Lộ diện máy bay thế hệ mới Nga – Mỹ
Trong khi Nga đang thiết kế máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp thì Mỹ lại đẩy mạnh phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6.
Chỉ trong vòng vài ngày giữa tháng 4, thế giới lần lượt chứng kiến những thiết kế chiến đấu cơ thế hệ mới. Cụ thể, sau khi Boeing tung ra phiên bản cập nhật của dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 F/A-XX, Hãng Lockheed Martin liền công bố đoạn phim về UCLASS, máy bay tự hành tấn công và do thám có thể cất cánh từ hàng không mẫu hạm. Trong khi đó, Moscow chính thức thông qua thiết kế của PAK-DA, dòng oanh tạc cơ chiến lược thế hệ mới để Nga nâng cấp lực lượng máy bay ném bom hiện tại.
Máy bay ném bom PAK-DA
Theo Hãng tin RIA-Novosti, trong cuộc họp với giới nghị sĩ Nga, trung tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh Không quân, cho hay đã thông qua thiết kế cơ bản và mọi chi tiết của PAK-DA, mở đường cho các bên liên quan chế tạo và lắp ráp các bộ phận cần thiết.
Video đang HOT
Ảnh mô phỏng thiết kế rò rỉ về PAK-DA của Nga – Ảnh: Theaviationist.com
Dự án máy bay ném bom tầm xa PAK-DA được nghiên cứu trong vài năm qua, nhưng chỉ mới được giới lãnh đạo Nga gật đầu chấp thuận cho triển khai hồi năm ngoái. Dự kiến đây sẽ là dòng máy bay thay thế lực lượng oanh tạc cơ gồm 63 chiếc Tupolev Tu-95MS Bear và 13 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack đang chuẩn bị về hưu trong thập niên tới. Theo những tin tức rò rỉ gần đây do giới truyền thông nước này dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, nhà thầu quân sự Tupolev đã giành quyền phát triển PAK-DA, được cho là đạt tốc độ cận âm và có khả năng “tàng hình”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu PAK-DA phải được trang bị các hệ thống điện tử chiến đấu tối tân, đủ sức mang theo các tên lửa hành trình tầm xa cùng một loạt các vũ khí có độ chính xác cao.
Dự kiến oanh tạc cơ thế hệ mới của Nga sẽ được đưa vào sản xuất trong năm 2020 tại nhà máy mới chuyên lắp ráp máy bay của Tập đoàn Kazan. Đây cũng là nơi lắp ráp máy bay Tu-95MS và Tu-160 của nước này. Bộ Quốc phòng Nga cũng hy vọng sẽ sở hữu máy bay ném bom chiến đấu không người lái dựa trên thiết kế của PAK-DA trong giai đoạn từ 2040 – 2050.
“Đồ chơi” của Boeing và Lockheed Martin
Cũng vào giữa tháng 4, tại Triển lãm Hải – Khí – Không của Liên đoàn Hải quân ở thủ đô Washington, Tập đoàn Boeing đã trình làng phiên bản cải tiến của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, theo trang tin Flight Global. Boeing cung cấp thiết kế mới nhằm đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ về một dòng chiến đấu cơ tương lai, theo hướng thay thế các chiến đấu cơ hiện tại từ nay đến năm 2030, thời điểm Super Hornet và Growler về hưu. Đến thập niên 2020, Hải quân Mỹ lên kế hoạch thay thế toàn bộ Boeing F/A-18. Tuy nhiên, các chiếc Super Hornet sẽ còn được sử dụng đến những năm 2030. Với F/A-XX, Hải quân Mỹ đang tìm cách mở rộng khả năng phòng thủ và tấn công trên không.
Một hình ảnh được cho là thiết kế được cập nhật của F/A-XX – Ảnh: Boeing
F/A-XX mang thiết kế của máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình hai động cơ, đuôi cụt được định hướng sẽ cung cấp 2 sự chọn lựa khác nhau cho Hải quân Mỹ, có phi công hoặc không người lái. So với các loại máy bay tàng hình hiện tại của Mỹ như B2, F-22 và F-35, F/A-XX được cải tiến mạnh mẽ để hạn chế tối đa việc phát đi sóng điện từ nhằm “vô hình” trước các loại radar tối tân. Thiết kế này đáp ứng chiến lược hoạt động trong môi trường chiến đấu chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2AD) mà Washington đang theo đuổi.
Tập đoàn Lockheed Martin cũng tham gia vào cuộc chạy đua “lộ hàng” chiến đấu cơ mới. Flight Global dẫn lời Giám đốc chương trình phát triển UCLASS Robert Ruszkowski cho hay Lockheed Martin đã dựng nên mô hình kích thước như thật của phần cánh thuộc dòng máy bay mới. Theo đó, cánh máy bay cung cấp khả năng hoạt động trong nhiều môi trường đe dọa khác nhau, từ các sứ mệnh xâm nhập không phận đến các môi trường A2AD. “Chúng tôi đã có được hình dáng hoàn chỉnh cho UCLASS, và đủ loại vật liệu cần thiết từ chương trình F-35″, theo Giám đốc Ruszkowski.
Theo TNO