Lộ bài
Tới nay, đã gần hai tháng giàn khoan khủng Hải dương 981 của Trung Quốc được cắm một cách phi pháp sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chẳng khác nào cắm một lưỡi dao giữa trái tim của muôn triệu người Việt Nam. Bằng hành động táo tợn bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận như vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc để lộ rất nhiều bài.
Lâu nay thiên hạ từng nghe khá nhiều mỹ từ vang lên ở Bắc Kinh: nào là “thời cơ chiến lược”, nào là “trỗi dậy hòa bình”, nào là “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời), nào là “mục lân, an lân, phú lân” (nghĩa là thân thiện với láng giềng, hòa hiếu với láng giềng, làm giầu cùng láng giềng”, nào là “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, nào là “giấc mơ Trung Hoa”… Nhưng chỉ bằng một hành vi ngạo mạn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của nước láng giềng, ý nghĩa thực thụ của những mỹ từ nói trên đã bộc lộ rõ. Nhân đây bỗng nhớ câu châm ngôn: Không nên chỉ nghe người ta nói mà hãy xem người ta làm.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc có những hành động ngang ngược trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (vừa trở thành “đường 10 đoạn”) mà Việt Nam và nay cả thế giới đều gọi là “đường lưỡi bò”, choán trên 80% diện tích Biển Đông không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý và lịch sử nào. Tuy nhiên, vụ Hải dương 981 đánh dấu một mốc mới bộc lộ nguyên hình toan tính của Trung Quốc gây chuyện đã rồi để xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Thủ đoạn này cũng lộ rõ ý nghĩa thực sự của cái gọi là phương châm “khai thác chung” là gì. Chẳng qua đó chỉ là sự thực hiện trên thực tế triết lý quái gở “của tôi là của tôi, của anh cũng là của tôi, cùng lắm là của chung chúng ta”.
Hung hăng đâm húc tàu chấp pháp của Việt Nam, một ngón đòn quen thuộc của Trung Quốc “lấy thịt đè người” Ảnh: TL
Trong khi triển khai hành vi mang tính chiến lược này, phía Trung Quốc còn sử dụng những ngón đòn quen thuộc như “lấy thịt đè người”, “tràn ngập lãnh thổ” bằng tầu thuyền, làm nhược nạn nhân, gây thêm căng thẳng bằng cách giàn khoan Nam Hải 9 lởn vởn trong vùng cửa vịnh Bắc Bộ, giương Đông kích Tây, gia cố Gạc Ma lấn chiếm từ 1988…
Gần hai tháng qua Trung Quốc còn để lộ đậm nét hơn bài “vừa lấn chiếm, vừa la làng” theo cái cách đã từng được áp dụng vào những năm 30-40 thế kỷ trước; đó là “nói láo mãi rồi ra người ta cũng tin là sự thật”; đối với nạn nhân thì giở trò “cả vú lấp miệng em”, yêu cầu “ta cấu mi, mi không được kêu”.
Kiểu chơi cờ vây cũng được sử dụng rộng rãi. Đó là chiêu quây chặt nạn nhân bằng cách đòi “không được quốc tế hóa”, “không được đưa ra tòa quốc tế”, “không được tranh thủ các nước khác”. Nói một cách khác, đó là chiêu bịt mọi cửa không cho nạn nhân cựa quậy, đồng thời yêu cầu cấm không được bấm vào những điểm yếu của mình. Trong ván cờ vây này, “cửa ASEAN” được đặc biệt quan tâm nhằm phá thế “quần lang đấu hổ” theo cách nói ngạo mạn của họ. Vì mục đích nham hiểm ấy, những ngón nghề quen thuộc được áp dụng: chia rẽ, dọa dẫm, lôi kéo, mua chuộc. Nói một cách khác, đó là thủ đoạn “cái gậy và củ cà rốt” mà các nước lớn xấu tính thường sử dụng.
Lại nữa, trước sức ép dư luận quốc tế đòi thông qua đàm phán hòa bình để tìm giải pháp, họ bèn áp dụng thủ thuật “vừa lấn, vừa đàm”, chấp nhận duy trì tiếp xúc ngoại giao có chọn lọc không phải để tìm giải pháp mà cốt để “nói không” với mọi đề xuất thiện chí, lộ rõ thủ đoạn “câu giờ”, duy trì giàn khoan Hải dương 981, tạo sức ép, tung hỏa mù, gieo mơ hồ và sự nghi hoặc trong dư luận Việt Nam và quốc tế, gây chia rẽ, đánh lạc hướng, vô hiệu hóa các mũi đấu tranh của nạn nhân.
Video đang HOT
Bạn đọc cứ thử đối chiếu với những gì phía Trung Quốc đã làm trong gần hai tháng qua kể từ khi hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xem có đúng phía Trung Quốc đã sử dụng những ngón nghề nói trên không?
Hồng Cầm (Theo Đại Đoàn Kết)
Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa Trường Sa Bài 1: Thắng lợi từ cuộc đấu không cân sức
Ngày 20-7-2014 là đúng 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva về chiến tranh Đông Dương- một bản Hiệp định mà chúng ta đã phải đổi bằng 9 năm trường kỳ kháng chiến và phải chịu rất nhiều mất mát. Hiệp định là sự công nhận của cộng đồng quốc tế về độc lập, chủ quyền, lãnh thổ của ta. Nhưng, Hiệp định Geneva cũng là một bài học lớn cho chúng ta trong cuộc đấu tranh trên các "vũ đài" chính trị sau này; nhất là khi Hiệp định mới chỉ được thông qua đã cố tình bị vi phạm bởi nhiều bên tham gia đàm phán.
Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài nhìn lại Hội nghị Quốc tế Geneva về Đông Dương để làm rõ hơn những cam go trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta ở thời điểm đó, cũng như trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay.
Ngày 20-7-1954, hơn 70 ngày sau khi ta giành được thắng lợi tại chiến trường Điện Biên Phủ, các bên tham dự Hội nghị quốc tế Geneva đã cùng nhau thống nhất ra tuyên bố gồm 13 điểm; trong đó đặc biệt quan trọng là: Đã công nhận những quyền cơ bản của dân tộc và nhân dân Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Tuyên bố của hội nghị cũng là một cơ sở pháp lý để ta tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước suốt 2 thập kỷ tiếp theo.
Thế giằng co trên bàn Hội nghị
Ngày 8-5-1954 các bên bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán. Chiều 7-5-1954 khi cả thế giới, trong đó có đoàn ta, đoàn Pháp và các đoàn khác chuẩn bị tham dự hội nghị thì nhận được tin ta thắng lợi vang dội tại chiến trường Điện Biên Phủ, một sự chiến thắng sau 9 năm kháng chiến. Một sự trùng hợp hay là sự "gặp gỡ" tình cờ rất đẹp. Cả đoàn ta xúc động và chắp tay vái lạy hồn thiêng của đất nước, cảm ơn hồng phúc của non sông, đã cho ta đạt được thành quả đúng vào thời khắc lịch sử quan trọng - ông Việt Phương nhớ lại cái khoảnh khắc lịch sử mà ai trong đoàn ta cũng đều bật khóc vào buổi chiều ấy ở Geneva.
Cầu Hiền Lương
Nhưng, ngay cả khi ta đã giành thắng lợi trên chiến trường Điện biên Phủ, thì trước và trong đàm phán, các bên đều đặt ra "đích" của riêng mình với những câu hỏi như: Thực tế chiến trường ra sao? Bây giờ hòa bình thì thế nào? Ngày 25-5-1954, trong phiên họp hẹp, Trưởng đoàn đàm phán của ta Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng đưa ra hai nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: Một là, ngừng bắn hoàn toàn và đồng thời, càng sớm càng tốt trên toàn cõi Đông Dương. Thứ hai là, điều chỉnh vùng trong nước, trong từng chiến trường trên cơ sở trao đổi đất để mỗi bên có thể có những vùng hoàn chỉnh và tương đối rộng, có điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế và quản lý hành chính trong mỗi vùng.
Một tháng sau, ngày 25-6, J.Chauvel chuyển cho Ttrưởng đoàn Phạm Văn Đồng đề nghị mới của Pháp từ bỏ kế hoạch "da báo" và thông qua giải pháp phân định giới tuyến, mang tính tạm thời, tại vĩ tuyến 18 (vào khoảng Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ). Các bên bàn bạc với nhau và trao đổi các bản đồ chiến sự. Lúc đầu, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đình chiến của ta, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu gặp Trưởng đoàn Pháp là Delteil và đưa ra phương án để "đấu" là vĩ tuyến 13 (tức là ở khoảng Nha Trang bây giờ). Đúng vào ngày 4-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã khai mạc. Ngày 9-7-1954 họp tiểu ban quân sự Việt-Pháp tại Geneva. Phía ta đề nghị lấy vĩ tuyến 14 làm giới tuyến quân sự tạm thời, phía Pháp giữ lấy vĩ tuyến 18. Tức là đến thời điểm ngày 9-7-1954 hai bên vẫn không thể đạt được sự nhất trí về vùng giới tuyến quân sự tạm thời. Đến 13-7-1954 trong cuộc gặp với Thủ tướng Pháp M.France, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng vẫn nêu đề nghị của ta với vĩ tuyến 16 là giới tuyến quân sự tạm thời (ý thực sự của chúng ta trong các cuộc đấu trên bàn hội nghị). Pháp thì cự tuyệt với lý do Đà Nẵng, Huế và đường 9 là thiết yếu đối với đường giao thông của Lào ra biển.
Ngày 19-7, sau khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai gặp riêng, xác nhận với đoàn Pháp lập trường về đường giới tuyến đặt ở vĩ tuyến 17 (giống với ý đồ được ông ta trình bày trong cuộc gặp trước đó ít lâu với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Côn Minh, Trung Quốc), cách 10 km về phía Bắc, tại sông Bến Hải. Vậy là, trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 và trong Hiệp định đình chiến Việt-Pháp ký cùng ngày chỉ cách nhau ít giờ đã có điều khoản nêu rất rõ: "Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển.
Lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến ấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam".
Các nước lớn công nhận độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam
Ông Việt Phương (năm nay 86 tuổi) hiện đang sống tại Hà Nội, một trong 5 nhân chứng còn lại trong số 37 người đã tới Geneva năm 1954 gồm: 5 thành viên đoàn đàm phán và 32 chuyên viên giúp việc đoàn đàm phán. Cũng cần nói thêm, ông đã từng nhiều năm là Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Kể cả thời gian ở Geneva, ông cũng là Thư ký của Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Phạm Văn Đồng. Ông Việt Phương cho rằng, Geneva không phải là hội nghị đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp xúc với nước ngoài, thậm chí là với phía đối lập; nhưng đây đích thực là Hội nghị Quốc tế đầu tiên mà chúng ta tham dự với tư cách là một bên chủ yếu trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Việt Nam đến để bàn về tương lai của mình, bàn về công việc của chính mình.
Nhận định về Hội nghị Quốc tế Geneva, ông Việt Phương khẳng định, có thể nói không quá rằng, thắng lợi lớn nhất đã được nêu rất rõ ràng trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Đó là việc lần đầu tiên trong lịch sử có một cam kết quốc tế, có giá trị pháp lý liên quan đến Việt Nam. Trong đó, điểm đặc biệt là các bên đã công nhận "tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" của Việt Nam và "tuyệt đối không can thiệp vào nội trị" của chúng ta, dù rằng đó chỉ là cam kết trên giấy tờ và đã bị các nước lớn tham dự Hội nghị vi phạm rất sớm sau đó.
Để làm rõ hơn, cần nhắc lại, vào thời điểm Hội nghị Quốc tế Geneva về Đông Dương gần đi đến hồi kết, ở miền Nam Việt Nam, Pháp đồng ý đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại (ngày 18-6-1954). "Nhưng đứng đằng sau Thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc đó đích thực là Mỹ"- ông Việt Phương nói.
Nước Mỹ đã tốn rất nhiều chi phí quân sự cho Pháp tại miền Bắc, cụ thể là chiến trường Điện Biên Phủ. Nói cho đúng, 5-6 năm trước khi nhóm họp Hội nghị Quốc tế Geneva, 95% vật dụng, thiết bị, vũ khí súng ống của Pháp đánh với ta là do Mỹ viện trợ. Bằng động thái bổ nhiệm Thủ tướng của Quốc gia Việt Nam là Ngô Đình Diệm, Mỹ muốn quay trở lại Việt Nam. Vì thế nên dù rằng, tất cả các bên tham dự nguyện hứa hẹn, cam kết, tôn trọng độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; thì Mỹ vẫn không thể từ bỏ dã tâm của mình vào thời khắc lịch sử này. Một trong những động thái cụ thể nhất cho mong muốn trở lại Việt Nam chính là việc Mỹ tránh mặt, lờ tít vì không muốn cam kết.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết, cùng lúc đó, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố tại Washington: "Hoa Kỳ không bị các điều khoản của Hiệp định Geneva ràng buộc." Nhưng, dù có không ký thì họ- nước Mỹ rõ ràng là đã phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta.
Cũng từ sự thừa nhận ấy, có thể thấy, các nước lớn bao gồm 4 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Pháp, Mỹ, Liên xô) và Trung Quốc (bên được lợi hơn cả sau Geneva 1954) đã công nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
"Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956."- điều 7 của Tuyên bố cuối cùng chỉ rõ. Chỉ riêng 2 từ "độc lập" thôi, chúng ta cũng phải đi một con đường dài nếu tính theo thời gian tuyến tính thì mất 9 năm kể từ Tạm ước 1946 để mãi tới tháng 7 năm 1954, mới buộc được nước Pháp công nhận Việt Nam là "một quốc gia tự do".
Trong tuyên bố cuối cùng, nếu chiếu theo lập trường cơ bản của Việt Nam và tình hình thực tiễn của chúng ta khi ấy- trước khi ngồi vào bàn hội nghị thì rõ ràng, tuyên bố đã được xác lập trên cơ sở lập trường cơ bản của ta.
Đặc biệt, căn cứ vào những gì được ký tại Hiệp định đình chiến Việt-Pháp, rõ ràng, chính quyền Quốc gia Việt Nam đã được giao quản lý Hoàng Sa- Trường Sa từ tay Pháp sau khi các bên ra Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Quốc tế Geneva.
Nếu tính đến cả những bất lợi mà một nước Việt Nam nhỏ bé cả về vị thế chính trị, vị thế kinh tế khi đến Geneva không thể không lưu ý đến một đặc điểm quan trọng, mà nhiều hội nghị khác không có. Đó là việc, trong một hội nghị quốc tế với sự tham dự của 8 nước, 9 bên nhưng bên nào cũng chăm chú giành được hoặc là cái gì tốt nhất cho dân tộc mình, hoặc thực dụng hơn là cho giới cầm quyền của đất nước mình thì quả là thật khó cho Việt Nam.
Trong cuộc họp cuối cùng vào thời điểm ra Tuyên bố Hội nghị, gần như tất cả các thành viên dự Hội nghị đều phát biểu tại cuộc họp và về cuộc họp, chỉ duy nhất một người cũng phát biểu tại đó, nhưng không phát biểu với Hội nghị- đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng. "Xoay người nhìn về hướng nước Việt Nam, Tổ quốc mình, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nói với nhân dân Việt Nam. Ở Việt Nam, chúng tôi đã có sự trợ lực rất lớn của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình nhưng chúng tôi mới chỉ đạt được chiến thắng từ vĩ tuyến 17 trở về phía Bắc. Ở phía Nam thuộc về phía đối phương, chúng ta còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài"- ông Việt Phương nhớ lại giây phút xúc động bên bàn Hội nghị Geneva.
Theo Đại Đoàn Kết
Mỹ-Nhật sẽ đánh cho Trung Quốc đại bại nếu có chiến sự Báo Nhật Bản nhận định rằng nếu chiến sự xảy ra liên quan đến vùng đảo Senkaku, quân Trung Quốc sẽ điều động tất cả lực lượng mạnh nhất của ba hạm đội. Truyền thông Nhật Bản trước đây vốn rất kiệm lời, ít tỏ ra huênh hoang, diều hâu như báo chí, học giả Trung Quốc thì nay đã có những động...