Livestream quá lố, cần có chế tài?
Làm sao để livestream trở thành công cụ hữu hiệu cho đời sống chứ không phải là những trường hợp livestream quá lố như vừa qua? Cần đặt vấn đề ý thức, văn hóa của người livestream hay cần có biện pháp chế tài?
Tuổi Trẻ đặt ra vấn đề này với các chuyên gia và mong nhận được thêm nhiều tranh luận của các bạn.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:
Cần phải thể hiện trách nhiệm cộng đồng
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc
Theo tôi, nên nhìn nhận thực trạng này dưới góc độ hành vi ứng xử văn hóa nhiều hơn là hành vi sử dụng mạng xã hội. Công nghệ kỹ thuật số là nền tảng toàn cầu sử dụng nhưng thời gian gần đây với một bộ phận người dùng Việt, ta lại thấy nổi lên tình trạng livestream bát nháo, mọi lúc mọi nơi, kể cả đám tang.
Trong văn hóa người Việt cũng mới vài chục năm gần đây thôi, nếu có một đám tang đi qua, người lớn dạy trẻ nhỏ những hành vi văn hóa như đứng nghiêng mình trước đoàn xe như một lời chào thể hiện sự kính trọng.
Ở các xóm đạo, nếu có ai đó vừa qua đời thì sẽ có người giật chuông báo tử, ai đang đứng ở đâu thì hướng về tiếng chuông đó như một ý niệm nguyện cầu cho người mới mất. Điều đó nó thuộc về tập quán văn hóa, nhưng bây giờ đang dần bị mờ nhạt.
Sự thay đổi về công nghệ chỉ xem như là “phần cứng”, còn “phần mềm” là nhận thức, giáo dục và tư tưởng của con người bây giờ dường như thiếu đi sự kết nối các tập quán đó. Trong tình cảnh hiện nay, chúng ta nên thiết lập một số quy tắc ứng xử nơi công cộng, những cảnh báo nơi nào được phép sử dụng công nghệ dưới hình thức nào như quay, chụp, phát trực tiếp… thì khi người ta thấy được các chỉ báo đó sẽ ý thức hơn về các hành vi ứng xử của mình.
Đối với những không gian riêng tư, bạn muốn làm gì thì làm nhưng ở không gian công cộng, có ảnh hưởng đến hình ảnh của người khác thì bạn phải ứng xử đúng chuẩn mực, tôn trọng sự riêng tư của mọi người.
Do đó, điều quan trọng khi xem xét hiện tượng này là phải nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, giáo dục. Những người lớn tuổi cần chỉ ra và hướng dẫn cách ứng xử cho bạn trẻ nơi công cộng để mỗi người có lối ứng xử văn hóa, văn minh hơn.
Ngoài ra, người dùng mạng cũng nên thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng cách báo cáo những hành vi thiếu chuẩn mực đến hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra, gỡ bỏ. Đồng thời, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng, vì mỗi cộng đồng dân cư đều có các quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với văn hóa, tập quán với từng cộng đồng.
Ths Trần Thị Phương Nhung – Trường ĐH Huế:
Cần phải có chế tài
Video đang HOT
Ths Trần Thị Phương Nhung
Tận dụng công nghệ livestream là điều cần thiết bởi công nghệ này nó mang lại rất nhiều lợi ích truyền thông tin, hình ảnh cho nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực truyền thông. Nhưng khi công nghệ quá phổ biến, bất kỳ ai cũng dễ dàng trở thành một kênh phát thông tin thì cái quan trọng là mỗi người cần phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trước thông tin.
Không phải bất cứ điều gì của cuộc sống như đánh ghen, tai nạn giao thông, đám ma, xích mích nhau… đều phát trực tiếp hết lên mạng. Người dùng cần phải cân nhắc cái nào nên, cái nào không nên và phát để làm gì bởi sức lan tỏa trên mạng rất lớn, thậm chí có thể gây ra những hệ lụy cho những người xuất hiện trong hình ảnh hoặc ngay cả bản thân người phát.
Còn với người xem, cần phải cân nhắc, kiểm chứng thông tin bởi trên thực tế đã có nhiều sự kiện mà người phát bình luận dựa trên hình ảnh, lái câu chuyện theo một hướng khác hoặc mang tính chủ quan, nhưng bản chất của câu chuyện có khi ngược lại hoàn toàn.
Còn với những người sử dụng nền tảng công nghệ với mục đích xấu hoặc kiếm tiền bằng cách phát những hình ảnh thiếu nhân văn, ảnh hưởng đến người xuất hiện trong hình ảnh hoặc người xem thì cần phải xử lý bằng những chế tài đủ mạnh để răn đe.
Ngoài ra, người xem cũng cần thể hiện thái độ của mình đối với những video này nếu nó lệch chuẩn, phản cảm bằng cách không chia sẻ, không theo dõi, thậm chí báo cáo vi phạm để nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ. Mỗi người nên là người xem thông minh, không nên để những người lợi dụng nền tảng công nghệ này để trục lợi dựa trên sự tò mò, hiếu kỳ của người xem.
TS Mai Anh Tuấn:
Sự tò mò, hiếu kỳ quá lố
TS Mai Anh Tuấn
Hiện tượng livestream quá lố, thậm chí phạm pháp như ở đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, theo tôi, trước hết xuất phát từ sự tò mò, hiếu kỳ quá lố của một số người dân. Bởi chuyện hiếu hỉ của những người nổi tiếng, bao giờ cũng vậy, thường làm người khác nhao lên.
Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông cá nhân, sự hiếu kỳ và tò mò của công chúng trở thành mánh lới ăn theo, ăn ké danh tiếng của người khác mà nhiều YouTuber khai thác triệt để.
Vậy nên họ đến viếng tang không để chia sẻ nỗi đau, nỗi mất mát mà chỉ để khoe khoang mình có mặt, mình theo dõi. Những người đó đã biến chuyện đau buồn thành “lễ hội” của các chiêu trò quay phim, chụp ảnh; thành “sân khấu” cho mình tự lăngxê bản thân. Bi hài dĩ nhiên, nhưng đó cũng là hệ quả tất yếu của một đời sống thừa mứa chuyện thị phi, chuyện tào lao, nhảm nhí; một đời sống chỉ chú mục danh lợi phù phiếm mà ít khi tạo dựng giá trị.
Ở Việt Nam, trong các sự kiện như cưới xin chẳng hạn, tôi chưa thấy một nghệ sĩ nổi tiếng nào lấy sự kiện đó để kiến tạo một lối sống giản dị, trọng truyền thống và trọng riêng tư, như một số nghệ sĩ Hàn Quốc chẳng hạn. Họ đều muốn và trở nên ngập ngụa trong truyền thông rùm beng đủ kiểu.
Ông Trần Vũ Hoài (Hà Nội):
Đưa ra các quy chế xã hội
Ông Trần Vũ Hoài
Dưới góc độ xã hội, việc các YouTuber đã làm tại đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ hay những chuyện tương tự là việc không nên dù mọi người đều được hưởng quyền được bảo vệ tự do cá nhân.
Việc các YouTuber tự động livestream ngoài ý muốn của các cá nhân liên quan, nhằm kiếm lợi từ việc đó, là điều cần được pháp luật đặt trong vòng kiểm soát để đảm bảo quyền riêng tư của mọi công dân.
Về phương diện nghề nghiệp, nếu các YouTuber muốn được xã hội coi trọng như một kênh truyền thông có giá trị, thì tự bản thân cộng đồng đó cũng phải đặt mình vào một khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp nhất định. Cụ thể cái khuôn khổ này nên như thế nào thì cần phải tranh luận thêm.
Còn nếu họ ngang nhiên đặt mình vào tình huống cố tình vi phạm pháp luật cũng như những chuẩn mực nghề nghiệp cần có, xâm phạm tự do cá nhân người khác gây phản cảm và hậu quả khác thì phải chịu quy định của pháp luật.
Vì đây là những hiện tượng mới trong bối cảnh mạng xã hội đang làm thay đổi nhanh chóng cách thức tạo tin, gây ra những hậu quả cho các cá nhân liên quan ngoài ý muốn, nên các nhà chức trách cần nhanh chóng xem xét để đưa ra các quy chế xã hội, cũng như pháp luật cần thiết. Vừa đảm bảo tự do ngôn luận vừa đảm bảo quyền cá nhân của con người và các nguyên tắc xã hội tốt đẹp.
Ông Ngô Trần Vũ – Giám đốc Công ty Bảo mật:
Livestream sẽ còn có ảnh hưởng mạnh
Ông Ngô Trần Vũ
Livestream chưa bao giờ đơn giản như hiện nay. Tôi tin rằng livestream có ảnh hưởng mạnh hơn cả truyền hình truyền thống và phá vỡ giới hạn của truyền thông cá nhân đến mọi người. Mỗi người có thể trở thành 1 đài truyền hình, 1 kênh truyền thông ngay lập tức với chi phí bằng 0.
Ông Nguyễn Duy Vĩ – Giám đốc marketing dịch vụ du lịch:
Nên xử lý các livestream tiêu cực
Ông Nguyễn Duy Vĩ
Livestream đang được ứng dụng khá nhiều vào đời sống hiện nay. Để phát huy sự tích cực của livestream, việc đầu tiên cần cải thiện là ý thức của người dân trong việc sử dụng smartphone để livestream, tăng cường giáo dục về nhận thức đúng đắn khi livestream một sự việc nào đó. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng nên vào cuộc xử lý các livestream bán hàng “đểu” hoặc các livestream mang yếu tố tiêu cực.
Theo tuoitre
Côn đồ, dung tục lại được tung hô!
Phát ngôn tục tĩu, nghênh ngang, vi phạm pháp luật... nhưng Ngô Bá Khá (nick name Khá Bảnh) đang được giới trẻ hâm mộ như một ngôi sao
Khá Bảnh nổi tiếng trên mạng xã hội là nhờ kiểu tóc bờm ngựa, phát ngôn gây sốc, chửi bậy, khoe xăm trổ, trang sức và điệu nhảy không giống ai đăng tải trên mạng xã hội. Điều này khiến nhiều người lo lắng - liệu giới trẻ có đang lệch lạc và cần phải xử lý những hiện tượng này như thế nào?
Livestream bán hàng online
Kênh YouTube của Khá Bảnh có hơn 1,8 triệu người theo dõi với các video chủ yếu quay cuộc sống hằng ngày của anh ta, mỗi clip này có từ vài trăm ngàn tới mấy triệu lượt xem; Facebook cá nhân của Khá có hơn 600.000 người theo dõi. Theo lời kể của Khá Bảnh, anh ta chỉ học hết lớp 7, hay đánh nhau nên phải đi trại giáo dưỡng từ năm 17 tuổi vì tội hành hung, cố ý gây thương tích người khác, sau đó lại vào tù vì đánh người gây thương tích liên quan đến chuyện đòi nợ... Không cần hoạt động nghệ thuật hay là một ngôi sao, chỉ với lượng người hâm mộ đông đảo từ những clip kể chuyện bản thân, Khá Bảnh giờ chỉ ngồi nhà livestream bán hàng hộ các shop online, kênh YouTube của Bảnh kiếm vài trăm triệu/tháng, thậm chí xuất hiện trong clip hài Tết của một nhà sản xuất cũng khiến anh ta có thu nhập cả trăm triệu đồng. Khi xuất hiện ở TP Yên Bái mới đây, Khá Bảnh được nhiều bạn trẻ, trong đó có không ít bạn còn nguyên đồng phục, thậm chí cả người lớn xin chữ ký, chụp ảnh chung, phấn khích gọi tên...
Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh) và một số hành động gây sốc trên mạng xã hội nhưng được giới trẻ, thậm chí người lớn, tung hô Ảnh: INTERNET
Không chỉ Khá Bảnh, các trang cá nhân của "Huấn Hoa Hồng", "Dũng Trọc"... cũng có lượng truy cập rất cao. Những trang cá nhân này dù chỉ là hình ảnh bạo lực, ăn nói tục tĩu và gây hấn, vi phạm luật... nhưng vẫn có hàng trăm ngàn lượt ủng hộ, hàng triệu view và ca tụng.
Cũng muốn kiếm tiền từ nguồn thu quảng cáo trên mạng xã hội YouTube, nhóm "Monster NTN" gồm các thành viên thế hệ 9X đã dựng các video clip "trò đùa troll bom đường phố" gây xôn xao cộng đồng mạng. Bằng việc dựng các clip đốt bom khủng bố kiểu IS để người dân hoảng sợ bỏ chạy, gây hoang mang trong xã hội, Nguyễn Thành Nam cùng các thành viên của "Monster NTN" đã bị Công an TP Hà Nội truy tìm và tạm giữ để xử lý hồi cuối năm 2016.
Đánh vào tâm lý giới trẻ
Lý giải sự hâm mộ cuồng nhiệt rất lạ lùng của giới trẻ dành cho Khá Bảnh, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng đại đa số người hâm mộ Khá Bảnh là thế hệ sinh từ năm 2000, nhận thức còn chưa chín chắn. Nội dung các clip Khá Bảnh sản xuất là khoe tiền, khoe "quẩy", ăn chơi, các mối quan hệ xã hội đen, đánh nhau, sử dụng vũ khí, đời sống của nhóm xã hội đen... Những nội dung này được nhiều người thích, đặc biệt với học sinh, vì các em hiếu kỳ và những chủ đề đó không được công khai rộng rãi. Khi xem, người ta thỏa tính tò mò. Nó cũng giống như tâm lý bình thường, rất nhiều người thích xem những clip đánh nhau, đánh ghen. Điều này không khó hiểu.
Ông Long cũng cho rằng bất thường ở đây chính là sự tung hô. Nếu mọi người chỉ xem như hiếu kỳ thôi thì bình thường nhưng tung hô, gào thét khi Khá Bảnh xuất hiện thì nhiều phụ huynh phải suy nghĩ, phải chăng con em mình đang lệch chuẩn? Sự tung hô này bắt nguồn từ vẻ thân thiện mà Khá Bảnh tạo nên trên mạng xã hội. "Đây mới là điều đáng lo vì các em còn quá nhỏ, chưa nhận thức hết được những khía cạnh khác nhau trong con người của Khá Bảnh. Nhiều chương trình đang phát trên tivi hoặc mạng xã hội TikTok có những cảnh báo đối với người xem trẻ nhưng với các clip của Khá Bảnh thì không" - ông Long nói.
Dưới góc độ tâm lý xã hội, theo thạc sĩ xã hội học Trần Nam (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM), một trong những đặc điểm của internet, mạng xã hội là khiến con người cảm thấy tự tin hơn khi họ được tương tác với những "con người ảo" khác trên đó. Cảm giác của người tham gia quá nhiều vào thế giới ảo là họ cảm nhận được sự đầy đủ các mối quan hệ trong thế giới đó - nơi không có những sự tiếp xúc trực tiếp đòi hỏi con người phải có nhiều kỹ năng và cần được rèn giũa, chọn lọc qua quá trình lâu dài.
Ông Trần Nam cho rằng điều cần lưu tâm nhiều hơn là xã hội khiến cho cá nhân bị gò bó, cô đơn, thiếu hụt môi trường tương tác thì cá nhân, nhất là thanh niên, sẽ có nhiều dấu hiệu chống đối lại những chuẩn mực của xã hội, hay họ lại đi chứng minh cho xã hội sự tồn tại mạnh mẽ của họ. Họ cần nhiều hơn những cái "van xả". Điều này giải thích cho việc nhiều bạn trẻ khi đang hụt hẫng "thần tượng" sẽ tìm đến những "ngôi sao" nổi loạn. Việc thường xuyên theo dõi để chia sẻ livestream, thậm chí nhìn thấy ở ngoài là xin chữ ký, chụp ảnh như gặp thần tượng US-Uk, K-pop thật sự đáng đặt dấu chấm hỏi.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, phân tích: Những người trẻ, đặc biệt trong độ tuổi dậy thì, chưa thể nhận biết đúng sai nên rất dễ ảnh hưởng bởi những yếu tố truyền thông, trào lưu, xu hướng... Vì thế, khi Khá Bảnh đánh rất trúng vào tâm lý giới trẻ thì việc có một bộ phận hâm mộ nhân vật này cũng là điều không quá bất thường.
Ông Nguyễn Ngọc Long nhận định không nên nghĩ những chủ đề của Khá Bảnh là nhảm nhí, vì nếu vậy truyền thông, các bậc phụ huynh sẽ bị mất cảnh giác. Phải thừa nhận đó là chủ đề con em mình quan tâm để định hướng con em mình trước những điều đó. Cũng chung suy nghĩ này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đây là một vấn đề thách thức với các nhà giáo dục và truyền thông. Điều quan trọng là làm thế nào để các bạn trẻ nhận thức được trào lưu nào là tốt, xấu? Điều gì cần ủng hộ và điều gì cần ngăn chặn?
Cơ quan quản lý đứng ngoài cuộc?
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, Khá Bảnh đang sử dụng chất liệu "xã hội đen" để thu hút mọi người. Sự tồn tại của nhân vật này kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào bên thứ ba, cụ thể là cơ quan quản lý, luật pháp xã hội cũng như quy định của các nền tảng mạng xã hội. "Facebook, Google không vô can trong trường hợp này. Những video tuyên truyền bạo lực như của IS thường xuất hiện trên các trang mạng xã hội và sau này các nền tảng này tìm mọi cách ngăn chặn không cho các tổ chức trên sử dụng mạng xã hội của họ để tuyên truyền những điều đi ngược lại đạo đức con người cũng như số đông. Các cơ quan quản lý không thể đứng ngoài cuộc" - ông Long nhấn mạnh.
Lan Anh - Quang Liêm
Theo nld.com.vn
Trụ trì chùa Ba Vàng vẫn khẳng định oan gia trái chủ có thật Bỏ qua hàng loạt văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ VHTTDL, trụ trì chùa Ba Vàng cho rằng, chùa đang bị "ganh ghét, đố kỵ". Trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi livestream trực tiếp trên trang cá nhân Chùa Ba Vàng để nói rõ về việc gần đây, báo chí...