Lộ diện danh tính của bà Phương “mẹ chồng” trong “Tháng năm rực rỡ”
Những hình ảnh hậu trường của “Tháng năm rực rỡ” dưới đây sẽ khiến không ít khán giả, đặc biệt là fan của bà Phương “mẹ chồng”, đứng ngồi không yên vì sự xuất hiện của NSND Lan Hương Bông trên màn ảnh rộng.
Cách đây khá lâu, trên fanpage của Hoàng Yến Chibi từng đăng một tấm ảnh cô chụp chung với NSND Lan Hương Bông (vai bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng), NSƯT Đức Khuê và NSƯT Lê Thiện. Lúc đó, khán giả vẫn chưa biết cô đóng phim gì cùng các nghệ sĩ gạo cội trên. Nhưng nay thì đã rõ, với kiểu tóc mái ngang đó, đích thị là trong phim Tháng năm rực rỡ.
Ảnh Hoàng Yến Chibi đăng trên fanpage lúc trước
Chúng tôi đã liên lạc với nhà sản xuất để có ngay “profile nhân vật” mà NSND Lan Hương thể hiện, mới biết cô vào vai mẹ của Hiểu Phương cả lúc nhỏ (Hoàng Yến Chibi) và lúc lớn (Hồng Ánh).
Gia đình Hiểu Phương từ trái qua: anh hai (Lãnh Thanh), bố (NSƯT Đức Khuê), mẹ (NSND Lan Hương) và Hiểu Phương thời niên thiếu (Hoàng Yến Chibi)
Gia đình 4 người của Hiểu Phương từ nơi khác di dân đến Đà Lạt, thế nên chất giọng của Hiểu Phương mới khác với các bạn trong lớp. Mẹ của Hiểu Phương là một người hiền lành, luôn cố gắng giảng hòa những cãi vả trong gia đình, nhất là giữa bố và anh của Hiểu Phương vì vấn đề về lý tưởng cách mạng.
Sau này, khi đất nước sang trang sử mới, gia đình Hiểu Phương cũng rời khỏi Đà Lạt. Khi Hiểu Phương trưởng thành, có chồng sinh con (Hồng Ánh đóng) thì người mẹ (vẫn do NSND Lan Hương thủ vai) cũng mắc bệnh phải vào viện. Cũng nhờ vào thăm mẹ mà Hiểu Phương mới có cơ hội gặp và tìm lại những người bạn cũ đã thất lạc ngày nào.
Hồng Ánh vào vai Hiểu Phương lúc lớn
NSND Lan Hương trong tạo hình mẹ Hiểu Phương lúc già
Bà cũng vô tình trở thành “cầu nối” để con gái được gặp lại bạn cũ
Trong bản gốc “Sunny”, nhân vật này do Kim Hye Ok thủ vai
Với nhân vật bà Phương chua ngoa, đanh đá trong Sống chung với mẹ chồng, NSND Lan Hương gần như chiếm trọn tình cảm của khán giả truyền hình. Trước nay vốn đóng khung với hình tượng hiền thục, tâm lý, thế nên khi “lột xác” thành bà mẹ chồng hung dữ, ai cũng thấy bất ngờ. Lúc phim mới phát sóng, khán giả ghét bà Phương cực kì. Có người còn ghét luôn NSND Lan Hương ngoài đời, đặt những nghi vấn về cuộc sống mẹ chồng nàng dâu của bà trong đời thực.
Thế nhưng dần dà, với tài diễn xuất chín mùi, NSND Lan Hương đã khiến khán giả dần dần có cái nhìn khác với bà Phương. Vẫn là bà mẹ chồng cố chấp đó, ngoa ngoắt đó, nhưng người ta lại nhìn thấy ở bà một tình thương con hết mực, sự tội nghiệp của kẻ làm vợ, làm mẹ, làm mẹ chồng. Từ đó, bà Phương trở thành nhân vật đáng nhớ bậc nhất trong sự nghiệp của NSND Lan Hương.
Loạt thoại “bá đạo” của bà Phương trong “Sống chung với mẹ chồng”
Chưa biết NSND Lan Hương sẽ là người mẹ như thế nào trong Tháng năm rực rỡ, nhưng chúng ta có quyền hy vọng sự xuất hiện của cô sẽ đem lại một cảm giác hứng khởi cho bộ phim.
Theo Trí Thức Trẻ
"Tháng năm rực rỡ" cần vượt qua các "ải remake" này để ghi điểm trong lòng khán giả
Một bộ phim khó như "Sunny" khi được Việt hóa thì sẽ có những khó khăn nào mà "Tháng năm rực rỡ" muốn thành công phải xử lý được?
Tháng năm rực rỡ đang là một cái tên hứa hẹn sẽ làm nên chuyện trong số những phim Việt sẽ phát hành nửa đầu năm 2018. Bộ phim được đạo diễn bởi Nguyễn Quang Dũng, cùng dàn diễn viên nữ đông đảo nhiều thế hệ như Hồng Ánh, Thanh Hằng, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên, Hoàng Anh, Hoàng Yến Chibi, Jun Vũ, Khổng Tú Quỳnh, Thanh Tú...
Với những hình ảnh về bối cảnh được đầu tư công phu, phục dựng lại toàn khu Hòa Bình ở Đà Lạt những năm 1970 cùng những bộ trang phục được chọn riêng cho từng nhân vật, bộ phim đang được kì vọng khá nhiều. Chưa kể vì Tháng năm rực rỡ còn là một tác phẩm điện ảnh remake tiếp theo của phim Việt sẽ được trình chiếu (sau Sắc đẹp ngàn cân) nên cũng được tò mò, trông đợi.
Poster của 2 phim
Tuy nhiên, bản gốc Sunny đã quá xuất sắc, và bản thân nội dung bộ phim cũng là một câu chuyện khó, đòi hỏi kĩ thuật kể chuyện thật giỏi nên đối với khán giả, Tháng năm rực rỡcó thể sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
Không khí của thời đại và thời cuộc
Tuy rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nói về những khó khăn trong việc phục dựng bối cảnh Đà Lạt xưa, từ những bảng hiệu vẽ tay cho đến cả khu Hòa Bình trong một cuộc bạo loạn rất đặc trưng của thời kháng chiến; nhưng với những gì đã công bố, vẫn chưa đủ để yên tâm hoàn toàn về bộ phim.
Trong bản gốc, bối cảnh chính của phim đặt ở những năm 80, thời kì nhiều biến động của Hàn Quốc, nguyên nhân lớn nhất khiến nhóm Sunny phải lạc nhau suốt 25 năm. Để có thể tìm được điểm chung của kịch bản trên hệ quy chiếu lịch sử Việt Nam, biên kịch và đạo diễn đã chọn kể câu chuyện quá khứ ở Đà Lạt những năm 1974, 1975. Rõ ràng đây là một phát hiện và quyết định hợp lý vì đó là thời điểm quan trọng với nhiều biến cố lớn của nước nhà.
Shim Eun Kyung trong cảnh biểu tình trên phố
Chưa rõ phim sẽ kể gì trong những năm này nhưng so với kịch bản gốc của Hàn Quốc, có lẽ Tháng năm rực rỡ sẽ xoay quanh cột mốc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ trốn khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Bởi vì chính sự kiện ngày hôm đó đã dẫn đến những thay đổi vận mệnh quan trọng của Việt Nam, mà tiêu biểu nhất chính là chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Năm năm 1976. Không bàn về chính trị cũng như cảm giác hân hoan khi giành được độc lập hoàn toàn thì sự kiện Tổng thống bỏ trốn năm 1975 đã gây ra nhiều cuộc chia ly trong nội bộ đất nước.
Có lẽ đây là bối cảnh của cuộc bạo loạn trong bản Việt
Nếu xem năm 1975 là thời điểm khiến nhóm Ngựa Hoang trong phim phải chia tay và lạc mất nhau thì hoàn toàn hợp lý khi mà 25 năm sau, tức năm 2000, thời điểm mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam lần đầu tiên khi chiến tranh hai nước kết thúc, mở ra một thời kì quan hệ mới cũng chính là lúc Hiểu Phương (Hồng Ánh) quay về Đà Lạt tìm lại những người bạn cũ. Rõ ràng các biên kịch đã tìm được hướng đi khá thông minh khi vừa giữ được tinh thân phân li rồi tái hợp vì chính trị giống bản gốc, vừa mang được những đặc trưng lịch sử của riêng Việt Nam.
Bối cảnh đang là điểm cộng của "Tháng năm rực rỡ"
Tuy nhiên, ai cũng hiểu việc tái dựng quang cảnh, văn hóa, cách ăn mặc lẫn sự âm ỉ của thời cuộc (nhất là những giai đoạn biến động lịch sử) trên phim luôn là việc rất khó. Chưa kể nếu làm không khéo lại có thể bị cho rằng sẽ xuyên tạc hoặc đụng chạm lịch sử không cần thiết. Thế nên, nếu Tháng năm rực rỡ trên phim tạo ra được không khí vừa hòa bình (sau Hiệp định Paris) vừa chực trào sự nổi loạn (của chiến dịch Hồ Chí Minh) thì chắc chắn bộ phim sẽ thành công về mặt tạo ra một bối cảnh câu chuyện đúng thời đại, thời cuộc và những cảm xúc liên quan.
Kiểm soát diễn xuất của mười mấy nhân vật chính
Một cái khó khăn khác chứng tỏ sự tài tình của đạo diễn Kang Hyung Chul ở bản gốc ngoài việc kể 2 câu chuyện song song ở hai thời đại chính là cách đạo diễn kiểm soát được dàn diễn viên chính đến mười mấy người. Nhóm Sunny thời niên thiếu có đến 7 người, 7 tính cách khác nhau. Những tâm tư tình cảm, các mối quan hệ xung quanh đều được diễn đạt rất rõ ràng. Tất nhiên sẽ có người nổi bật, người nhạt nhòa hơn nhưng về cơ bản, 7 nhân vật chính đều có màu sắc riêng đáng ghi nhớ.
Đến câu chuyện ở thời hiện đại, đạo diễn phải làm sao để lột tả tính cách cũng của 6 nhân vật (vì 1 người đã mất tích) sau 25 năm để vừa thể hiện sự thay đổi do hoàn cảnh sống nhưng khi được hội ngộ với đồng bọn lúc trẻ, những sục sôi bản năng nhất trong họ sẽ bung ra.
Trong bản Việt Nam, dù nhóm Ngựa Hoang đã bị rút xuống còn 6 thành viên nhưng vẫn rất khó để đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kiểm soát được toàn bộ. Với tạo hình các nhân vật thời niên thiếu, có thể thấy là ai cũng khá hợp vai (nhất là Jun Vũ và Minh Thảo) nhưng cũng chỉ đang ở bề ngoài. Còn nội tâm nhân vật, nội lực diễn viên liệu có được đặt để đúng chỗ để khắc họa nên những mảnh ghép đa màu sắc của Ngựa Hoang?
Câu chuyện hiện đại của Ngựa Hoang cũng là một dấu hỏi khác khi chưa được tiết lộ nhiều. Thanh Hằng (trong vai Dung "đại ca" lúc lớn) đã kịp gây ấn tượng bởi cú đập thẳng mặt khi bị chê già xấu trong trailer nhưng đó vốn đã là thế mạnh của siêu mẫu. Nhân vật Ha Chun Hwa trong bản gốc lúc lớn ngoài chuyện giữ được phong thái "đại ca" thì còn phải có nét trầm của một người mắc bệnh nan y, đòi hỏi nhiều phân đoạn nội tâm đắt giá. Liệu Thanh Hằng có làm khán giả hài lòng không?
Trailer "Tháng năm rực rỡ"
Hoặc Hồng Ánh (vai Hiểu Phương lúc lớn) và Hoàng Yến Chibi (vai Hiểu Phương lúc trẻ) cũng khiến nhiều người khó chấp nhận vào lúc này vì cách diễn của hai người khác nhau. Một người dịu dàng, tinh tế đã trở thành thương hiệu, một người lại tràn trề sinh lực rất đặc trưng. Liệu rằng Hồng Ánh có đủ "độ điên" để lôi ra con người thật của Hiểu Phương khi đã là một phụ nữ có gia đình? Hay Hoàng Yến Chibi có đủ sâu sắc để cân bằng lại một Hiểu Phương tuổi nổi loạn mà vốn cái "điên" là một thế mạnh? Đành phải chờ bộ phim trả lời thôi!
Âm nhạc, những cảnh quay rất "khoai" và nhiều thứ khác nữa
Một điểm thú vị của Sunny chính là âm nhạc. Rất nhiều những ca khúc thập niên 80 của Hàn Quốc lẫn thế giới được xuất hiện trong Sunny, đúng như tiêu chí mang đến một cuộc du hành ngược thời gian hoàn hảo nhất. Ca khúc ấn tượng nhất trong phim chắc chắn chính là Sunny của nhóm nhạc người Đức nổi tiếng Boney M. trình bày, cũng là tên nhóm của các diễn viên và tên phim. Nhưng ngoài Sunny, còn hàng đống "kí ức" hay ho khác được lồng vào bộ OST của phim như Time after Time (Cyndi Lauper), Reality (Richard Sanderson), Touch by Touch (Joy), Round and Round (Na Mi) hay In My Dream (Jo Duk Bae).
"Sunny" | Boney M. | Sunny OST (Nguồn: Simon Lại Channel)
Vì thế, âm nhạc của Tháng năm rực rỡ chắc chắn cũng phải đủ nhiều và đủ sức nặng để lôi kéo cảm xúc của khán giả Việt. Với thành công trong việc mang đến làn sóng những ca khúc kinh điển của Trịnh Công Sơn ("Diễm Xưa", "Còn tuổi nào cho em"...) trong phim remake Em là bà nội của anh, khán giả có quyền hy vọng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sẽ làm tốt khâu chọn nhạc cho Tháng năm rực rỡ (cho những ai chưa biết, anh cũng chính là nhà sản xuất của Em là bà nội của anh).
Hiện tại bộ phim chỉ mới công bố ca khúc đầu tiên trong phim là "Kim" của nhạc sĩ Y Vân. Đây là một ca khúc rất sôi động và nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước. Có lẽ sẽ là ca khúc mà nhóm Ngựa Hoang sẽ nhảy cùng nhau.
Nhắc đến Ngựa Hoang, chắc chắn khán giả sẽ nhớ ngay đến "Vết thù trên lưng ngựa hoang" của nhạc sĩ Phạm Duy, do Elvis Phương trình bày. Trong bản gốc, tên nhóm Sunny cũng là tên một bài hát nổi tiếng, thế nên nếu Ngựa Hoang chọn tên nhóm từ tên bài hát cũng không có gì lạ, huống hồ "Vết thù trên lưng ngựa hoang" cũng là một bài hát phổ biến thời bấy giờ, dù năm 1974-1975 nó vẫn chưa được cấp phép lưu hành.
Ngoài ra, những cảnh quay được "đóng đinh" trong tâm trí khán giả khi xem xong Sunny cũng sẽ là thử thách cho phiên bản Việt. Làm sao thể hiện được khung cảnh loạn lạc ở một quảng trường giữa các sinh viên yêu nước và lực lượng chức năng thời bấy giờ (mà theo Nguyễn Quang Dũng bật mí là cảnh này sẽ diễn ra ở khu Hòa Bình, Đà Lạt) vừa ra được chất thời cuộc, vừa vui vui thú vị như bản gốc? Liệu Hoàng Yến Chibi có được màn "lên đồng" xuất sắc như Shim Eun Kyung trong bản gốc? Liệu cảnh Jun Vũ bị đẩy vào đỉnh điểm bi kịch có gây ám ảnh? Liệu nhân vật Tuyết Anh lúc lớn khi trở về có khiến khán giả bất ngờ không hay cũng nhạt nhòa như bản gốc? Những câu hỏi này cũng chỉ có thể đợi khi phim công chiếu.
Lim Na Mi (Shim Eun Kyung) lên đồng
Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua kha khá những chi tiết mà nếu Việt hóa không khéo sẽ tạo cảm giác bị "sao y bản gốc" và không mang lại cảm giác chân thực. Ví dụ như nhân vật Sang Mi chuyên hít keo chó rồi gây sự với các bạn thì trong bản Việt sẽ hít cái gì? Rồi nhân vật Kim Jang Mi khi trưởng thành sẽ trở thành bà cô bán bảo hiểm nhưng nghề này ở Việt Nam (nhất là thời điểm năm 2000) thì có thịnh hành và được quan tâm nhiều như ở Hàn Quốc đâu, vậy thì Jang Mi bản Việt sẽ bán gì?
Đây chính là "đất" để biên kịch thể hiện tài năng trong khâu Việt hóa kịch bản. Nhìn vào thành công của Em là bà nội của anh cùng thất bại của Sắc đẹp ngàn cân để thấy được vấn đề khiến khán giả cảm được phim remake không nằm ở việc bản Việt giống nhau từng khung hình hay diễn biến giống bản gốc. Nó nằm ở cách biên kịch sàng lọc và đưa được những gì của nước nhà (như chất liệu chiến tranh, phong cách Sài Gòn xưa, nhạc Trịnh trong Em là bà nội của anh) vào phim, để người ta tin vào câu chuyện.
Hy vọng với những gì mà Tháng năm rực rỡ đang cho khán giả thấy, bộ phim sẽ có những cách giải quyết thật suôn sẻ những khó khăn ở bản gốc và mang lại một thành công mới không chỉ cho dòng phim remake ở Việt Nam mà còn ở ngành điện ảnh Việt nói chung.
Tháng Năm Rực Rỡ dự kiến khởi chiếu ngày 09/3/2018.
Theo Trí Thức Trẻ
Đạo diễn Dũng 'khùng' giải bài toán khó tái hiện Đà Lạt 50 năm trước như thế nào? "Tháng năm rực rỡ' tiếp tục tung clip hậu trường thứ hai với những câu chuyện thú vị về thiết kế mỹ thuật của phim, cho thấy nỗ lực của ê kip trong việc tái hiện hình ảnh Đà Lạt thập niên 70. . Hậu trường "Tháng năm rực rỡ" Tái hiện lại thập niên 70 là một trong những thử thách lớn...