động đến đời sống nhân dân và các hoạt động của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, vì vậy nếu có bất cứ văn bản nào của các bộ ngành soạn thảo gửi, Bộ Tư pháp sẽ phải tập trung nguồn lực cao nhất, huy động các chuyên gia đầu ngành của Bộ để thẩm định không kể ngày đêm, đáp ứng nhu cầu triển khai thi hành luật.
Ngoài ra, theo ông Dũng, Bộ Tư pháp còn có chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp theo Đề án 585 thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tập huấn để doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu luật sâu hơn trong quá trình thực thi. Đặc biệt, "trong việc kiểm soát thủ tục hành chính chúng tôi cũng sẽ có những giải pháp để kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính. Trước đây mới thực hiện việc kiểm soát ban hành các thủ tục hành chính, bây giờ vấn đề mấu chốt là thực thi", ông Dũng cho biết thêm.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Luật Doanh nghiệp 2014 đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp. Một số thay đổi đáng chú ý trong Luật là doanh nghiệp không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Doanh nghiệp được quyền tự quyết về con dấu; chỉ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì 51% như hiện nay...
Với việc sửa đổi Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư 2014 lần đầu tiên xác định rõ danh mục 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Ngoài các ngành này, doanh nghiệp được hoàn toàn tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng Luật đã "thoáng", các quy định dưới luật phải "thông" thì tinh thần đổi mới, hỗ trợ kinh doanh của các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới thực sự tạo ra bước ngoặt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh./.
Thanh Hà
Theo_VOV
Hàng nghìn văn bản trái pháp luật, lỗi do đâu? Mỗi năm có tới hàng nghìn văn bản trái pháp luật. Điều dư luận quan tâm là việc xử lý những lỗi vi phạm đó ra sao Hơn 10 năm qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm tra hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai...