‘Lỗ hổng’ khiến 83 giáo viên dùng bằng giả
Quy định không bắt buộc xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ là “lỗ hổng” khiến 83 giáo viên dùng giấy tờ giả xin dạy lái xe ở 5 trung tâm.
5 cơ sở đào tạo vừa bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam ( Bộ Giao thông Vận tải) công bố sai phạm là: Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát; Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát; Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế giới; Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn; Trường dạy lái xe Thống Nhất.
Có 29 giáo viên dùng văn bằng giả, bà Phạm Thị Ngọc Thy (Hiệu phó Trường dạy lái xe Thống Nhất, 5 cơ sở tại quận 5 và 10) cho biết, do nhu cầu người học tăng cao nên trường tuyển giáo viên dạy thực hành. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 65/2016 của Chính phủ, trường yêu cầu người ứng tuyển nộp bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sư phạm (bản photo có công chứng). Sau đó trường gửi hồ sơ qua Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM để các ứng viên dự chương trình tập huấn và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành.
Theo bà Thy, ông Nguyễn Hoàng Dân (phụ trách nhân sự của trường) vì muốn gấp rút hoàn thành các thủ tục giấy tờ để tuyển dụng giáo viên nên mua nhiều chứng chỉ giả, hoàn tất hồ sơ nộp Sở GTVT. Đây là nguyên nhân hàng loạt giáo viên của trường sử dụng bằng giả.
“Nhà trường tuyệt đối không bao che việc giáo viên sử dụng bằng giả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kỹ lưỡng hơn trong tiếp nhận hồ sơ giáo viên”, bà Thy nói và cho biết trường đang xác minh văn bằng của 37 giáo viên còn lại nộp cho Sở GTVT tránh rắc rối về sau.
Cơ sở đào tạo lái xe Thống Nhất. Ảnh: Hà An
Ông Huỳnh Sỹ, phụ trách hoạt động của Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn (đường Âu Cơ, quận Tân Phú) cho biết, cơ sở có khoảng 100 giáo viên, mỗi năm dạy hơn 1.000 học viên. 10 giáo viên của trường sử dụng văn bằng giả là “sự cố ngoài ý muốn”, bởi chưa có quy định buộc cơ sở đào tạo phải xác minh bằng cấp, còn nhân viên nhận hồ sơ không có nghiệp vụ, khó phát hiện văn bằng, chứng chỉ thật hay giả.
“Qua sự việc này, khi tuyển dụng giáo viên chúng tôi sẽ gửi văn bản tới cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ, văn bằng đề nghị xác nhận ứng viên có học ở đó hay không. Việc này đảm bảo chất lượng dạy và học ở trung tâm”, ông Sỹ nói.
Trả lời VnExpress, ông Bùi Hoà An (Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM) cho biết, 5 trường sai phạm đã cho thôi việc 83 giáo viên sử dụng bằng giả; thu hồi tất cả giấy tờ, văn bằng liên quan. Các cơ sở cũng bị đình chỉ hoạt động 1-3 tháng tùy mức độ sai phạm.
Video đang HOT
Nhận thấy “lỗ hổng” pháp lý, Sở đã yêu cầu các cơ sở đào tạo tự xác minh bằng cách gửi công văn về các trường xem giáo viên có học ở đó không. Tuy nhiên, có trường trả lời, trường không, vì nhiều giáo viên học chứng chỉ có địa chỉ ngoài Bắc. Trong tháng 3 Sở sẽ kiểm tra văn bằng, chứng chỉ giáo viên tất cả các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn.
Trong văn bản phát đi chiều 10/3, Sở GTVT TP HCM cho biết, tính đến tháng 2 thành phố có 73 cơ sở đào tạo lái xe (riêng dạy lái ôtô là 56 trường) với gần 6.600 giáo viên dạy thực hành. Hai năm gần đây thành phố cấp hơn một triệu giấy phép lái xe (chiếm 23% cả nước). Điều này tạo nên áp lực rất lớn đối với công tác quản lý về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe của Sở.
Nguyên nhân 83 giáo viên sử dụng chứng chỉ, bằng chuyên môn không hợp lệ, Sở cho là nhiều cơ sở buông lỏng việc xác minh. Các quy định hiện hành không yêu cầu Sở xác minh đối với văn bằng, chứng chỉ của giáo viên dạy thực hành lái xe. Việc tuyển dụng và tập huấn do cơ sở dạy lái xe chủ động thực hiện, nên phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên dạy thực hành.
Khu vực thực hành tại Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát sau khi bị công bố sai phạm. Ảnh: Hà An.
Theo luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), hành vi làm hoặc sử dụng văn bằng giả của giáo viên trường dạy lái xe có đầy đủ dấu hiệu tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 341, BLHS 2015. Tội này bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; nếu phạm tội nhiều lần, có tổ chức và gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt tù từ hai năm đến 5 năm.
Luật sư Tám cho rằng, cần phải xử lý nghiêm việc làm hoặc sử dụng văn bằng giả nói trên để tình trạng này không còn tiếp diễn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các trường thiếu trách nhiệm để lượng lớn giáo viên sử dụng văn bằng giả.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe, đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an TP HCM điều tra, xử lý.
Hà An – Hữu Nguyên – Hải Duyên
Theo vnexpress.net
Tuyên Quang: Tập huấn phòng cháy- chữa cháy cho giáo viên, học sinh các trường THPT huyện Chiêm Hóa
Nhằm trang bị cho giáo viên và học sinh kỹ năng phòng cháy-chữa cháy, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an tỉnh Tuyên Quang (Phòng PC66) đã phối hợp với các trường THPT trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy cho cán bộ giáo viên và học sinh của 6 trường THPT trên địa bàn của huyện.
Các thầy cô giáo và học sinh thực hành kỹ năng dùng bình xịt chống cháy
Tại buổi tập huấn, các thầy cô giáo và các em học sinh đã được nghe đồng chí Đào Trần Ngọc- Phó Đội trưởng đội công tác, phòng PC66 giới thiệu về thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy hiện nay, những nguyên nhân gây cháy và biện pháp phòng ngừa.
Cùng với việc cung cấp những thông tin về một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên phạm vi cả nước và địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm gần đây, báo cáo viên đã truyền đạt những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, các nguyên nhân gây ra cháy nổ và một số biện pháp PCCC tại cơ quan và gia đình.
Cũng dịp này, các thầy cô giáo và các em học sinh còn được hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy...
Các đại biểu cùng đông đảo các thầy cô giáo tham dự buổi tập huấn
Đông đảo các em học sinh tham dự buổi tập huấn
Tại buổi huấn luyện nghiệp vụ, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Tuyên Quang, đội PCCC của các nhà trường đã được thực hành cách sử dụng các phương tiện bình bột, bình CO2 để dập tắt đám cháy và cách thức xử lý nhanh các tình huống cháy có thể xảy ra.
Cán bộ phòng PC66 Tuyên Quang hướng dẫn các thầy cô kỹ năng phòng chống cháy nổ
Hoạt động này được các thầy cô và các em học sinh hào hứng tham gia. Thông qua buổi tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm về công tác PCCC và từ đó, chủ động xử lý kịp thời các tình huống về cháy, nổ khi có sự cố xảy ra tại nhà trường, gia đình, địa phương.
Cán bộ phòng PC66 Tuyên Quang thực hướng dẫn thầy cô giáo và học sinh kỹ năng dùng bình xịt chống cháy
Việc tổ chức tập huấn công tác PCCC cũng là dịp để cán bộ quản lý, giáo viên trong cụm trường THPT huyện Chiêm Hoá trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh nhằm nâng cao chất lượng của các nhà trường.
Nguyễn Thị Thu Thủy - Trường THPT Kim Bình
Sở Giáo dục Tuyên Quang
Theo giaoducthoidai
Bình Dương yêu cầu nhà trường chấm dứt ngay lạm dụng hồ sơ, sổ sách Sở GD&ĐT Bình Dương vừa có văn bản tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Ảnh minh họa/internet Trong văn bản này, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 138/CT- BGDĐT về việc chấn chỉnh...