Lỗ hổng cách ly từng làm bùng dịch ở Australia
Australia hồi tháng 6 tưởng đã kiềm chế được Covid-19, nhưng virus âm thầm lây lan khi nhân viên khách sạn bị cáo buộc lén lút quan hệ với khách cách ly.
Ngày 16/6, Brett Sutton, quan chức y tế bang Victoria, bày tỏ lo lắng khi bang ghi nhận 21 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ, số liệu cao nhất kể từ hôm 15/5.
Trong 4 tuần trước đó, mọi thứ dường như diễn ra đúng kế hoạch. Victoria là một trong những địa phương áp dụng các biện pháp khắt khe nhất để chống Covid-19. Giống như ở phần còn lại của Australia, đường cong dịch tễ ở đây đã thực sự được làm phẳng.
Nhân viên y tế làm xét nghiệm Covid-19 tại Australia hồi tháng 7. Ảnh: Reuters .
Giới chức Australia đã chỉ định một số khách sạn trên khắp đất nước làm cơ sở cách ly cho người trở về từ nước ngoài nhằm ngăn virus lây lan ra cộng đồng. Bất kỳ ai đến Australia đều phải cách ly 14 ngày tại các cơ sở do chính phủ quản lý. Tuy nhiên, biện pháp quản lý lỏng lẻo tại các khách sạn được dùng làm cơ sở cách ly đã khiến dịch bùng phát trở lại ở Victoria.
Hồi tháng 5 và tháng 6, Victoria ghi nhận 31 ca nhiễm liên quan đến khách sạn Stamford Plaza ở thành phố Melbourne. Họ cũng phát hiện các ca nhiễm khác liên quan đến khách sạn Rydges on Swanston tại cùng thành phố.
Theo 9 News, một số nhân viên khách sạn bị cho là đã quan hệ tình dục với khách trong thời gian cách ly, các khách sạn cũng không tập huấn cho nhân viên kỹ lưỡng. Một nhân viên cho biết anh chỉ được đào tạo 5 phút về công tác phòng chống dịch trước khi bắt đầu công việc. Còn có cáo buộc rằng khách cách ly được phép đi lại giữa các phòng, giao lưu, chơi bài và có cả những bữa tiệc thâu đêm.
Video đang HOT
Giới chức không xác nhận các cáo buộc này, tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt hồi tháng 7 nói rằng “có hai trường hợp dường như đã có những vi phạm rõ ràng”.
Khi được hỏi về cáo buộc nhân viên bảo vệ đã ngủ với khách trong khu cách ly, Hunt nói: “Nếu những tuyên bố đó đúng sự thật, điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi khuyến khích giới chức Victoria trừng phạt nặng nhất có thể nếu bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào có hành vi không phù hợp”.
Shayla Sakshi cho biết cô được tuyển dụng qua WhatsApp để làm bảo vệ tại khách sạn Stamford Plaza hồi tháng 5 và không được đào tạo về quy cách cách ly và kiểm dịch. Thông tin duy nhất cô được cung cấp là mức lương và trang phục cần mặc.
“Tôi đã biết rằng sẽ có chuyện xảy ra, vì có khi các nhân viên bảo vệ trêu đùa, ôm hay chạm vào nhau. Họ không thực sự nghiêm túc về mức độ nghiêm trọng của Covid-19″, cô nói.
Sakshi cho biết cô thậm chí còn được yêu cầu tự mang đồ bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang và nước rửa tay khô. “Họ coi nó như trò đùa. Họ nghĩ rằng ‘đó chỉ là loại virus thông thường mà ai cũng có thể nhiễm. Chắc nó chừa mình ra’”, Sakshi nói.
Một nhân viên bảo vệ khác tên Sam nói rằng đồng nghiệp của anh đi chung thang máy với khách và còn hộ tống họ khi đi tập thể dục. Các bảo vệ vẫn đến nơi công cộng vào giờ nghỉ, như siêu thị hay tiệm đồ ăn nhanh.
“Chúng tôi đã cố gắng kiểm soát virus, nhưng với cách họ đã làm thì tôi nghĩ chúng tôi đã làm lây lan virus thay vì kiềm chế nó”, Sam nói. Hồi tháng 7, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew thông báo chi ba triệu USD để phục vụ cuộc điều tra về bùng phát dịch liên quan đến khách sạn cách ly.
Để dập đợt dịch này, chính quyền Victoria đã áp đặt vòng phong tỏa mới ở một số khu vực của Melbourne, 5 triệu người dân bị cấm rời khỏi nhà trong 6 tuần. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả. Victoria không ghi nhận ca nhiễm mới trong hơn một tháng qua.
Tuần tới, Melbourne sẽ nối lại chuyến bay quốc tế đến và đi từ thành phố này. Chính quyền Victoria vẫn tiếp tục cho khách cách ly tại các khách sạn, nhưng họ đưa ra nhiều cải cách. Bang thành lập cơ quan chuyên trách điều hành hệ thống cách ly tại khách sạn có tên Kiểm dịch Covid-19 Victoria, do giám đốc Cục Cải huấn Emma Cassar đứng đầu. Cassar sẽ báo cáo trực tiếp lên Bộ trưởng Cảnh sát và Dịch vụ khẩn cấp Lisa Neville.
Tất cả nhân viên ở các khách sạn cách ly này sẽ do cơ quan mới tuyển dụng hoặc ký hợp đồng, nhân viên vệ sinh chỉ làm việc tại một địa điểm. Họ được xét nghiệm nCoV hàng ngày và thành viên gia đình của họ cũng sẽ được xét nghiệm thường xuyên.
Giới chức không tuyển dụng nhân viên bảo vệ tư nhân làm việc tại các khách sạn cách ly. Cảnh sát Victoria sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc giám sát và thực thi cách ly, với sự hỗ trợ từ quân đội Australia.
Người bị cách ly sẽ không được phép ra ngoài để hít thở không khí trong lành hay tập thể dục như trước kia, trừ khi có lý do y tế hay sức khỏe tâm thần. Họ cũng không được nhận thực phẩm từ gia đình và bạn bè, chỉ một số dịch vụ cung cấp thực phẩm được phép giao hàng.
“Có rất nhiều bài học cần phải rút ra về cách ly tại khách sạn và chúng tôi đã tiếp thu được những bài học đó”, Thủ hiến Andrews nói. “Cơ quan mới sẽ đảm bảo đưa ra chương trình kiểm dịch mạnh mẽ và an toàn nhất cả nước”.
Bộ trưởng Neville nói rằng khoảng 300 cảnh sát sẽ tuần tra khách sạn mỗi ngày. Chương trình mới sẽ đối xử với mỗi khách bị cách ly “như thể họ dương tính với nCoV”, bà khẳng định.
Australia: Sơ suất trong quản lý người cách ly làm 768 người thiệt mạng vì Covid-19
Sơ suất trong quy trình cách ly người của bang Victoria không chỉ gây nên làn sóng Covid-19 thứ hai tại Australia mà còn khiến chính quyền bang này bị nhiều chỉ trích.
Cuộc điều tra về việc cách ly người dân trong khách sạn tại bang Victoria của Australia cho thấy, những sơ suất trong quá trình cách ly đã làm 768 người thiệt mạng, hơn 18.000 người bị nhiễm Covid-19 và gây nên đợt dịch Covid-19 thứ hai tại Australia.
Khách sạn Rydges là một trong hai địa điểm cách ly có nhiều sai sót khiến cho dịch Covid-19 lần hai bùng phát tại Australia. Nguồn Getty.
Hôm nay (28/9), sau hai tháng làm việc, Ủy ban điều tra về việc cách ly trong khách sạn tại bang Victoria kết luận, "những thất bại trong công tác kiểm dịch tại khách sạn nơi cách ly những người từ nước ngoài trở về là nguyên nhân gây nên cái chết của 768 người và làm khoảng 18.418 người bị nhiễm Covid-19 kể từ cuối tháng 5 cho đến nay".
Kết luận đưa ra sau 25 cuộc điều trần và phỏng vấn 63 người mà Ủy ban đã thực hiện trong suốt hai tháng qua cho thấy, chương trình cách ly người từ nước ngoài trở về tại khách sạn "không đáp ứng được mục tiêu chính là giữ cho mọi người an toàn trước virus" vì thế đã làm cho dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 tại Australia.
Cụ thể, virus đã được truyền từ những người đang cách ly sang cho nhân viên đang làm việc tại 2 cơ sở cách ly là khách sạn Stamford Plaza và Rydges tại thành phố Melbourne. Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh kém tại khách sạn Rydges cũng là một trong những nguyên nhân khiến Covid-19 lây lan ra môi trường bên ngoài khách sạn.
Những sơ suất của việc cách ly tại khách sạn còn bộc lộ lỗ hổng quản lý của chính quyền bang Victoria khi không thể xác định cá nhân hay đơn vị nào là người ra quyết định sử dụng công ty tư nhân làm nhiệm vụ canh gác tại các khách sạn nơi cách ly những người từ nước ngoài trở về.
Ủy ban điều tra cũng cho biết, nếu sử dụng quân đội canh gác tại cơ sở cách ly sẽ làm giảm chi phí và việc cách ly cũng được thực hiện hiệu quả và an toàn hơn. Tuy vậy, Ủy ban không được yêu cầu điều tra về việc quân đội Australia cần thay thế công ty tư nhân đảm nhiệm việc quản lý cách ly tại khách sạn nên không thể lý giải về việc tại sao bang Victoria không chấp nhận lời đề nghị cử binh sỹ đến các cơ sở cách ly mà quân đội Australia đã đưa ra.
Mặc dù vậy, Ủy ban cho rằng, đề nghị đưa quân đến hỗ trợ bang Victoria tại các cơ sở cách ly vào hồi tháng 4 cần được chuyển tới Thủ hiến bang Daniel Andrews.
Sự sơ suất trong quy trình cách ly người từ nước ngoài trở về tại khách sạn của bang Victoria không chỉ gây nên làn sóng Covid-19 thứ hai tại Australia mà còn khiến chính quyền bang này bị nhiều chỉ trích.
Vài ngày trước, Bộ trưởng Y tế bang Victoria Jenny Mikakos đã từ chức sau khi Thủ hiến bang Daniel Andrews khẳng định bà là người chịu trách nhiệm đối với việc cách ly người dân tại khách sạn./.
Cuộc chiến Covid-19 của gia đình gốc Việt ở Australia Sau khi cha mẹ được xác định nhiễm nCoV, Tina Dinh cũng xét nghiệm nhưng không cần chờ kết quả, cô có cảm nhận được virus trong xương của mình. Hôm 17/7, Tina Dinh đã nài nỉ mẹ cô, bà Dung Huynh, 60 tuổi, đừng đi làm. Nhiều đồng nghiệp của bà ở công ty thực phẩm Bertocchi Smallgoods tại Sunshine, một vùng...