Lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động vì… sứa
Một trong số các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn ở miền đông nam Thụy Điển đã phải tạm ngưng hoạt động trong tuần này vì sự xâm nhập của… sứa mặt trăng.
Loài sứa mặt trăng – Ảnh: AFP
Số là những “vị khách” này đã làm tắc nghẽn các đường ống cung cấp nước làm mát cho tua bin của lò phản ứng số 3 thuộc nhà máy Oskarshamn, AFP đưa tin.
Đến hôm 2.10, lò phản ứng trên đã được khởi động lại sau khi các chuyên gia dọn sạch hết sứa.
Theo ông Anders Osterberg, đại diện OKG, nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn, lò phản ứng trên là lò phản ứng nước sôi lớn nhất thế giới, có công suất khoảng 1.400 MW.
Video đang HOT
Tất cả 3 lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Oskharshamn đều là loại lò phản ứng nước sôi, có cùng công nghệ với các lò tại nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản, vốn hứng chịu thảm họa kép động đất sóng thần hồi năm 2011.
Nhà máy Oskarshamn là nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên của Thụy Điển, được đưa vào hoạt động hồi năm 1972, và lò phản ứng thứ 3 đi vào hoạt động hồi năm 1985.
Ba lò phản ứng của nhà máy cung cấp 10% tổng sản lượng điện của Thụy Điển, theo OKG.
Đây không phải là lần đầu tiên loài sứa này gây rắc rối. Thống kê từ năm 1999, loài sứa này đã từng “làm loạn” ở Philippines, Nhật Bản, Israel, Mỹ và Scotland, theo CNN.
Theo TNO
Hàn Quốc: Bê bối điện hạt nhân tiếp tục lan rộng
Hàn Quốc hôm nay đã phải ra lệnh đóng cửa thêm 2 lò phản ứng hạt nhân, đồng thời hoãn việc khởi động hai nhà máy khác sau khi phát hiện thêm nhiều thiết bị lắp tại các nhà máy này sử dụng chứng chỉ chất lượng giả mạo.
Một góc khu liên hợp điện hạt nhân Gori, gần cảng Busan
Quyết định trên vừa được Ủy ban an toàn và an ninh hạt nhân (NSSC) của Hàn Quốc đưa ra. Như vậy, đến nay đã có tổng cộng 10 trong tổng số 23 lò phản ứng hạt nhân của nước này phải ngừng hoạt động, làm dấy lên lo ngại về khả năng thiếu hụt năng lượng trong mùa Hè tới.
Hiện năng lượng hạt nhân đáp ứng khoảng hơn 35% nhu cầu điện năng của quốc gia này.
NSSC khẳng định họ đã đóng cửa một lò phản ứng tại khu liên hợp hạt nhân Gori và một lò khác tại nhà máy điện Wolseong sau khi phát hiện cả hai nhà máy có sử dụng thiết bị đi kèm giấy chứng nhận chất lượng giả mạo.
Việc đưa một lò phản ứng hạt nhân khác tại Gori đang được bảo dưỡng trở lại hoạt động cũng như khai trương một lò phản ứng khác tại Wolseong cũng bị đình lại vì cùng lí do trên, NSSC cho biết. Toàn bộ các thiết bị không đạt chất lượng được sử dụng tại 4 lò phản ứng này sẽ phải thay thế.
Thời gian qua, ngành điện hạt nhân của Hàn Quốc đã gặp nhiều rắc rối sau một loạt sự cố hỏng hóc, buộc phải ngừng hoạt động cũng như các vụ bê bối tham nhũng khiến niềm tin của công chúng bị lung lay kể từ sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản năm 2011.
Theo quy định, toàn bộ thiết bị sử dụng tại các lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc phải được cấp chứng nhận chất lượng và an toàn từ 1 trong số 12 tổ chức quốc tế được chính phủ nước này chỉ định.
Hồi năm ngoái, các cơ quan điều tra phát hiện 8 nhà cung cấp đã làm giả các giấy chứng nhận này để tuồn vào hàng nghìn thiết bị tại một số lò phản ứng. Mặc dù đây chỉ là các thiết bị "không cốt lõi", và không có nguy cơ mất an toàn đe dọa tới công chúng, cơ quan chức năng vẫn mở cuộc điều tra trên toàn quốc và ra lệnh thay thế tất cả thiết bị không đạt chuẩn.
Trong tháng này, 6 kỹ sư điện hạt nhân và các nhà cung cấp cũng bị tống giam vì dính líu đến bê bối này.
Theo Dantri
Nhật Bản có thể sẽ từ bỏ mục tiêu "phi hạt nhân" Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 30/12 bày tỏ sẵn sàng xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân, một dấu hiệu cho thấy chính quyền mới ở nước này sẽ từ bỏ mục tiêu mà chính quyền tiền nhiệm, do đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lãnh đạo, chủ trương xóa bỏ hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân...