Lính Trung Quốc châm ngòi trận hải chiến Hoàng Sa 1974
Khi lính Việt Nam Cộng hòa lên các đảo cắm cờ khẳng định chủ quyền, lính Trung Quốc đã nổ súng, bắn chết một thiếu úy và một trung sĩ, châm ngòi trận đấu pháo ác liệt, nhân chứng Trần Dục kể.
Quãng thời gian 40 năm sau trận hải chiến khiến cựu thượng sĩ Trần Dục (74 tuổi, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), quản trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) Việt Nam Cộng hòa, không còn nhớ rõ khuôn mặt đồng đội, nhưng ký ức về giây phút sinh tử bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vẫn hiển hiện.
Đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn ra khoảng trống trước mặt, cựu binh già kể, ngày 16/1/1974, tàu HQ4 đang làm nhiệm vụ tuần tiễn dọc bờ biển từ Bình Định – Quảng Trị thì được lệnh ra Hoàng Sa. Khi nhận lệnh, giống hơn 160 binh sĩ trên tàu, ông không hay biết việc tàu chiến Trung Quốc đã đến sát đảo.
Ông Trần Dục với những kỷ niệm về Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông
Điều ông Dục “không biết” đó là động thái gây hấn của Trung Quốc vào ngày 15/1/1974, khi lên án chính quyền Việt Nam Cộng hòa “xâm lấn đất đai của Trung Quốc” và tuyên bố các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của họ. Cùng với động thái này là việc đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh…, bất chấp sự kịch liệt phản đối từ phía Việt Nam Cộng hòa.
Ghé bờ biển Đà Nẵng tiếp nhiên liệu, vũ khí và lương thực, HQ4 do hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy vượt sóng ra Hoàng Sa. Lúc này, 6 tàu quân sự Trung Quốc đang chạy lòng vòng phía ngoài, trong đó có hai tàu chiến giả dạng dân sự.
Khu trục HQ4 nhanh chóng phối hợp với tuần dương hạm HQ16 có mặt ở Hoàng Sa từ trước để xua đuổi tàu chiến Trung Quốc. “Suốt đêm 17/1, anh em hầu như không ngủ mà thường xuyên di chuyển tàu quanh đảo, đề phòng đối phương gây hấn”, ông Dục nhớ lại.
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) nơi ông Trần Dục từng trải qua chức vụ thượng sĩ – quản trưởng.
Ngày 18/1, phía Việt Nam Cộng hòa được tăng cường thêm hai tàu. Sĩ quan HQ4 bắc loa yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Hoàng Sa bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung (thông qua những binh sĩ người Việt gốc Hoa).
“Tàu Trung Quốc không chịu rút mà ngang ngược nói rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Trung tá San lệnh cho tàu chúng tôi tông thẳng vào tàu 407 củaTrung Quốc chắn ngang phía trước, khiến tàu này bị bể buồng lái, chao đảo. Hai tàu của đối phương phải rút về đảo Duy Mộng và Quang Hòa”, ông Dục tiếp lời.
Sáng 19/1, người nhái Việt Nam Cộng hòa cùng lính biệt hải nhận lệnh lên các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, Kim Tiền hạ cờ Trung Quốc, phá những ngôi mộ giả họ ngụy tạo trước đó để cắm cờ Việt Nam Cộng hòa. Đúng lúc này, ông Dục kể, mấy loạt đạn vang lên, hai binh sĩ gồm một thiếu úy và một trung sĩ, đổ gục xuống.
Video đang HOT
“Ngang nhiên chiếm đảo trái phép, họ còn nổ súng trước. Hơn 10h, pháo trên tàu của hai phía đồng loạt nã đạn vào nhau. Cách nhau chừng 100m nên cả hai bên đều trúng đạn”, ông Dục nói. Theo nhân chứng này, vũ khí phía Trung Quốc được trang bị tối tân hơn, trong khi các tàu của Việt Nam Cộng hòa chỉ có hai khẩu đại bác 76 ly, một đại bác 20 ly và tiểu liên M16.
HQ4 thủng lỗ chỗ. Binh lính vừa lo chiến đấu, vừa thay phiên nhau tát nước tránh chìm tàu, dùng nệm vá tạm những lỗ hổng trên thân để nước không tràn vào, lấy đà chống để tàu không mất thăng bằng. “Hỏa lực của chúng tôi hầu như không phát huy được tác dụng, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nói thật là hải quân lúc đó chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực địa”, ông Dục nhận xét thêm.
15 phút giao tranh quyết liệt, HQ10 bốc cháy rồi chìm dần. Các tàu còn lại cũng trúng đạn, nhận lệnh tạm thời rút khi hơn 70 binh sĩ đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương nặng.
“Giáp mặt với tàu Trung Quốc ai cũng cầm chắc cái chết. Anh em muốn ở lại tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, song buộc phải tuân lệnh cấp trên. Cứ nghĩ lui ra vòng ngoài sẽ được chi viện quay lại phản công, nhưng sau đó Trung Quốc rầm rộ kéo tàu chiến đến, còn tàu chúng tôi được lệnh về lại Đà Nẵng”, ông Dục tỏ vẻ tiếc nuối.
Là lính công binh làm nhiệm vụ lấy mẫu đất từ Hoàng Sa về khảo sát, cựu binh Nguyễn Văn Cúc (62 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đứng trên đảo Hoàng Sa, lòng như lửa đốt, dõi theo chiến hạm Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc trong trận đấu. Tiếng đạn pháo chát chúa, khói bốc cao vào trưa 19/1/1974 khiến hơn 20 người ở đảo đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Văn Cúc hồi kể những câu chuyện về Hoàng Sa – nơi ông đã đặt chân đến ít nhất 3 lần. Ảnh:Nguyễn Đông
Khi những chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa rút khỏi khu vực đụng độ, lính Trung Quốc tràn lên chiếm đảo Hoàng Sa. Từng người lần lượt bị lính Trung Quốc uy hiếp, bắt đưa lên tàu về đảo Hải Nam. Theo lời ông, ngoài những sĩ quan bị biệt giam, quân y và lính công binh được sinh hoạt chung với nhau, ăn uống đầy đủ.
“Họ cũng không tra khảo gì, nhưng cố giải thích một điều phi lý rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Còn chúng tôi vẫn một mực khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà quần đảo thiêng này đã là địa danh ghi trong sử sách và là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam”, ông Cúc nhớ lại.
Khoảng một tháng sau trận hải chiến, những tù binh Việt Nam Cộng hòa được đưa về Bắc Kinh để trao trả cho chính quyền Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), binh sĩ chiến đấu ở Hoàng Sa hồi hương mưu sinh.
Bây giờ, ông Dục, ông Cúc cũng như nhiều binh sĩ năm xưa không còn đủ sức để ra Hoàng Sa. “Nhưng chúng tôi luôn nung nấu hy vọng đến đời con, đời cháu mình sẽ được đặt chân lên hòn đảo mà đời cha ông đã chiếm giữ, khẳng định chủ quyền lãnh thổ”, ông Dục bồi hồi.
“Những người lính đã bỏ mạng trong trận hải chiến Hoàng Sa, dù rằng họ ở một chiến tuyến khác, nhưng khi ngã xuống đều trong tâm thế chiến đấu, hy sinh để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Họ cũng xứng đáng được ghi danh hoặc tưởng thưởng”, ông Dục nêu mong muốn.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa
Chỉ một tuần sau chuyến công du của Ngoại trưởng Henry Kissinger, thấy rõ ý định "bỏ rơi" của Mỹ cũng như các điều kiện bất lợi với Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã điều chiến hạm ra cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
40 năm trước, ngày 19/1/1974, một biến cố trọng đại trong lịch sử Việt Nam hiện đại đã diễn ra - hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc. Sau trận chiến, quần đảo Hoàng Sa - một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ.
Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo), đã có bài viết tái hiện những sự kiện chính diễn ra trước, trong và sau trận hải chiến:
Suốt nhiều thế kỷ, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hòa bình và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào. Từ thế kỷ XVII, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chủ quyền với hai quần đảo này và luôn bảo vệ các quyền, danh nghĩa của mình trước mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam với hai quần đảo thiêng liêng của mình.
Đầu thế kỷ XX, nhận thấy vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, một số quốc gia (điển hình là Trung Quốc) đã xâm chiếm bất hợp pháp các vùng lãnh thổ này của Việt Nam.
Trung Quốc luôn coi biển Đông, đặc biệt là các quần đảo của Việt Nam là bàn đạp quan trọng để thực hiện chiến lược bành trướng xuống Đông Nam Á. Vì vậy, giới cầm quyền Trung Quốc từ Trung Hoa Dân Quốc cho đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.
Lợi dụng tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng đồng minh và việc giải giáp quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945, Trung Hoa Dân Quốc đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc rút quân khỏi Hoàng Sa, và Nhật rút quân khỏi quần đảo này theo Hòa ước San Fransisco 1951. Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được ký kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 21/1/1956 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng đảo Phú Lâm và Lin Côn.
Năm 1974, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Thời cơ này xuất phát từ tình hình, bối cảnh quốc tế và trong nước.
Đầu thập niên 1970, phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên thế giới khiến Mỹ ngày càng xa lánh Việt Nam Cộng hòa; đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh phải rút quân khỏi Việt Nam. Do không muốn tham gia vào một cuộc chiến đã bước vào hồi kết, tháng 6/1973 Lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật "Case-Church" cấm cơ quan hành pháp nước này tái can thiệp quân sự vào ba nước Đông Dương trừ khi được chấp thuận của Lưỡng viện.
Ngoài ra, Mỹ được cho là có một "toan tính" sâu xa hơn khi không can dự vào trận Hải chiến 1974 vì khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Việc Washington "làm ngơ" cho Bắc Kinh ngang nhiên chiếm Hoàng Sa sẽ tạo thù địch giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến chia rẽ giữa các nước cộng sản. Khi người "bảo trợ" đã ra đi, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rơi vào tình thế đơn độc và bất lợi trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Cuộc đụng độ biên giới năm 1969 mang lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) niềm tin rằng họ có thể chống trả Hồng quân Liên Xô. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến đối ngoại mới bằng cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Mỹ, cao trào là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972. Sau chuyến công du đó, Trung Quốc trở thành "đồng minh giai đoạn" của Mỹ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Mỹ không muốn quan hệ chiến lược này bị rạn nứt vì vụ Hoàng Sa. Việc lựa chọn giữa "đồng minh cũ" hay "người bạn mới" trong "thời kỳ trăng mật" này không phải là sự lựa chọn khó khăn đối với Mỹ.
Ngoại trưởng Kissinger trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh tư liệu
Thực tế, trong trận Hải chiến Hoàng Sa chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhiều lần thông báo tình hình với Đại sứ quán Mỹ nhưng Washington đã không có động thái hỗ trợ nào.
Trên vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Hoàng Sa (Việt Nam) thời điểm đó có mặt Hải đoàn 77 (Task Force 77) của Hải quân Mỹ gồm các hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ. Hải đoàn này đủ khả năng kiểm soát không và hải phận, cũng như hoạt động của các tàu ngầm trong vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Cũng thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa mới chỉ là quan sát viên mà chưa phải thành viên của Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Vị thế quốc tế của Trung Quốc khiến nước này tự tin rằng, Việt Nam Cộng hòa không có đủ tư cách sử dụng các cơ chế để tự vệ và bảo vệ Hoàng Sa theo các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ngày 30/1/1974, Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông đã báo cáo về Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ ở các nước liên quan về những tính toán của Trung Quốc trong việc thôn tính quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cơ quan này nhận định, Trung Quốc đã có ý đồ đánh chiếm Hoàng Sa từ trước.
Theo phân tích của lãnh sự quán Mỹ, quyết định đánh chiếm Hoàng Sa phụ thuộc vào một số yếu tố như tiềm năng về dầu khí tại khu vực, lo ngại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa cũng như lợi ích chiến lược về lâu dài của quần đảo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lo sợ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bằng việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã tránh tình huống nguy hiểm hơn nhiều sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa. Điều này đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến hành sau khi đất nước thống nhất.
Theo nhận định trong các hồ sơ ngoại giao được giải mật, nỗi lo sợ ngày càng lớn của Trung Quốc trước hoạt động của hải quân Liên Xô tại biển Đông và các vùng biển khác ở châu Á có thể là yếu tố dẫn đến quyết định của Trung Quốc. Đây là thời kỳ đỉnh điểm rạn nứt quan hệ Xô - Trung liên quan đến tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới hai nước, cũng như các vấn đề Nam Phi, Trung Đông và Đông Dương.
Trong lúc nhiều yếu tố bên ngoài nghiêng về hướng có lợi cho một cuộc chiến chớp nhoáng của Trung Quốc thì bối cảnh trong nước cũng hết sức bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa khi Lưỡng viện Mỹ giảm dần viện trợ từ 1,4 tỷ USD năm 1972 xuống 1 tỷ USD năm 1973 và 700 triệu USD vào năm 1974. Quân đội Việt Nam Cộng hòa dần rơi vào thế thụ động vì thiếu nhiên liệu, vũ khí. Bất lợi hơn là ý định "bỏ rơi" miền Nam Việt Nam của Mỹ. Tình trạng phân chia Bắc - Nam cũng là một trở ngại cho phía Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến 1974.
Lợi dụng bối cảnh đó, Trung Quốc đã không e ngại khi điều động chiến hạm đến cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Nguyễn Hùng Cường
Theo VNE
Hoàng Sa: VN cần hành động để thế giới hiểu Việt Nam cần phải có những hành động, hoặc ủng hộ hoặc tự mình làm, để chứng minh cho thế giới biết là Việt Nam đấu tranh để bảo vệ an ninh và luật pháp quốc tế. LTS: Ngày 11.1.1914, nhân kỷ niệm 40 năm Hải Quân Trung Quốc cưỡng chiếm phần còn lại của Hoàng Sa từ tay Hải Quân Việt Nam...