Lo thảm họa IS tái diễn, Obama dừng rút quân ở Afghanistan
Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định dừng rút quân tại Afghanistan, do lo ngại khoảng chống quyền lực sẽ dẫn đến thảm họa khủng bố cực đoan hoành hành như trường hợp IS tại Iraq 4 năm trước.
Tổng thống Obama thông báo dừng rút quân khỏi Afghanistan tại Nhà Trắng. Ảnh:Reuters
Ngày 15/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dừng kế hoạch rút quân tại Afghanistan. Gần 10.000 binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục đồn trú tại quốc gia Trung Đông này cho đến năm 2017, thời điểm nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng kết thúc.
“Mặc dù nhiệm vụ tác chiến của Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc, lời hứa của chúng ta với Afghanistan và người dân Afghanistan vẫn không thay đổi”, ông Obama cho biết. “Tôi sẽ không cho phép Afshanistan trở thành bến cảng an toàn cho phần tử khủng bố để một lần nữa tấn công đất nước chúng ta”.
Tuy nhiên, trong tất cả các yếu tố đi đến quyết định ngừng rút quân khỏi Afghanistan, có một điều mà Tổng thống Obama không hề nhắc đến, đó là trường hợp Iraq, tờ New York Times nhận định.
Bốn năm trước, khi Mỹ rút quân khỏi Iraq theo đúng kế hoạch của ông Obama, quốc gia này ngay sau đó rơi vào một cuộc xung đột tôn giáo với phần tử cực đoan Hồi giáo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong bối cảnh thảm khịch trên có thể tái diễn tại Afghanistan, Washington chỉ còn cách thay đổi kế hoạch rút quân đã định.
Mặc dù vậy, câu hỏi giả định rằng nếu quân đội Mỹ vẫn tiếp tục đồn trú tại Iraq, thì liệu có thay đổi được tình hình hay không vẫn đang tồn tại tranh cãi. Song, Tổng thống Obama được cho là không dám mạo hiểm một lần nữa, dù cho việc dừng rút quân tại Afghanistan đồng nghĩa với việc ông phải từ bỏ một di sản chính trị của mình, tận tay chấm dứt hai cuộc chiến tranh được thừa hưởng sau khi lên cầm quyền.
Trong tuyên bố hôm 15/10, Tổng thống Obama không trực tiếp đề cập đến bài học Iraq, nhưng thông qua việc nhấn mạnh sự khác biệt giữa chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani với chính quyền Iraq thời điểm năm 2011, để chỉ ra logic đằng sau quyết định này. Chính quyền Ghani ủng hộ việc quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú và đang thông qua các thủ tục tư pháp để thực hiện điều này.
Video đang HOT
“Về phía chính phủ Afghanistan, chúng ta có đồng minh nghiêm túc hy vọng chúng ta đưa tay ra giúp”, ông nói. “Đại đa số người dân Afghanistan và chúng ta có chung mục tiêu. Chúng ta cũng có hiệp định an ninh song phương để chỉ đạo sự hợp tác giữa hai bên”.
Ngay sau tuyên bố trên, cố vấn an ninh và chống khủng bố của tổng thống, bà Lisa Monaco tiến hành họp báo qua điện thoại với giới phóng viên để làm rõ hơn luận điểm trên của tổng thống.
“Tình hình khác biệt rất rõ với năm 2011″, bà Monaco nói. “Chính phủ Afghanistan luôn yêu cầu chúng tôi ở lại, luôn mời chúng tôi đến, hy vọng hợp tác với chúng tôi”.
Trên vấn đề Iraq, chính quyền Obama từng tiến hành đàm phán với chính quyền Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki về việc đi hay ở của quân đội Mỹ sau năm 2011. Tuy nhiên, hai bên không đạt được đồng thuận về trách nhiệm luật pháp nhằm hạn chế quân đội Mỹ, vì vậy đành quyết định tuân thủ thời gian biểu rút quân đã định. Thời gian biểu này được thông qua giữa Thủ tướng al-Maliki và cựu tổng thống George W.Bush năm 2008.
Nhưng ngay sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi Iraq, xu hướng giáo phái của al-Maliki trở nên ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền Baghdad chèn ép giáo phái dòng Sunni, một trong những tác nhân dẫn đến sự trỗi dậy của IS. Điều này buộc Washington phải điều 3.000 quân quay lại Iraq, nhằm tư vấn và hỗ trợ cho chính quyền Baghdad.
Tương tự như trường hợp của Iraq, mặc dù quân đội Mỹ có hơn 10 năm tác chiến tại Afghanistan, nhưng sự kiện Taliban chiếm giữ thành phố Kunduz trong thời gian ngắn, cho thấy sự trở lại của tổ chức khủng bố khét tiếng một thời này. Mặt khác, IS cũng bắt đầu mở rộng hoạt động đến Afghanistan.
Tổng thống Obama từng tuyên bố rõ, ông không mong muốn điều quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng tác chiến trên bộ đến Trung Đông, vì điều này chẳng khác gì “thương vụ lỗ vốn” với Mỹ, là hy sinh vô ích tính mạng của bính sĩ Mỹ, trong khi không giúp gì được cho tình hình. Trong tuyên bố vừa qua, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại thông điệp phản đối “cuộc chiến không có hồi kết”.
Tuy nhiên, trong tương quan với Iraq hay Syria, Afghanistan vẫn được cho là có quan hệ lợi ích trực tiếp hơn với Mỹ, bởi đây là đại bản doanh của al-Qaeda, tổ chức khủng bố tiến hành vụ tấn công 11/9. Vì vậy, Tổng thống Obama không muốn tiếp tục để lại bài toán khó Afghanistan cho đời tổng thống sau, đặc biệt trong bối cảnh cục diện tại Syria và Iraq vẫn đang hỗn loạn.
Trong năm 2016, quân đội Mỹ vẫn duy trì quân số 9.800 người tại Afghanistan và giảm xuống còn 5.500 người trong năm 2017. Mặc dù quân số này không thể so sánh với số lượng 100.000 binh sĩ Mỹ vào lúc cao điểm, song Washington hy vọng sự hiện diện của quân đội gửi đi thông điệp chính trị rằng, Mỹ không từ bỏ đồng minh và sẽ không để lại khoảng chân không cho một lực lượng nào khác.
“Để ổn định trở lại Afghanistan, chúng ta đã đầu tư vô cùng lớn”, Tổng thống Obama nói. “Mặc dù rất khó khăn, Afghanistan đang đạt được những tiến triển thực chất. Đồng thời với việc duy trì nghiêm túc sứ mệnh có hạn trước mắt, kéo dài một cách hợp lý và có ý nghĩa thời gian hiện diện của chúng ta, có thể sẽ tạo ra tác động thực sự tại đó. Đây là sự lựa chọn chính xác”.
Tuy nhiên, một số chính khách vẫn phê phán quyết định của Tổng thống Obama, cho rằng ông nên tăng cường thêm quân lực tại Afghanistan, bởi quân số hiện nay là không đủ để chống lại al-Qaeda và các mối uy hiếp khác.
“Mặc dù kế hoạch mới có thể tránh được tai họa, song sẽ không thể dẫn đến thành công”, nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry, chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện, tuyên bố.
Đức Long
Theo VNE
Kịch bản nào cho nhà nước đoàn kết dân tộc mới ở Afghanistan?
Afghanistan đã trải qua một cuộc chuyển giao dân chủ hòa bình nhất trong lịch sử. Sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi, ông Ashraf Ghani đã trở thành Tổng thống Afghanistan sau khi đạt được sự thỏa hiệp với đối thủ, Abdullah Abdullah được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm trung gian. Chính phủ đoàn kết dân tộc đã tạo ra một vị trí điều hành mới cho ông Abdullah. Đây là điều chưa từng có ở Afghanistan bởi vì thỏa thuận này đã tạo ra sự chia sẻ quyền lực giữa hai nhà lãnh đạo cùng ở thế mạnh. Thỏa thuận cũng được ca ngợi do mang lại sự thống nhất cho một quốc gia đã mệt mỏi vì chiến tranh. Dù vậy, hiện vẫn tồn tại nhiều hoài nghi về tính bền vững của thỏa thuận chia sẻ quyền lực này.
Để hiểu rõ hơn về triển vọng của chính phủ mới ở Afghanistan, chúng ta hãy cùng theo dõi cuộc phỏng vấn giữa The Diplomat với Bette Dam, tác giả đồng thời là nhà báo thường trực ở Kabul. Bette Dam đã có 8 năm đưa tin và đến thăm những vùng xa xôi và nguy hiểm ở Afghanistan. Quyển sách gần đây nhất của cô viết về tiểu sử Tổng thống sắp mãn nhiệm, ông Hamid Karzai. Tựa sách của cô mang tên "Một người đàn ông và chiếc xe của ông ta: Ông Hamid Karzai đã lên cầm quyền như thế nào".
Cô nghĩ gì về sự sắp xếp chính trị mới tại Kabul? Liệu những sự sắp xếp này có bền vững?
Tôi có chút nghi ngờ về sự sắp xếp này. Chia sẻ quyền lực, đặc biệt là ở một nước không ổn định như Afghanistan là điều không dễ dàng. Ông Ashraf Ghani và ông Abdullah Abdullah có thể muốn dùng liên minh này để cùng hợp tác, tuy nhiên, họ chưa bao giờ đơn độc trong những công việc của mình. Họ là một phần của mạng lưới những người muốn có quyền lực lớn nhất. Sự khởi đầu sẽ khó khăn nhưng chúng ta cần thời gian để xem chính phủ đoàn kết này có thể làm gì cho Afghnistan.
Cô đã từng đưa tin về tình hình Afghanistan trong suốt 8 năm qua. Do đó, cô có điều kiện chứng kiến toàn bộ quá trình bầu cử. Vậy người Afghanistan cảm thấy thế nào trước việc một chính phủ đoàn kết dân tộc được hình thành?
Người dân Afghnistan thực sự yên tâm vì dù sao ít nhất đã có một nhà nước được thành lập. Họ thực sự vui mừng rằng, mọi thứ sẽ lại bắt đầu sau gần nửa năm bế tắc chính trị. Tiền lương tại một số NGO và trường học sẽ lại được trả, các hợp đồng công việc sẽ lại được ký kết. Giá trị đồng tiền ở Afghnistan hiện nay là một dấu hiệu tốt cho thấy bộ phận kinh tế đang nghĩ gì; các doanh nhân đã rất bi quan khi ông John Kerry tới đây để can thiệp vào cuộc khủng hoảng bầu cử, nhưng khi thỏa thuận chính phủ đoàn kết thực sự đã đạt được, giá trị của đồng tiền đã không thay đổi. Điều đó có nghĩa khu vực doanh nghiệp đang tỏ ra rất thận trọng về tương lai của Afghanistan.
Phong trào Taliban đang chế nhạo nền dân chủ. Sau khi liên minh chính trị được hình thành, các nhóm nổi dậy sẽ phản ứng như thế nào? Liệu họ có cố gắng dập tắt những hy vọng của cộng đồng?
Phong trào Taliban tỏ ra tương đối yên tĩnh trong suốt các cuộc bầu cử. Các ứng cử viên có thể tranh cử ở cả nước. Ông Abdullah, người nhận được sự ủng hộ của người Tajik chiếm đa số ở miền Bắc nước này, có thể vận động tranh cử ở miền nam đất nước. Các nhóm của ông đã cố gắng liên hệ với Taliban, điều này hứa hẹn sẽ mang đến những cuộc đàm phán hòa bình. Tương tự như vậy, ông Ghani cũng liên kết với các bộ lạc có mối quan hệ với phía đông Taliban. Tôi không biết phong trào Taliban sẽ làm gì và Tổng thống sẽ cho họ cái gì nhưng hiện đã tồn tại một mạng lưới liên hệ với nhóm Taliban. Qua đó, có thể thấy chủ nghĩa thực dụng rõ ràng mạnh hơn chủ nghĩa lý tưởng. Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế sẽ hưởng lợi từ sự hợp tác nay. Người dân nên hiểu biết đầy đủ về những mạng lưới này và ủng hộ họ khi cần thiết.
Các tin tức đến từ miền nam Afghanistan cho thấy nỗ lực phối hợp giữa các bộ phận của Taliban nhằm thiết lập quyền kiểm soát đối với các quận có vị trí chiến lược.
Taliban không phải là một nhóm. Có rất nhiều phe phái và họ tham gia vào xung đột chỉ vì muốn giành quyền thống trị. Những bộ tộc khác nhau cố gắng thiết lập quyền lực của mình bằng việc chiến đấu chống lại nhau. Do đó, Taliban có cấu trúc phức tạp. Về mặt ý thức hệ, một số phe phái đang chống lại nhà nước, nhưng hầu hết hành động đó chỉ vì muốn đoạt lấy quyền lực. Phương Tây đã phát triển rất nhanh chủ nghĩa bộ lạc, do đó, các nước phương Tây cảm thấy khó khăn khi nhân định xem chuyện gì sẽ diễn ra ở Afghanistan. Chỉ thông qua việc hiểu các cuộc chiến tranh bộ lạc, phương Tây mới có thể giữ đất nước khỏi rơi vào một cuộc nội chiến. Trong bất kỳ tình huống nào, cộng đồng quốc tế và chính phủ Afghanistan cần quyết định liệu họ muốn giành thắng lợi trước Taliban thông qua đàm phán hay muốn chiến đấu với phong trào này. Tôi nghĩ chỉ đàm phán mới có tác dụng mà thôi.
Theo Vietbao
Vì sao Mỹ hoãn rút quân khỏi Afghanistan? Ngày 15/10, Tổng thống Barack Obama thông báo kế hoạch Mỹ hoãn rút quân khỏi Afghanistan. Tổng thống Barack Obama thông báo kế hoạch Mỹ hoãn rút quân khỏi Afghanistan. Theo đó,ông chủ Nhà Trắng quyết định duy trì binh sĩ tại Afghanistan cho đến năm 2017. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng Afghanistan sẽ chịu số phận giống Iraq...