Lo thuốc bổ tỳ gây hại cho trẻ biếng ăn
Lời quảng cáo thuốc Bổ tỳ của thầy Giảng – Kiện (gọi tắt thuốc Bổ tỳ) khiến nhiều gia đình coi như loại “thần dược” trị trẻ biếng ăn.
Biếng ăn thành háu ăn
Ba ngày sau khi cho con gái út 2 tuổi uống thuốc Bổ tỳ, chị Nguyễn Thị Nhung (30 tuổi, đường Khúc Hạo, Sơn Trà, Đà Nẵng) bất ngờ khi thấy con tự nhiên ăn uống nhiều, chân tay phổng phao hơn. Bình thường cháu chỉ ăn được một bát cháo nhỏ.
Bà Trần Nguyệt (56 tuổi, trú đường Lê Duẩn, Đà Nẵng) cũng cho biết, đã cho cháu ngoại uống thuốc này. Thuốc dạng nước, màu vàng đục, do thầy thuốc Đông y Trần Văn Lợi (chủ cơ sở Phước Lợi Đường) pha chế, uống 2 lần mỗi ngày.
Thuốc Bổ tỳ của thầy Giảng -Kiện
Mỗi chai (500ml) có giá 300-350 ngàn đồng. Nhiều gia đình tận Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nghe đồn về thuốc Bổ tỳ này cũng tìm cách mua dùng.
Chị Nhung băn khoăn: Thuốc đông y phải có thời gian nhất định mới “ngấm”, ở đây thuốc lại có tác dụng nhanh đến bất thường.
Anh Phạm Thành Bảo (37 tuổi, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng thắc mắc: Kiểm tra trên chai thuốc thấy không có nhãn ghi đơn vị sản xuất hay kiểm tra, cấp giấy chứng nhận…
Video đang HOT
Phòng quản lý hành nghề, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, vừa tiếp nhận đơn thư kiến nghị của chị Hoàng Thị Thu Lài (khu tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội), kèm phiếu kiểm nghiệm từ Viện kiểm nghiệm T.Ư (Hà Nội), kết luận thuốc Bổ tỳ thầy Giảng -Kiện chứa chất dexamethasone (hàm lượng 2,86mg/100ml).
Trao đổi qua điện thoại, chị Lài kể: Tháng 7-2012, chị nhờ người thân mua 4 chai thuốc Bổ tỳ Giảng-Kiện tại cơ sở. Dùng được 3 chai, thấy con bất ngờ có biểu hiện ăn khỏe, thèm ăn suốt ngày, mặt tròn, cổ vai dày lên bất thường nên gia đình ngưng cho con uống thuốc và gửi mẫu thuốc đi xét nghiệm.
“Tôi rất sốc vì thuốc chứa tân dược độc hại, mong cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng về vấn đề này”, chị Lài nói.
Từng bị đình chỉ
Tại cơ sở Phước Lợi Đường, chưa đầy tiếng đồng hồ có hàng chục người đến đặt mua thuốc bổ tỳ trị biếng ăn. Thấy phóng viên, thầy Lợi nói “cơ sở hết thuốc”.
Thầy đưa cuốn sổ nhỏ ghi các bài vị của thuốc, gồm hơn chục loại: nhân sâm, đương quy, mộc qua, cam thảo, ba kích, hoàng tinh, hắc hải yến, đông trùng hạ thổ… Tất cả được trộn nấu sau nhiều giờ, chưng ra dạng nước uống.
Theo thầy Lợi: bài thuốc này thuộc loại gia truyền từ đời thầy Giảng (ông nội) đến thời thầy Kiện (bố) để lại, tôi chỉ thay đổi liều lượng cho phù hợp. Việc thuốc tác dụng bất thường chỉ sau 2-3 ngày uống, được thầy Lợi lý giải do thuốc thuộc loại bổ, đặc biệt thuốc đông trùng hạ thảo (mua từ Nhật) có tác dụng chuyển chất ngấm nhanh vào cơ thể, thêm vị Chánh hoài bổ chất nhanh.
“Chúng tôi đảm bảo 100% thuốc là vị thuốc đông y, không pha tân dược. Từ dạo bán thuốc bổ tỳ đến giờ có ai mang con đến đây bảo thuốc gây hại đâu. Chúng tôi không bán thuốc kiểu kinh doanh mà chỉ khám, đưa thuốc điều trị cho người bệnh có nhu cầu nên không cần phải đăng ký cơ quan chức năng mà chỉ có giấy phép hoạt động chung” – thầy Lợi nói.
BS Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Thanh tra Sở đã kiểm tra, lấy mẫu thuốc Bổ tỳ gửi Viện kiểm nghiệm T.Ư (Hà Nội) từ giữa tháng 9-2012 và đang chờ kết quả.
Theo Nguyễn Huy (Tiền phong)
Chết vì... quá bổ
Dù rất cần thiết với người già, người suy nhược cơ thể, trẻ biếng ăn hoặc chậm lớn nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì thuốc bổ vẫn tác động xấu đến sức khỏe.
Một bệnh nhân dị ứng thuốc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Đưa con đi khám tại Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), chị Trần Nghĩa Thục (27 tuổi, ngụ huyện Thanh Trì - Hà Nội) cứ băn khoăn không hiểu tại sao cậu con trai 2 tuổi dù được "nạp" đều đặn 2-3 loại thuốc bổ mà vẫn biếng ăn, chậm nói, chậm đi đôi lúc co giật, nôn trớ. Các bác sĩ tại đây kết luận cậu bé bị thừa vitamin A, D và canxi.
Tự ý bổ sung
Lúc này, chị Thục mới tá hỏa và kể cho bác sĩ nghe gần một năm trước, sau khi đưa con đi khám dinh dưỡng, chị thường xuyên cho con uống theo đơn thuốc này. Thấy con vẫn biếng ăn, chậm lớn, chị đã tăng liều và mua thêm một số thuốc bổ sung canxi vì nghĩ đơn giản rằng thuốc bổ chắc uống nhiều một chút cũng chẳng sao.
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y, việc bổ sung vitamin D và canxi quá nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến dư thừa canxi trong máu, gây ra trạng thái kích thích, co giật. Ngay cả vitamin A, dù đóng vai trò rất quan trọng giúp tăng cường thị giác nhưng nếu dùng liều cao kéo dài, đặc biệt ở trẻ em, sẽ dẫn đến viêm gan cấp. "Nguyên nhân dễ gây ngộ độc vitamin A ở trẻ là do trẻ đã uống sữa công thức, trong đó có chứa một lượng vitamin A phù hợp nhưng các bà mẹ không biết nên tự ý bổ sung thuốc có chứa các loại vitamin khác, kể cả vitamin A.
Tất cả tình huống này sẽ dẫn đến tích tụ vitamin A trong gan. Tương tự, việc dùng vitamin D liều cao kéo dài sẽ tích lũy thuốc, làm tăng canxi trong máu gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, tổn thương thận, tăng huyết áp", bác sĩ Đằng lưu ý.
Có thể tử vong
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Tĩnh (33 tuổi, ngụ Phú Thọ), nhập viện chiều 16-5 do dị ứng thuốc bổ.
Chị Tĩnh cho biết do bị đau mỏi xương khớp, ăn không ngon nên đã đi bốc thuốc nam của một ông thầy lang ở Yên Bái. Sau khi uống hết cốc thuốc chưa đầy 1 giờ, đầu óc choáng váng, nước mắt chảy ròng, toàn thân nổi mẩn, mặt sưng vù nên chị phải nhập viện theo dõi.
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, trung tâm không chỉ tiếp nhận các trường hợp dị ứng với thuốc tây y, đông y, thuốc nam mà còn nhiều trường hợp phản ứng với các loại thuốc bổ dạng vitamin, thuốc bổ giúp tăng chất nhờn của khớp, thậm chí cả thực phẩm chức năng. Biểu hiện là người bệnh phát ban đỏ toàn thân, ngứa, viêm da, phù nề, thậm chí sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.
Đừng lạm dụng
"Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại mà dùng vô tội vạ. Hiện tượng nhiều trẻ tử vong, nhiễm độc sau khi uống thuốc nam chứa chì cũng là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ", bác sĩ Khánh nhắc nhở.
Còn theo bác sĩ Đằng, dù là vitamin nhưng mỗi loại thuốc đều có những tác hại khác nhau nếu lạm dụng. Chẳng hạn, vitamin A gây ngộ độc, đau nhức xương vitamin C gây sỏi thận, đau dạ dày vitamin D gây co giật lạm dụng canxi dễ gây táo bón hoặc sỏi thận. Đó là chưa kể đến các tác dụng phụ khác như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn.
Giới chuyên môn cũng cảnh báo cùng với sự bùng nổ của thị trường thuốc bổ, thuốc hỗ trợ sức khỏe, tình trạng chuộng thuốc bổ ngày càng phổ biến. Nhiều người uống các loại thực phẩm bổ sung, vitamin, thực phẩm chức năng vì nghĩ đó là những viên thuốc kỳ diệu giúp tăng cường sức khỏe. Thực tế, sử dụng thuốc bổ không thay thế được thức ăn. Do đó, thay vì tốn kém cho các loại vitamin, vi chất bổ sung hay thực phẩm chức năng, trước hết, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng các nhóm thực phẩm. Nếu sử dụng các loại thuốc bổ, cần phải theo sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Theo Ngọc Dung
Người lao động
Biếng ăn ở trẻ em Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ em, với các biểu hiện trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn tỏng miệng lâu không chịu nuốt... Ngoài ra, trẻ biếng ăn thường không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới...