Lo ngại khả năng ‘dây chuyền lây nhiễm vô hình’ của virus corona
Cựu chuyên gia WHO cho rằng dịch virus corona chủng mới sẽ khó kiểm soát hơn nhiều so với SARS, vì những người nhiễm virus nhưng chưa có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh.
Ông Hitoshi Oshitani là cựu cố vấn về giám sát và ứng phó bệnh truyền nhiễm khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 1999-2005.
Trong một bài phân tích mới đây, ông cho biết virus corona chủng mới gần giống với chủng virus corona gây ra dịch SARS năm 2002-2003. Nhưng chủng virus mới không có nhiều điểm chung về mặt dịch tễ học với SARS, mà thế giới đã kiểm soát được sau 8.000 ca nhiễm và 774 ca tử vong trên toàn thế giới.
Ông Oshitani đang là giáo sư Đại học Tohoku, Nhật Bản. Ảnh: Đại học Tokohu.
“Chủng virus mới có thể khó kiểm soát hơn SARS. Số ca nhiễm đã vượt tổng số ca nhiễm SARS – chỉ trong vòng một tháng”, ông Oshitani, đang là giáo sư Đại học Tohoku, Nhật Bản, viết trong một bài phân tích đăng trên Channel NewsAsia.
Ông cho biết có thể giới chức y tế Vũ Hán đang cố kiểm soát chủng virus mới dùng các chiến lược “phong tỏa” tương tự như đã dùng để kiểm soát dịch SARS. Tuy nhiên, cách ly, phong tỏa có vẻ kém hiệu quả hơn đối với chủng virus mới.
Chúng ta hiện chưa có đủ dữ liệu dịch tễ học để hiểu tường tận về virus corona mới, vì chúng ta vẫn đang chứng kiến giai đoạn đầu của quá trình lây lan.
Tuy vậy, đến nay, chúng ta đã thấy những khác biệt quan trọng về mặt dịch tễ giữa SARS và chủng virus mới, có thể khiến việc kiểm soát phức tạp hơn nhiều so với SARS.
Giáo sư Oshitani cho rằng hiện chưa có đủ dữ liệu dịch tễ học để hiểu tường tận về virus corona mới. Ảnh: AFP.
Phong tỏa, cách ly có hiệu quả?
Chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch SARS về cơ bản bao gồm phát hiện sớm và đầy đủ các cá nhân nhiễm bệnh, cách ly nhanh chóng, xác định những người tiếp xúc gần.
Tuy nhiên, phải có một số điều kiện để chiến lược cách ly, phong tỏa này có hiệu quả, theo ông Oshitani, hiện là giáo sư Đại học Tohoku, Nhật Bản.
Đầu tiên, đa số các ca nhiễm bệnh phải có triệu chứng chung giống nhau, dễ nhận biết, có thể phân biệt với các bệnh khác.
Thứ hai, chỉ những người có triệu chứng như vậy mới có thể lây cho người khác.
Thứ ba, người nhiễm chỉ có thể lây khi vào giai đoạn sau của bệnh.
Đối với SARS, những điều kiện trên có đủ cả, và việc ngăn chặn lây lan là khả thi. Hầu hết ca nhiễm đều có dấu hiệu viêm phổi nặng, dễ phân biệt với các bệnh khác như cúm theo mùa. Ngoài ra, chỉ những người có những dấu hiệu chung và nặng mới lây bệnh cho người khác.
Với việc chỉ ca nhiễm nặng mới có thể lây, chúng ta đã có thể xác định những người nhiễm nặng nhất và cách ly họ, ngăn virus tiếp tục lây lan.
Nhờ vậy, cuối cùng, mọi con đường lây lan đều bị chặn đứng, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch SARS được khống chế ngày 5/7/2004 – tức 8 tháng sau khi dịch bắt đầu.
Video đang HOT
Các bệnh viện ở Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh, đang quá tải vì số lượng người tới khám. Ảnh: AFP.
“Lỗ hổng” của chiến lược phong tỏa virus hiện tại
Ngược lại, chiến lược phong tỏa, cách ly này không thành công trong việc kiểm soát chủng virus corona mới, theo vị cựu chuyên gia WHO.
Đó là vì virus mới không có những điều kiện nói trên. Không giống SARS, một số ca nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, như vậy không thể xác định đầy đủ các ca nhiễm.
Ở Singapore, một số người Singapore đã tiếp xúc với nhóm du khách Trung Quốc sau đó đã nhiễm bệnh, mặc dù hai người trong số đó không có biểu hiện viêm phổi khi mới tới cơ sở y tế.
Ở Nhật Bản, 5 trong số 565 người được sơ tán từ Vũ Hán xét nghiệm dương tính với virus mặc dù không có triệu chứng.
Ngoài ra, một số bằng chứng, dù vẫn còn giới hạn, đã cho thấy người nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn có thể lây.
Những ca nhiễm không triệu chứng có thể không phải yếu tố mạnh nhất khiến dịch lan rộng, vì các ca đó dường như có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với các ca có triệu chứng, theo giáo sư Oshitani.
Tuy nhiên, nếu một người nhiễm không triệu chứng lây được cho người khác, thì việc lần theo dấu vết của bệnh đó trở nên khó khăn. Đó là vấn đề cốt lõi của chiến lược ngăn chặn, phong tỏa dịch bệnh.
Một số ca bệnh cho thấy virus corona mới có thể lây trong thời kỳ ủ bệnh, tức thời gian giữa nhiễm và biểu hiện triệu chứng.
Có bằng chứng về một người Trung Quốc lây virus cho một số đồng nghiệp ở Đức trong thời gian ủ bệnh – giới khoa học vẫn tranh cãi về trường hợp này.
Một số ca bệnh cho thấy virus corona mới có thể lây trong thời kỳ ủ bệnh. Ảnh: Reuters.
Nếu người bệnh có thể lây trong thời gian ủ bệnh, có thể đã quá muộn để cố gắng ngăn virus, dù chúng ta có cách ly được bệnh nhân ngay khi có triệu chứng, theo giáo sư Hitoshi Oshitani.
Đa số ca nhiễm SARS năm 2002-2003 không lây cho người khác. Trong đợt bùng phát SARS ở Singapore năm 2003, hơn 80% người nhiễm không lây virus cho người khác.
Có những trường hợp “lây bệnh hàng loạt”, trong đó người nhiễm lây cho nhiều người khác – chính là nguyên nhân khiến dịch SARS lan rộng. Nhưng lần này, không có trường hợp “lây bệnh hàng loạt” nào được ghi nhận với chủng virus corona mới. Tuy nhiên, vẫn cần thêm dữ liệu để khẳng định điều này.
“Vì chỉ một tỷ lệ nhỏ các ca bệnh được phát hiện và ghi nhận, khó để biết tỷ lệ lây bệnh chính xác giữa người với người đối với chủng virus mới”, giáo sư Oshitani viết.
Sự lây lan của chủng virus corona mới được cho là nhanh hơn SARS, dựa vào số ca nhiễm vẫn đang tăng chóng mặt ở Trung Quốc.
Thế giới của năm 2020 cũng khác so với thời của SARS năm 2003. Trung Quốc có đường bay tới rất nhiều nước so với quá khứ. Trong khi SARS phát tán ra 30 nước và vùng lãnh thổ trong 8 tháng, chủng virus mới lây sang hơn 20 nước chỉ trong một tháng.
Hiện tượng lây từ người sang người một cách liên tiếp, “dây chuyền” chưa được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng “dây chuyền lây nhiễm vô hình” đã tồn tại ở một số nơi, tức những ca nhiễm từ hết người này sang người khác nhưng chưa biểu hiện ra, chưa được ghi nhận.
“Vì vậy, chúng ta có thể sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến khi những dây chuyền lây nhiễm đó được phát hiện. Điều đó đang dần thành hiện thực”, cựu chuyên gia của WHO viết thêm.
Các nước có thể sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến khi những người chưa có triệu chứng dần phát bệnh và đi khám, theo giáo sư Oshitani. Ảnh: AFP.
Chuyển sang chiến lược “giảm nhẹ”?
Vì chiến lược phong tỏa, cách ly có thể kém hiệu quả hơn so với đợt dịch trước, chúng ta nên chuyển hướng mục tiêu sang giảm thiểu thiệt hại và thương vong. Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất là giảm số ca tử vong nhiều nhất có thể.
“Mỗi nước cần chuẩn bị cho khả năng số ca bệnh còn tăng nữa, kéo dài. Đối với các nước có nguồn lực giới hạn sẽ khó hơn. Chúng ta cần ngay lập tức tạo ra cơ chế để hỗ trợ các nước đó”, ông Oshitani nhận định.
Khó để đoán được dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào ở Trung Quốc và các nước khác, nhưng vẫn tồn tại rủi ro về các đợt bùng phát lớn bên ngoài Trung Quốc. Các nước cần học bài học của Trung Quốc, và cần tìm hiểu xem các biện pháp nào là hiệu quả hay không hiệu quả.
“WHO nên tiếp tục có vai trò dẫn dắt trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc, để chiến đấu với đe dọa toàn cầu này”, giáo sư Nhật Bản kêu gọi.
Theo Zing
WHO trả lời 14 thắc mắc giúp bạn phòng lây nhiễm virus corona
Dưới đây là các infographic mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế, giải đáp những thắc mắc liên quan đến phòng lây nhiễm nCoV.
Virus corona mới chỉ lây bệnh ở người già, hay người trẻ cũng bị bệnh?
Máy quét thân nhiệt có hiệu quả như thế nào trong việc phát hiện người bị nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) ?
Virus corona mới có thể tồn tại ở vùng khí hậu nóng ẩm không?
Ăn tỏi có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus corona mới không?
Nếu uống nhiều nước giúp giảm đau họng, vậy uống nhiều nước có giúp khỏi bị nhiễm 2019-nCoV không?
Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus corona mới không?
Nước súc miệng có thể bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm virus corona mới?
Vắc xin phòng bệnh viêm phổi có thể bảo vệ bạn khỏi virus nCoV không?
Nhận thư hoặc bưu kiện từ Trung Quốc có an toàn không?
Có thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị virus corona mới không?
Kháng sinh có thể phòng và điều trị virus corona mới không?
Khói và khí từ pháo hoa và pháo có thể phòng virus corona mới?
Uống rượu, bia có bảo vệ khỏi bị nhiễm virus corona mới không?
Động vật nuôi có thể lây truyền virus corona mới 2019-nCoV không?
Nguyễn Liên
Theo WHO/vietnamnet
Tranh cãi về đường lây truyền virus Corona Phát hiện mới của Trung Quốc đánh dấu bước tiến nguy hiểm của virus Corona chủng mới kể từ đầu mùa dịch đến nay khi tốc độ lây nhiễm có thể tăng đến mức độ chóng mặt nếu không có biện pháp phòng vệ kịp thời. Trong họp báo ngày 8-2, Phó Cục trưởng Cục Dân sự TP Thượng Hải, ông Tăng Quần,...