Lo ngại từ ý tưởng Trung Quốc cắt dược phẩm xuất sang Mỹ
Ý tưởng hạn chế xuất khẩu dược phẩm để trả đũa Mỹ được cho là sẽ mang lại nhiều hại hơn là lợi đối với Trung Quốc, chuyên gia đánh giá.
Những tuần gần đây, khi Mỹ gia tăng đòn tấn công nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc và nguy cơ hai nước tách rời kinh tế ngày một lớn dần, những cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh đã bắt đầu tranh luận về một lựa chọn trả đũa: Cắt đứt khả năng tiếp cận dược phẩm của Mỹ.
Từ thuốc giảm đau đến thuốc điều trị HIV, Mỹ đều phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhờ hoạt động gia công quy mô lớn từ những năm 1990.
Một nhà máy sản xuất dược phẩm ở Vũ Hán. Ảnh: Bloomberg.
Dù ỳ tưởng vũ khí hóa xuất khẩu dược phẩm và tiền chất không nhận được sự ủng hộ chính thức, các cuộc thảo luận về nó đang gây lo lắng ở cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Hồi cuối tháng trước, Lý Đạo Quỳ, giáo sư tài chính tại Đại học Thanh Hoa, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, tuyên bố rằng việc hạn chế xuất khẩu thuốc có thể là đòn trả đũa hợp pháp trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các công ty công nghệ và phần mềm nước này.
Trong một văn bản trả lời South China Morning Post, Lý cho biết quan điểm của ông rất rõ ràng, rằng Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc mật thiết vào nhau và hai bên không thể tách rời về kinh tế. Nhưng hồi năm 2019, ông cũng từng gợi ý rằng Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu kháng sinh sang Mỹ như một cách để trả đũa chiến tranh thương mại,
Các chuyên gia khác cho rằng ý tưởng trên không phù hợp về mặt đạo đức mà còn tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng.
“Nó không thể giúp ích gì cho Trung Quốc trong việc trả đũa Mỹ, trái lại, nó còn thúc đẩy các nỗ lực nhằm hạn chế hơn nữa những công ty công nghệ cao Trung Quốc”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét.
An ninh chuỗi cung ứng dược phẩm đã nổi lên như một chủ đề được quan tâm lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cả Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đều hứa sẽ giải quyết vấn đề này sau khi đại dịch Covid-19 làm lộ ra các lỗ hổng trong ngành dược phẩm và thiết bị y tế của Mỹ.
Video đang HOT
Trong khi các hãng dược phẩm Mỹ vẫn duy trì các cơ sở nghiên cứu tại quê nhà, những nhà máy sản xuất các loại thuốc generic giá rẻ đang dần biến mất. Nhiều thành phần chính của thuốc kháng sinh không còn được sản xuất trong nước. Nhà sản xuất nguyên liệu penicillin cuối cùng có trụ sở tại Mỹ đã đóng cửa vào năm 2004.
Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau, tuy nhiên, thuốc generic chỉ có thể được sản xuất sau khi thuốc biệt dược hết thời hạn bảo hộ phát minh (thường là từ 10 đến 20 năm kể từ ngày dược chất được tìm thấy).
Năm ngoái, khoảng 40% lượng thuốc kháng sinh nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc, bao gồm 90% là chloramphenicol, 93% tetracyclines và 52% penicillin, theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ.
Theo Zhang Weiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán, việc Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số loại thuốc cơ bản thực sự là điểm yếu chết người với Washington và lợi thế lớn cho Bắc Kinh. Ông hồi đầu năm nói rằng “tất cả các bệnh viện ở Mỹ đều sẽ phải đóng cửa nếu không có nguồn cung từ Trung Quốc”, do Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào thuốc kháng sinh Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà sản xuất dược phẩm hoạt tính (API) lớn nhất thế giới. Đây là những thành phần tiền chất được sử dụng trong các loại thuốc generic. Họ sở hữu hơn 11.000 nhà sản xuất cung cấp cung cấp dược phẩm với Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu hàng đầu.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không có thông tin cụ thể về khối lượng API được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng trong một bức thư gửi FDA hồi tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Chuck Grassley ước tính khoảng 80% lượng API được dùng tại Mỹ do Trung Quốc và Ấn Độ sản xuất.
Ngành công nghiệp thuốc generic Ấn Độ, cung cấp khoảng 40% khối lượng thuốc generic cho Mỹ, cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Họ nhập khẩu đến 75% lương API từ Trung Quốc với lý do duy nhất là chúng rẻ hơn, theo một báo cáo được đăng trên tạp chí eHealth Online.
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành sản xuất thuốc còn mở rộng sang cả thị trường thuốc kháng sinh, đặc biệt là penicillin, tetracycline và chloramphenicol. Họ cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu vitamin lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 9,8 tỷ USD vật tư y tế và 7,4 tỷ USD hóa chất hữu cơ, bao gồm cả các thành phần dược phẩm hoạt tính và thuốc kháng sinh, sang Mỹ, theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh chấp nhận ý tưởng hạn chế xuất khẩu thuốc thì Mỹ gần như không thể ngay lập tức chuyển hoạt động sản xuất thuốc về nước hay tìm nguồn cung thay thế, Shi nhận định. Nhưng ông thêm rằng bản thân các công ty Trung Quốc cũng sẽ chịu thiệt hại bởi nhiều công ty phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu thuốc sang Mỹ và họ “sẽ chết” nếu đánh mất các khách hàng Mỹ.
“Nếu Trung Quốc cắt đứt nguồn cung dược phẩm, hành động đó sẽ khiến Mỹ thêm phẫn nộ”, Shi nói. “Nếu cả hai quốc gia đều chọn cách phản ứng ăn miếng trả miếng, Mỹ luôn là bên có nhiều quân bài hơn so với Trung Quốc”.
Việc hạn chế xuất khẩu y tế gần như chắc chắn sẽ khiến các công ty dược phẩm nước ngoài giảm mạnh hoặc chuyển hoàn toàn hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giáo sư Zhao Daojiong từ Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, nhận xét.
“Chặn đường tiếp cận nguồn cung dược phẩm là một đề xuất sẽ khiến chúng ta tự chuốc lấy thất bại”, ông nhấn mạnh. “Việc tách rời ngành công nghiệp dược phẩm một cách vô cớ và với động cơ chính trị sẽ chỉ gây tổn hại cho bên khởi xướng vì nó đồng nghĩa với việc mất đi các nguyên liệu và bí quyết của nước ngoài đã được chuyển giao”.
Mỹ từ lâu đã ý thức được việc họ bị phụ thuộc quá mức vào dược phẩm Trung Quốc. Năm ngoái, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung coi đây là một “rủi ro an ninh”.
Hồi tháng 7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Elizabeth Warren đề xuất một dự luật lưỡng đảng mang tên Đạo luật Đánh giá Chuỗi cung ứng Dược phẩm Mỹ, yêu cầu nghiên cứu về sự phụ thuộc của Mỹ đối với các nguồn cung dược phẩm nước ngoài, cảnh báo nó có thể “làm giảm” năng lực trong nước và “làm trầm trọng thêm” tình trạng phụ thuộc quá mức vào các quốc gia khác.
Rachna Shah, phó giáo sư về chuỗi cung ứng và vận hành tại Đại học Minnesota, cho hay các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất API ra nước ngoài với hai lý do chính là nguyên liệu rẻ hơn và quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn.
“Nếu Mỹ nhận thấy Trung Quốc định chơi khó hoặc dùng đến lựa chọn hạt nhân (hạn chế xuất khẩu dược phẩm), tôi nghĩ chính phủ có thể sẽ đưa hoạt động sản xuất dược phẩm trở về quê nhà”, bà nói. “Nó sẽ mất thời gian nhưng trong dài hạn, chúng ta sẽ ổn bởi Mỹ có vốn và khả năng nghiên cứu, phát triển”.
Trung Quốc nói đập thủy điện giúp giảm khô hạn, cộng đồng khoa học phản đối dữ dội
Trong nghiên cứu công bố tháng 7-2020, Trung Quốc kết luận dập thủy điện Trung Quốc không gây khô hạn cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Ngay lập tức, cộng đồng khoa học lên tiếng phản bác.
Sông Mekong ở biên giới Thái Lan - Lào - Ảnh: International River
Nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước Trung Quốc cho rằng các đập thủy điện giúp giảm bớt vấn đề khô hạn bằng cách giữ bớt nước từ mùa mưa và tháo nước trong mùa khô.
Trong khi đó, từ lâu, đập thủy điện của Trung Quốc được cho là đã giữ nước cho thủy lợi hoặc thủy điện và gây ra thiếu nước ở hạ nguồn. Một nghiên cứu công bố vào tháng 4-2020 của Công ty tư vấn Eyes on Earth còn kết luận rằng các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại tất cả 47 tỉ m3 nước và làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước trong một năm khô hạn ở hạ lưu.
Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đưa tin về nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc và tự tin cho rằng kết quả nghiên cứu trái ngược với những cáo buộc thiếu thận trọng của một số nhà nghiên cứu nước ngoài đổ lỗi cho Trung Quốc về hạn hán ở các nước và mực nước thấp trên dòng sông, ám chỉ nghiên cứu của Eyes on Earth.
Ông Brian Eyler, giám đốc phụ trách chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, đã chỉ ra một số sơ hở trong kết luận của nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc.
Cụ thể, tình trạng thiếu nước trên sông Mekong thậm chí xuất hiện trong mùa mưa nhưng các nhà nghiên cứu Trung Quốc không đề cập đến vấn đề này. Đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan của Trung Quốc đã giữ lại khoảng 20 tỉ m3 nước trong giai đoạn tháng 7 và tháng 11-2019.
Hiện tại hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các con đập này một lần nữa đang tích một khối lượng nước tương tự trong tháng 7-2020 và có thể kéo dài đến hết năm. Hậu quả là một số đoạn trên dòng chính sông Mekong có mực nước thấp nhất trong lịch sử.
Thuyền đánh cá trên sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia - Ảnh: AFP
Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe, Đức cho rằng các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng các con đập Trung Quốc làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn và "phía Trung Quốc đã không làm gì nhiều để giảm bớt những lo ngại về các con đập của mình".
Ông Eyler cho biết chế độ nước theo mùa có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của sông Mekong. Quá trình chuyển đổi tự nhiên từ mùa khô sang mùa mưa và mùa lũ lụt tạo ra 15-20% lượng cá nước ngọt và bảo vệ an ninh kinh tế của tất cả các nước ở hạ nguồn.
Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới của người Thái xem việc giữ nước trong mùa mưa rồi xả nước trong mùa khô mà các đập thủy điện Trung Quốc đang làm là đi ngược lại tự nhiên vì lũ là điều tự nhiên xuất hiện trong mùa mưa.
Vì đập thủy điện giữ nước trong mùa mưa, dòng chảy ở hạ nguồn ít hơn, làm rối loạn nhịp sống tự nhiên của thủy sản, nước không chảy vào các vùng đất ngập và cuối cùng tác động đến cuộc sống của con người và môi trường.
Trên thực tế lũ không phải là xấu. Trong lịch sử, lũ không được xem là sự kiện thảm khốc ở ven sông Mekong. Theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong (MRC) năm 2017, kinh tế mùa lũ mang lại 8 tỉ USD mỗi năm, trong khi chi phí thiệt hại thấp hơn, khoảng 70 triệu USD. Như vậy, lợi ích của lũ là đáng kể so với thiệt hại do nó tạo ra.
Ngoài giữ nước, các con đập còn giữ phù sa, cát và sỏi. Nghiên cứu của MRC chỉ ra rằng lượng phù sa trên sông đã giảm gần 77% so với điều kiện gần như tự nhiên của những năm 1990. Hậu quả là đáy sông bị mất cân bằng, đồng bằng bị sụt lún, làm giảm sâu hơn nguồn cung nước ngọt.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi Trung Quốc công khai, minh bạch các số liệu về nước với các quốc gia liên quan. Hiện tại Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về dòng chảy mùa lũ nhưng không cung cấp dữ liệu về dòng chảy trong mùa khô hoặc số liệu về phù sa. Thiếu số liệu, rất khó để đánh giá tác động của các con đập với hạ nguồn dù thiệt hại thì đã xảy ra rồi.
Lạnh nhìn đập Tam Hiệp: Trái bom nổ chậm Trong số những người lên tiếng phản đối việc thực hiện dự án Tam Hiệp, mạng xã hội Trung Quốc hiện nay nhắc nhiều đến hai cái tên, Hoàng Vạn Lý và Lý Duệ. Đập Tam Hiệp có công suất xả lũ khổng lồ Những người kiên trì phản đối Hoàng Vạn Lý (1911- 2001) là chuyên gia kỹ thuật thủy lợi nổi...