Lộ diện quái điểu 99 triệu tuổi chưa từng biết
Một miếng hổ phách tuyệt đẹp được tìm thấy ở Myanmar đã cung cấp manh mối đầu tiên về sự tồn tại của một quái điểu sống và chết song song với loài khủng long.
Theo Sci-News, mảnh hổ phách từ Myanmar là bằng chứng hóa thạch rõ ràng đầu tiên trên thế giới về sự thay lông của chim non Đại Trung Sinh. Nó cũng tiết lộ về một con chim non có cuộc đời “không giống với bất kỳ loài chim nào còn sống ngày nay”.
Mảnh hổ phách quý giá vì lưu giữ được chiếc lông cực kỳ tinh xảo của quái điểu kỳ lạ đã tuyệt chủng – Ảnh: CRETACEOUS RESEARCH
Đại Trung Sinh chính là “kỷ nguyên quái vật” của Trái Đất, gồm 3 kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng, chứng kiến sự ra đời và lụi tàn của loài khủng long. Một nhóm sinh vật hiện đại – chim – cũng có những bước tiến hóa sơ khai đặc biệt vào thời đại đó.
Công bố trên Cretaceous Reseach, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Jingmai O’Connor từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Field (Mỹ) cho biết loài quái điểu cổ đại mà tàn tích nói trên hé lộ thuộc về một nhóm có tên là Enantiornithes, đã tuyệt chủng cùng với khủng long trong thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước.
Nhưng chúng là mối liên kết tuyệt vời để chúng ta hiểu về các loài chim sơ khai đã tiến hóa như thế nào, vì Enantiornithes là nhóm chim đa dạng nhất của kỷ Phấn Trắng, người họ hàng với dòng tổ tiên của các loài chim hiện đại.
Con chim sở hữu chiếc lông hóa thạch này lại là loài chưa từng biết, thuộc về các Enantiornithes thời kỳ sau, khi loài chim đã bắt đầu chuyển đổi từ trạng thái sơ khai sang phiên bản hiện đại, giống ngày nay hơn.
So với chim ngày nay, con chim non này đã sở hữu bộ lông “trưởng thành” quá sớm, điều sẽ khiến chúng có một “tuổi thơ” vất vả, vì chim sơ sinh Enantiornithes không được bảo vệ đủ lâu bởi cha mẹ như chim non ngày nay.
Thay lông vốn là quá trình nguy hiểm với chim non, vì cần nhiều năng lượng nên sẽ khiến con chim khó tự giữ nhiệt. Chim sơ khai thường thay lông chậm vì trải qua thời thơ ấu khá “bơ vơ”, khác với chim ngày nay đa phần được sưởi ấm bởi cha mẹ nên có thể thay lông sớm.
Loài quái điểu mới dường như là sinh vật chuyển tiếp: Nó thay lông rất sớm nhưng đồng thời vẫn phải “tự lập” sớm.
Kết quả này vô tình giải thích bí ẩn từ lâu về sự tuyệt chủng của toàn bộ Enantiornithes khi tiểu hành tinh Chicxulub va chạm và khiến môi trường trở nên khó sống trong một thời gian dài. Nhiệt độ môi trường khi đó được cho là giảm mạnh bởi tro bụi núi lửa phủ kín bầu trời suốt hàng thế kỷ, ngăn ánh nắng.
Đó cũng là lý do những sinh vật chịu lạnh kém, kém thích nghi hay đơn giản là quá to nên khó tìm thức ăn như khủng long bị tuyệt diệt trong thảm họa; trong khi những tổ tiên động vật có vú của chúng ta lại sống sót và là nền tảng của một lớp động vật phong phú mới.
Lộ diện quái thú 252 triệu tuổi to như cọp, da tê giác, mình khủng long
Một quái thú hung dữ, kỳ lạ, sống trên siêu lục địa Pangea của kỷ Nhị Điệp, đã được khôi phục từ Lưu vực Karroo ở Nam Phi
Quái thú trông như một phiên bản cổ xưa của cọp răng kiếm, sống vào khoảng 252 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Nhị Điệp, là kỷ địa chất ngay trước kỷ Tam Điệp mà những con khủng long đầu tiên ra đời.
Theo Sci-News, đó là những con Inostrancevia, mà hóa thạch vừa lộ diện ở Nam Phi cho thấy chúng đã di cư 11.300 km qua Pangea, lấp đầy khoảng trống trong hồ sơ cổ sinh vật học về một hệ sinh thái đã mất, với những quái thú ăn thịt hàng đầu đã tự tuyệt chủng một cách bí ẩn.
Quái thú Inostrancevia của kỷ Nhị Điệp - Ảnh đồ họa: Matt Celeskey
Tiến sĩ Pia Viglietti, nhà cổ sinh vật học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field (Mỹ) và Đại học Witwatersrand (Nam Phi), cho biết: "Tất cả các loài săn mồi lớn hàng đầu ở kỷ Nhị Điệp muộn ở Nam Phi đã tuyệt chủng trước cả cuộc tuyệt chủng hàng loạt ở cuối kỷ Permi"
Trong giai đoạn ngắn ngủi vắng bóng các loài săn mồi đã biết đó, Inostrancevia xuất hiện.
Nó được mô tả là có kích thước như một con hổ hiện đại, da dày và khó xuyên thủng như tê giác hay voi, thân hình lại khá giống khủng long.
Nhưng bất chấp ngoại hình lạ lùng đó, Inostrancevia một phần của nhóm động vật cổ đại bao gồm động vật có vú hiện đại.
Trước đó, một số hóa thạch ít ỏi của nó từng được phát hiện ở Đông Âu. Nhưng việc nó di cư đến tận Nam Phi là điều hoàn toàn bất ngờ. Gọi là di cư bởi nó đúng là động vật bản địa của vùng mà ngày nay là Đông Âu, không phải của vùng ngày nay là Nam Phi, dẫu thời điểm đó tất cả vẫn đang cùng năm trên một siêu lục địa.
Các loài ăn thịt địa phương thực sự đã tuyệt chủng khá lâu trước cả cuộc tuyệt chủng đại tuyệt chủng kỷ Permi mà Karoo thuộc vùng trung tâm. Quái thú Inostrancevia xuất hiện để lấp đầy khoảng trống nhưng rồi biến mất đột ngột ngay khi đại tuyệt chủng khởi đầu.
Phát hiện giúp làm đầy thêm bức tranh phức tạp mà các sinh vật trên Trái Đất đã trải qua các đại tuyệt chủng, cũng như nỗ lực thích nghi, di cư của chúng để tránh thảm họa đang thành hình.
Điều này cũng khẳng định việc các loài săn mồi đỉnh cao trong môi trường hiện đại có xu hướng cho thấy nguy cơ tuyệt chủng cao và có xu hướng nằm trong số những loài đầu tiên bị tuyệt chủng cục bộ khi môi trường thay đổi, do tự nhiên lẫn do con người.
Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí Current Biology.
Đi ăn, phát hiện dấu vết quái thú 100 triệu tuổi giữa nhà hàng Một thực khách tò mò đã giúp các nhà khoa học khám phá ra sự hiện diện của quái thú khổng lồ sauropod trong sân một nhà hàng TP Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc. Theo Sci-News, thực khách nói trên tỏ ra nghi ngờ khi nhận thấy khoảng chục cái hố nằm cách đều nhau trên mặt sân đá tại...