Lo thị trường ’sập’, giới BĐS kiến nghị không siết tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%.
Thị trường bất động sản đang trong quá trình hồi phục
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Thông tư 36 bị điều chỉnh sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan và tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. VNREA kiến nghị NHNN chưa thay đổi điều chỉnh thông tư 36 trong giai đoạn hiện nay vì các lý do:
Thứ nhất, thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đang có các đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội, ổn định xã hội. Điều này được thể hiện ở các giao dịch bất động sản trong năm 2015 tăng một cách đều đặn, người mua nhà chủ yếu sử dụng để ở; hàng tồn kho giảm xuống đáng kể song vẫn cần giảm tiếp; nợ xấu giảm xuống mức kỳ vọng; giá bất động sản bình quân cơ bản ổn định; đặc biệt là với các chính sách về bất động sản hiện nay đã tạo điều kiện phát triển cân đối hàng hóa trong thị trường bất động sản, nhiều dự án “đắp chiếu” nhiều năm nay đang có cơ hội phát triển; người dân đặc biệt cán bộ công chức, công nhân và người lao động đã có cơ hội mua, thuê được nhà. Điều này góp phần thực hiện chính sách an sinh, ổn định xã hội.
Với sự hồi phục của thị trường bất động sản (Chủ yếu ở hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP.HCM) nhiều thị trường, nhiều ngành kinh tế đã được cộng hưởng phát triển như thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông vận tải… và nhiều thị trường, ngành kinh tế khác phát triển đồng bộ theo. Việc giữ đà phát triển của thị trường bất động sản một cách ổn định và bền vững có tác động hỗ trợ tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội khác của cả nước.
Thứ hai, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học trong quá khứ. Bằng chứng là việc kiểm soát năng lực các doanh nghiệp tốt hơn thông qua Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở với quy định nâng cao vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản từ 6 tỷ lên 20 tỷ đồng. Số lượng các doanh nghiệp lớn, có tính dẫn hướng thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều, tính chuyên nghiệp được nâng lên cao. Việc bán hàng hóa bất động sản được kiểm soát tốt hơn, đặc biệt đối với việc bán các sản phẩm hình thành trong tương lai.
Thứ ba, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đang ở mức hợp lý, khoảng 360 nghìn tỷ đến 380 nghìn tỷ trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 4 triệu nghìn tỷ. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng dưới 10% trong khi đó mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp là khoảng 15%.
Thứ tư, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn và các đô thị tại nông thôn còn rất cao.
Video đang HOT
Với tốc độ đô thị hóa của nước ta đang đứng đầu các nước trong khu vực khoảng gần 35%; diện tích bình quân đất canh tác trên đầu người nông dân ở nước ta ít nhất trong khu vực mà số lượng nông dân chiếm đa số dân số nước ta; với xu thế hội nhập mạnh mẽ TPP, ACE… việc thu hút đầu tư các khu công nghiệp, phát triển các đô thị dẫn đến sự dịch chuyển dân cư từ nông thông ra đô thị mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở trở nên càng ngày càng cấp bách. Trong khi đó, kênh vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản hiện nay là tín dụng ngân hàng. Khi hệ thống chính sách để phát triển các quỹ đầu tư bất động sản còn chưa có hiệu quả thì mọi động thái của ngân hàng đối với tín dụng cho bất động sản sẽ mang tính dẫn hướng quan trọng cho toàn thể thị trường.
VNREA cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang có các đóng góp tích cực, đang trong quá trình hồi phục cần được tiếp tục duy trì phát triển ổn định và bền vững. Nếu các nội dung của thông tư 36 bị sửa đổi theo như dự thảo thì thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng không chỉ vậy mà các ngành có liên quan, và sự phát triển, tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng bị giảm sút nghiêm trọng.
“Trong giai đoạn trước đây, chúng ta đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước và của người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô đối với thị trường ở nước ta. Điều này sẽ làm tăng lại lượng hàng hóa tồn kho, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn cho các dự án đang có cơ hội phục hồi và đặc biệt giảm cơ hội mua nhà chính đáng của nhiều người dân, cán bộ công nhân viên chức và người lao động, tác động xấu đến sự phát triển Kinh tế- xã hội chung của cả nước” – Đại diện VNREA nhấn mạnh.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu không thực hiện việc điều chỉnh thông tư 36 như dự thảo đề xuất để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Rót vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng, cần nhìn dài hạn
Thường có giá trị lớn, lại rất nhiều lựa chọn, nên chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực và có cái nhìn dài hạn mới nên đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng với chu kỳ sinh lợi từ 4 - 6 năm trở lên.
Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng thường có giá trị rất cao, nên đầu tư vào phân khúc này thường là những người dư dả tài chính
Sự trở lại ngoạn mục
Các chuyên gia của CBRE và Savills tại cuộc họp tổng kết năm 2015 mới đây đều có chung một khuyến nghị, nếu có tiền đầu tư dài hạn, có thể xem xét bất động sản nghỉ dưỡng, tập trung vào các dự án có thể khai thác ngay.
Trong suốt 1 năm vừa qua, dòng tiền vào loại hình bất động sản này đã tăng khá mạnh. Các dự án được giới đầu tư đưa vào tầm ngắm tập trung tại những vùng ven biển, vị trí đẹp, có chiến lược phát triển, gần sân bay, hình thành đặc khu kinh tế...
Điển hình cho sự sôi động của bất động sản nghỉ dưỡng thời gian vừa qua là Phú Quốc, khi hòn đảo này trở thành nơi so găng của hàng loạt đại gia địa ốc như CEO Group, Vingroup, Sun Group, LDG Group, M.I.K Land, 99 Mountains... với các dự án lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, hay Quảng Ninh lên cơn sốt với hàng dài người xếp hàng chờ mua. Tạo nên sự sôi động này không chỉ những nhà đầu tư đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư.
Giá trị sản phẩm của dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường rất lớn, lên tới cả triệu USD/sản phẩm, nên dù chủ đầu tư đưa ra cam kết phân chia lợi nhuận từ 60 - 85%, thì để có lợi nhuận, nhà đầu tư phải tính bước đường dài.
Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Phú Quốc, nếu năm 2012 chỉ có 120 đất nền được tung ra, thì đến năm 2015, số sản phẩm tại đảo Ngọc được tung ra thị trường đã lên tới 2.500 sản phẩm, từ căn hộ, biệt thự, đến đất nền.
Tính đến cuối năm 2015, toàn khu vực Phú Quốc có 965 sản phẩm đã hoàn tất hợp đồng mua bán, trong đó có 165 đất nền, 710 biệt thự biển và 90 căn hộ. Giá bán của dòng sản phẩm này cũng khá cao, dao động từ 550.000 USD đến cả triệu USD/căn. Trong khi đó, đất nền có giá 80.000 - 120.000 USD/sản phẩm và căn hộ được chào 70.000 - 220.000 USD/căn.
Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GIICO, sự sôi động của bất động sản nghỉ dưỡng đến từ xu hướng tiếp cận nhiều hơn của một bộ phận dân cư có tiềm năng tài chính tới hình thức nghỉ dưỡng sinh thái. Chưa kể, các chính sách mà các chủ đầu tư đưa ra là tương đối hấp dẫn cho khách hàng khi muốn sở hữu các biệt thự, hay căn hộ nghỉ dưỡng theo hình thức timshare, từ hỗ trợ tài chính, chiết khấu và cam kết sinh lời nhiều năm, đã kích thích nhu cầu sở hữu và đầu tư trong dài hạn của những người có tiền.
Dù thanh khoản tăng đột biến trong năm qua, nhưng để thu hút khách hàng, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng tiện ích của dự án, các chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn không ngừng tung ra các chính sách bán hàng và cam kết phân chia lợi nhuận hấp dẫn.
Cần cái nhìn dài hạn
Được ví như "nàng công chúa" bởi sự sang trọng và hấp dẫn của mình, sự trở lại mạnh mẽ của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng năm qua đã đặt ra nhiều kỳ vọng cho nhiều người, nhất là các chủ đầu tư.
Kỳ vọng này càng lớn hơn khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, cũng như các nghị định hướng dẫn có hiệu lực, trong đó có quy định quan trọng là mở rộng cửa hơn cho Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, như FTA với EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng phát triển.
Dù đã có sự trở lại ngoạn mục trong năm 2015, nhưng chưa thể khẳng định thị trường này đang bước vào chu kỳ phát triển bền vững và những nhà đầu tư bỏ vốn vào phân khúc này có thể thu lời được ngay, bởi dù thị trường đã hồi phục, nhưng niềm tin của nhà đầu tư chưa hoàn toàn trở lại. Do đó, với những nhà đầu tư có tiền đầu tư vào phân khúc này, cần có cái nhìn dài hạn 4 - 6 năm, thậm chí là lâu hơn. Bởi giá trị sản phẩm của dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường rất lớn, lên tới cả triệu USD/sản phẩm, nên dù chủ đầu tư đưa ra cam kết phân chia lợi nhuận từ 60 - 85%, thì để có lợi nhuận, nhà đầu tư phải tính bước đường dài.
Ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành Công ty Alternaty đánh giá, trong thời gian qua, các hoạt động phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra khá sôi động, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang tăng lên. Dường như thị trường đã vượt qua đáy và có rất nhiều lý do để lạc quan, kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc theo chu kỳ kinh doanh trong những năm tới. Tuy nhiên, về phía nguồn cầu, đối với khách mua ngôi nhà thứ hai, niềm tin vẫn chưa rõ rệt và những dấu hiệu trên vẫn chưa thật sự vững chắc.
Một yếu tố khác nhà đầu tư cần chú ý khi đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng theo hình thức timeshare là vị trí của dự án có nằm ở địa phương có tiềm năng du lịch hay không, cũng như đơn vị quản lý có uy tín hay không... để thu hút khách thuê?
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle Việt Nam cho biết, nguồn cung lớn, nhưng để đánh giá là tốt thì chưa nhiều dự án thực sự thể hiện rõ được điều đó, đặc biệt là tiềm năng về lợi nhuận sau khi cho thuê lại. Với người mua ngày càng thông minh như hiện nay, hiển nhiên yêu cầu của họ sẽ cao hơn rất nhiều để đảm bảo khả năng sinh lời đồng vốn mà họ bỏ ra.
Điểm mấu chốt cho câu chuyện này là sự thiếu đồng đều giữa phát triển bất động sản gắn liền phát triển du lịch biển khi phần lớn hiện tại vẫn "mạnh ai nấy làm". Bản thân những khu resort, sân golf ven biển đáp ứng được vấn đề níu khách ở lại, nhưng hình thức chia lô đã khiến các bãi biển tự nhiên bị các khu resort này chiếm giữ, tạo cảm giác chật chội.
Bản thân những dự án đất nền cũng chưa có sự đảm bảo sẽ trở thành một khu du lịch phức hợp hoàn chỉnh có sự kết nối với các dự án khác để thay đổi cả một hệ tầng xã hội trong phát triển du lịch, ngoại trừ lời cam kết từ các mô hình trên giấy và cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Do đó, để bất động sản nghỉ dưỡng là "con bò sữa", đem lại lợi nhuận, nhà đầu tư phải có cái nhìn dài hạn về cả dự án và triển vọng phát triển du lịch của địa phương, nơi có dự án.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Doanh nghiệp sợ lãi suất tăng Thị trường đang xuất hiện nhiều thông tin dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới Lý giải về những lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi vừa qua, ông Ngô Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Bản Việt, cho biết lãi suất chỉ tăng ở vài kỳ hạn nhằm cân đối lại...