Lo sợ hỗn loạn vì biến chủng mới, dòng người tìm cách chạy khỏi Nam Phi
Hàng loạt chuyến bay quốc tế bị hủy sau thông tin về biến chủng Omicron khiến Nam Phi rơi vào tình trạng hỗn loạn trong những ngày vừa qua.
Hành khách xếp hàng để lên chuyến bay của hãng hàng không Air France đến Paris, Pháp tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi ngày 26/11 sau khi có thông tin về biến chủng mới (Ảnh: AP).
Tâm lý hoài nghi và hoang mang bao phủ Nam Phi, khi thông tin về biến chủng Omicron khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy và làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh phong tỏa tại quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Phi.
Các chuyến bay từ Nam Phi đến Mỹ, Anh và các quốc gia ở châu Âu đã nhanh chóng bị cấm sau khi các nhà khoa học Nam Phi chính thức công bố phát hiện biến chủng virus mới vào ngày 25/11.
“Mọi thứ hoàn toàn hỗn loạn. Không ai có thể cho chúng tôi biết điều gì có thể xảy ra đối với hoạt động đi lại vào thời điểm này”, Steve Lawrence, du khách mắc kẹt tại OR Tambo, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Phi, cho biết.
“Mọi thứ đang thay đổi theo từng phút và chúng tôi bị bỏ lại trong tình trạng hỗn loạn. Chúng tôi đã lên kế hoạch đến Mỹ trong tháng 12 và bây giờ chúng tôi đang bị mắc kẹt”, Lawrence nói thêm.
Khoảng 600 hành khách trên hai chuyến bay của hãng hàng không KLM từ Johannesburg (Nam Phi) đến Amsterdam (Hà Lan) đã bị mắc kẹt trên đường băng tại sân bay Schiphol sau khi xảy ra tình trạng hoảng loạn do sự xuất hiện của biến chủng virus mới.
“Các quốc gia phát triển thật ngây thơ khi tin rằng họ có thể ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này bằng một lệnh cấm toàn diện đối với các quốc gia ở khu vực phía nam châu Phi. Virus đã xâm nhập vào các nước này từ những người thậm chí chưa từng đến hoặc tiếp xúc với bất kỳ ai từ phía nam châu Phi”, Shabir Madhi, nhà nghiên cứu vaccine người Nam Phi, nói với hãng tin Al Jazeera.
“Việc biến chủng được phát hiện ở đây không có nghĩa nó là biến chủng của Nam Phi. Nam Phi là một trong những nước có năng lực giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 tốt nhất thế giới dựa trên kinh nghiệm điều trị HIV và lao của chúng tôi. Chúng tôi là nước đi trước, do vậy chúng tôi trở thành nạn nhân cho thành công của chính mình”, Madhi nói thêm.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng
Việc dừng đột ngột các chuyến bay đã khiến ngành du lịch của Nam Phi bị ảnh hưởng nặng nề, khi số khách hủy đặt chỗ ngày càng tăng ngay sau thông báo về chủng virus mới.
Video đang HOT
“Tôi hoàn toàn bị sốc. Khi chúng tôi thức dậy vào sáng thứ Sáu (26/11), mọi thứ đều ổn. Nhưng chỉ trong vòng 48 giờ, chúng tôi đã bị cấm và chúng tôi đang bị hủy phòng rất nhiều”, Manuela Pallamer, chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Mziki Safari Lodge ở North West, Nam Phi, cho biết.
“Chúng tôi có thị trường du lịch địa phương tốt, nhưng nếu tất cả khách du lịch nước ngoài hủy dịch vụ, chúng tôi sẽ thực sự bị suy sụp”, Pallamer nói thêm.
Ngành du lịch là một trong những ngành sử dụng lao động chủ chốt tại Nam Phi, cung cấp việc làm cho 4,5% toàn dân số và chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Ngành du lịch của Nam Phi đã mất khoảng 10 tỷ USD vào năm ngoái do lượng khách nước ngoài sụt giảm và ước tính sẽ mất khoảng 10 triệu USD mỗi tuần sau khi dừng các chuyến bay tới các thị trường du lịch quan trọng ở nước ngoài.
Chính phủ Nam Phi đã lên tiếng phản đối các lệnh hạn chế đi lại vì biến chủng Omicron. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 26/11 nói rằng lệnh cấm đi lại vi phạm quy định và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Phaahla chỉ trích các quốc gia khác “muốn đổ lỗi” và gán biến chủng mới cho Nam Phi thay vì hợp tác làm việc để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO.
“Covid-19 là tình huống khẩn cấp về y tế toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác cùng nhau, chứ không phải trừng phạt nhau”, ông Phaahla nói.
Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng mới có thể dễ lây nhiễm hơn do thành phần di truyền, nhưng các vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca bệnh nghiêm trọng do biến chủng.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm 27/11 cũng chỉ trích mạnh mẽ lệnh cấm đi lại, cho rằng việc một số quốc gia trên thế giới cấm chuyến bay từ Nam Phi sau khi biến chủng được phát hiện giống như đang “trừng phạt” Nam Phi, thay vì hoan nghênh nước này vì khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh hơn.
WHO ngày 26/11 đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại với nguy cơ lây nhiễm cao hơn Delta. Sau khi xuất hiện ở Nam Phi, các ca mắc biến chủng mới bắt đầu lan sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ (Canada), châu Á (Hong Kong).
Hàng loạt quốc gia đã cấm các chuyến bay từ Nam Phi và các nước láng giềng hoặc cấm nhập cảnh với người trở về từ khu vực này. Israel thậm chí thông báo cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, trở thành nước đầu tiên đóng biên giới để đối phó biến chủng Omicron.
Nam Phi cân nhắc khả năng tiêm vaccine bắt buộc trong bối cảnh số ca nhiễm tăng
Tối 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định sẽ chưa thắt chặt các quy định phòng chống dịch COVID-19 vì sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron, nhưng chính phủ nước này đã thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét khả năng bắt buộc tiêm vaccine.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Pretoria. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong bài diễn văn được phát sóng trực tiếp, ông Ramaphosa cho biết nhóm chuyên trách sẽ thực hiện tham vấn rộng rãi về việc có áp dụng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với một số hoạt động và địa điểm cụ thể.
Nhóm này sẽ báo cáo với ủy ban liên bộ về tiêm chủng do Phó Tổng thống chủ trì và sẽ đưa ra các khuyến nghị với nội các về cách tiếp cận công bằng và bền vững đối với các quy định bắt buộc.
Như vậy, Nam Phi sẽ duy trì trong tình trạng cảnh báo quốc gia cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất trong 5 cấp độ cảnh báo tại quốc gia này.
Cảnh báo trước sự gia tăng cực kỳ mạnh mẽ các ca mắc COVID-19 trong những ngày gần đây trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới, đồng thời với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Tổng thống Ramaphosa lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Ông tuyên bố: "Vaccine có tác dụng và vaccine đang cứu sống nhiều người". Ông cũng kêu gọi người dân Nam Phi thuyết phục bạn bè và người thân chưa tiêm phòng đi đến các cơ sở để tiếp nhận mũi tiêm này. Ông tin rằng tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ tạo cơ hội cho người dân đi lại tự do và giúp nền kinh tế phát triển.
Kể từ khi chương trình tiêm chủng toàn quốc được triển khai ở Nam Phi vào tháng 5/2021, hơn 25 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân. Theo Tổng thống Ramaphosa, cho đến nay 41% dân số trong độ tuổi trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 35,6% người dân đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong số đó, 57% người từ 60 tuổi trở lên và 53% người từ 50-60 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, ông Ramaphosa cho rằng mặc dù đây là một tiến bộ đáng hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ để giúp giảm thiểu sự lây lan, ngăn ngừa bệnh tật, số ca tử vong và khôi phục nền kinh tế.
Tổng thống Ramaphosa bày tỏ tin tưởng rằng việc phát hiện sớm biến thể Omicron đồng nghĩa với việc người dân được trang bị tốt hơn để ứng phó với biến thể này. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn tới các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được biến thể và trở nên "nổi tiếng thế giới và được kính trọng rộng rãi".
Trong tuần vừa qua, Nam Phi có sự gia tăng đột biến về số ca mắc COVID-19, đặc biệt là ở tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô hành chính Pretoria và đô thị kinh tế lớn của quốc gia Johannesburg, với trung bình 1.600 ca mắc mới so với chỉ 500 và 275 ca mỗi ngày trong 2 tuần trước đó.
Bài phát biểu của Tổng thống Ramaphosa được đưa ra sau cuộc họp Hội đồng phòng chống COVID-19 quốc gia Nam Phi hôm 27/11. Ngay trước bài phát biểu của ông, Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm đã báo cáo 2.858 trường hợp mắc COVID-19 mới sau 24 giờ, trong số đó có 18 trường hợp nhập viện.
* Cũng trong tối 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố ông vô cùng thất vọng trước việc một số nước quyết định áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ một số quốc gia miền Nam châu Phi, bao gồm cả Nam Phi, do sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong bài diễn văn trước toàn dân được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, ông Ramaphosa nhấn mạnh lệnh cấm là phi lý và không công bằng đối với đất nước Nam Phi nói riêng và các nước khu vực miền Nam châu Phi nói chung.
Ông cho rằng việc cấm đi lại không có cơ sở khoa học, cũng như sẽ không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Điều duy nhất mà lệnh cấm này mang lại là sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn nữa cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng, đồng thời làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Hiện tại, những nước đã áp dụng các hạn chế đi lại đối với một số nước châu Phi gồm có Vương quốc Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Seychelles, Brazil, Guatemala, cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Tổng thống Nam Phi tuyên bố lệnh cấm này hoàn toàn không chính đáng so với cam kết mà nhiều nước trong số các quốc gia đang áp dụng đã đưa ra tại cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Rome (Italy) tháng 10 vừa qua.
Ông nói: "Tại cuộc họp đó, họ đã cam kết sẽ khởi động lại du lịch quốc tế một cách an toàn và có trật tự, phù hợp với quy định của các tổ chức quốc tế liên quan như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)".
Theo ông Ramaphosa, tuyên bố Rome của G20 đã ghi nhận hoàn cảnh khó khăn của ngành du lịch ở các nước đang phát triển và đưa ra cam kết hỗ trợ "sự phục hồi nhanh chóng, linh hoạt, toàn diện và bền vững của ngành du lịch".
Tổng thống Ramaphosa kêu gọi tất cả các quốc gia đã áp dụng lệnh cấm đi lại khẩn trương đảo ngược quyết định và dỡ bỏ lệnh cấm trước khi có thêm bất kỳ thiệt hại nào đối với nền kinh tế và sinh kế của người dân các nước châu Phi. Ông cũng cho biết Nam Phi sẽ tiếp tục làm việc với WHO để được hướng dẫn về việc tổ chức đi lại an toàn, trong bối cảnh cơ quan y tế toàn cầu này cũng đưa ra khuyến cáo phản đối việc đóng cửa biên giới.
Theo Tổng thống Ramaphosa, giống như hầu hết các quốc gia khác, Nam Phi có đầy đủ phương tiện để kiểm soát nguy cơ lây lan các biến thể sang các quốc gia khác, bao gồm yêu cầu khách du lịch xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và đeo khẩu trang suốt quá trình di chuyển.
Tổng thống Nam Phi cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đấu tranh để mọi người được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách bình đẳng, vì sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine không chỉ gây thiệt hại cho cuộc sống và sinh kế ở những quốc gia yếu thế, mà còn đe dọa những nỗ lực toàn cầu nhằm vượt qua đại dịch.
Ông tuyên bố: "Sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ là một lời cảnh tỉnh cho thế giới rằng tình trạng bất bình đẳng vaccine không thể tiếp diễn. Cho đến khi tất cả mọi người được tiêm phòng, tất cả mọi người sẽ có nguy cơ mắc bệnh".
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm chủng ở Centurion, tỉnh Gauteng, Nam Phi ngày 13/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nam Phi cũng kêu gọi: "Thay vì cấm đi lại, các quốc gia giàu có trên thế giới cần hỗ trợ nỗ lực của các nền kinh tế đang phát triển trong việc tiếp cận và sản xuất đủ liều vaccine cho người dân của họ ngay lập tức".
Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc cơ quan y khoa thuộc Bộ Y tế Tanzania, Aiffelo Sichalwe cho biết nước này đang theo dõi biến thể Omicron, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư có thể sắp xảy ra.
Trong tuyên bố trên trang cá nhân đêm 27/11, ông Sichalwe tuyên bố giới chức Tanzania đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới và đang thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư và biến thể Omicron xâm nhập vào nước này.
Các biện pháp ngăn chặn bao gồm cả việc tăng cường xét nghiệm COVID-19 tại các sân bay, bến cảng và biên giới. Ông Sichalwe nhắc nhở người dân Tanzania tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 theo chỉ dẫn của cơ quan y tế, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước và xà phòng, tránh tụ tập không cần thiết.
Lo ngại biến chủng Omicron, thêm nhiều quốc gia áp dụng hạn chế du lịch Australia, Canada, Thái Lan là một trong những quốc gia mới nhất hạn chế du khách đến từ các nước thuộc miền nam châu Phi vì lo ngại biến chủng Omicron đang nổi lên. Trong cuộc họp khẩn cấp ngày 27/11, chính phủ Australia đưa ra thông báo sẽ cấm nhập cảnh với tất cả du khách đến từ 9 quốc gia châu...