Lỗ thủng tầng ozon đang nhỏ lại
Tổ chức Khí tượng thế giới ( WMO) cho rằng lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực trong năm nay sẽ nhỏ hơn năm 2011.
Trong báo cáo mới công bố, tổ chức WMO thuộc Liên Hợp Quốc phỏng đoán rằng lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực trong năm nay sẽ nhỏ hơn năm 2011. Điều này cho thấy những tác động tích cực của việc cấm sử dụng các chất hóa học gây hại cho tầng ozon. Nhưng lỗ thủng tầng ozon trong năm này nhiều khả năng vẫn lớn hơn so với năm 2010 và phải mất nhiều thời gian nữa lỗ thủng này mới có thể biến mất.
“Điều kiện nhiệt độ và và các đám mây tầng bình lưu ở Nam Cực có xu hướng phát triển rộng hơn, cho thấy lỗ thủng tầng ozon sẽ nhỏ hơn năm 2011, nhưng nhiều khả năng vẫn lớn hơn năm 2010″, WMO cho biết.
Lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực đang dần co lại
Nghị định thư Montreal được ban hành cách đây 25 năm, nhằm cấm sử dụng các chất hóa học gây hại cho tầng ozon, không chỉ giúp lỗ thủng tầng ozon thu nhỏ lại mà còn giúp tránh hàng triệu trường hợp mắc ung thư da và đục thủy tinh thể cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường.
“Nghị định này giúp ngăn chặn một thảm họa môi trường nghiêm trọng và giảm mức độ tầng ozon toàn cầu bị tàn phá. Chúng ta thấy rằng tầng ozon đang hồi phục và không xuất hiện thêm lỗ thủng”, Geir Braathen, một chuyên gia của WMO, cho biết.
Tuy nhiên, việc cấm chất CFC được dùng trong các thiết bị hiện đại như máy điều hòa không khí, tủ lạnh, bình chữa cháy,… phải mất nhiều thập kỷ mới có tác dụng trước khi tầng ozon trở lại mức năm 1980 – thời điểm lỗ thủng tầng ozon được phát hiện.
Diện tích lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực hiện nay khoảng 19 triệu km2. Lỗ thủng này thường bắt đầu hình thành vào tháng 8 hàng năm và đạt độ rộng tối đa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, trước khi nó biết mất vào tháng 12.
Theo 24h
WMO: Thời tiết lạnh giá bao trùm khắp châu Âu, Á
Ngày 14/3, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ghi nhận thời tiết giá lạnh đã bao trùm khắp châu Âu và châu Á vào cuối mùa Đông 2011-2012.
Dọn tuyết trên con đường tại vùng núi Troodos ở Đảo Síp thuộc đông Địa Trung Hải ngày 1/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phân tích chi tiết của WMO cho biết sau thời tiết ôn hòa "bất thường" trong tháng 12/2011 và đầu tháng 1/2012 trên khắp châu Âu, điều kiện thời tiết đã đột ngột thay đổi trong nửa cuối tháng Một.Sự xâm nhập của khí lạnh Bắc Cực đã gây lạnh giá khắp lục địa Á-Âu, gây tuyết rơi bất thường ở nhiều nước. Tuy nhiên, luồng không khí lạnh đã bắt đầu suy yếu ở châu Á vào nửa đầu tháng Hai và ở châu Âu vào giữa tháng Hai.
Lý giải hiện tượng thời tiết bất thường này, WMO cho rằng hệ thống áp suất cao ở khu vực Siberi của Nga đã ngăn chặn luồng khí biển ôn hòa và các cơn bão ở Bắc Đại Tây Dương tràn xuống phía Đông châu Âu. Hệ thống "cản trở" này phát triển đến mức cực lớn vào ngày 25/1/2012.
Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra trong mùa Đông năm 2009-2010 gây lạnh giá khác thường ở châu Âu từ giữa tháng 12/2009 đến tháng 2/2010.
Nhiệt độ lạnh nhất ở Bắc Phần Lan và khu vực Trung Nga xuống tới âm 40 độ C. Nhiều khu vực ở Trung Âu nhiệt độ thấp nhất cũng đạt âm 20 độ C, ở vùng cao nguyên của Romania và Thổ Nhĩ Kỳ nhiệt độ xuống tới âm 30 độ C.
Theo WMO, mặc dù bất thường là thời gian lạnh kéo dài, khởi đầu tương đối muộn và khu vực bị tác động của đợt lạnh rộng nhưng hiện tượng này không phải chưa từng xảy ra. Hiện tượng thời tiết tương tự đã xảy ra một số lần trong nhiều thập kỷ qua ở Tây và Trung Âu./.
Theo TTXVN
Brazil quyết tâm xây dựng lại căn cứ ở Nam Cực Những người sơ tán trong vụ nổ căn cứ của Brazil ở Nam Cực đã được đưa về nhà trong hôm 26/2 vừa qua. Trong khi đó, Chính phủ Brazil đang đánh giá lại mức độ hủy hoại của ngọn lửa, vốn đã cướp đi sinh mạng của hai binh sỹ và làm nhiều người bị thương. Căn cứ Comandante Ferraz bị nổ....