Lộ diện đường dây “thi giả lấy chứng chỉ thật”: Trường thi bát nháo!
Trong trường thi, trên bục giảng giám thị không chỉ đọc đáp án mà còn ghi hẳn đáp án lên bảng để thí sinh chép cho dễ. Nếu ai có nhu cầu làm chứng chỉ số lượng lớn, thậm chí còn được trích phần trăm hoa hồng.
Vui như ở… phòng thi
Theo lịch thi, buổi sáng là tiếng Anh, buổi chiều thi môn tin học. Từ sáng sớm, hàng trăm thí sinh đổ về đây. Tuy nhiên, nhìn thoáng qua, tôi chẳng mấy nét mặt ai lộ lo lắng, hồi hộp cả. Chắc có lẽ, ai nấy đều hình dung được kết quả thi và tin tưởng vào sự trợ giúp trong phòng thi.
Vì đi thi hộ nên tôi được đích thân cô Tr sắp xếp, lo liệu êm thấm để không bị giám thị kiểm tra xem tôi là ai, có tên trong danh sách thi hay không? Đến giờ thi, giám thị cho các thí sinh tự do vào phòng thi, tự do chọn chỗ ngồi. Thí sinh chỉ cần tra tên mình trên danh sách dán trước cửa phòng thi để đảm bảo không vào nhầm phòng.
Thí sinh tập trung ngoài phòng thi để tham gia kỳ thi “giả”. ảnh: N.Đ
Phòng tôi thi có 50 thí sinh, đa phần là công chức nhà nước. Đáng chú ý trong số đó có 1 thí sinh đang là phó chủ tịch HĐND một xã ở huyện An Dương và 1 vị phó giám đốc một bệnh viện tuyến huyện ở Hải Phòng. Giám thị yêu cầu thí sinh ký vào hai tờ danh sách tham dự kỳ thi. Trong lúc thí sinh ký, vị giám thị còn hài hước pha trò: “Thí sinh ký đúng tên người dự thi vì những lần trước đã có người đi thi hộ nhưng quên mất nên ký tên mình vào danh sách thi”.
Đề thi kiểm tra môn tiếng Anh gồm 2 phần nói và viết với thời gian thi là 120 phút. Nhận bài thi xong, thay vì chăm chú làm bài thì cả phòng thi người ngả ngốn, người rì rầm nói chuyện với nhau buôn đủ thứ chuyện trên đời, người gọi điện cho người quen. Không khí nhốn nháo bao trùm… Các thí sinh rỉ tai nhau bảo chờ người cầm đáp án xuống cho chép. Thấy tôi có vẻ lo lắng, cô giáo một trường mầm non thuộc huyện Kiến Thụy ngồi cạnh trấn an liền. Cô nói thêm, gần đây, kể từ khi có quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, theo đó, các giáo viên muốn nâng lương theo bậc học thì cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ từ A1 tới C2 (tương đương các bậc lương) theo khung trình độ chung châu Âu (CEFR), việc các giáo viên như cô đi thi lấy chứng chỉ ngày càng nhiều hơn. (Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, chứng chỉ này hiện nay chỉ được cấp ở vài trường đại học với học phí không hề rẻ).
Video đang HOT
Một lát sau, vị giám thị mang đáp án bài thi tiếng Anh đến từng bàn cho thí sinh chụp lại bằng điện thoại di động, rồi chép vào bài thi. Thi sinh chép xong, cả phòng thi lại rôm rả người nói, người ngủ, người gọi điện thoại, chụp ảnh tự sướng.
Đến lúc nộp bài, tôi hỏi một nữ giám thị: “Chứng chỉ tiếng Anh và tin học do đơn vị nào cấp?”. Vị giám thị này cho biết do Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên quận Hải An cấp, còn phôi chứng chỉ là đúng phôi của Bộ GDĐT.
“Cái quan trọng là bằng có dán tem đảm bảo của Bộ. Hôm nay thi khoảng 4 hôm nữa được lấy chứng chỉ” – vị giám thị này nói luôn.
Sau khi biết tôi phải nộp 600.000 đồng để thi hai loại chứng chỉ, vị giám thị khẳng định “giá thế là chuẩn” và mồi thêm: “Nếu cơ quan em làm với số lượng nhiều người thì thầy cô sẽ trích lại cho em ít tiền hoa hồng để uống nước. Khoảng 2 tuần nữa nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi tiếp theo đấy, em giới thiệu nhé!”.
Công chức ưa chuộng!
Trong lúc rảnh rỗi, tôi lân la hỏi han thí sinh bàn bên cạnh, anh đang là phó chủ tịch HĐND một xã ở huyện An Dương. Anh này tâm sự rất thật: “Theo quy định của Nhà nước, tất cả cán bộ công chức phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong hồ sơ công chức nên hôm nay mình đi thi cốt có tấm bằng, có hồ sơ gốc để bổ sung vào hồ sơ công chức. Chứng chỉ ở đây có tem của Bộ GDĐT nên yên tâm. Mình mà đi mua ở ngoài không có hồ sơ gốc, nhỡ bị kiểm tra đột ngột là dễ dính án kỷ luật ngay.
Đến chiều, quang cảnh phòng thi môn tin học cũng y như sáng. Phần thi lý thuyết giám thị cũng đọc đáp án cho thí sinh chép theo dạng 1A, 2B, còn phần nào trong bài thi có viết bằng tiếng Anh thì giám thị viết lên bảng cho thí sinh chép. Đến phần thi thực hành (nói), giám thị chỉ yêu cầu thí sinh ký vào danh sách dự thi thực hành là có thể ra về.Bàn trên, một vị đang công tác tại một bệnh viện ở huyện An Lão góp vui: Hôm nay chỗ tôi cũng có gần chục người đi thi, trong đó có cả phó giám đốc thi lấy chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ, chờ ngày về hưu.
Những gì mà tôi được mắt thấy tai nghe tại buổi “thi giả” hôm đó chứng tỏ việc tổ chức thi kiểu bát nháo như vậy là có hệ thống tại Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên quận Hải An (Hải Phòng) từ lâu nay…
Theo Danviet
Phôi giấy tờ giả được mua từ Trung Quốc
Những manh mối, đặc biệt thủ đoạn làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ trong đường dây do Lê Tấn Cường (30 tuổi, quê quán Bình Định), trú tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM cầm đầu, đã từng bước bị CQĐT Bộ Công an làm rõ.
Đối tượng Lê Tấn Cường và tang vật vụ án
Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng
Như ANTĐ thông tin, ngày 13-4, các tổ công tác của Cục CSHS, Bộ Công an đồng loạt thực hiện lệnh khám xét, bắt giữ hàng chục đối tượng và những người liên quan trong đường dây sản xuất, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả; thu giữ hàng nghìn "phôi" bằng cấp các loại.
Manh mối đường dây phạm tội này bị lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an phát giác từ khoảng tháng 2-2016; khi trên mạng Internet đăng công khai dịch vụ... làm bằng tốt nghiệp, chứng chỉ các loại với giá từ 1,5 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng, tùy theo nhu cầu của khách. Tuy nhiên, khi thâm nhập vào hệ thống dịch vụ này, trinh sát phát hiện các đối tượng có thủ đoạn đối phó khá tinh vi. Địa điểm giao dịch giữa "nhà cung cấp" với khách hàng thay đổi liên tục và ít khi tiền được giao nhận ngay với "hàng".
Sau khi bị bắt, các đối tượng khai thông qua một số trang web như: lambangcapnhanh. blogspot.com; loantin.com; lambangdaihoc102blogspot.com... để giao dịch. Lê Tấn Cường trực tiếp nhận đơn đặt hàng, sau đó chuyển cho các đối tượng sản xuất. Cường cũng trực tiếp mua "phôi" bằng, chứng chỉ từ Trung Quốc.
Ngoài ra, cơ quan công an còn xác định vai trò của Lữ Minh Trí (31 tuổi), trú ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, người trực tiếp sản xuất theo đơn đặt hàng của Cường. Giúp việc cho Trí là Lê Minh Tuấn, kỹ sư phần mềm. Ngoài việc cung cấp bằng, chứng chỉ giả, đường dây này còn nhận cả dịch vụ công chứng cho khách hàng.
Truy nguồn "phôi" từ nước ngoài về
Đây là một trong những mục tiêu trọng tâm đang được cơ quan chức năng thực hiện trong quá trình điều tra, mở rộng chuyên án. Lời khai của các đối tượng trong vụ án đã hé mở diễn tiến mới của tội phạm làm giấy tờ giả, đặc biệt đối với đường dây cung cấp "hàng" số lượng lớn do Lê Tấn Cường cầm đầu.
Cùng với đó, những cá nhân đã thông qua các trang web giao dịch giấy tờ giả này cũng cần bị xem xét trách nhiệm. "Họ không chỉ tiếp tay cho tội phạm làm giả giấy tờ, mà việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng thực chất năng lực chuyên môn, thậm chí người không có trình độ, sẽ là mối nguy với xã hội, cộng đồng", một thành viên ban chuyên án nhìn nhận.
Tham gia đường dây "chế", cung cấp giấy tờ giả, ngoài đối tượng trí thức như Lê Minh Tuấn, còn có nhiều đối tượng có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng. Đó là Lưu Thành Lâm (54 tuổi), trú tại phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP. HCM, cùng cháu họ là Vũ Phong Lưu (21 tuổi), chuyên đảm nhiệm việc giao nhận bằng giả, tiền; Lữ Minh Tâm (26 tuổi), em ruột của Lữ Minh Trí.
Đối tượng lớn tuổi nhất trong đường dây này, đảm nhiệm vai trò "cò mồi", là Trần Tư Dũng (55 tuổi), quê quán Tiền Giang, trú tại Tân Hiệp, Hóc Môn... Đáng nói là kẻ đầu vụ Lê Tấn Cường từng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành công nghệ thông tin một trường đại học ở TP.HCM. Ra trường, do không kiếm được việc làm, thất nghiệp song lại muốn có nhiều tiền để mua nhà, mua xe, Cường đã vận dụng kiến thức công nghệ vào con đường phi pháp...
Theo_An ninh thủ đô
Bộ Công an phá đường dây làm bằng giả quy mô cực lớn Nhóm nghi phạm lập trang web, đưa thông tin lên các trang rao vặt nhận cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả cho các tỉnh thành. Ngày 13-4, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an đã phối hợp cùng công an TP.HCM, Đồng Nai, Bến Tre thực hiện lệnh bắt bảy người, khám xét 8...