Lỗ hổng chưa được bịt
Mặc dù các cấp, ngành đều đẩy mạnh kiểm soát ATVSTP tại các chợ dân sinh nhưng theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 8.500 chợ, trung bình 10.000 dân/chợ, nên việc kiểm soát ATTP tại các chợ này là rất khó.
Giết mổ gà ngay tại chợ phổ biến khắp nơi
Quy định chỉ để cho có
Nhằm hạn chế những nguy cơ mất ATVSTP từ các chợ, nhiều quy định đã được ban hành. Có thể kể đến việc cấm giết mổ gia súc, gia cầm sống tại chợ có hiệu lực từ hơn 4 năm nay. Tuy nhiên, quy định dường như chỉ để cho có. Hiện nay, từ chợ lớn đến chợ nhỏ trên toàn quốc, không riêng gì các TP lớn, đều có bán gia cầm sống, và người bán sẵn sàng giết mổ tại chỗ cho khách theo yêu cầu.
Video đang HOT
Mới đây, Đội quản lý thị trường số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra khu chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) phát hiện hàng loạt quầy hàng bày bán và giết mổ gà vịt công khai. Thoáng thấy sự xuất hiện của lực lượng QLTT, các tiểu thương lập tức đóng sập quầy hàng, tẩu tán gà vịt để đối phó. Phải vất vả lắm QLTT mới thu được một lồng gà chừng chục con để xử lý. Đáng nói ở chỗ, vào tháng 5, khu chợ này cũng đã từng bị kiểm tra và bị xử lý với lỗi tương tự. Đến nay, sự việc vẫn không có gì thay đổi.
Có thể nói tình trạng bày bán gia cầm sống rồi giết mổ ngay tại chỗ diễn ra ở khắp các nơi, từ chợ cóc, chợ tạm đến các chợ dân sinh. Mặc dù việc giết mổ tại chỗ gây ô nhiễm và có nguy cơ lây lan dịch bệnh, không đảm bảo vệ sinh do điều kiện thiếu thốn, nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hình thức chợ này. Trong khi đó, việc kiểm tra giám sát lại rất phức tạp. Thậm chí, tại nhiều chợ cóc, không có bất cứ hình thức giám sát nào.
Tại Hà Nội, ở các chợ lớn thường có cán bộ thú y chịu trách nhiệm giám sát. Tuy nhiên, lực lượng thú y cho rằng rất khó khăn vì không có chức năng xử phạt. Theo ông Âu Duy Vũ, Trạm trưởng Trạm Thú y, quận Hai Bà Trưng, mặc dù cơ quan thú y biết việc giết mổ gia cầm tại các chợ cóc, chơ tạm nhưng lực lượng này lại không có chức năng xử phạt mà chỉ có thể báo với chính quyền để phối hợp xử lý. Vì không chủ động được nên tình trạng “cha chung không ai khóc” vẫn đang diễn ra tại hầu hết các chợ. Ông Vũ cho rằng, nếu chính quyền cơ sở không thực sự quyết liệt thì vấn đề sẽ không giải quyết được tận gốc.
Cứ đưa vào chợ là hợp pháp?
Để đảm bảo ATVSTP trong khâu vận chuyển từ lò giết mổ đến các chợ, từ năm 2010, UBND TP Hà Nội cũng đã quyết định chi ngân sách cho Sở Công thương Hà Nội mua 200 chiếc thùng inox chuyên dụng để đựng sản phẩm gia súc, gia cầm khi vận chuyển bằng xe máy, cấp phát cho 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn TP. Nhưng đến nay, lợn vẫn được chở trên những chiếc xe máy quét lê dưới đất.
Ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, theo quy định hiện nay thì hàng hóa đưa vào chợ truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa tươi sống bán đến tay người tiêu dùng ngay, không bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả hàng hóa nhập chính ngạch đưa vào chợ bán lẻ cũng không cần trình các giấy tờ này. Điều này đồng nghĩa với việc, cứ đưa hàng được vào chợ bán lẻ là coi như hợp thức hóa được nguồn gốc, xuất xứ. Nếu cơ quan chức năng có tổ chức kiểm tra tại chợ cũng không thể xử lý được. Do đó, để kiểm soát nguồn hàng vào chợ, chỉ có cách giám sát ở đầu nguồn như chợ đầu mối hoặc các cơ sở bán buôn. “Với đặc điểm thị trường của chúng ta hiện nay, không lực lượng nào rải ra để giám sát hết được, đặc biệt chúng ta chưa có nền sản xuất tập trung. Một người dân trồng rau, nuôi gà, không ai ngăn cản được họ mang bán. Tuy nhiên, rất có thể bó rau đó vừa được phun thuốc hôm trước, con gà đó vừa tiêm cách đó một ngày…” – ông Lam lo ngại.
Để giải quyết thực trạng này, theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, vấn đề quan trọng nhất đặt ra trước hết vẫn là xây dựng được một nền sản xuất tốt, đây chính là cái gốc. Thêm nữa, ý thức của người sản xuất cũng dần phải được nâng lên, phù hợp với hội nhập và sự phát triển.
Theo ANTD
Giết mổ gia súc, gia cầm vô tội vạ
Người nội trợ miền Bắc hàng ngày đi chợ thật sớm với tâm lý muốn cho được miếng tươi, con gà sống... giá hời nhất. Cũng chính vì thói quen sử dụng thịt tươi sống nên việc giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) ở hầu hết các tỉnh miền Bắc vẫn như... đánh "du kích".
Hình ảnh nhếch nhác trước đây của lò mổ lợn Thịnh Liệt (Hà Nội) - Ảnh: D.H
Nghĩa là, ở đâu có nhu cầu, ở đó mọc lên lò mổ khắp vùng. Chính quyền thì đau đầu vì không quản lý được trong khi các cơ sở giết mổ GSGC tập trung hiện đại được xây lên lại hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.
Ngao ngán lò mổ miền Bắc
Chợ gia cầm Hà Vĩ (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) từ 5 giờ sáng đã tấp nập các mối buôn ùn ùn chở gia cầm các loại phóng ào ào ra khỏi con hẻm nhỏ. Xe chở gia cầm phần lớn là gà, vịt còn sống. Việc kiểm dịch diễn ra khá sơ sài với dăm thú y viên chốt ở cổng chợ, phun tiêu độc khử trùng. Điều đáng nói là những loại gia cầm từ chợ nhập về đủ mọi nguồn gốc xuất xứ khác nhau được giết mổ ngay.
Một chủ buôn gia cầm mời chào đon đả: "Gà ta nguyên con, giá 100.000đ/kg nhé, lấy nhiều thì chị để rẻ cho! Nếu giết mổ tại chỗ thì tính thêm chút phí thôi". Những lò mổ gà di động mọc lên nhan nhản khắp chợ, rác thải lông lá tanh nồng chảy lênh láng khắp nơi. Gà tróc lông trắng phớ nằm ngổn ngang dưới đất, các loại nước đen ngòm len lỏi mọi ngõ ngách, trông nhếch nhác, bẩn thỉu. Sau khi được sơ chế qua loa, các loại gà thịt chất đống vào các thùng nhôm, rọ sắt cứ thế "tênh hênh" bốc lên xe máy ùn ùn kéo vào nội thành cho kịp buổi chợ sớm.
Chợ Hà Vĩ chỉ là một trong những ví dụ khá "điển hình" cho thực trạng giết mổ GSGC đang quá bát nháo ở Hà Nội hiện nay. Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi mà lò mổ gia súc lớn nhất Hà Nội là Thịnh Liệt (Hoàng Mai) chưa bị xóa sổ, quá khứ của lò mổ này khiến không ít người cảm thấy hãi hùng khi chứng kiến cảnh tượng giết mổ lợn tại đây. Sàn giết mổ bê bết máu, nước thải, lòng lợn nổi lềnh phềnh. Những con lợn cạo trắng hếu qua tay đồ tể cứ thế nằm ngan ngát trên sàn chờ mối buôn vào mang đi.
Nguồn nước thải của lò mổ nằm giữa lòng khu dân cư đã khiến chính quyền địa phương không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xóa sổ nó. Tuy nhiên, việc xóa sổ lò mổ này tưởng chừng như muối bỏ bể, khi mà lò mổ quy mô lớn cũng không thể nào chấp hành nội quy giết mổ đảm bảo VSATTP. Còn hoạt động của các điểm giết mổ nhỏ lẻ thì hoàn toàn vượt ngoài khả năng kiểm soát của lực lượng chức năng.
Thực trạng giết mổ GSGC của Hà Nội nói riêng và toàn miền Bắc nói chung khiến ngành nông nghiệp dù bao nhiêu lần ngồi lại với nhau bàn tới bàn lui tìm cách khắc phục nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Một lãnh đạo của Cục Chăn nuôi ví von: "Nói là "lò" cho oai, thực ra chỉ cần một khoảnh sân nhỏ, vài chậu nước cùng tay "đồ tể" ngón nghề ổn, thế là thành một chỗ gọi là lò mổ".
Theo số liệu mới nhất của Bộ NNPTNT, cả nước có hơn 28.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ thì miền Bắc chiếm hơn 11.400 điểm, nằm rải rác trong khu dân cư. Thậm chí, một số tỉnh còn không hề có lấy một điểm giết mổ tập trung nào mà vẫn tồn tại kiểu giết mổ lưu động, tức là đến nhà người chăn nuôi để giết mổ (như tỉnh Bắc Giang). Kiểu giết mổ này không thể thống kê được.
Cục Thú y cũng thừa nhận, nhiều chi cục hiện không thể thống kê đầy đủ số lượng các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ hiện trà trộn trong các khu vực dân cư. Lực lượng cán bộ thú y không thể đủ để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ. Quyền Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm còn cho biết: "Quản lý của chính quyền địa phương ở một số nơi thiếu chặt chẽ, thậm chí bỏ ngỏ. Tư thương vì thế đã lợi dụng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, làm lây lan dịch bệnh động vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng".
Loay hoay quy hoạch
Đây không phải là lần đầu tiên việc quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được đề cập. Vấn đề này đã được ngành nông nghiệp bàn đi bàn lại suốt cả năm nay, song tình thế vẫn chưa mấy biến chuyển. Theo Bộ NNPTNT, hiện cả nước mới chỉ có 36 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ GSGC.
Có 21 tỉnh thành mới thành lập đề án trên giấy, còn lại 6 tỉnh vẫn hoàn toàn chưa thực hiện việc quy hoạch là Yên Bái, Nam Định, Bắc Cạn, Cao Bằng, Tuyên Quang và Bắc Giang.
Riêng tại Hà Nội, dù chính quyền thành phố chưa phê duyệt được quy hoạch tổng thể cơ sở giết mổ GSGC nhưng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 5 cơ sở tập trung. Trong đó có 3 cơ sở giết mổ lợn với dây chuyền giết mổ công nghiệp công suất lớn từ 400 - 1.000 con/ngày. Tuy nhiên, thực tế những cơ sở này chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ giết mổ từ 20 - 30 con/ngày, chủ yếu cung cấp cho một số siêu thị, khách sạn.
Sau khi đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, Hà Nội đã có chủ trương chuyển các hộ giết mổ về cơ sở mới là Cty Minh Hiền, nhưng chỉ có 10/26 hộ đưa gia súc vào giết mổ. Điều đáng nói là phương thức giết mổ vẫn theo kiểu thủ công, giết mổ ngay trên sàn thay vì mổ theo kiểu dây chuyền. Những hộ giết mổ khác đã tự động trà trộn vào khu dân cư, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền.
Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội khi nhắc đến thực trạng giết mổ GSGC của thành phố đã phải lắc đầu bó tay. Theo cơ quan này, không thể nào duy trì được các cơ sở giết mổ tập trung theo dây chuyền như ở các tỉnh miền Nam với quá nhiều lý do. Với thói quen của người dân là thích sử dụng thịt "nóng", tươi sống thay vì thịt đông lạnh ở siêu thị, không ít DN loay hoay tìm thị trường tiêu thụ.
Ngay cả DN "đình đám" như Cty CP hiện cũng đã phải giảm công suất giết mổ từ 34.000 con xuống còn 10.000 con/ngày. Ngoài ra, để đầu tư cho một cơ sở giết mổ, DN gặp quá nhiều rào cản như giá thuê đất cao, đầu tư hạ tầng tốn kém do phải tập trung cho khâu xử lý môi trường... Chính những lý do trên khiến các cơ sở lập ra đành phải "đắp chiếu", thậm chí có nơi còn tận dụng lò mổ làm... bãi trông xe cho đỡ phí mặt bằng.
Giữa thực trạng công tác giết mổ GSGC vốn quá nan giải, Bộ NNPTNT nhiều lần loay hoay quy hoạch nhằm gỡ khó. Theo đó, để sớm chấm dứt tình trạng nhiều địa phương không có quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung, Bộ vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chưa tổ chức xây dựng đề án quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung cần nhanh chóng chỉ đạo xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Các địa phương đang tổ chức xây dựng đề án cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư xây dựng. Việc báo cáo tiến độ quy hoạch của các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành và báo cáo lên Bộ NNPTNT trước ngày 30.11.2012.
Theo Cục Thú y, TPHCM đi đầu về quy hoạch giết mổ GSGC với 97% số cơ sở được kiểm soát, 100% cơ sở giết mổ lợn được thực hiện theo phương thức giết mổ treo, giúp cải thiện đáng kể vệ sinh trong giết mổ.
Hơn 10.550 cơ sở/điểm giết mổ GSGC ở phía Bắc không được cơ quan thú y kiểm soát. Chỉ 8% số cơ sở được kiểm soát việc giết mổ, trong đó số cơ sở, điểm giết mổ trâu bò được kiểm soát chỉ chiếm 5,3%, lợn 6,35% và gia cầm 14,7%.
100% cơ sở ở Hà Nội giết mổ GSGC kiểu thủ công. Hiện Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ GSGC tập trung có dây chuyền hiện đại (3 cơ sở giết mổ gia súc, 3 cơ sở giết mổ gia cầm), công suất 300 - 500 con/giờ. Tuy nhiên, hiện tất cả các cơ sở này đều không thực hiện giết mổ theo dây chuyền, giết mổ treo mà hoạt động theo kiểu thủ công, hoặc ngừng hoạt động.
Theo Laodong
Giết mổ thủ công "diệt" hiện đại Trong khi các tỉnh phía Nam kiểm soát được gần 90% lượng gia súc, gia cầm (GSGC) qua giết mổ thì tại phía Bắc, tỷ lệ này chỉ đạt 8%. Giết mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn hoành hành, đè chết các điểm giết mổ tập trung, hiện đại là thực trạng đang diễn ra tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...