‘Lô cốt’ và nỗi ám ảnh những con đường khủng khiếp
Dòng người lưu thông qua đây nhích từng bước một, các loại xe nối đuôi, chen lấn “bò” qua khu vực này để vào khu vực trung tâm Thành phố…
Trong thời gian gần đây, ở khu vực trung tâm TP.HCM, nhất là những ngã 3, ngã 4 có lưu lượng người lưu thông đông, các “ lô cốt” ( rào chắn) lại tiếp tục tái xuất, gây ngao ngán cho người dân.
Khó khăn khi lưu thông
Hiểm hóc nhất phải kể đến rào chắn tồn tại ở khu vực ngã 3 Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu. Bình thường, đây đã là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra nạn ách tắc giao thông, nay “lô cốt” lại tái xuất, nên ở đây “kẹt xe chồng thêm kẹt xe”.
Hằng ngày, vào giờ cao điểm của các phương tiện lưu thông (sáng từ 7h – 9h, chiều từ 16h30 – 18h), dòng người lưu thông qua đây nhích từng bước một, xe gắn máy, xe ô tô, xe buýt nối đuôi, chen lấn di chuyển “bò” qua khu vực này để vào khu vực trung tâm TP.HCM.
Dù lực lượng CSGT của Đội tuần tra- dẫn đoàn đã luôn có mặt kịp thời, điều tiết, hướng dẫn phương tiện di chuyển, nhưng do lượng người và xe cộ quá đông nên ùn ứ lúc nào cũng xảy ra khá lâu. Từ giao lộ này, các con đường vệ tinh khác như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng…cũng lâm vào tình cảnh tương tự do ai cũng muốn tránh con đường khủng khiếp này.
Chị Nguyễn Thu Lan (một người dân sinh sống ở đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát giao lộ này) cho biết: Đây phải được gọi là giao lộ “trùm” kẹt xe ở khu vực trung tâm TP.HCM. Rào chắn này tồn tại cũng đã khá lâu, nhưng không hiểu sao vẫn còn tồn tại.
Ùn ứ xe cộ vì “lô cốt” tồn tại ở ngã tư Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng 8, Q.3 vào chiều 13/5.
Một con đường khác để đi từ Thủ Đức vào trung tâm TP, để tránh con đường này, người dân phải đi qua con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), nhưng cũng bị vướng phải một “lô cốt” khác mọc ngay chân cầu Thị Nghè.
Cùng với hai “nỗi khiếp sợ khi lưu thông” nói trên, một “lô cốt” thứ ba cũng của dự án Vệ sinh Môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè nằm ngay tại ngã 4 Điện Biên Phủ – Cách Mạng Tháng 8 cũng gây ra cho người dân rất nhiều bức xúc.
Video đang HOT
Đây cũng là một trong những giao lộ có lượng xe cộ và người lưu thông vô cùng lớn, nên việc hậu quả gây ra là nạn kẹt xe là khó tránh khỏi. Cho dù, lực lượng CSGT Đội Bàn Cờ và TNXP vẫn có mặt đầy đủ, giúp đỡ người dân lưu thông thoáng hơn, nhưng lúc nào “kẹt cũng hoàn kẹt”.
Anh Đỗ Anh Tuấn (nhân viên cây xăng ngay sát ngã tư này) than thở: “Tôi chả hiểu sao lô cốt này quá hạn hàng mấy tháng trời, nhưng rồi vẫn chưa xong. Hàng ngày ai đi qua đây cũng ngao ngán với kẹt xe ghê quá…”
Vì lí do bất khả kháng
Trao đổi cùng PV, ông Phan Châu Thuận – GĐ Ban quản lý dự án Môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè nói rằng: Hầu hết các vị trí “lô cốt” nằm ở chỗ hiểm như hiện nay đều bị vướng vài mét cống chưa hoàn thành.
Sau khi những vị trí nói trên hoàn thành, sắp tới, TP sẽ có thêm các “lô cốt” mọc lên ở những vị trí hiểm không kém: khu vực sát ngã 4 Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng, đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), và tiếp nữa là dự kiến tháng 6 tới, khu vực ngã 4 Phú Nhuận (đường Phan Đình Phùng, đường Nguyễn Kiệm) sẽ có 2 “lô cốt”.
CSGT vất vả điều tiết giao thông ở ngã 3 Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu Q.1 vì có rào chắn.
Ngã 4 Phú Nhuận được các ngành chức năng xếp vào loại mật độ lưu thông đông nhất TP.HCM, do đó việc đi lại của người dân TP trong thời gian ngắn sắp tới chắc chắn sẽ tiếp tục nghẹt thở và căng thẳng
Đại diện Ban quản lý dự án Môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè dự kiến rằng cuối năm nay, TP.HCM sẽ chấm dứt hẳn tình trạng đào bới các con đường để thi công. Vì qua thực tế, hiện giờ dự án chỉ còn 4 gói thầu lắp đặt cống thoát nước và 2 phụ lục hợp đồng với 6.200m cống phải hoàn thành cho xong.
Về hiệu quả của việc chống ngập từ việc vận hành toàn bộ hệ thống cống của dự án, ông Phan Châu Thuận khẳng định rằng: Có thể đến mùa mưa năm sau, người dân sống trong khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ không còn phải lo lắng ngập khi trời mưa. Còn năm nay…thì tạm thời vẫn phải tiếp tục sống chung với ngập nước.
Theo VTC
Tiền tỉ xây cầu để... ngắm?
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thời gian gần đây thành phố này xây dựng 14 cây cầu vượt bộ hành.
Những cây cầu này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của người đi bộ, tránh tai nạn, ùn tắc giao thông, nhưng thực tế hiện nay nhiều cầu chỉ để làm... cảnh.
Mặc dù có cầu vượt bộ hành nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường.
Tiền tỉ cho một cây cầu
Ngành giao thông vận tải thành phố đã từng kì vọng rất nhiều về sự ra đời của hàng loạt chiếc cầu vượt bộ hành vì nó sẽ giải quyết được nhu cầu đi lại rất lớn của người dân. Những nơi được chọn để xây dựng cầu vượt bộ hành thường là những điểm nóng về giao thông. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch và Quản lý giao thông Vận tải, khi xây cầu bộ hành thường phải đáp ứng một số tiêu chí, đó là căn cứ vào số lượng người đi bộ, chiều rộng của con đường và số lượng xe cơ giới lưu thông trên đoạn đường đó.
Do vậy các cây cầu vượt bộ hành được xây dựng trên địa bàn TPHCM hiện nay chủ yếu là trước cửa các bệnh viện lớn, khu vui chơi giải trí hoặc các tuyến đường quốc lộ trọng điểm với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc (như cầu vượt Sóng Thần, du lịch Suối Tiên, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Từ Dũ...).
Khu quản lí Giao thông đô thị số 2 thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã chi gần 60 tỉ đồng để xây dựng hầm chui trước Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức. Dù đã được đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng hầm chui này có rất ít người dân sử dụng, họ vẫn chọn cách "truyền thống" là băng qua đường.
Kinh phí để xây dựng 1 cây cầu vượt bộ hành lên đến hàng tỉ đồng. Như vậy Nhà nước đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời lập lại trật tự, an toàn giao thông. Thế nhưng, việc người dân không sử dụng nhiều cầu vượt bộ hành đang là một sự lãng phí ngân sách.
Thực trạng hiện nay cho thấy, dù có nhiều cầu vượt bộ hành đã đưa vào sử dụng từ lâu nhưng vẫn vắng bóng người qua lại. Phần lớn người dân đều phăm phăm phi qua đường để "cho nó nhanh". Một trong những cây cầu vượt bộ hành đẹp nhất trên địa bàn thành phố là cây cầu trước cửa Bệnh viện Từ Dũ, nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng "hắt hủi". Cầu có mái che, hai bên lắp kính chắn gió, vệ sinh sạch sẽ nhưng chẳng ai bước lên dù mỗi ngày có đến hàng nghìn người dân ra vào khám, chữa bệnh. "Muốn lên được cầu phải băng qua bãi giữ xe của bệnh viện, mất thời gian lắm nên chúng tôi băng ngang qua đường cho nhanh. Nhiều lần thấy xe cô chạy ào ào cũng thấy ghê, nhưng thiên hạ vẫn cứ đi, chẳng ai làm sao cả nên tôi cũng đi thôi", một người dân nói.
Còn anh Lê Trường An, 28 tuổi, quê ở tỉnh Long An thì biện giải cho việc từ chối sử dụng cầu như sau: "Tôi thường xuyên phải đưa mẹ lên bệnh viện khám bệnh, biết là có cầu vượt đi lại sẽ an toàn hơn nhưng mẹ tôi già yếu, đứng còn không vững thì làm sao mà leo lên nổi hàng chục bậc thang của cầu, vậy nên tôi đành băng qua đường". Thực trạng đó cho thấy, ngoài nguyên nhân về ý thức của người tham gia giao thông chưa cao và vấn đề đặt ra là công tác khảo sát, thiết kế, tìm vị trí phù hợp để xây dựng cầu của chủ đầu tư cũng chưa hợp lí.
Bên cạnh việc người đi bộ không sử dụng cầu vượt thì có một nghịch lý khác đó là nhiều người lại sử dụng cầu vượt làm nơi thư giãn, ngắm cảnh đường phố. Họ lên cầu ăn uống, nói chuyện, tránh mưa và tiện tay quăng luôn rác thải lên mặt cầu. Nhiều con nghiện còn sử dụng cầu làm nơi tiêm chích ma tuý, chích xong bơm kim tiêm vứt bừa bãi (cầu vượt Văn Thánh, cầu vượt trước Bệnh viện Ung Bướu).
Bơm kim tiêm vứt bừa bãi.
Rào chắn đã đủ?
Sở dĩ người đi bộ vẫn chưa mặn mà với cầu vượt bộ hành, phần lớn là do thói quen. Nhiều người có tâm lí ngán ngại khi phải leo cầu thang nên thay vì đi lên cầu, họ chọn giải pháp băng ngang qua đường. Mới đây, khi trao đổi về vấn đề cầu vượt bộ hành ít được người dân sử dụng, một quan chức của Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết đã có phương án để người dân buộc phải sử dụng cầu. Cụ thể Sở đã giao cho Ban Quản lý Giao thông Đô thị số 1 thử nghiệm dựng hàng rào chắn dọc theo hai bên đường dưới chân cầu vượt trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Với phương án này người dân muốn sang bên kia đường sẽ không còn cách nào khác là buộc phải lên cầu.
Giải pháp này được nhiều người tán đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều người còn đóng góp thêm các giải pháp khác, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc áp dụng chế tài với người không tuân thủ quy định giao thông. "Cho đến thời điểm này mới chỉ có 2 người đi bộ bị xử tù treo (một người ở Hưng Yên và một người ở TPHCM - PV) vì băng qua đường trái quy định khiến người khác (đi xe máy) va phải thiệt mạng. Trong khi đó tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến mà chẳng có ai xử lý. Nếu cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng cứ làm ngơ trước các lỗi vi phạm như vậy thì dù có lập nhiều rào chắn, tình hình cũng khó mà cải thiện. Còn nếu cứ trông chờ vào kêu gọi, tuyên truyền, thì kết quả thế nào, cứ ra đường là thấy!", ông Nguyễn Thế Bình (trú tại đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp) thẳng thắn nói.
Đi bộ "ẩu" khiến 39 người chết
Theo thống kê của cơ quan chức năng tại TPHCM, người đi bộ là đối tượng đứng thứ 3 trong số 10 đối tượng thường xuyên gây tai nạn giao thông. Năm 2010 trên địa bàn TPHCM, những vụ tai nạn có nguyên nhân từ người đi bộ đã khiến 39 người thiệt mạng.
Cho đến nay mới có 2 vụ người đi bộ gây ra tai nạn giao thông bị xét xử. Cuối năm 2009, TAND huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đã xét xử và tuyên Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1990) 9 tháng tù treo vì đã băng qua đường (QL 5) trái quy định, gây ra cái chết cho một người điều khiển mô tô. Trước đó, vào tháng 8/2004, TAND Quận 1, TPHCM cũng tuyên phạt 9 tháng tù treo cho một bị cáo nữ 26 tuổi. Người này cũng băng qua đường trái quy định khiến một người điều khiển mô tô thiệt mạng.
Tại Điều 203, BLHS có quy định về Tội cản trở giao thông đường bộ: Người nào có một trong các hành vi cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm.
Theo Giadinh.net.vn
Cảnh sát chắn cầu giúp đỡ một phụ nữ mang thai gặp nạn Vào lúc 17h15 phút chiều 26/4, Cảnh sát giao thông Công an TP Huế đã dùng rào chắn chắn ngang cầu Tràng Tiền, cấm người và xe qua lại, vì một phụ nữ mang thai đang gặp tai nạn. Qua xác định ban đầu, người phụ nữ mang thai nói trên là chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1984, trú tại thị xã Hương...