Lò đào tạo dành riêng cho các rich kid châu Á
Những người thừa kế của các gia đình tài phiệt đời đầu của châu Á có xu hướng tham gia những khóa học trải nghiệm để sẵn sàng tiếp quản gia sản kếch xù.
Zing.vn trích dịch bài viết đăng trên Bloomberg, đề cập đến các mô hình đào tạo, huấn luyện dành riêng cho những đứa trẻ “ngậm thìa vàng” của các gia đình giàu có ở châu Á.
Tại trại hè do các ngân hàng đầu tư tổ chức cho người thừa kế của một số gia đình giàu có ở châu Á, những chuyến thăm tới nhà máy, xưởng đóng tàu đã bị loại bỏ, thay vào đó là các khóa học về khởi nghiệp và đầu tư tác động.
Vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Singapore – một trong số ngân hàng tư nhân lớn tại châu Á – đã đào tạo cho con cái của một số khách hàng VIP thông qua chương trình GenInfinity.
Trong 5 ngày tại Four Seasons Hotel Singapore, những người thừa kế được dạy các nguyên tắc cơ bản để làm giàu, từ kiến thức về bù vốn cổ phần tư nhân đến đầu tư quỹ phòng hộ.
Buổi tối, họ dành thời gian rảnh rỗi tại các nhà hàng gắn sao cấp Michelin và những quán bar đắt đỏ.
Những người thừa kế dành thời gian tại các nhà hàng cao cấp, các quán bar đắt đỏ tại Singapore. Ảnh: Bloomberg.
Đổi mới linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thế hệ trẻ
Trong khi các trại đào tạo đắt tiền dành cho “tài phiệt nhí” mọc lên, nhu cầu thời đại mới của những người thừa kế cũng buộc các tổ chức phải thay đổi và cá nhân hóa các chương trình.
Thay vì tập trung hoàn toàn vào các ngành công nghiệp kinh tế cũ đằng sau các gia tài lớn của châu Á, phần lớn thế hệ thừa kế quan tâm đến việc đi trên con đường của riêng họ và tạo ra sự khác biệt.
“Gặp gỡ các doanh nhân, những người cũng đang cố gắng để bắt đầu khởi nghiệp và thay đổi thế giới, cũng như kết nối với họ thật tuyệt vời”, anh Byron Lim (26 tuổi), một người tham gia chương trình, chia sẻ.
Lim đang thực hiện dự án khởi nghiệp Quarter Life Coffee – mô hình kinh doanh khác xa với việc môi giới bảo hiểm từng khiến cha anh trở nên giàu có.
Byron Lim – người sáng lập Quarter Life Coffee. Ảnh: Bloomberg.
Đối với Ngân hàng Singapore và các tổ chức khác như UBS và HSBC, việc liên tục điều chỉnh các khóa học sao cho phù hợp rất quan trọng. Bởi như vậy, họ mới dễ dàng giữ chân thế hệ khách hàng tiềm năng tiếp theo.
Sự thịnh vượng của người châu Á còn tương đối non trẻ và thế hệ đầu tiên của các ông trùm chỉ mới bắt đầu.
“Nếu bạn nhìn vào những người thừa kế và Gen Z, bạn sẽ thấy cách họ nghĩ, cách họ hành động và cách họ trưởng thành rất khác với cách mà tôi đã lớn lên”, ông Sonjoy Phukan – Giám đốc điều hành của Ngân hàng Singapore – nhận xét.
Video đang HOT
Nhiều người quan tâm đến các chủ đề mà ở thời điểm hơn một thập kỷ trước trở lại đây được coi là không mấy quan trọng như trí tuệ nhân tạo hay xây dựng thương hiệu cá nhân.
“Một số người khác đã chuyển từ tài chính và đầu tư thuần túy sang lãnh đạo, truyền thông, văn hóa và các lĩnh vực khác. Dựa trên phản hồi, chúng tôi sẽ điều chỉnh các chương trình sau sao cho phù hợp”, ông Phukan nói thêm.
Những trải nghiệm thương trường thực tế
Tham gia chương trình, những người thừa kế giàu có đã kết hợp các nghiên cứu cũ với các hoạt động mà cha mẹ của họ sẽ phải chùn bước. Trong 2,5 tiếng, họ làm việc với một nhà tư vấn về việc xây dựng thương hiệu cá nhân.
Sau đó, họ đến thăm vườn ươm khởi nghiệp Block71 và tham dự cuộc thảo luận về tầm ảnh hưởng của AI đến các ngành công nghiệp truyền thống.
Hoạt động của chương trình mô phỏng cuộc thi theo phong cách Shark Tank – nơi những người tham gia được chia thành 3 nhóm để khởi tạo và trình bày ý tưởng khởi nghiệp trước hội đồng giám khảo.
Một nhóm người thừa kế học tập, trải nghiệm tại khu rừng nhiệt đới Borneo. Ảnh: Bloomberg.
Suy nghĩ về các doanh nghiệp tiềm năng, họ liên tục gặp những trở ngại. Một tá ý tưởng đã được sinh ra và loại bỏ trên những tờ giấy nháp.
Trong thời gian cho phép, một nhóm người tham gia đã trình bày ý tưởng dự phòng là một ứng dụng hẹn hò, nhưng nó cũng bị bác bỏ vì còn tồn tại những vấn đề chưa thể giải quyết: Dễ nảy sinh nguy cơ mua bán dâm, điều bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.
Đầu tư với tác động tích cực tới môi trường, những ảnh hưởng mang tính xã hội hoặc quản trị nhà nước cũng là những chủ đề nóng.
Shirley Crystal – giám đốc điều hành Golden Equator – gặp gỡ các thực tập sinh 6 tháng/lần trong thời gian làm việc tại công ty để đưa ra hướng dẫn và cố vấn.
Những người tham gia khóa học được luân chuyển qua các lớp từ cổ phiếu và trái phiếu đến ngoại hối, quỹ phòng hộ và giao dịch tư nhân.
Đối với Crystal, đó là phản hồi đối với nhu cầu về các chương trình giúp chuẩn bị các hành trang đầu tiên cho một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Một khóa học về lãnh đạo kéo dài 3 tháng cũng đang được lên kế hoạch.
Vì tính chất chuyên sâu của khóa học, Golden Equator chỉ nhận 6 người một lúc. Và để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng cho lối sống của những người giàu có, họ nhận được những bài học về nghệ thuật, từ thiện và Internet toàn cầu.
Theo Zing
Cặp đồng tính nữ châu Á: 'Tình yêu của chúng tôi không có tương lai'
Bạn gái đầu tiên của Ouyang đã nói lời chia tay vì cho rằng mối quan hệ của họ không thể hứa hẹn, chẳng có tương lai và những người sau đó cũng ra đi với lý do tương tự.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên Asian Boss, Korea Herald, South China Morning Post về câu chuyện của những cặp đồng tính nữ ở các quốc gia châu Á cũng như những khó khăn, thách thức họ đang phải đối mặt.
Son Yi Jeong bắt đầu biết cảm giác "say nắng" vào năm 18 tuổi. Son đã phải lòng một bạn nữ cùng lớp.
Thứ tình cảm "lạ lùng" với người cùng giới khiến Son hoài nghi và lo sợ. Không thể chia sẻ với gia đình, bạn bè xung quanh, nữ sinh trung học lúc đó tìm thấy sự đồng cảm từ những người bạn vô danh trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, ngày Son đủ can đảm để chia sẻ cảm xúc thật cũng chính là thời điểm cả thế giới quay lưng với cô.
"Tôi từng cùng họ đi bộ từ nhà đến trường, xông hơi cùng nhau. Tình bạn giữa chúng tôi từng rất thân thiết. Nhưng sau đó, nhưng tin đồn về tôi cứ thế lan truyền. Rồi tôi bị tẩy chay, cô lập", cô gái 26 tuổi kể.
"Loại dơ dáy". "Đồ kinh tởm". "Thứ bệnh hoạn". "Sao mày chưa chết đi?". 8 năm trôi qua, những lời sỉ vả đó Son vẫn nhớ rõ tựa như nỗi ám ảnh, tổn thương vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.
Gần một nửa (khoảng 45%) người LGBT dưới 18 tuổi từng cố gắng tự tử. Ảnh: Nius News.
"Điều duy nhất tôi nghĩ đến là cái chết"
Sau khi có tin đồn yêu bạn đồng giới, Son bị tẩy chay và bắt nạt ở trường. Mỗi ngày đi học đối với cô gái 18 tuổi lúc đó là một cơn ác mộng.
"Không ai nói chuyện với tôi. Khi đi ăn trưa, tôi không thể ăn được. Các cô gái bắt nạt tôi đều là học sinh cá biệt ở trường. Khi tôi xuất hiện ở canteen họ nói lớn: 'Đồ bẩn thỉu'".
Lúc đó Son chỉ biết ngồi một mình, uống loại sữa cô yêu thích, đeo tai nghe và cúi gằm mặt xuống. Nhưng những kẻ bắt nạt Son ngày càng cay nghiệt hơn. Điều duy nhất nữ sinh từng nghĩ, đó là cái chết.
"Tôi quá căng thẳng và bắt đầu có những suy nghĩ kỳ quặc, đáng sợ. Tôi nghĩ làm thế nào để giết hết những kẻ bắt nạt mình đi rồi tự sát. Khi đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà chung cư, tôi đã nghĩ đến việc nhảy xuống", Son nói.
Bạo lực tinh thần với LGBT gia tăng theo thời gian và thường xảy ra trước bạo lực thể xác. Ảnh: Miao Miao.
Với nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, cảm xúc, suy nghĩ của Son không quá khó hiểu khi đa số đều từng rơi vào tình cảnh tương tự.
Cuộc khảo sát với những người dưới 18 tuổi trong cộng đồng LGBT cho thấy gần một nửa (khoảng 45%) từng cố gắng tự tử. Hơn một nửa (53%) tự làm hại mình.
Nghiên cứu của ĐH Anglia Ruskin (Anh) năm 2018, thực hiện với 400 cá nhân đã đi học từ năm 1985 đến 1997, có tuổi trung bình khoảng 37, cho thấy gần 1/3 số người lưỡng tính và đồng tính nữ bị bắt nạt ở trường và tiếp tục bị bắt nạt ở nơi làm việc.
Còn theo báo cáo năm 2014 của Ủy ban Quốc tế về Nhân quyền cho người đồng tính (IGLHRC), việc lạm dụng bằng lời nói, thể xác và tinh thần đối với người đồng tính nữ, phụ nữ lưỡng tính và người chuyển giới (LBT) ở châu Á là rất phổ biến.
"Các thành viên gia đình cũng là một trong những thủ phạm chính của bạo lực đối với người LBT châu Á. Bạo lực tinh thần, gia tăng theo thời gian và thường xảy ra trước bạo lực thể xác, là hình thức lạm dụng được báo cáo phổ biến nhất", các nhà nghiên cứu của IGLHRC cho biết.
"Tình yêu của chúng tôi không có tương lai"
Jean Ouyang (24 tuổi) chưa bao giờ trải qua một tình yêu thực sự nghiêm túc và kéo dài quá 1 năm. Cô gái sinh ra và lớn lên ở Quảng Châu (Trung Quốc) khẳng định hôn nhân rất quan trọng và là điều cô luôn hướng đến khi bắt đầu một mối quan hệ.
Nhưng khi hôn nhân đồng giới không được pháp luật thừa nhận và bảo hộ tại quốc gia tỷ dân, đó vẫn là một ước mơ quá xa xỉ.
Bạn gái đầu tiên của Ouyang đã nói lời chia tay vì cho rằng mối quan hệ của họ không thể hứa hẹn, chẳng có ngày mai và những người sau đó cũng ra đi với lý do tương tự.
"Tình yêu của chúng tôi không có tương lai. Tuy vậy chiến thắng của Đài Loan mang đến cho chúng tôi một chút hy vọng. Giờ đây, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc nghĩ rằng đồng tính luyến ái là chấp nhận được và không phải là vấn đề quá lớn lao như trước", cô gái 24 tuổi nói.
Bộ ảnh ủng hộ cộng đồng LGBT nói chung và các cặp đồng giới nữ nói riêng của nữ ca sĩ Sulli - người vừa qua đời vào giữa tháng 10 vừa qua. Ảnh: Weibo.
Tháng 3/2019, Trung Quốc thông qua 5 khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về quyền của cộng đồng LGBT.
Trong khi đó, Nhật Bản đã bầu ra nhà lập pháp công khai đồng tính đầu tiên. Một cuộc khảo sát cho thấy 78% người Nhật từ 20-60 tuổi ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Vào tháng 7, Ibaraki đã trở thành tỉnh đầu tiên trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản cấp giấy chứng nhận kết hợp dân sự cho các cặp đồng giới và chuyển giới.
Với Ouyang nói riêng và cộng đồng LGBT châu Á nói chung, đây đều là những bước tiến đáng mừng nhưng họ biết mình vẫn còn chặng đường dài đầy khó khăn phải đi.
8 năm trôi qua sau những ám ảnh bị bắt nạt tại trường trung học, Son Yi Jeong hiện làm công việc pha chế cà phê ở Seoul.
Trong không gian quán xá yên tĩnh, ấm cúng, Son có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của những người đang bế tắc như cô của nhiều năm trước.
"Những ai gặp khó khăn có thể đến và kể cho tôi nghe những điều họ gặp phải. Vẫn thật buồn khi nghe một học sinh nào đó bị bắt nạt", Son nói.
Theo Zing
"Đọ" độ khủng của 2 chàng thiếu gia hot nhất châu Á: Người sau 1 đêm có 3,9 tỷ USD, người sẽ thừa kế tập đoàn SM Entertaiment Lee Hyun Gyu và Eric Tse là hai chàng thiếu gia - 2 người thừa kế cho tập đoàn khổng lồ của gia đình họ. Người thừa kế có lẽ là hình mẫu mà chúng ta đều quen thuộc trong các bộ phim truyền hình. Họ sẽ là những cậu ấm, cô chiêu sinh ra với chiếc thìa vàng ngậm trong miệng và...