Lo núi sập, 17 hộ dân kêu cứu
Sau đợt mưa lớn vừa qua, nhiều hộ dân ở xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên ( Nghệ An) vô cùng lo lắng…. bởi hai quả núi Rú Lài và Rú Rậm có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Và việc này, người dân nơi đây đã “kêu cứu” gần 1 năm trước nhưng đến nay họ vẫn bị phó mặc cho sự đe dọa của hai ngọn núi nói trên.
Tình trạng sạt lở đất đá tại xóm 5, 6A, 6B và 7 xã Hưng Yên Nam diễn ra trong thời gian qua khiến cho các hộ dân nơi đây lo lắng.
Người dân xóm 5, 6A, 6B, 7A, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, gần 1 năm qua và thời gian gần đây hàng chục tấn đất đá trên Rú Lài và Rú Rậm sạt lở nghiêm trọng đang đe dọa tính mạng, tài sản của gần cả trăm hộ dân nơi đây.
Sợ núi sập, 17 hộ dân làm đơn cầu cứu chính quyền
Ngày 16/10, chúng tôi có mặt tại hiện trường để tìm hiểu sự việc. Nhìn về ngọn núi cao chót vót trơ trọi đá, nước từ trên cao cứ chảy róc rách khiến nhiều vết nứt trở nên nguy hiểm hơn, ông Nguyễn Văn L. (77 tuổi, trú xóm 5, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên) lo lắng:
“Mấy năm trở lại đây người dân chúng tôi vô cùng bất an khi tình trạng khai thác đất đá tại Rú Lài, Rú Rậm gây nguy cơ sạt lở vào nhà dân bất cứ lúc nào. Gia đình tôi có 6 người, nhưng cứ vào ngày mưa gió là cả nhà sống trong lo âu vì sợ núi lở xuống. Đây là hậu quả của việc khai thác đất đá mà trước đây địa phương cho doanh nghiệp khoét núi vô tội vạ”.
Cũng theo ông L., khi người dân phản ánh thì xã có lập biên bản, sau đó ít lâu tình trạng này lại diễn ra. “Khi chúng tôi phản ánh, chính quyền xã không cho doanh nghiệp làm nữa. Thế nhưng chỉ được ít hôm thấy họ lại làm tiếp, chúng tôi không hiểu chính quyền xã họ dẹp thế nào nữa, hay chỉ là để che mắt thánh chăng”, ông L. cho biết thêm.
Người dân cho biết, đợt mưa lũ vừa qua tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn.
Còn ông Nguyễn Văn Quy (57 tuổi, trú xóm 5) cũng bức xúc cho rằng: “Khoảng tháng 9/2016, tại khu vực Rú Lài và Rú Rậm đã bị sạt lở khiến cho nhà tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây (một số hộ dân ở xóm 5, xóm 6A) bị hư hỏng nghiêm trọng. Không chỉ nhà cửa bị hư hỏng mà nhiều cây cối, hoa màu gãy đổ hoàn toàn”.
Video đang HOT
Ông Quy cho biết thêm: “Vừa qua, do mưa lớn kéo dài, đất đá trên núi đổ xuống ngày càng nhiều khiến chúng tôi lo lắng lắm. Thậm chí đất đá còn sạt lở trôi ra tận con đường liên xã khiến giao thông bị ách tắc. Trước sự việc này, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu đến chính quyền địa phương nhưng đến nay họ không thấy giải quyết gì cả”.
Có khoảng khoảng 80 hộ dân sống cạnh núi Rú Lài và Rú Rậm đang ngày đêm lo lắng bất an vì tình trạng sạt lở núi uy hiếp.
“Giờ bà con chúng tôi sợ lắm, không biết những tảng đá lớn trên núi nó đổ xuống lúc nào nữa. Hiện nay những quả núi to đã không còn chân nữa thì chắc sẽ sập xuống là điều có thể đoán trước. Lúc mưa gió chúng tôi không dám sinh hoạt trong nhà, nhiều lúc phải đi sang nhà anh em ở xóm khác trú nhờ…”, ông Nguyễn Văn Thiêm (trú xóm 6A) bức xúc nói.
Dự án chống sạt lở nằm trên giấy?
Đem vấn đề trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, ông Hiếu cho hay: “Điểm sạt lở núi ở Rú Lài, Rú Rậm có từ những năm trước. Đây là hậu quả do khai thác đất đá trước khi tôi về đây (trước khi ông Hiếu về làm chủ tịch xã này-PV). Hiện nay có 17 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp, còn gián tiếp là hơn 60 hộ chủ yếu ở xóm 5, 6A, 6B, 7A”.
Cũng theo ông Hiếu, trận mưa lũ vừa qua kéo dài đã làm cho đất đá từ trên núi đổ xuống đường gây ách tắc, chính quyền cũng khá băn khoăn, lo lắng.
Nhiều diện tích lúa nước của người dân nơi đây đang bị sạt lở núi vùi lấp.
“Trước đó vào tháng 9/2016, tình trạng đất đá sạt lở ở đây đã diễn ra rồi. Đất đá sạt lở đã làm cho nhiều hộ dân bị vùi lấp cây cối hoa màu và chúng tôi cũng đã giải quyết cho dân rồi. Đợt mưa vừa rồi xã cũng đã cắt cử người túc trực tại đây để có phương án di dân khẩn cấp nếu có sạt lở xảy ra… Hiện nay huyện đã có chủ trương về việc kè chống sạt lở nơi đây bằng đá trong rọ sắt. Tuy nhiên do mưa gió xảy ra thời gian gần đây khá phức tạp nên dự án trên vẫn chưa thể thực hiện được.”.
Có hay không việc trước đây chính quyền xã cho doanh nghiệp khai thác đá? Về vấn đề này, ông Hiếu khẳng định: “Đá ở Rú Lài, Rú Rậm ngày trước chính quyền cho doanh nghiệp là để họ dọn số đất đá sạt lở đưa đi đắp đường nội đồng. Chứ ở đây không hề có chuyện chính quyền cho doanh nghiệp khai thác đất đá bừa bãi…”.
Việc chính quyền có cho doanh nghiệp khai thác đá tại Rú Lài và Rú Rạm hay không, câu hỏi này chúng tôi xin gửi về lãnh đạo huyện Hưng Nguyên. Song trước tình trạng hai ngọn núi này có nguy cơ bị sạt lở thì chính quyền địa phương cần có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn tính mạng, nhà cửa, hoa màu… cho bà con là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Nguyễn Duy
Theo Dantri
Núi cao 100m sạt xuống đe dọa cuộc sống của 50 hộ dân
Mưa lớn khiến dãy núi dài 700 m ở Nghệ An bị sạt, hàng trăm khối đất đá đổ xuống những nhà dân sống xung quanh.
Hàng trăm khối đất đá tại núi Rậm, xã Hưng Yên Nam, đổ xuống dưới chân núi. Ảnh: Hải Bình.
Sáng 9/11, hàng chục công an, dân quân tự vệ của xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An) túc trực tại núi Rậm thuộc xóm 5 để ngăn không cho người dân qua lại do đất đá sạt lở, hỗ trợ các gia đình dọn bùn bị tràn vào nhà.
Trước đó khoảng 5h ngày 8/11, vợ chồng bà Phạm Thị Hiên (67 tuổi ở xóm 5 xã Hưng Yên Nam, Hưng Nguyên, Nghệ An) đang ngủ thì nghe tiếng ào ào như thác đổ. Vội mở cửa, bà thấy đất đá từ ngọn núi Rậm cách tường nhà chừng 40 m đang đổ xuống, vài phút sau đã tràn tới sân. Vợ chồng bà vội đóng sập cửa để ngăn đất tràn vào nhà.
"Sống ở đây hàng chục năm, nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến cảnh sợ hãi như thế. Đêm qua tôi phải tới nhà người thân tá túc vì sợ đất lại tràn vào nhà không chạy kịp", bà Hiên nói.
Hôm nay, hàng chục cán bộ, dân quân tự vệ của xã được điều động tới giúp dân thu dọn đất đá bị tràn vào khuôn viên nhà. Ảnh: Hải Bình.
Cách nhà bà Hiên vài chục mét, gia đình anh Nguyễn Văn Phượng (39 tuổi) cũng chưa hết sợ hãi sau vụ sạt núi. Sáng hôm qua sau cơn mưa lớn, anh nhìn lên núi thì thấy cây cối nghiêng ngả. Đất bắt đầu nứt toác rồi cuồn cuộn theo dòng nước mưa ùa thẳng vào nhà.
"Tôi gọi vợ đóng cửa rồi lấy giẻ lau nhà bít hết các khe cửa, vách tường để đất đá và nước khỏi tràn vào. Cũng may là tường nhà vững chãi nên chưa bị xô đổ. Được chính quyền khuyến cáo nên vợ chồng đã bắt hết lợn, gà đưa tới nhà người thân. Hai con nhỏ được đưa đi gửi", anh Phượng nói.
Ông Nguyên Văn Hiếu, Chủ tịch xã Hưng Yên Nam cho biết, từ ngày 7/11 địa bàn có mưa to, dãy núi Rậm dài chừng 700 m chủ yếu được giao khoán cho người dân trồng bạch đàn và tràm, độ cao 100 m so với nhà dân, bắt đầu bị nứt rồi sập từng mảng lớn xuống nhà dân. Đến cuối ngày hôm qua, việc sạt lở chỉ rải rác vì mưa đã giảm.
Dọc theo chân núi có 50 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sinh sống, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là 13 hộ. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều vườn cây ăn quả, rau màu của người dân bị đất đá vùi lấp.
"Từ hôm qua, chính quyền đã huy động gần 100 cán bộ, dân quân tự vệ tới các nhà dân để vận động bà con di dời tài sản quý, cùng người già và trẻ em tới nơi an toàn. Mỗi gia đình chỉ cắt cử một người trụ lại phối hợp với cán bộ trông coi vật dụng vào đêm tối, đề phòng có diễn biến xấu", ông Hiếu nói và cho biết đợt mưa giữa tháng 10 dãy núi Rậm đã có dấu hiệu sạt lở.
Nhiều vườn chanh của các hộ dân bị bùn tấp sâu nửa mét. Ảnh: Hải Bình.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, cho biết sẽ có báo cáo lên tỉnh để lập dự án xử lý tình trạng sạt lở. "Có thể sẽ phải cắt ngọn núi này thành hình bậc thang, xây móng để chống sạt lở về lâu dài. Một mặt huyện sẽ rà soát xem những hộ cần di dời thì sẽ tìm nơi định cư mới cho họ", ông Ân nói.
Hiện tại Nghệ An có mưa, chính quyền địa phương vẫn túc trực cùng những hộ dân quanh chân núi để xử lý nếu núi tiếp tục sạt.
Hải Bình
Theo VNE
Toàn cảnh lũ lụt lịch sử: Những con số đau xót Trận lũ lịch sử xảy ra ở một số tỉnh miền Bắc gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cả về người và tài sản. Theo Danviet