Lò gieo mầm khủng bố ở Indonesia
Thành phố nhỏ Solo của Indonesia được xem là một trung tâm nuôi dưỡng phiến quân Hồi giáo, trong đó có cả kẻ đứng sau vụ khủng bố hôm 14/1 ở thủ đô Jakarta.
Bahrun Naim, kẻ xuất thân từ Solo, một cộng đồng dân cư với nửa triệu người, bị cáo buộc tài trợ và xúi giục những tên khủng bố thực hiện vụ tấn công bằng súng và bom tại thủ đô Jakarta gần một tuần trước làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 4 kẻ tấn công, và 23 người bị thương. Nhưng, Naim không phải kẻ cực đoan bạo lực duy nhất có nguồn gốc từ Solo, theo Wall Street Journal.
Lò cung cấp phiến quân
Trường SMA Al-Islam 1 ở Solo. Ảnh: WSJ
Cảnh sát Indoensia cho biết Naim là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hiện sống ở Syria. Tên này đã gửi tiền cho những kẻ gây ra vụ khủng bố ở Jakarta.
Những kẻ cực đoan khác từ Solo cũng từng gây chú ý khi là thành viên tích cực trong làn sóng tấn công các mục tiêu phương Tây ở Indonesia hồi đầu thế kỷ. Tiêu biểu là vụ tấn công khủng bố ở đảo du lịch Bali vào năm 2002, khiến 202 người thiệt mạng, phần lớn là du khách.
Theo thông tin từ cảnh sát địa phương và một người quen của Naim, y bị cực đoan hóa khi theo học trường Hồi giáo tư thục SMA Al-Islam 1 ở Solo.
Cảnh sát Indonesia hơn một thập kỷ qua bắt giữ hoặc tiêu diệt hàng chục tên khủng bố địa phương thuộc thế hệ bị truyền cảm hứng bởi al-Qaeda hay có mối liên hệ với tổ chức này.
Một số tên đến Afghanistan để gia nhập al-Qaeda vào thời điểm trước vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ. Số khác đi học ở Solo.
Theo giới chuyên gia, nỗ lực truy quét của cảnh sát làm tiêu hao đáng kể bộ máy lãnh đạo của những kẻ cực đoan, đến mức chỉ còn sót lại vài tổ chức khủng bố lác đác, chỉ đủ khả năng gây ra những vụ xả súng khi đang chạy xe. Cho đến tuần trước, không có vụ tấn công đáng chú ý nào được ghi nhận ở Jakarta kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của một lớp phiến quân mới với tuổi đời còn rất trẻ so với thế hệ khủng bố thời hoàng kim tại Indonesia đã cho thấy chủ nghĩa cực đoan ở quốc gia này bám rễ sâu tới mức nào.
“Tại sao phần lớn các vụ tấn công khủng bố đều liên quan đến Solo? Vì cội nguồn của khủng bố là ở đây”, ông Ahmad Luthfi, tư lệnh cảnh sát Solo, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Naim sinh năm 1983 trong một gia đình trung lưu. Cha của hắn làm việc tại bộ phận chuyên trách các vấn đề nông nghiệp của chính quyền địa phương còn mẹ ở nhà nội trợ.
Khi đang học ở trường Hồi giáo SMA Al-Islam 1 ở Solo hồi đầu những năm 2000, Naim hay dự các lễ cầu nguyện buổi tối tại một đền thờ Hồi giáo trong khuôn viên trường, nơi các phiến quân thường ghé tới. Một số kẻ đã sang Afghanistan để gia nhập al-Qaeda. Và trong mắt Naim, những người này đều là anh hùng.
Ahsanudin, giáo viên trường SMA Al-Islam 1, cho hay nhà trường chỉ dạy giáo trình phổ thông của Indonesia và không có quyền quản lý đền thờ nói trên.
Video đang HOT
Abu Bakar Bashir, một giáo sĩ Hồi giáo đang thụ án 15 năm tù vì các tội danh liên quan đến khủng bố, là một trong những người thường xuyên dự lễ tại đền thờ này.
Giáo sĩ Bashir còn thành lập một trường Hồi giáo khác bên ngoài Solo để dạy các phiến quân. Ông ta cũng là thủ lĩnh tinh thần của Jemaah Islamiyah, nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al-Qaeda, từng tổ chức hàng loạt vụ tấn công khủng bố.
Đa phần người Hồi giáo ở Indonesia đều theo chủ nghĩa ôn hòa. Tuy nhiên, vẫn có một vài khu vực theo đuổi dòng Hồi giáo khắt khe hơn do chịu ảnh hưởng từ Arab Saudi. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ tuyển dụng khủng bố, theo WSJ.
Kinh tế yếu thổi bùng chủ nghĩa cực đoan
Bahrun Naim được xác định là kẻ chủ mưu vụ khủng bố ở Jakarta, Indonesia. Ảnh:BBC
Solo, tên gọi chính thức là Surakarta, thuộc tỉnh Trung Java, nằm cách Jakarta 576 km về phía đông nam, từng có ngành công nghiệp dệt may phát triển nhưng cạnh tranh toàn cầu khiến số lượng việc làm trong ngành này giảm đi nhanh chóng. Nhiều thanh niên vì thế rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc chỉ kiếm đủ ăn với công việc buôn bán tại một khu chợ cũ.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Indonesia Anies Baswedan, thực trạng kinh tế ngày càng yếu kém ở Solo là nguyên nhân chính thổi bùng chủ nghĩa cực đoan.
Nhiều người cho rằng sự tồn tại của các mạng lưới cực đoan đã bén rễ ở một số địa điểm tai tiếng như Solo làm bật lên tầm quan trọng của việc xây dựng các bộ luật chống khủng bố mạnh mẽ hơn.
Lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia tuần trước phàn nàn họ hiện chỉ có thể bắt giữ các nghi can khủng bố khi những người này trực tiếp thực hiện hành vi, ví dụ như mua thuốc nổ.
Những bản án trong khi đó thường được giảm nhẹ ở các tòa phúc thẩm. Thực tế này tạo điều kiện để phiến quân có thể sớm trở lại đường phố. Cảnh sát cho biết hai trong 4 kẻ tấn công bị tiêu diệt ở Jakarta hôm 14/1 từng ngồi tù.
Mặt khác, chính phủ Indonesia, đứng đầu là Tổng thống Joko Widodo, cũng tỏ ra dè dặt trong việc thắt chặt quản lý các chương trình giáo dục đạo Hồi vì lo sợ làn sóng phản đối từ công chúng.
Với tư cách là thị trưởng Solo từ năm 2005 – 2012, ông Widodo từng tổ chức các cuộc đối thoại liên tôn giáo với mục tiêu xoa dịu căng thẳng giữa người Hồi giáo và cộng đồng thiểu số Cơ đốc giáo.
Song những nhóm Hồi giáo bảo thủ, được thành lập hợp pháp ở Indonesia, lại liên tục tổ chức các cuộc tuần hành phản đối xây dựng nhà thờ Cơ đốc giáo, nạn mại dâm, bài bạc và rượu chè. Thậm chí, thời gian gần đây, họ còn giương cờ IS.
Theo Bambang Setiaji, hiệu trưởng một trường đại học ở Solo được điều hành bởi phong trào Hồi giáo ôn hòa Muhammadiyah, nỗ lực của ông Widodo giúp giảm xung khắc giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo nhưng thất bại trong việc đối phó với các nhóm phiến quân Hồi giáo bạo lực, vốn hoạt động trong vòng bí mật.
Naim học ngành khoa học máy tính ở một trường cao đẳng tại địa phương trước khi quản lý một tiệm cà phê Internet. Hắn sau đó gia nhập nhóm phiến quân do giáo sĩ Bashir thành lập. Naim năm 2011 bị kết án tù vì tàng trữ vũ khí trái phép tại nhà riêng. Hai năm sau, hắn mãn hạn và được phóng thích. Năm ngoái, Naim mang theo một phụ nữ, được cho là vợ ba của hắn, sang Syria.
Naim là một trong 300 công dân Indonesia đầu quân cho IS tại Iraq và Syria. Mối quan hệ với IS giúp Naim gia tăng vị thế ở Indonesia. Cảnh sát tin rằng Naim có tham vọng vươn lên trở thành thủ lĩnh của những phiến quân Indonesia thề trung thành với IS.
Theo nhà chức trách, những phiến quân khác từ trường SMA Al-Islam 1 cũng hỗ trợ lập kế hoạch thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Jakarta hồi tuần trước. Một trong số đó là Arif Hidayatullah. Tên này từng bị bắt trong một cuộc đột kích gần Jakarta hồi tháng 12 năm ngoái sau khi cảnh sát nghe lén được các cuộc trao đổi giữa Hidayatullah và Naim để bàn kế hoạch chuyển tiền.
Cảnh sát cho hay đền thờ Hồi giáo trong khuôn viên trường SMA Al-Islam 1 không còn là nơi ươm mầm phiến quân nữa, nhưng họ phải thừa nhận rằng họ không biết liệu đền thờ này có bị lợi dụng để truyền bá các tư tưởng cực đoan hay không vì rất khó để ngăn chặn những hoạt động như vậy.
Bộ trưởng Giáo dục Baswedan thì tin rằng hầu hết các trường Hồi giáo đều không có vấn đề gì đáng ngại. “Đó chỉ là một trường hợp riêng lẻ”, ông quả quyết, ám chỉ trường SMA Al-Islam 1.
Cảnh hỗn loạn tại hiện trường khi vụ tấn công khủng bố hôm 14/1 xảy ra. Ảnh:BBC
Hồng Vân
Theo VNE
Bên trong 'lò' khủng bố ở Indonesia
Một thế hệ các phần tử cực đoan mới chịu ảnh hưởng của IS đã "ra lò" ở Solo. Chỉ khác là các học viên thời nay được gửi đi huấn luyện ở Syria, Iraq thay vì Afghanistan như thời của al-Qaeda.
Vụ khủng bố vừa qua ở Jakarta do bàn tay IS "đạo diễn" - Ảnh: Reuters
IS "sản xuất tại Indonesia"
Solo là thành phố nằm ở tỉnh Trung Java, từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc của những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Indonesia. Và suốt mấy chục năm qua, Solo khét tiếng là nơi đào tạo và cung cấp người cho hàng loạt vụ khủng bố nhắm vào người phương Tây, trong đó bao gồm vụ khủng bố Bali hồi năm 2002 làm 202 nạn nhân thiệt mạng. Gần đây nhất, Solo, thành phố còn được gọi là Surakarta, cũng liên quan đến vụ khủng bố ngày 14.1 vừa qua tại Jakarta.
Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ cảnh sát Solo cho hay Bahrun Naim, một thành viên IS tại Syria, đã chuyển tiền cho những kẻ tấn công thực hiện vụ khủng bố làm 7 người thiệt mạng vừa qua. Không chỉ tài trợ, Naim cũng chính là người chỉ đạo cuộc khủng bố, theo cảnh sát Indonesia. Naim từng học ở trường SMA Al Islam 1, một trường Hồi giáo tư ở Solo. Người này hay dự lễ tại một đền thờ nằm trong khuôn viên trường, nơi tụ tập thường xuyên của nhiều tín đồ Hồi giáo cực đoan, trong đó gồm cả những người từng "du học" ở Afghanistan. Thời đó, họ là những người hùng trong mắt Naim.
Sau này, Naim theo học ngành công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng ở Solo rồi làm việc tại một quán cà phê internet. Tổ chức Hồi giáo cực đoan đầu tiên mà Naim tham gia do giáo sĩ Abu Bakar Bashir lập nên. Đó cũng là một cái tên rất quen thuộc ở Solo, bởi ông này thường xuyên có mặt ở ngôi đền thờ Hồi giáo bên trong trường SMA Al Islam 1. Giáo sĩ Bashir sau đó đã lãnh án tù 15 năm vì tội khủng bố.
Riêng Naim đến năm 2011 cũng bị bỏ tù 2 năm vì tàng trữ đạn dược trong nhà. Đến năm 2015, Naim quyết định sang Syria, đưa theo cả người vợ thứ 3, trở thành một trong 300 người Indonesia đã sang Iraq và Syria theo như con số mà cảnh sát nước này đưa ra.
Việc gia nhập IS đã đưa "danh tiếng" Naim lên cao, là sự khởi đầu cho một vị thế mới trong hàng ngũ khủng bố mà Naim muốn nhắm tới. Naim muốn trở thành thủ lĩnh IS chi nhánh Solo.
Hãng truyền thông CNN dẫn lời cảnh sát trưởng Jakarta, ông Tito Karnavian phát biểu: "Tham vọng của hắn ta là liên kết tất cả những phần tử ủng hộ IS ở Đông Nam Á: từ Indonesia đến Malaysia và Phillipines". Và việc Naim từ Syria thò tay sang tận Indonesia để hỗ trợ vụ khủng bố chấn động Jakarta vừa qua dường như đang lót đường cho y ta lên cái "chức" thủ lĩnh đó.
Bahrun Naim - người được cho đứng sau vụ khủng bố Jakarta - từng ra tòa tại Solo hồi năm 2011 - Ảnh: Reuters
Naim hay giáo sĩ Bashir chẳng phải là những cái tên đơn lẻ trong hàng ngũ Hồi giáo cực đoan ở Solo. Trong suốt thập niên qua, cảnh sát Indonesia đã tiêu diệt hoặc bắt giữ hàng loạt kẻ khủng bố ở Solo. Gần đây, Arif Hidayatullah - bạn cùng trường của Naim thuở nào cũng đã bị tóm mới hồi tháng 12 vừa qua sau khi cảnh sát nghe ngóng được liên lạc giữa y và Naim về đề tài chuyển tiền.
Tại sao là Solo?
Hầu hết những người Indonesia đều là tín đồ Hồi giáo ôn hòa. Nhưng ở quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới này cũng tồn tại những cơ sở tôn giáo theo đường lối khắc nghiệt, cực đoan, không khoan nhượng. Solo là một trong những "cái nôi" của những cơ sở này.
Nằm cách thủ đô chừng Jakarta gần 600 km, Solo từng là một trung tâm dệt may của Indonesia. Nhưng sự cạnh tranh khốc liệt của ngành dệt may trên toàn cầu đã khiến cư dân Solo thất nghiệp tràn lan. Bộ trưởng Giáo dục Indonesia, ông Anies Baswedan cho rằng tình trạng này đã góp phần đáng kể khiến nhiều thanh niên ở Solo bị lôi kéo vào các tổ chức cực đoan.
Một số người khác thì cho rằng cần phải có một hành lang pháp lý mạnh hơn rất nhiều mới có thể xóa bỏ cả một hệ thống dung dưỡng cho khủng bố. Mới hồi tuần trước, sau vụ khủng bố Jakarta, cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia than phiền rằng cảnh sát chỉ có thể bắt các nghi can khủng bố khi đã phạm tội, chẳng hạn như mua chất nổ. Các án phạt cuối cùng cũng thường rất nhẹ, như trong trường hợp với kẻ chỉ đạo vụ khủng bố Jakarta vừa qua: Naim chỉ ngồi tù 2 năm chóng vánh rồi quay trở về với tổ chức cực đoan của mình, nguy hiểm hơn, lòng thù hận lớn hơn và quyết tâm cao hơn.
Khi cờ đổi màu
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo từng là thị trưởng Solo - Ảnh: Reuters
Tổng thống Indonesia hiện nay, ông Joko Widodo từng là thị trưởng Solo từ năm 2005 đến 2012. Thế nên ông hiểu rõ những vấn đề ở Solo hơn ai hết. Nhưng thành quả lớn nhất của ông cũng chỉ dừng lại ở việc nỗ lực thúc đẩy đối thoại hòa giải giữa cộng đồng Hồi giáo khá "cứng" ờ Solo với người Công giáo thiểu số.
Ông đã không thể nào dẹp được những tổ chức Hồi giáo cực đoan vẫn cứ đang lớn mạnh ở vùng đất này. Hệ thống trường Hồi giáo tư là một trong những nơi cần phải "soi" rất kỹ. Nhưng ông Widodo biết rõ một khi đã dính tới tôn giáo, nhất là mang màu sắc cực đoan, những cú đập dội ngược lắm lúc cực kỳ nguy hiểm. Nhưng một khi cờ của những tổ chức cực đoan này đổi màu, chuyển sang màu đen của IS, chính quyền Indonesia có khi phải tính toán đến một chiến lược mới.
"Tại sao hầu hết các cuộc tấn công khủng bố đều có dính líu tới Solo? Vì nguồn lực là ở đây", theo Ahmad Luthfi - cảnh sát trưởng Solo.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Indonesia hoang mang sau khủng bố Dư chấn của trận tấn công gây rúng động ngày 14.1 tại thủ đô Jakarta của Indonesia đang khiến tình hình an ninh nước này vô cùng căng thẳng. Lực lượng an ninh Indonesia canh gác tại hiện trường vụ tấn công - Ảnh: Nguyễn Tập Hơn một ngày trôi qua từ sau vụ nổ bom và xả súng làm 7 người chết,...