Lở bãi vàng: Đêm hãi hùng qua lời kể phu vàng
Trong câu chuyện với PV Tiền , những phu vàng may mắn sống sót chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ sạt lở núi tại bãi vàng “thổ phỉ” ở xã Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai), chôn vùi bạn bè, người thân của họ.
“Không thấy chính quyền địa phương đâu”
Qua sự giới thiệu của người dân địa phương, PV Tiền Phong tìm đến nhà anh Bùi Văn C. (SN 1992, ở xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hòa Bình), người may mắn thoát chết sau vụ sạt lở tại bãi vàng tại xã Minh Lương. C. cho biết mới làm ở lán vàng cho ông chủ tên H. được một tháng. C. kể, mấy hôm trước vụ sạt lở, khu vực bãi vàng mưa tầm tã ngày đêm. “Lán trại ở lưng chừng núi, địa hình dốc. Chiều 4/9 đã có vài lán bị sạt, nhưng không ai làm sao” – C. nói.
“Đến khoảng 1 giờ sáng 5/9, tôi đang ngồi ở lán uống nước chuẩn bị đi làm thì xảy ra sạt lở. Chỉ nghe “ụp” một cái, cả đống đất khổng lồ sạt xuống lán bên cạnh. Lúc ấy, trong lán có khoảng 27 người đang ngủ” – C. kể. Chỉ trong thoáng chốc, cả vạt núi bị sạt, xóa sạch vết tích của chiếc lán 2 tầng phu vàng dùng để ngủ. Đất và cây rừng ập xuống, cuốn trôi sâu vài chục mét. Đội thợ đang ngủ có cả người Hòa Bình, Thái Nguyên.
Bãi vàng “thổ phỉ” luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người.
“Đất, cây rừng, chăn màn vùi lấp lên mọi người. Anh em mang đèn xuống soi, thấy tay chân nạn nhân nhô ra thì bới đất lôi lên” – C. nói. C. cũng cho hay, anh em phu vàng tìm được 3 – 4 người, có cả người bị thương và người chết. Đến khoảng 3 giờ sáng, việc tìm kiếm phải tạm dừng do mưa mỗi lúc một to.
“Lúc ấy, hình như có gần chục người chết, phần lớn người Hòa Bình” – C. nhớ lại. Cũng theo C., một số người bị thương được đưa lên, nhưng do không cấp cứu kịp thời, lại thêm trời mưa lạnh nên họ không qua khỏi”. Sau khi tìm kiếm, C. và một vài người thay phiên nhau khiêng 2 xác nạn nhân xuống xã Minh Lương trình báo.
Theo ông Bùi Văn Rưn, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo (Lạc Sơn, Hoà Bình), xã cũng không nắm được cóbao nhiêu người địa phương “đầu quân” cho các bãi vàng. Riêng tại vụ sạt lở tại bãi vàng ở Minh Lương, ngoài 5 người chết, xã xác nhận có thêm 5 người bị thương nặng.
“Hai người khiêng một người. Có vài người khác đi cùng, khi mỏi thì lại thay nhau. Trời mưa, đường trơn nên thỉnh thoảng bị ngã” – C. nói. Sau đó, C. đi rửa bùn đất cho mấy người bị thương, đưa qua Trạm y tế xã Minh Lương, xong lại đưa sang BV ở Thái Nguyên chữa trị.
Làm cùng ca với C. có anh Bùi Văn Rừn (xã Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình), người được Tiền Phong nhắc đến trong 2 bài báo trước. Anh Rừn kể, đến chiều 5/9, anh em phu vàng vẫn tiếp tục tìm kiếm những người tử nạn. “Chỉ có anh em phu vàng tự tìm kiếm, không thấy chính quyền địa phương đâu. Cách lán khoảng 30-40m, chúng tôi tìm được thi thể 4 người, trong đó có em trai tôi là Bùi Văn Rự” – anh Rừn nói. Theo anh Rừn, em trai anh mới làm được khoảng 20 ngày thì xảy ra vụ sạt lở.
Trong câu chuyện, cả anh C. và anh Rừn đều nhắc tới sự may mắn. “May mắn là trước đó vài ngày chủ bãi vàng đổi lịch cho tôi sang ca đêm. Nếu làm ca ngày thì đêm đó tôi đã ngủ trong lán, chắc cũng toi đời” – C. nói.
Video đang HOT
Sống chết mong manh
May mắn thoát chết, anh C. mang về cho mẹ được gần 4 triệu đồng tiền lương một tháng làm ở bãi vàng. C. kể, trên bãi vàng, mọi người làm việc theo dây chuyền, người đào quặng, người bốc vác, người lọc quặng… Theo C., bãi vàng tại xã Minh Lương là “vàng nước”, lẫn trong đất, phải lọc qua thủy ngân để “bắt” vàng. “Có một cái máy giống máy xát gạo, lọc xong, vàng dính lại, chủ vàng sẽ lấy thứ đó đi cô lại thành vàng” – C. nói.
Phu vàng C. kể lại sự việc với PV Tiền Phong .
Làm công cho chủ bãi, những phu vàng như C. chỉ biết cun cút làm theo sự sai bảo, cũng chả biết chủ vàng lời lãi ra sao. Ca đêm như của C. làm việc từ 17 giờ 30 đến 5 giờ sáng hôm sau, có nghỉ ăn uống giữa ca. Phu vàng cũng không mấy khi xuống dưới làng, xã chơi vì đường xa và khó. “Đồ ăn đã có người địa phương vận chuyển lên bán” – C. nói.
Phu vàng Bùi Văn Rừn cho biết thêm, trên núi có điện chạy bằng máy phát. Mỗi ca làm việc khoảng 20 – 30 người. Phải chui vào hầm sâu trong lòng núi. “Cơm nước có người nấu riêng. Cơm có thịt, rau, 6 người một mâm đầy đủ 3 bữa” – anh Rừn nói. Cũng theo anh Rừn, chủ bãi vàng hạn chế phu uống rượu để tránh xảy ra đánh nhau. “Ông chủ cũng có mang thuốc lên, chủ yếu là thuốc đau bụng và nhức đầu” – anh Rừn nói.
Về thu nhập, phu vàng Bùi Văn N. cho biết mỗi tháng trung bình được chủ bãi trả 4 triệu đồng, nuôi ăn. Anh N. cũng cho hay thỉnh thoảng có thấy công an lên truy quét, yêu cầu chủ bãi dừng hoạt động. “Công an chủ yếu làm việc với chủ bãi, còn mình chỉ là người đi làm thuê, họ không để ý” – N. cho biết.
Nhà N. có 3 người làm tại bãi vàng Minh Lương, cũng may hôm sạt lở, N. và em trai xin về quê nghỉ nên thoát nạn. Bố của N. ở bãi vàng bị đất vùi lấp đã thiệt mạng. “Bây giờ thì tởn rồi, không dám đi làm vàng nữa” – N. nói.
Cùng ở xã Tuân Đạo, nhà bà Bùi Thị Si có con trai là Bùi Anh Tú (SN 1995) cũng bị chết trong vụ sạt lở bãi vàng. Bà Si bị bệnh thần kinh, chỉ nhớ con trai đi làm vàng và mang về rất nhiều tiền. Lúc nhóm PV Tiền Phong đến, bà Si đang chăm sóc bàn thờ Tú để ở góc nhà.
Theo Trường Phong – Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)
Lở bãi vàng ở Lào Cai: Chết nhiều, báo cáo chỉ 2
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, chỉ có 2 người chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng "thổ phỉ" tại xã Minh Lương (Văn Bàn, Lào Cai) đêm 4/9. Trong khi đó, riêng một xã tại tỉnh Hòa Bình, chính quyền xác nhận họ tiếp nhận 5 người chết tại bãi vàng.
Nghiêm trọng hơn, theo điều tra của Tiền Phong, con số trên chưa phải con số cuối cùng. Thực tế cóbao nhiêu người tử vong tại bãi vàng "thổ phỉ" này? Chính quyền địa phương không biết hay ém nhẹm thông tin?
Xã, huyện: Chỉ 2 người chết
PV Tiền Phong về xã Minh Lương khi vụ sạt lở núi gây chết người ở bãi vàng thuộc rừng Vầu, rừng Xanh (tên người địa phương gọi - PV) xảy ra gần chục ngày. Ông Lương Văn Phương, Phó trưởng Công an xã Minh Lương, cho biết, đêm 4/9 có một nhóm người khiêng xác 2 người xuống xã trình báobị chết do sạt lở núi ở bãi vàng.
Sổ công tác của Công an xã Minh Lương ghi nhận, vụ sạt lở tại rừng Vầu thuộc xã Minh Lương "làm chết hai người là Bùi Văn Khánh (SN 1995, ở xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hòa Bình và Bùi Văn Ai (SN 1981, ở cùng quê). Đã chuyển lên cấp trên xem xét".
Chủ tịch UBND xã Minh Lương khẳng định bãi vàng trên là bãi vàng trái phép, song cũng cho biết chỉ có 2 người chết
Làm việc với PV, Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Siến cho biết thêm: "Nửa đêm 4/9, người ta khiêng xuống 2 người chết. Chúng tôi đã giữ lại, báo cáo Công an huyện cử người xuống khám nghiệm tử thi. Những người bị thương được chuyển đến trạm y tế chữa trị, song xã không ghi lại tên tuổi, địa chỉ". Ông Siến cũng khẳng định, bãi vàng bị sạt lở là bãi vàng trái phép.
Người dân không tin
Trong khi chính quyền công bố chỉ có 2 người chết, nhiều người dân địa phương lại cho rằng số người bị chết nhiều hơn, thậm chí khoảng hơn chục người. Trên đường PV tiếp cận hiện trường vụ sạt lở, nhiều người dân cho biết, vụ tai nạn bất ngờ xảy ra đêm, khiến nhiều người bỏ mạng. "Chết nhiều người lắm" - anh Hà Văn H., một người mót quặng gần khu vực xảy ra sạt lở, nói.
"Lao động ở bãi vàng rất nhiều. Sạt lở núi thì e rằng nhiều người thiệt mạng lắm" - bà Nguyễn Thị C., một người dân bản địa, nói. Trên đoạn đường đi qua UBND xã Minh Lương, đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán về vụ sạt lở...
Mang vấn đề trên trao đổi với UBND huyện Văn Bàn, Phó chánh văn phòng UBND huyện Chu Hồng Hà từ chối trả lời, với lý do "không được giao phụ trách mảng này và không có chức năng phát ngôn". Khi PV đề nghị được cung cấp văn bản báo cáo về vụ sạt lở, ông Hà nói "không có". Thay vào đó, ông Hà bảo các PV vào trang Google tìm kiếm hình ảnh chụp bản báo cáo của UBND huyện Văn Bàn về vụ việc này. "Báo cáo có 7 dòng thôi, nằm chung trong báo cáo tuần của huyện" - ông Hà nói.
PV Tiền Phong tiếp cận hiện trường vụ sạt lở gây sập lán trại ở bãi vàng
Theo ông Bùi Văn Rưn (Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hoà Bình), trong ngày 5/9 xã tiếp nhận 4 người chết, ngày hôm sau tiếp nhận thêm một người chết nữa. "Trong văn bản của Công an xã ghi rõ, 5 nạn nhân đều bị chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng tại xã Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai".
Sau một hồi tìm kiếm, các PV cũng tìm được báo cáo ngày 6/9 của UBND huyện, trong đó đúng chỉ có 7 dòng viết về vụ tai nạn: "Ngày 05/9/2013 tại khu vực rừng vầu - thôn 1 Minh Thượng xã Minh Lương do mưa to trong ngày 4/9 và rạng sáng 5/9/2013 đã gây sạt lở đất làm chết 2 người là Bùi Văn Khánh sinh năm 1995, Bùi Văn Ai sinh năm 1981 đều cư trú tại xã Tân Tạo - Lạc Sơn - Hòa Bình và làm một số người bị thương. UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức cứu hộ, cứu nạn và thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật".
Ông Lương Văn Phương (Phó trưởng Công an xã Minh Lương) cho biết thêm, Công an xã vừa triệu tập một người dân địa phương là Lê Ngọc Tuấn Anh để xét hỏi về việc anh này tung tin có hơn 50 người chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng. "Sau khi làm việc với công an, Tuấn Anh thừa nhận nghe tin từ người dân và đưa lên mạng xã hội" - ông Phương nói.
Riêng một xã đã 5 người chết
Để làm sáng tỏ vụ việc, nhóm PV Tiền Phong tìm về xã Tuân Đạo, Lạc Sơn, Hòa Bình (không phải là xã Tân Tạo như trong báo cáo của UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai, và ở huyện Lạc Sơn cũng không có xã nào tên Tân Tạo). Khác với báo cáo của huyện Văn Bàn, ông Bùi Văn Rưn, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo, khẳng định riêng xã ông đã tiếp nhận... 5 người chết tại bãi vàng.
"Ngày 5/9 họ đưa về 4 người, ngày 6/9 đưa thêm về một người nữa. Tất cả đều đã chết", ông Rưn nói. Theo ông Rưn, trong ngày 5/9, xe chở về 4 người chết gồm Bùi Văn Chẻn, Bùi Văn Khánh, Bùi Văn Ai và Bùi Văn Viên. Ngày hôm sau, xe chở thêm một người chết về nữa là Bùi Văn Tú. "Trong văn bản của Công an xã ghi rõ, các nạn nhân đều bị chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng tại xã Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai" - ông Rưn nói.
Ông Bùi Văn Vẻo, Phó trưởng Công an xã Tuân Đạo cũng xác nhận, ông trực tiếp có mặt trong những lần tiếp nhận xác các nạn nhân. "Tôi là người trực tiếp đi đến từng nhà có người bị thiệt mạng. Tôi cũng chứng kiến việc họ (người liên quan với chủ lán vàng - PV) trao tiền hỗ trợ cho các gia đình có người chết. Nhà nào có hoàn cảnh khó khăn thì được hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là 80 triệu" - ông Vẻo nói.
Đích thân Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Rưn dẫn các PV tìm đến nhà chị Bùi Thị Mín, có chồng là anh Bùi Văn Viên - một trong những người tử nạn. Theo xác nhận của xã, ngày 6/9 xe chở xác anh Viên về với gia đình. "Họ mang quan tài về gia đình, nói là sự cố đáng tiếc. Họ bồi thường cho gia đình 80 triệu đồng" - chị Mín nói.
Ngoài 5 nạn nhân trên, theo một số nguồn tin phản ánh, còn có thêm 2 người ở xã Tân Lập (Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng tử vong trong vụ sạt lở bãi vàng. Trong đó, PV Tiền Phong đã tìm đến nhà một nạn nhân là anh Bùi Văn Rự (SN 1982). Anh Bùi Văn Rừn, anh trai nạn nhân Rự, cũng là một phu vàng, cho biết: "Đến chiều 5/9, tôi mới tìm thấy xác của Rự và đưa về nhà an táng". Ngoài ra, một phu vàng sống sót tên X. trở về ở xã Tuân Đạo cho biết ở xã Quý Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng có thêm một phu vàng bị thiệt mạng trong vụ sạt lở.
Với những gì nhóm PV Tiền Phong dày công điều tra, có thể thấy số người chết trong vụ sạt lở núi ở bãi vàng "thổ phỉ" lớn hơn nhiều lần so với công bố của xã Minh Lương và huyện Văn Bàn, Lào Cai. Tại sao có chuyện như vậy?
(Còn nữa)
Theo Trường Phong - Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)
Nhân chứng kể vụ lở bãi vàng, nhiều người chết "Hàng trăm khối đất đá bất ngờ đổ ập xuống, cuốn phăng nhiều lán trại, có tới 8 người bị đất đá tống xuống suối, 4 người bị đất đá hất văng ra ngoài", anh Kh. kể lại. Đêm định mệnh của những phu vàng Trong quá trình đi tìm sự thật về số người chết trong vụ sạt lở xảy ra vào...