Lo phố đi bộ quanh Lăng Bác ảnh hưởng an ninh
Ban Đối ngoại thuộc Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Nội vụ vừa có ý kiến đề nghị UBND thành phố Hà Nội chưa triển khai đi bộ tại đường Độc Lập và đường Tôn Thất Đảm do lo ngại ảnh hưởng đến các hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước…
Ảnh minh họa
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Hồng Nam, đường Tôn Thất Đàm chạy trước cửa Bộ Ngoại giao. Do công tác đối ngoại, hàng ngày Bộ Ngoại giao phải tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, đón và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Lượng xe ô tô ra vào Bộ Ngoại giao qua phố Tôn Thất Đàm là rất lớn.
“Nếu tổ chức phố Tôn Thất Đàm là tuyến phố đi bộ, các phương tiện sẽ không thể vào Bộ Ngoại giao được, ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và toàn bộ hoạt động của Bộ Ngoại giao” – ông Vũ Hồng Nam nhận định.
Trong khi đó, Phó Trưởng Ban, Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng cho biết, Ban Đối ngoại Trung ương hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực của UBND thành phố Hà Nội trong việc thực hiện chủ trương điều chỉnh quy hoạch, cải tạo hạ tầng giao thông, không gian kiến trúc cảnh quan quanh khu Trugn tâm Chính trị Ba Đình thời gian qua.
Tuy nhiên, Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, đường Độc lập là một tuyến phố quan trọng của Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, kết nối với khu vực Trụ sở Trung ương Đảng và các ban Đảng ở Trung ương, được sử dụng nhiều trong tổ chức các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước.
“Việc tổ chức đường Độc lập thành tuyến phố đi bộ sẽ gây nhiều bất tiện và khó khăn cho công tác phục vụ hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, nhất là công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam” – Phó Trưởng Ban, Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng lo ngại.
Về đường Độc lập, Bộ Ngoại giao cũng có ý kiến phân tích rằng, đây là một tuyến phố quan trọng cùng với đường Hoàng Diệu kết nối khu vực các Cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ với phần còn lại của Hà Nội. Lượng xe công vụ khá đông. Hiện nay các xe đưa đón khách quốc tế chào Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ sử dụng đường Độc lập là chủ yếu.
“Nếu tổ chức tuyến phố đi bộ trên đường Độc Lập, các phương tiện sẽ phải đi qua đường Hoàng Diệu sẽ không thuận tiện và trang trọng với các Đoàn cấp cao, nhất là khi có các Đoàn cấp cao đi qua, tổ chức cấm đường sẽ không có đường thay thế.” – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Hồng Nam phân tích.
Vì các lý do trên, cả Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao đều đề nghị UBND thành phố Hà Nội cân nhắc kỹ chủ trương và chưa triển khai 2 tuyến phố đi bộ nói trên.
Vội tổ chức khi chưa nghiên cứu kỹ?
Trước các đề nghị của 2 cơ quan quan trọng nói trên, ngày 31/3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi đã có chỉ đạo giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND quận Ba Đình nghiên cứu ý của Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương để đề xuất các phương án triển khai phù hợp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Điều đáng nói là trước đó, cũng chính Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND quận Ba Đình, công an quận Ba Đình nghiên cứu việc tổ chức 4 tuyến phố đi bộ quan khu vực Lăng Bác, là các phố Độc Lập, Bắc Sơn, Tôn Thất Đàm và Bà Huyện Thanh Quan.
Video đang HOT
Cũng rất khẩn trương, ông Khôi yêu cầu tổ chức làm biển báo, sơn kẻ đường, hoàn thiện các điều kiện để tổ chức đi bộ xong trong tháng 4 và phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện đi bộ từ ngày 19/5.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng giao UBND quận Ba Đình hướng dẫn cho hành khách đỗ xe tạm thời phục vụ cho người đi bộ tại vị trí bãi đỗ xe ở Công viên Bách thảo, về lâu dài thực hiện theo quy hoạch, còn Sở Giao thông Vận tải lập thiết kế, dự toán hàng rào an ninh khu vực bảo vệ, bồn hoa, lát đá vỉa hè, chiếu sáng khu vực tuyến đi bộ, thống nhất với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời, triển khai tổ chức thi công hoàn thành trong tháng 4/2014.
Tuy nhiên, mặc dù khu vực dự kiến triển khai phố đi bộ quanh Lăng Bác liên quan đến rất nhiều cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ thì các cơ quan này chỉ biết được chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập phương án tổ chức đi bộ trên các tuyến đường Độc Lập, Bắc Sơn, Tôn Thất Đàm và Bà Huyện Thanh Quan (Quận Ba Đình) qua các phương tiện thông tin đại chúng. Và trong tất cả các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, không hề có lời nào về phương án giao thông đối với các cơ quan trong khu vực dự kiến tổ chức phố đi bộ.
Trước đó, hồi cuối năm 2011, quận Hoàn Kiếm cũng dự định tổ chức hàng loạt tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm như: Hàng Buồm-Hàng Giầy-Lương Ngọc Quyến-Mã Mây-Đào Duy Từ-Tạ Hiện.
Vào thời điểm cuối tháng 10/2011, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đề án đã hoàn thành, nếu được thành phố chấp thuận, ngay cuối tháng 11 hoặc tháng 12/2011 sẽ triển khai 6 tuyến phố đi bộ nói trên. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai các phố đi bộ này vẫn chưa được thực hiện.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedi
Chuyện xúc động ở Lăng Bác chiều 2/9
Chiều muộn ngày 2/9, người đàn ông quê mùa, cắp nách chiếc túi ni lông, mắt chăm chú nhìn vào cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, miệng lẩm nhẩm ngâm một bài thơ khấn Bác...
Chiều 2/9, mặc dù trời vẫn lất phất mưa nhưng hàng trăm người vẫn có mặt trên Quảng trường Lăng Bác. Lúc này, Lăng đã đóng cửa. Những người đến muộn không thể vào viếng Bác nên đã xếp hàng ngoài Quảng trường, đợi đến lượt được nhận những nén hương dâng lên Bác.
Không khí ở đây rất xúc động. Mỗi người nhận một nén hương từ tay những nhân viên bảo vệ Lăng, kính cẩn cúi mình và trân trọng cắm lên lư hương lớn được để trước cửa Lăng.
Trong đoàn người thắp hương, có một người đàn ông mặc bộ quần áo cũ kỹ, thậm chí khá nhàu nát, chân đi đôi dép cũng cũ kỹ không kém. Khuôn mặt người đàn ông này rất khó đoán tuổi, hiện rõ sự vất vả của một người lao động phổ thông. Tay cắp nách một chiếc túi ni lông, người đàn ông ngước khuôn mặt khắc khổ nhưng ánh nhìn lại rất rạng rỡ, thành kính lẩm bẩm một bài thơ... khấn Bác.
Anh Nguyễn Hữu Hỏi thành kính, khe khẽ ngâm một bài thơ dâng lên Bác trong chiều 2/9/2013
Anh cho biết tên mình là Nguyễn Hữu Hỏi. Quê anh ở Xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh ra Hà Nội để đi làm thợ hồ. Cách đây ít ngày, anh đã vào Lăng viếng Bác. Tuy nhiên, hôm nay, nhân ngày Tết Độc lập, anh không về quê nên một mình lại ra đây thắp hương viếng Bác. "Mới hôm nọ tôi vào viếng Bác rồi, thấy Bác rất tươi tỉnh. Ngày hôm nay, tôi đến đây vì thấy nhớ công ơn của Bác để toàn dân được no ấm, hạnh phúc, để cho con cháu ngày nay được tự hào, sung sướng" - anh Hỏi xúc động nói, đôi mắt rưng rưng lệ. Người đàn ông chất phác này cũng cho biết, nhất định khi có dịp, anh sẽ đưa cả vợ con anh vào Lăng viếng Bác.
Cũng như anh Hỏi, chị Tống Thị Hương, ở Thiên Phương, Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, vì buổi sáng trời mưa to nên chiều nay, khi mưa ngớt, vợ chồng chị mới mặc áo mưa chở nhau đi quãng đường hơn 20km để vào Lăng viếng Bác. Tuy nhiên, khi ra đến nơi đã muộn, Lăng đóng cửa, anh chị đành đứng trước cửa Lăng "vái vọng". "Nhà tôi lúc nào cũng bận, chỉ có hôm nay thong thả một chút nên vợ chồng rủ nhau đến đây thắp nén hương viếng Bác" - chị Hương vui vẻ nói.
Trong khi đó, một gia đình gồm cả vợ, chồng và mấy đứa con, cháu ở phố Nguyễn Chí Thanh ngồi chơi trên Quảng trường cũng cho biết, chiều nay, thấy trời ngớt mưa, cả gia đình anh chị đến đây và đã vào thắp hương "báo công" với Bác. "Chúng tôi đã thắp hương rồi, "báo công" với Bác rồi, giờ ra đây ngồi chơi cho thanh thản" - người chồng nhanh nhảu nói.
Lúc này, trên Quảng trường cũng có rất nhiều bạn trẻ đến thắp hương viếng Bác. Một nhóm bạn cho biết, họ là sinh viên của trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương. Nhân ngày 2/9, các bạn muốn đến đây để hưởng không khí của Tết Độc lập.
Không chỉ có du khách mà cả những chiến sĩ trong đội bảo vệ Lăng cũng cảm thấy rất phấn khởi trong ngày lễ này. Ngay dưới chân cột cờ, nhiều chiến sĩ trẻ đã thay nhau chụp ảnh kỷ niệm khiến không khí ngày Tết Độc lập ở đây thật sự vui vẻ và ấm áp.
"Đã nhiều năm nay, năm nào tôi cũng đến đây vào dịp 2/9. Có năm thì vào trong "gặp" Bác, có năm chỉ đứng ngoài thắp nén hương. Nhưng lần nào tôi cũng thấy rất xúc động." - một bác cựu chiến binh, nhà ở phố Cầu Giấy chia sẻ.
Một số hình ảnh chiều muộn ngày 2/9/2013 ở Quảng trường Lăng Bác:
Chiều 2/9, mặc dù Lăng Bác đã đóng cửa nhưng du khách vẫn đổ về khu vực Quảng trường Lăng Bác
Xếp hàng chờ nhận những nén hương để thắp nhân ngày Tết Độc lập
Giữa những đoàn người đến viếng Bác, người phu hồ quê tỉnh Ninh Bình thành kính ngâm một bài thơ dâng lên Người
Dù vẫn còn lam lũ, vất vả mưu sinh, nhưng anh Hỏi nói rằng, vào ngày Tết Độc lập, anh cảm thấy nhớ và biết ơn Bác, người đã đem lại cho dân tộc một cuộc sống no ấm hơn
Không kịp giờ vào Lăng, người đàn ông Hàn Quốc này cũng thành kính thắp nén hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Không chỉ có du khách ở xa đến, những người dân quanh khu vực Lăng Bác cũng đến đây để thắp hương
Bình yên dưới chân cột cờ
Thưa Bác, cháu sẽ ngoan ạ
Những chiến sĩ trẻ cũng tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm trong ngày Tết Độc lập
Chiều muộn, trên Quảng trường Lăng Bác, con cháu vẫn ấm áp quanh Người,
Và lư hương vẫn nghi ngút khói...
Theo_VnMedia
Bộ Ngoại giao đề nghị chưa tổ chức phố đi bộ quanh Lăng Bác Bộ Ngoại giao cho rằng nếu phố Tôn Thất Đàm là tuyến phố đi bộ, các phương tiện sẽ không thể vào Bộ này, điều đó ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và toàn bộ hoạt động của Bộ. Dự kiến từ ngày 19/5 tới, các tuyến đường quanh Lăng Bác gồm Độc Lập, Bắc Sơn, Tôn Thất Đàm và Bà Huyện...