Lo bong bóng tài sản vì tín dụng tăng “nóng”
Theo VEPR, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.
Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa phát hành, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, nền kinh tế thực đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác sẽ tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những rủi ro tiềm ẩn trong khu vực tài chính và các thị trường tài sản.
Cụ thể, theo VEPR, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.
Cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức (ảnh minh họa)
Tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ 2014.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tăng 0,2 – 0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định tiến gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. VEPR nhận định, tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép nên mặt bằng giá và các mức lãi suất.
Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.
Video đang HOT
Cũng theo quan sát của VEPR, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ trong quý III cũng như chín tháng đầu năm. Thông tư 36/2014/TTNHNN nới lỏng cho vay bất động sản, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, đã tạo hiệu ứng tích cực. Theo thống kê của Savills, số căn hộ chào bán mới cũng như được bán thành công liên tục ở mức cao.
Thị trường trong quý III/2015 hấp thụ khoảng 5.220 và 6.650 căn hộ tại TPHCM và Hà Nội, tăng cao tương ứng 59% và 50% so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó, tốc độ cho vay bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh, đạt 10,89% trong nửa đầu năm 2015. VEPR cho rằng sự hồi phục của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.
Tại báo cáo này, VEPR đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Theo VEPR, cơ chế tỷ giá điều chỉnh thiếu linh hoạt không có khả năng bảo vệ ổn định vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007. Ngoài ra, thị trường tài chính thế giới có thể sẽ chứng kiến những cú sốc lớn khi Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang điều chỉnh mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Theo khuyến nghị của VEPR, khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.
Ngoài ra, thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.
Bích Diệp
Theo Dantri
Thu nhập bình quân đầu người Singapore gấp 30 lần Việt Nam
Mặc dù các nước đã nỗ lực để thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư, khoảng cách phát triển trong ASEAN trong những năm qua còn rất lớn. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 50 lần Campuchia, 40 lần Lào, và 30 lần so với Việt Nam.
Trước thềm gia nhập AEC, Việt Nam vẫn nằm trong "Top" dưới của khu vực về trình độ phát triển - Ảnh minh họa
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ đón nhận nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nổi bật là kế hoạch gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Vietnam - EU FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó có thể nói kế hoạch gia nhập AEC có tầm quan trọng đặc biệt.
Trong thập kỷ qua, ASEAN đã và đang thành công trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với một số đối tác thương mại lớn, hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác thương mại trong khu vực đã có hiệu lực nhằm khai thác tiềm năng to lớn về hợp tác và tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư giữa ASEAN với các đối tác, nhắm tới một khu vực ASEAN tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng và tự do dịch chuyển dòng vốn.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), với việc thành lập AEC, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung, hướng tới sự phát triển năng động và cạnh tranh hơn; tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam như cơ hội về cắt giảm thuế quan, hưởng lợi ích từ việc áp dụng các thuận lợi hóa thương mại.
Dự kiến, AEC sẽ được hình thành vào cuối 2015, tạo ra thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất cho một khu vực rộng lớn với dân số lên tới 600 triệu người và GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo của CIEM cũng chỉ ra rằng, mặc dù các nước đã nỗ lực để thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư, khoảng cách phát triển trong ASEAN trong những năm qua còn rất lớn (đặc biệt là giữa các nước CLMV gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, và phần còn lại của ASEAN; giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) và ASEAN-6 về chỉ số phát triển con người - HDI).
Nếu lấy Việt Nam làm điểm mốc để so sánh thì khoảng cách thu nhập tính theo PPP trong ASEAN là rất đáng kể trong giai đoạn 2000-2012, trong đó, Lào và Campuchia có mức thu nhập thấp nhất, trong khi Singapore vẫn là nước giàu nhất .
Ví dụ như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 50 lần so với Campuchia, 40 lần so với Lào, và 30 lần so với Việt Nam. So với Trung Quốc, khoảng cách giữa các nước CLV và Trung Quốc ngày càng doãng ra.
Các điểm số và xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể về trình độ phát triển con người giữa các nước CLMV và phần còn lại của ASEAN (trừ Indonesia). Nhóm nước CLMV và Indonesia nói chung thường xếp hạng từ 100 trở lên. Các nước ASEAN khác có chỉ số HDI tốt hơn nhiều, đặc biệt là Singapore.
Ngoài ra, trừ Singapore và Brunei, xếp hạng chỉ số HDI của các nước ASEAN có chiều hướng đi xuống trong giai đoạn 2000-2013 và thực tế này phản ánh sự thiếu tiến triển trong lĩnh vực phát triển con người. Đặc biệt là Philippines thì chỉ số HDI đã tụt tới 40 bậc trong bảng xếp hạng từ thứ 77 xuống thứ 117 trong giai đoạn 2000-2013.
Xét chung cả giai đoạn 2001-2013, ASEAN là khu vực kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng, nhanh thứ nhì Châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2013, GDP của ASEAN đạt 2.400 tỷ USD, chiếm 3,3% GDP toàn cầu. Tính trung bình cả giai đoạn 2007-2013, GDP của các nền kinh tế ASEAN (trừ Brunei) tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới, điều này cho thấy các quốc gia ASEAN đã thể hiện khả năng chống chịu khá tốt với các cú sốc từ bên ngoài sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Năm 2013, tăng trưởng GDP của ASEAN là 4,9% trong khi tăng trưởng GDP của thế giới là khoảng 3%. Trong hơn một thập kỷ qua, nhóm các nước nghèo như Campuchia, Lào, Việt Nam nói chung có xu hướng tăng trưởng GDP nhanh hơn các nước giàu hơn (như ASEAN-6) mặc dù tỉ lệ tăng trưởng của tất cả các nước ASEAN đều có phần giảm sút ở giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên xét về khoảng cách thu nhập thì GDP bình quân đầu người giữa các nước còn rất lớn.
Bích Diệp
Theo Dantri
"Vàng ròng trong dân số" tiếp sức cho tăng trưởng GDP GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần trong vòng hơn 20 năm qua, từ 140 USD/người năm 1992 lên 1.540 USD/người năm 2012, trong đó có sự góp sức quan trọng của việc tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc của Trưởng ban Kinh tế...