Lo ngại kinh tế Trung Quốc, Fed chưa tăng lãi suất
Cục dự trữ liên bang Mỹ ( Fed) vừa tuyên bố chưa nâng lãi suất, hoãn chuyện kết thúc việc áp dụng chính sách kích thích tiền tệ kỷ lục. Biến động thị trường và rủi ro từ Trung Quốc là hai nguyên nhân dẫn đến quyết định này.
Chủ tịch Fed Janet Yellen – Ảnh: AFP
Theo Bloomberg và CNN, rạng sáng nay 18.9 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Fed Janet Yellen cho hay Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cận 0%, hoãn thực hiện quyết định nâng lãi suất – điều mà họ chưa từng làm kể từ tháng 12.2008, thời điểm khủng hoảng tài chính.
“Tình hình phát triển kinh tế và tài chính toàn cầu gần đây có thể ngăn cản phần nào hoạt động kinh tế, gây áp lực hơn nữa đối với lạm phát trong tương lai gần”, tuyên bố của Fed cho hay.
Bà Yellen cho biết tại buổi họp báo hôm 18.9: “Lo ngại gia tăng về tình hình tăng trưởng ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đã dẫn đến nhiều biến động đáng chú ý trong các thị trường tài chính”.
Quyết định trên cho thấy sự miễn cưỡng của Fed trong việc kết thúc kỷ nguyên của chính sách kích thích tiền tệ kỷ lục, trong lúc thị trường vẫn còn nhiều biến động, rủi ro từ quốc tế tăng cao và tình hình lạm phát Mỹ chưa có dấu hiệu thực sự tích cực. Fed vẫn không chắc chắn về tác động của tình hình kinh tế toàn cầu lên chính sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ethan Harris, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America ở New York (Mỹ) cho hay động thái của Fed là “sự trì hoãn có chiến thuật”, nhằm thu thập thêm thông tin về rủi ro kinh tế. “Khi mà thị trường lao động đã hồi phục được một thời gian, các thị trường vốn cũng cho thấy dấu hiện bình ổn, áp lực nâng lãi suất sẽ tăng tiến trong mỗi cuộc họp tới của Fed”, Harris viết.
Tác động của việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang lan ra khắp thế giới, ảnh hưởng lớn đến các nước chuyên sản xuất hàng hóa. MSCI các thị trường mới nổi – chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán các nước như Trung Quốc, Brazil, Chile, Ai Cập – đã giảm 14% trong năm nay.
Video đang HOT
Laura Rosner, chuyên gia kinh tế Mỹ làm việc tại ngân hàng BNP Paribas và là cựu chuyên viên phân tích tại Fed, nói: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đang lao dốc và đó là lý do tại sao các thị trường thế giới đều phản ứng”. Diễn biến thị trường chính là thông tin cơ bản, mới nhất và chân thực nhất cho các nhà hoạch định chính sách.
Bên trong nền kinh tế số một thế giới, Cục dự trữ liên bang cũng “đau đầu” vì tỷ lệ lạm phát còn khá bi quan, chỉ tăng có khoảng 0,3% trong vòng 12 tháng từ hè năm ngoái đến tháng 7 năm nay.
Sau thông tin trên, chứng khoán Mỹ đi lên với chỉ số Dow Jones tăng hơn 150 điểm. Hầu hết các thành viên của Fed đều cho rằng chuyện nâng lãi suất sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Trước mắt, Fed còn hai cuộc họp vào tháng 10 và tháng 12.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Fed sắp lặp lại sai lầm lớn nhất thời kỳ Đại suy thoái?
Trước thềm Fed nhóm họp, có nhiều nhận định trái ngược về tác động của việc Mỹ thoát khỏi mức lãi suất cận 0%. Một trong số đó là ý kiến cho rằng Fed đang trên đà lặp lại sai lầm lớn nhất trong thời kỳ Đại suy thoái thập niên 1930.
Bức ảnh nổi tiếng chụp tại công trình xây dựng Trung tâm Rockefeller tại New York (Mỹ) vào đỉnh điểm của cuộc Đại suy thoái - Ảnh: Reuters
Ngày 16 và 17.9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp để thực hiện một trong những quyết định quan trọng nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính: tăng hay không mức lãi suất đang nằm ở cận con số 0.
Theo trang Business Insider, trước thềm cuộc họp này, có nghi ngại đặt ra về việc Fed sắp lặp lại một sai lầm mà họ đã từng mắc phải vào thời Đại suy thoái, diễn ra từ năm 1929 kéo dài đến đầu thập niên 1940. Năm 1937, giới chức Mỹ bắt đầu thắt chặt chính sách kinh tế, vô tình làm trầm trọng thêm tình hình Đại suy thoái.
Một số chuyên gia, chẳng hạn như George Pearkes của Bespoke Investment Group và Capital Economics cho rằng quy mô của việc thắt chặt chính sách trong những năm 1936 - 1937, khi yêu cầu dự trữ của các ngân hàng tăng gấp đôi, lớn hơn đáng kể so với mức thắt chặt đang được đề xuất hiện nay, khi mức tăng chỉ khoảng 0,25%.
Ý kiến trên hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, chuyện thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 1937 vẫn là một ví dụ tốt khi nghĩ về những hậu quả mà Fed có thể gây ra trong đợt nâng lãi suất sớm này. Đơn cử, nâng lãi suất sẽ có khả năng "nhấn chìm" lạm phát, tăng trưởng trong thời gian dài.
Hai nhà kinh tế học Eggertsson và Pugsley có những phân tích khá thú vị về cú sốc năm 1937. Họ không tập trung vào chuyện phần nào của chính sách là nguyên nhân sâu xa của suy thoái kinh tế, mà chú tâm vào việc liệu các thị trường tài chính có tin vào khả năng chịu áp lực lạm phát của ngân hàng trung ương hay không.
Báo cáo có đoạn: "Chúng tôi thấy rằng những thay đổi nhỏ trong niềm tin của thị trường về các mục tiêu lạm phát của chính phủ có thể dẫn đến những biến động lớn trong cả lạm phát và sản lượng. Tác động này đặc biệt càng lớn hơn khi lãi suất thấp. Việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách truyền thông hiệu quả khi lãi suất bằng 0%. Chúng tôi cho rằng những thông điệp dễ gây nhầm lẫn của Fed, Tổng thống Mỹ và một số quan chức quan trọng về mục tiêu giá là nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng tại Mỹ giai đoạn 1937 - 1938, một trong những cuộc suy thoái mạnh nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ."
Fed có thể nâng lãi suất trong kỳ họp lần này - Ảnh: Reuters
Báo cáo viết năm 2006 của Eggertsson và Pugsley cho rằng khi lãi suất bằng 0, hiệu ứng biên của việc tạo ra kỳ vọng giảm phát bằng cách phát tín hiệu về việc thắt chặt chính sách tiền tệ (nhắm đến mục tiêu lạm phát tương lai thấp hơn) sẽ lớn hơn so với hiệu ứng biên của tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ (nhắm đến mục tiêu lạm phát tương lai cao hơn).
Hiện tại, dù đã có nhiều dấu hiệu phục hồi trong nền kinh tế Anh và Mỹ, áp lực lạm phát đáng kể vẫn chưa xuất hiện dù giá cả hàng hóa thế giới có giảm mạnh. Riêng ở Mỹ, lạm phát lõi vẫn dưới mức 2% mà Fed đưa ra.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn một "lực lượng nhân công nhàn rỗi". Nếu nhiều người trong số họ quay trở lại thị trường lao động, mức tăng lương bổng ở nước này sẽ đi xuống. Chỉ số lạm phát và thị trường lao động là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của Fed.
Gần đây, ngân hàng Deutsche Bank thì lại ủng hộ việc Fed nâng lãi suất. Họ cho rằng việc Fed vẫn giữ lãi suất thấp vào năm 1965 là sai lầm.
Tháng 6 vừa qua, chuyên gia Michael Hartnett thuộc ngân hàng Merrill Lynch của Bank of America cho hay việc Fed từ bỏ thời kỳ lãi suất cận 0% trong năm nay sẽ không châm ngòi cho bi kịch như hồi năm 1937. "Lạm phát trong tầm kiểm soát, niềm tin sự hồi phục của nền kinh tế được củng cố, thị trường bất động sản, cho vay và hoạt động của doanh nghiệp nhỏ cũng đang tăng", Hartnett nói.
Việc Fed nâng lãi suất khoảng 0,25% sẽ không thể nào đẩy Mỹ vào thời kỳ suy thoái, cũng không trở nên vô lý như nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) năm 2011 hay chính Fed vào năm 1937. Song nó có thể làm chậm quá trình bình thường hóa của môi trường kinh tế Mỹ.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Thị trường châu Á sẽ hưởng lợi nếu Fed tăng lãi suất Giới tài chính toàn cầu đang hướng về Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chờ đợi họ tăng lãi suất. Một chuyên gia thuộc ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase mới đây cho hay động thái này có thể là điều tích cực cho các thị trường châu Á. Ông Adrian Mowat - Ảnh chụp màn hình YouTube Theo CNBC hôm nay 15.9,...