Lính Trung Quốc đồn trú ở Hong Kong diễn tập bắn tỉa
Truyền thông quân đội Trung Quốc công bố video lính bắn tỉa thuộc lực lượng đồn trú tại Hong Kong diễn tập, trước khi luật an ninh được thông qua.
Video dài hai phút được PLA Daily, cơ quan ngôn luận Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc, đăng hôm 28/6 trên mạng xã hội Weibo, quay cảnh lính bắn tỉa thuộc lực lượng đồn trú ở Hong Kong diễn tập “gần đây” tại một địa điểm không được tiết lộ.
Các binh sĩ PLA tập bắn mục tiêu cố định và di chuyển với các loại súng trường bắn tỉa khác nhau. Xạ thủ còn khai hỏa trên các bề mặt cố định hoặc di chuyển, như tấm ván được treo trên dây thừng. Một sĩ quan chỉ huy cho biết buổi tập nhằm chuẩn bị cho tình huống “thực chiến” của các xạ thủ.
Video được đăng hai ngày trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Đạo luật được Chủ tịch Tập Cận Bình ký phê chuẩn hôm nay, có hiệu lực từ 1/7, cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để đe dọa an ninh quốc gia. Người vi phạm luật có thể lĩnh án tối đa là tù chung thân.
Lính bắn tỉa thuộc lực lượng đồn trú tại Hong Kong của quân đội Trung Quốc diễn tập. Video: PLA Daily.
Antony Wong Dong, chuyên gia quân sự tại đặc khu hành chính Macau, nhận định thời điểm công bố video đã được tính toán và là “lời cảnh báo rõ ràng với những người ly khai” ở Hong Kong lẫn Đài Loan.
“Đây cũng có thể là dấu hiệu PLA đang thay đổi chiến thuật. Hong Kong là khu vực đông dân. Việc sử dụng đội đặc nhiệm hoặc lính bắn tỉa có hiệu quả hơn triển khai cả một tiểu đoàn, đặc biệt trong cuộc đột kích tiêu diệt mục tiêu hoặc đánh phủ đầu”, Wong Dong nói.
Wong cho rằng rất khó có khả năng lực lượng đồn trú tại Hong Kong được điều động, song PLA tin rằng cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Wong nói giới chức Hong Kong gần đây đã cảnh báo về gia tăng khủng bố tại thành phố.
Thư ký phụ trách an ninh Hong Kong John Lee Ka-chiu hồi đầu tháng 6 nói ít nhất 7 nhóm cực đoan bị nghi liên quan đến chất nổ và vũ khí có thể bị truy tố theo luật chống khủng bố của đặc khu. Cảnh sát Hong Kong cho biết đặc khu ghi nhận 18 vụ án liên quan đến chất nổ và vũ khí trong năm 2019, trong đó 76 người bị bắt.
Cảnh sát Hong Kong hồi tháng 3 đột kích 22 địa điểm và bắt 17 người, tịch thu 2,6 tấn chất nổ được cho liên quan đến âm mưu đánh bom ba công trình công cộng, trong đó có nhà ga La Hồ ở quận Bắc, khu Tân Giới và trạm kiểm soát nhập cảnh Vịnh Thâm Quyến.
Hui Ching, chuyên gia Trung Quốc thuộc Viện Trí Minh Hong Kong, thì cho rằng không nên “suy diễn quá mức” về video quay lính bắn tỉa thuộc lực lượng đồn trú Hong Kong của quân đội Trung Quốc diễn tập.
“Thông điệp trong video có thể là PLA muốn thể hiện khả năng huấn luyện các xạ thủ bắn tỉa tinh nhuệ và chế tạo súng trường bắn tỉa chất lượng. Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho cải tổ quân đội trong thập kỷ qua”, Hiu nói.
“Huấn luyện lính bắn tỉa cho tác chiến đô thị là rất cần thiết cho những thành phố lớn như Hong Kong. Dù lực lượng đồn trú tại Hong Kong của PLA không chịu trách nhiệm đảm bảo luật pháp và trật tự trong thành phố, họ vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng hành động bất cứ khi nào”, Hiu nhận định.
PLA triển khai lực lượng đồn trú tại Hong Kong sau khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Lực lượng này gồm khoảng 6.000 binh sĩ thuộc ba quân chủng hải lục không quân, do Chiến khu phía Nam của PLA quản lý.
Nhật - Hàn khó soán 'ngai vàng tài chính' từ Hong Kong
Nhật và Hàn Quốc nỗ lực thu hút các công ty rời Hong Kong vì lo ngại luật an ninh, nhưng môi trường kinh doanh của họ còn nhiều hạn chế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 28/6 dự kiến bắt đầu phiên họp ba ngày để thảo luận thêm về luật an ninh Hong Kong, đạo luật nhắm tới các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với thế lực nước ngoài, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Cuối tháng trước, quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết xây dựng luật này.
Các chi tiết của luật an ninh mới với Hong Kong, cũng như những hành vi cấu thành tội danh, vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, kế hoạch của Bắc Kinh vẫn gây lo ngại rằng quyền tự chủ và tự do của Hong Kong, yếu tố chủ chốt biến đặc khu thành trung tâm tài chính toàn cầu, sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Nhiều công ty nước ngoài đang xem xét kế hoạch rút lui trong trường hợp luật an ninh Hong Kong khiến luồng thông tin tự do tại thành phố bị hạn chế, hoặc ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhân lực của họ. Thêm vào đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động quá trình tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong, chính sách giúp đặc khu nhận được nhiều ưu đãi quan trọng, có nguy cơ khiến Hong Kong mất vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Giữa lúc đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có những động thái dường như nhắm tới "ngai vàng" trong lĩnh vực tài chính của Hong Kong. Thủ tướng Abe Shinzo gần đây tuyên bố Nhật có thể tiếp nhận những cư dân Hong Kong làm việc trong ngành tài chính. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cũng kêu gọi chính phủ Nhật "tận dụng lợi thế là một môi trường kinh doanh an toàn, được nền dân chủ vững chắc và thượng tôn pháp luật hỗ trợ".
Khung cảnh thủ đô Tokyo, Nhật Bản, hồi tháng 8/2018. Ảnh: Reuters.
Theo bình luận viên Gavin Blair của SCMP, Nhật Bản lâu nay nung nấu khát vọng đưa đất nước trở lại những ngày huy hoàng cuối những năm 1980, khi thị trường chứng khoán của họ chiếm 1/3 vốn hóa của thế giới.
Hồi năm 2017, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike khởi động dự án "Tokyo - Thành phố Tài chính Toàn cầu", với việc xây dựng những trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện tốc độ xử lý đơn xin giấy phép kinh doanh, chấp nhận tài liệu bằng tiếng Anh, nhằm mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 40-50 công ty tài chính nước ngoài vào Tokyo. Tính đến năm ngoái, họ đã thuyết phục được ít nhất 33 công ty, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Năm nay, chúng tôi thiết lập một chương trình mới, đặc biệt hướng tới các công ty từ châu Á. Tuy nhiên, do Covid-19, những hoạt động đó không khả thi. Chúng tôi đang nghiên cứu cách phân bổ lại nguồn ngân sách đó", phát ngôn viên Chính quyền Đô thị Tokyo (TMG) cho hay.
TMG đã tham gia thảo luận với Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), Bộ Ngoại giao, cùng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, về phương án tận dụng sự hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp Hong Kong. Tuy nhiên, ít người coi Tokyo là điểm đến tiềm năng nếu các doanh nghiệp rời Hong Kong.
"Câu trả lời đơn giản là không. Nếu Nhật Bản muốn trở nên thu hút hơn, họ phải thay đổi đáng kể về chính sách thuế và quản lý", Tony Moore, chủ tịch công ty tuyển dụng BMES ở Tokyo, nêu ý kiến.
Moore chỉ ra rằng mức thuế thặng dư vốn ở Nhật Bản là 17%, trong khi con số này ở Singapore bằng không. Thuế doanh nghiệp của Nhật Bản, ngay cả sau khi được cắt giảm, vẫn ở mức khoảng 30%, cao hơn nhiều so với mức 17% tại Singapore. Moore nói thêm rằng khá nhiều công ty còn tức giận với những rào cản từ FSA.
Tokyo sở hữu một số lợi thế, ít nhất trong ngắn hạn. "Một thành viên cấp cao tại một trong 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới từng nói với tôi rằng dòng giao dịch trong khu vực sẽ chỉ đổ vào Nhật Bản trong vài tháng tới. Singapore vẫn vướng một số hạn chế do Covid-19, còn Hong Kong bị coi là bất ổn. Trong khi đó, Nhật xử lý đại dịch khá tốt", Moore cho hay.
Tuy nhiên, về lâu dài, Singapore và Hong Kong được cho là sẽ tiếp tục cạnh tranh vị trí trung tâm tài chính châu Á. David Rosa, giám đốc điều hành của Neat, công ty công nghệ tài chính trụ sở ở Hong Kong, cho rằng viễn cảnh doanh nghiệp rút lui ồ ạt khỏi Hong Kong không có khả năng xảy ra. Ngay cả khi điều này xảy ra, Singapore vẫn là bên hưởng lợi nhiều nhất.
"Vấn đề là bạn có muốn làm ăn với Trung Quốc không? Nếu có, tại sao phải quay lưng với Hong Kong? Ở đó, ít nhất bạn sẽ có hợp đồng bằng tiếng Anh", Rosa giải thích.
"Tokyo không kết nối tốt với khu vực. Quãng đường từ sân bay Narita vào nội thành quá xa. Nhật Bản là thị trường lớn, nhưng đó là hành tinh riêng của họ. Trong khi đó, thủ tục hành chính và việc di chuyển từ sân bay ở Singapore hiệu quả hơn nhiều. Tiếng Anh còn là ngôn ngữ chính thức của họ, thậm chí tốt hơn Hong Kong", doanh nhân nói thêm.
Một doanh nhân giấu tên tại một ngân hàng đầu tư toàn cầu ở Tokyo cũng đánh giá Singapore sẽ là lựa chọn đầu tiên cho bất cứ công ty tài chính lớn nào chuyển khỏi Hong Kong, nói thêm rằng lý do chính là thuế thấp. Trong khi đó, các mức thuế ở Nhật Bản không được cắt giảm đáng kể. Vấn đề này cũng không nằm trong những đề xuất mới của chính phủ.
"Nhật Bản có quyền tự do báo chí đầy đủ, sự bảo vệ của hiến pháp và nền dân chủ hoạt động trơn tru, nhưng các công ty trong lĩnh vực tài chính không quan tâm nhiều tới những thứ đó", doanh nhân giấu tên cho hay.
Hàn Quốc lâu nay cũng "nuôi mộng" trở thành trung tâm tài chính khu vực Đông Bắc Á, đủ sức cạnh tranh với Hong Kong, Singapore và Nhật Bản. Gần đây, họ kêu gọi cải cách quản lý nhằm thúc đẩy đổi mới khu vực tư nhân, cơ sở hạ tầng sao cho đáp ứng "tiêu chuẩn toàn cầu", đồng thời hỗ trợ hành chính cho các trung tâm tài chính non trẻ, như quận Yeoido ở Seoul và Moonhyun ở Busan.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.
Tuy nhiên, hàng loạt nỗ lực của Hàn Quốc, bao gồm những chiến dịch thu hút các nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2009, không giúp gia tăng số lượng công ty tài chính nước ngoài tại đây.
Giới chuyên gia cho biết một trung tâm tài chính cần sở hữu khả năng chuyển đổi tiền tệ, thuế thấp, các chính sách hỗ trợ của chính quyền và môi trường toàn cầu để thu hút nhân tài. Mặc dù có thể cung cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, Hàn Quốc lại xuất hiện nhiều rào cản trong những vấn đề này.
Các trở ngại bao gồm thủ tục hành chính phức tạp, quy định thiếu minh bạch, thiếu các chuyên gia tài chính biết tiếng Anh. Thị trường lao động tương đối không linh hoạt cũng khiến việc tuyển dụng và sa thải trở nên khó khăn.
Hank Morris, chuyên gia quản lý tài sản và chứng khoán lâu năm, cho biết ông không thấy bất cứ chính sách hay ưu đãi đáng kể nào, như giảm thuế, đủ khả năng lôi kéo các công ty tài chính nước ngoài đến Hàn Quốc. "Đối với họ, điều quan trọng nhất có lẽ là quyết định của chính phủ Hàn Quốc trong việc chuyển đổi hoàn toàn đồng won", ông nhận định.
Vấn đề lớn khác tại Hàn Quốc là các yêu cầu báo cáo quản lý vô cùng phức tạp và tốn kém. "Một nhà quản lý tài sản từng nói với tôi rằng tại Hàn Quốc, công ty của ông ấy quản lý khoảng 4 tỷ USD và bị yêu cầu nộp khoảng 4.000 báo cáo mỗi năm. Trong khi đó tại Nhật Bản, công ty của ông ấy quản lý khoảng 40 tỷ USD và chỉ phải nộp 1.000 báo cáo", Morris cho biết.
"Theo tôi, thay vì chuyển tới Hàn Quốc, các công ty tài chính nước ngoài, trong một số trường hợp, muốn bán doanh nghiệp và rời khỏi thị trường này", Morris nói. "Do việc hoạt động tại Hàn Quốc khá khó khăn và tốn kém, tôi nghĩ các công ty tài chính nước ngoài ở Hong Kong rất ít khả năng hướng đến Hàn Quốc nếu rút khỏi đặc khu".
Một quản lý tài chính kỳ cựu giấu tên ở Hong Kong cũng hoài nghi về sức hấp dẫn của Hàn Quốc với các công ty nước ngoài. "Suốt 17 năm qua, Hàn Quốc nhiều lần tuyên bố phát triển các trung tâm tài chính, nhưng nói một cách thẳng thắn thì việc này giống như xây các lâu đài trên không", người này nhận xét.
"Ba yếu tố hàng đầu với doanh nghiệp khi cân nhắc chuyển vị trí là lợi nhuận, các quy định và thuế. Hàn Quốc không sở hữu được bất kỳ yếu tố nào", ông cho hay, nói thêm rằng việc thành lập công ty ở Singapore và Hong Kong "rất dễ dàng và nhanh chóng", với những quan chức dày dạn kinh nghiệm sẵn lòng hỗ trợ.
Hàn Quốc có ngành công nghiệp sản xuất rất vững chắc. Tuy nhiên, cố phiếu, trái phiếu, thị trường mua bán và sáp nhập của họ bị đánh giá không đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua. Nhà quản lý giấu tên giải thích rằng do khả năng chuyển đổi hạn chế của đồng won, dòng vốn tự do ra vào Hàn Quốc cũng khá hạn chế. Đây là trở ngại đáng kể với các doanh nhân.
"Các nhà đầu tư thông minh sẽ đến bất cứ đâu có tiền, dù thế nào đi nữa. Trung Quốc là thị trường khổng lồ và vẫn phát triển. Ngược lại, Hàn Quốc chỉ là thị trường nhỏ và bế tắc trong tăng trưởng. Đó là lý do những nỗ lực của chính phủ nhằm phát triển ngành tài chính đến nay vẫn chưa tiến bộ rõ rệt", Kwon Young-soo, quan chức thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, thừa nhận.
Trung Quốc chỉ trích 'một số nước' can thiệp Hong Kong Ngoại trưởng Vương Nghị cáo buộc "một số nước" lấy vấn đề nhân quyền làm cớ can thiệp vào Hong Kong nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. "Một số quốc gia và thế lực công kích, bôi nhọ Trung Quốc về Hong Kong, vốn là vấn đề nội bộ của chúng tôi, bằng cái cớ nhân quyền", Ngoại trưởng Trung...