Lộ kế hoạch xây “đảo nhân tạo” mới của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một cứ điểm quân sự mới trên đảo tranh chấp với Philippines, với ý định đẩy tàu chiến ra sát nơi đồn trú của hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã thu được chi tiết kế hoạch quân sự hóa bãi cạn Scarborough trong nhiều tháng qua. Điều này được củng cố vững chắc hơn khi một trang web quân sự của Trung Quốc trong tháng 3 đã “hứng khởi” đăng tải bản kế hoạch bồi đắp, xây dựng ở Scarborough, hiển thị cả đường băng, trạm điện, khu dân cư, cầu cảng làm nơi đậu đỗ cho tàu chiến Trung Quốc…
Bãi cạn này cách bờ biển Philippines 230km và được Manila tuyên bố chủ quyền, nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm giữ thực tế sau vụ “đối đầu” căng thẳng hồi năm 2012.
Thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh liên tục có các hành động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo, đá ở Biển Đông, bất chấp phản đối của các nước trong khu vực cùng dư luận quốc tế. Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng trái phép 7 “đảo nhân tạo” ở Biển Đông, cùng với đó là việc triển khai các tổ hợp tên lửa HQ-9 tại đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Mới nhất, hôm 11/4 vừa qua, kênh truyền hình Fox News (Mỹ) đã cho đăng tải loạt ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 ra Phú Lâm.
Kế hoạch xây “đảo nhân tạo” ở Scarborough được đăng tải trên trang mạng quân sự của Trung Quốc. Ảnh: WFB
Video đang HOT
Tuy nhiên, việc quân sự hóa Scarborough sẽ là hồi chuông cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng đối với Mỹ, bởi địa điểm này sát với vùng mà quân đội viễn chinh Mỹ sẽ hiện diện trong thời gian tới theo thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự song phương được ký kết gần đây giữa Washington và Manila. Cụ thể, bãi cạn này chỉ cách căn cứ Subic khoảng 270km, nơi Mỹ được quyền tái sử dụng, với nhiều tàu chiến Mỹ qua lại thường xuyên trong tương lai.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng 2/2016 đã đặt câu hỏi về hoạt động của Bắc Kinh ở Scarborough trong một cuộc gặp với đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Giới thạo tin tiết lộ, ông Vương tuyên bố rằng việc “mở rộng” bãi cạn này sẽ diễn ra. Tháng 3/2016, đến lượt Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động gia tăng của tàu Trung Quốc ở Scarborough, điều mà ông cho là có thể để chuẩn bị cho “bước bồi đắp”. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tuần trước, ông Obama hối thúc Bắc Kinh giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của Mỹ ở Biển Đông.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến sát tàu cá Philippines gần Scarborough. Ảnh: AP
Giới chức quân sự Mỹ chưa kết luận thông tin, hình ảnh được đăng tải kia là kế hoạch thực chất, hay chỉ là phác họa ý tưởng. Thế nhưng các nguồn tin tình báo thu thập được cho thấy Trung Quốc có những tính toán rõ ràng về xây đảo nhân tạo ở Scarborough cũng như tăng cường tiềm lực quân sự ở đây. Chia sẻ trên tờ Thời báo tài chính (Financial Times/Anh) ngày 12/4, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ nói rằng, việc Bắc Kinh tính “xây đảo” ở Scarborough thực chất là một phần trong bước theo đuổi hình thức ức hiếp mới.Kế hoạch xây dựng “đảo nhân tạo” ở bãi cạn này có tên là “Dự án bãi Hoàng Nham” (Huangyan). Trong đó có cả mục “mời thầu” xây dựng “Thị trấn đảo Hoàng Nham” – một thực thể thuộc quyền quản lý của đảo Sansa gần đảo Hải Nam. Ảnh đăng tải trên trang Web “Super Camp Military Forum” còn có 3 tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Trung Quốc đậu tại cảng ở mũi nam bãi cạn. Đáng chú ý, đây cũng chính là trang điện tử mà chính quyền Bắc Kinh thường sử dụng để tiết lộ những bước phát triển quân sự mới.
“Nó có thể gồm việc bồi đắp, quân sự hóa các địa điểm chiến lược, ví như bãi Scarborough, với ý đồ đẩy đuổi các nước khỏi vùng lãnh thổ đang tranh chấp, tuyên bố lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) bao trùm toàn bộ hoặc một phần Biển Đông”. Ông cũng kêu gọi chính quyền Mỹ có những lựa chọn chính sách rõ ràng, ví như phái các cụm tàu sân bay tấn công tới khu vực dự các cuộc diễn tập tới đây, để cụm tàu này thực hiện sứ mệnh tuần tra gần Scarborough nhằm chứng minh “sức mạnh chiến đấu hiện hiện của quân đội Mỹ”.
Theo VietTimes
Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
Bấp chấp mọi sự phản đối và lo ngại sâu sắc, Trung Quốc lại có thêm bước leo thang nguy hiểm khi điều phi đội 16 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Việc điều 16 máy bay tiêm kích hiện đại J-11 tới đảo Phú Lâm - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bước leo thang quân sự hóa đặc biệt nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông
Chỉ một ngày sau khi hãng Fox News đưa tin Trung Quốc điều 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương (Shenyang) J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13-4 chỉ rõ: Có tổng cộng 16 chiếc máy bay chiến đấu loại này đã bay ra hòn đảo Phú Lâm đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép này. Đây được xem là đợt triển khai máy bay chiến đấu lớn nhất, rầm rộ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm.
Sau khi chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng phi pháp đường băng quân sự trên hòn đảo những năm 1990. Đến năm 2014, Trung Quốc âm thầm mở rộng đường băng này để có thể tiếp nhận nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau với số lượng lớn.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã hai lần triển khai máy bay tiêm kích Thẩm Dương J-11, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do nước này tự chế tạo từ nguyên mẫu nổi tiếng Sukhoi 27 của Nga, vào các tháng 11-2015 và tháng 2-2016. Song nếu trong hai đợt trước, Trung Quốc chỉ điều mỗi đợt 2 máy bay chiến đấu thì đợt mới nhất này có tới 16 máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Bắc Kinh đã rầm rộ triển khai tới đảo Phú Lâm.
Bởi thế, việc Trung Quốc đồng loạt triển khai 16 chiếc máy bay chiến đấu Shenyang J-11 được xem là chưa từng thấy và "chưa từng có tiền lệ". Hành động quân sự bất thường này chứng tỏ Trung Quốc đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự trên đảo Phú Lâm nói riêng cũng như trên các đảo mà nước này xâm chiếm bằng vũ lực ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nói chung.
Các quốc gia khu vực và trên thế giới đã bóc trần và phản ứng gay gắt trước toan tính quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc khi liên tiếp có những hành động leo thang căng thẳng, từ bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo đến triển khai tên lửa phòng không, radar phòng không... Một quan chức Mỹ cho rằng, việc Bắc Kinh triển khai ồ ạt máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm hoàn toàn đi ngược lại với cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ tháng 9-2015.
Việc Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" để thực hiện bằng được toan tính quân sự hóa Biển Đông nhằm lấy đó bàn đạp sức mạnh độc chiếm Biển Đông đã khiến các nước khu vực cũng như cường quốc thế giới có lợi ích gắn liền với vùng biển chiến lược trọng yếu này không thể ngồi yên.
Trong khi Mỹ tiến hành tuần tra trên Biển Đông, ký thỏa thuận với Philippines về việc triển khai quân tới 5 căn cứ quân sự tại nước này, các quốc gia khu vực cũng đều đã tăng cường đầu tư và củng cố năng lực quốc phòng, mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại.
Hòa bình, an ninh và ổn định khu vực sẽ ra sao nếu Trung Quốc cứ liên tiếp châm ngòi cho hết căng thẳng này tới chạy đua khác trên Biển Đông? Rõ ràng, tham vọng chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông của Bắc Kinh đang gây ra những hiểm nguy khôn lường cho cả khu vực và thế giới.
Theo_An ninh thủ đô
Bóc trần cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" của ông Tập Cận Bình Cam kết "không quân sự hoá Biển Đông" do ông Tập Cận Bình đưa ra không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không triển khai quân đội hay khí tài tại đây, chuyên gia Greg Austin nhận định. Tờ "The Diplomat" ngày 23.3 đăng bài viết của Greg Austin, chuyên gia tại Viện Đông Tây ở New York (Mỹ), cho rằng cần phải...