Lo ngại: Sau Đồng Nai, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Bình Phước
Đã có thêm địa phương thứ hai ở khu vực Nam Bộ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi sau Đồng Nai. Theo đó, chỉ vì sử dụng thức ăn dư thừa mà đàn heo của một hộ dân ở Bình Phước đã bị phát hiện nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Ổ dịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước là của một hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú). Ông Trần Đức Nhân, chủ của đàn lợn có thói quen gom thức ăn dư thừa từ các quán ăn trong vùng làm thực phẩm cho heo, sau đó ông phát hiện đàn lợn bị bệnh từ ngày 6/5 và sau đó ngày 8/5, đã có 4/7 con heo lăn ra chết.
Ông Nhân lập tức báo cho cơ quan chức năng, sau đó Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp ( Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước) đã xuống lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước tiến hành tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng lợn có dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Giáp.
Ngay sau đó, đàn lợn được tiêu hủy theo đúng quy trình, ngành chức năng và địa phương cũng tiến hành tổ chức tiêu độc khử trùng nhằm khống chế không để bệnh lây lan.
Video đang HOT
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh hiện có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 251 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con. Riêng huyện Đồng Phú có trên 71.000 con heo, trong đó phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại.
Trước đó, vào tháng 3/2019, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó nhanh với dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tổ chức tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc.
Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp địa phương và xây dựng 3 trạm kiểm dịch tại huyện Đồng Phú, Chơn Thành và Bù Đăng. Ngoài ra, tùy theo tình hình của địa phương sẽ thành lập các chốt kiểm dịch nhằm kiểm soát đầu vào, ra của sản phẩm lợn.
Có thể thấy, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó, sự thiếu ý thức của người dân (sử dụng thức ăn dư thừa, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn bệnh ra ngoài môi trường…) là nguyên nhân khiến dịch lây lan khó kiểm soát; ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Tính đến ngày 18/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.152 xã của 131 huyện, 24 tỉnh, thành phố với 396.946 con lợn bị nhiễm bệnh.
Theo Danviet
Bình Phước xác nhận đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước xác nhận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú.
Cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trừng tại nơi phát hiện dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN.)
Chiều 9/5, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước xác nhận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú.
Theo ông Lộc, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trong đàn lợn gồm 7 con của nhà ông Nguyễn Đức Nhân. Gia đình ông Nhân thường gom thức ăn dư thừa từ các hộ buôn bán bún, phở trên địa bàn để làm thực phẩm chăn nuôi lợn.
Theo trình bày của ông Nhân, ngày 6/5, gia đình ông thấy đàn lợn có dấu hiệu bị bệnh đã báo cho trung tâm thú y địa phương. Trưa 8/5, khi có 4 con lợn bị chết, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã trực tiếp lấy mẫu gửi xuống Chi cục Thú y vùng 6, thuộc Cục Thú y xét nghiệm.
Sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, các lực lượng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn nói trên theo đúng quy định; tổ chức tiêu độc khử trùng và các biện pháp nhằm khống chế không để nguồn bệnh lan rộng.
Đến chiều 9/5, Chi cục Thú y vùng 6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, Ủy ban Nhân Huyện Đồng Phú cùng các cơ quan chức năng liên quan đã họp khẩn để bàn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phương pháp tiêu độc khử trùng, xác định các vùng đệm để có biện pháp xử lý an toàn, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn cần chủ động, sẵn sàng ứng phó, phòng, chống dịch bệnh lan rộng.
Bình Phước có hơn 260km đường biên giới với Campuchia, là địa bàn trung chuyển giữa nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ; có hai tuyến quốc lộ 13 và 14, là huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng từ miền Bắc và từ biên giới qua địa bàn tỉnh nên việc phòng chống dịch bệnh hết sức khó khăn.
Song song với đó, tỉnh Bình Phước tăng cường lực lượng kiểm soát 24/24 giờ tại hai chốt kiểm dịch bệnh động vật tại huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành. Tại cửa khẩu quốc tế Hoàng Diệu (huyện Lộc Ninh) cũng triển khai lực lượng kiểm soát dịch hết sức chặt chẽ.
Ông Trần Văn Lộc cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 250 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con. Riêng huyện Đồng Phú có trên 71 ngàn con lợn, trong đó phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại.
Đầu tháng 3/2019, tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo các huyện, thị xây dựng kế hoạch hành động, ứng phó với bệnh dịch tả lợn. Tỉnh cũng xây dựng các phương án ứng phó khi có dịch.
Khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Đồng Phú, ngành nông nghiệp đã phối với huyện xử lý nhanh, tiêu độc, khử trùng kịp thời phát dịch./.
Theo Đậu Tất Thành (TTXVN/Vietnam )
Dân giúp tài xế gom hàng chục tấn hạt điều bị đổ ra đường Sau khi lao vào dải phân cách, xe conatiner trượt dài rồi lật ngang khiến khoảng 32 tấn hạt điều đổ tràn xuống đường. Người dân đã đội nắng giúp tài xế thu gom hạt điều. Ngày 4-5, hàng chục người dân hai bên đường ĐT741, đoạn qua ấp Thuận Hòa 2 (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước) đã tập trung...