Lỗ hổng quản lý nhạc chế
Với sự phát triển của mạng xã hội, âm nhạc đang có những kênh truyền thông “mở” để quảng bá các tác phẩm đến với khán giả. Thế nhưng, chính sự thông thoáng này đã vô tình tiếp tay cho các ca khúc nhạc chế xuất hiện tràn lan mà không bị cơ quan chức năng nào “tuýt còi”.
Ca khúc nhạc chế được đăng tải công khai trên mạng xã hội.
Nhạc nào cũng có thể chế
Những năm gần đây nhạc Việt đang tiếp nhận một “làn sóng” mới mang tên “nhạc chế”. Nhạc chế ban đầu chỉ là những bài hát có nội dung như những câu chuyện tiếu lâm, giải trí trong một cộng đồng nhỏ. Nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, giờ đây không ít sản phẩm nhạc chế liên tiếp lọt top trên YouTube, thậm chí là cạnh tranh thứ hạng với các MV ca nhạc chính thống.
Với cách làm là sửa lại lời từ các ca khúc đã được kiểm duyệt nội dung, bên cạnh yếu tố giải trí nhiều bài nhạc chế đang gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Không khó để tìm ra nhiều bản nhạc chế có lời lẽ dung tục, không phù hợp văn hóa hiện vẫn ngang nhiên được đăng tải trên mạng xã hội.
Video đang HOT
Kể cả một số ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng cũng bị chế lại lời với nội dung phản cảm, đi ngược với tư tưởng của ca khúc gốc. Ví dụ như ca khúc “Cô gái mở đường” được chế thành “ Cô gái Facebook”; lời ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã thay đổi thành “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ… phở Hà Nội”.
Nhiều ca khúc thiếu nhi vốn để định hình tư duy, sự phát triển cho trẻ nhỏ cũng bị chế lại lời với nội dung không “thiếu nhi” một chút nào. Ca khúc “Kìa con bướm vàng” dành cho lứa tuổi nhi đồng đã bị chế thành một bài hát với ca từ tục tĩu và ngang nhiên xuất hiện trên một trang nhạc trực tuyến…
Còn nhớ cách đây không lâu, phần biểu diễn của Yanbi và Mr.T với ca khúc “Thu cuối” cũng đã từng bị dư luận lên án gay gắt bởi những ngôn từ tục tĩu và đã bị Sở VHTTDL Hải Phòng phạt 10 triệu đồng.
Lỗ hổng bản quyền
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm Việt Nam cho biết: Tất cả những bản nhạc chế đều được xem như là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Dù chúng được sử dụng khai thác với mục đích gì đi nữa, kinh doanh hay không kinh doanh trên các phương tiện truyền thông hay các trang mạng như YouTube, nghe nhạc trực tuyến, thậm chí là trong các tiết mục tấu hài trên sân khấu, trong các chương trình truyền hình đã và đang phát sóng đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả, nếu chưa được sự đồng ý của tác giả.
Trong khi đó, tại các khoản 5, 6, 7 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) có quy định rất cụ thể về các hành vi xâm hại quyền tác giả, đó là sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, những đoạn quảng cáo thường sử dụng các ca khúc nổi tiếng để làm nhạc nền, nhạc hiệu, dù chỉ chỉnh sửa 1-2 từ trong ca khúc, người sử dụng vẫn phải xin phép tác giả và sử dụng sau khi đã đóng tiền tác quyền đầy đủ.
“Muốn làm nhạc chế hay viết lời khác cho một tác phẩm thì phải được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Như vậy, nếu mỗi nghệ sĩ nắm bản quyền ca khúc gốc chặt chẽ hơn trong việc quyết định cho ai chế ca khúc của mình, chế như thế nào thì sẽ hạn chế được những “chế phẩm” âm nhạc kém chất lượng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ âm nhạc của cộng đồng”- nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Quy định, chế tài là vậy nhưng với hầu hết các ca khúc nhạc chế có nội dung phản cảm, dung tục đến nay việc xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế hàng nghìn bản nhạc chế đang tràn lan trên mạng xã hội, thế nhưng không phải bài hát nào cũng được sự đồng ý từ tác giả của ca khúc gốc. Cá biệt nhiều ca khúc quen thuộc bị sửa lại bằng ca từ mới vẫn được biểu diễn trong một số chương trình mà tác giả không hề hay biết.
Ở đó, để kiểm soát được các ca khúc nhạc chế trên nền tảng mạng xã hội, các cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, đặc biệt là các trang mạng nước ngoài như Facebook, Youtube.
Không những vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp “mạnh” để ngăn chặn, xử lý cá nhân hát, đăng tải nhạc chế với lời lẽ thô thiển, tục tĩu và phi nghệ thuật kể trên. Bởi thứ nhạc chế này sẽ tiêm nhiễm vào đầu người nghe, đặc biệt là giới trẻ những suy nghĩ, lối sống lệch lạc và quan trọng hơn cả, loại nhạc này chưa bao giờ phù hợp với thị hiếu, cảm xúc thẩm mỹ đích thực của con người.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhạc sĩ
Mới đây, nhạc sĩ Lê Minh Sơn tiết lộ, ông sắp điều hành một công ty chuyên quản lý và bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến, nhằm hỗ trợ các nhạc sĩ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong môi trường số vốn có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không ít hệ lụy. Điều này khiến giới âm nhạc vui mừng chờ đợi.
Hiện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) hỗ trợ các nhạc sĩ bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan khá hiệu quả. Tuy nhiên, những việc làm được chủ yếu trong hoạt động biểu diễn, kinh doanh băng đĩa, karaoke... Việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số còn nhiều khó khăn. Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn, hoạt động âm nhạc trên môi trường số phát triển sôi nổi, kéo theo những vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày một tăng. Bản thân nhạc sĩ Lê Minh Sơn có tới hơn 200 bài hát đang được phổ biến trên mạng internet nhưng không được trả tác quyền.
Để lập được công ty bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến, nhạc sĩ Lê Minh Sơn mất hơn 2 năm trăn trở và kết hợp với những đối tác về công nghệ triển khai. Trong đó, tính minh bạch được đặt lên hàng đầu. Thông qua đây, các tác giả sẽ kiểm soát được tác phẩm của mình đang được ai sử dụng, tần suất như thế nào và trực tiếp nhận tác quyền không qua trung gian. Mục tiêu của nhạc sĩ Lê Minh Sơn là các nhạc sĩ Việt Nam có thể sống bằng nghề viết nhạc.
Những nỗ lực của nhạc sĩ Lê Minh Sơn đang gióng lên hồi chuông về tình trạng vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan tràn lan ở nước ta, nhất là trên không gian mạng. Qua đây, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người sáng tạo âm nhạc, giúp cho môi trường âm nhạc nước ta ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang: 'Có những lời hứa nhất định phải thực hiện' Từ lâu, nhạc sĩ Dương Trường Giang đã muốn thực hiện ca khúc về thời học sinh để nhớ về tuổi thanh xuân trong trẻo. "Tuổi học trò là quãng thời gian lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của mỗi người. Tôi tin rằng, khi nhìn lại quãng thời gian này, nhiều người dù sau này đã thành đạt vẫn sẽ không khỏi...