Lính Triều Tiên trở lại chốt biên phòng ở khu phi quân sự
Triều Tiên có khả năng đã triển khai binh lính trở lại một số chốt biên phòng bỏ hoang trong khu vực phi quân sự tại biên giới liên Triều.
Dẫn các nguồn thạo tin, Korea Times tiết lộ quân đội Hàn Quốc đã nhìn thấy một số lính Triều Tiên được triển khai tại các chốt biên phòng bỏ hoang, nằm trong vùng đệm giữa hai miền bán đảo, trong ngày 17/6.
Triều Tiên có khoảng 150 chốt biên phòng. Một số không còn lính canh gác hơn một năm qua theo thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự ký ngày 19/9/2018.
Giới quân sự Hàn Quốc chưa rõ phía Triều Tiên chỉ đơn thuần gia tăng quân số canh gác khu vực biên giới, hay quân đội nước này đang muốn gia tăng phòng thủ cho tiền tuyến lên mức tối đa.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã rút khỏi một số chốt biên phòng, tháo gỡ bom mìn trong khu vực phi quân sự theo thỏa thuận giảm căng thẳng ký năm 2018. Ảnh: Reuters.
Truyền thông địa phương cũng ghi nhận khoảng 100 lính Triều Tiên xuất hiện trong khu công nghiệp Kaesong. Nhóm quân được triển khai sau khi Triều Tiên cho nổ bom đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn ngày 16/6.
Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ngày 17/6 thông báo sẽ thiết lập các “chốt cảnh sát dân sự” ở DMZ trong chuỗi trừng phạt Hàn Quốc. Quân đội Triều Tiên cũng đe dọa gửi quân đến khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kumgang.
Căng thẳng liên Triều leo thang khi một nhóm hoạt động chính trị, bao gồm người Triều Tiên đào tẩu, thả bóng bay rải truyền đơn chống phá chính quyền Bình Nhưỡng ở biên giới. Phía Bình Nhưỡng xem đây là “hành động thù địch” và chỉ trích Seoul làm ngơ để các hoạt động này diễn ra tại biên giới, “phản bội” các cam kết liên Triều.
Người phát ngôn Bộ tham mưu Liên quân của Hàn Quốc (JCS) ngày 18/6 nói quân đội “đang giám sát chặt chẽ động thái quân sự của Triều Tiên” có liên quan đến những lời đe dọa vừa qua. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Hàn Quốc chưa phát hiện “bất kỳ động thái nào trực diện và rõ ràng”. JCS cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ trả giá nếu có hành động khiêu khích quân sự chống lại Hàn Quốc.
Triều Tiên công bố video văn phòng liên lạc với Hàn Quốc nổ tung
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên vừa công bố đoạn video phá hủy văn phòng liên lạc giữa 2 miền, tại khu công nghiệp Kaesong, nằm gần biên giới với Hàn Quốc.
Vì sao Triều Tiên 'rung chuông báo tử' quan hệ với Hàn Quốc?
Trong hơn một năm qua, Bình Nhưỡng cảnh báo Hàn Quốc ngày càng gay gắt rằng vai trò trung gian của họ trong quan hệ Mỹ - Triều đang không đi đến đâu.
Ngày 16/6, Triều Tiên giật sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong. Văn phòng này đóng vai trò như đại sứ quán hai nước, đồng thời cung cấp kênh liên lạc trực tiếp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Hàng chục quan chức hai nước làm việc trong tòa nhà này và quan chức Hàn Quốc tới làm việc tại đây mỗi tuần.
Văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong bị Triều Tiên giật sập hôm 16/6. Ảnh: KCNA.
Vụ giật sập đã phá hủy hai năm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn được kỳ vọng sẽ dẫn đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay ký kết hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh liên Triều 1950 - 1953. Kim Jong-un đang hành động đúng như lời cảnh báo ông đã lặp đi lặp lại rằng ông sẽ đưa mối quan hệ liên Triều sang giai đoạn mới, coi Hàn Quốc không phải là một đối tác hòa giải mà là "kẻ thù".
Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình và cảnh báo nếu Bình Nhưỡng tiếp tục làm tình hình thêm trầm trọng, họ sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.
Tuần trước, Triều Tiên cho biết họ đã bác bỏ đề xuất gần đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng. Quân đội Triều Tiên cho biết họ đang xin ông Kim chấp thuận "nối lại tất cả cuộc tập trận thường xuyên" gần biên giới biển phía tây đang tranh chấp, mặc dù đã có thỏa thuận liên Triều cấm các cuộc tập trận như vậy.
Những diễn biến giữa Bình Nhưỡng và Seoul báo hiệu rằng vòng xoáy khủng hoảng quan hệ liên Triều "không thể cứu vãn", Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông Kyungnam tại Seoul, cho biết.
"Triều Tiên đã rung chuông báo tử cho mối quan hệ với chính quyền Moon Jae-in", ông nói.
Tam giác quan hệ Kim - Moon - Trump đã có nhiều biến động trong ba năm qua. Trump - Kim từng dành phần lớn năm 2017 để đấu khẩu, khi Trump cảnh báo trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên gọi Trump là "gã lẩm cẩm loạn trí". Nỗ lực làm trung gian hòa giải của Moon Jae-in đạt được thành quả khi Trump - Kim gặp nhau tại Singapore vào năm 2018, đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai quốc gia.
Nhưng mối quan hệ giữa hai lãnh đạo trở nên tồi tệ khi cả hai ra về tay trắng sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tháng 2/2019. Ông Kim không thể thuyết phục Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt mà ông rất cần để xây dựng lại nền kinh tế. Sau thất bại đó, Triều Tiên trút sự thất vọng lên người trung gian - Moon Jae-in.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên gửi nhiều cảnh báo tới Hàn Quốc. Tháng ba năm ngoái, họ bác bỏ vai trò trung gian của Hàn Quốc, gọi chính quyền Moon Jae-in là một "người chơi chứ không phải là người phân xử khách quan" vì họ là đồng minh của Washington. Sau đó, họ rút nhân viên khỏi văn phòng liên lạc chung trong một khoảng thời gian. Hồi tháng ba, Triều Tiên nói rằng văn phòng Tổng thống Moon Jae-in "có lối suy nghĩ khờ dại".
Đằng sau những lời chì chiết của Triều Tiên với Hàn Quốc là sự thất vọng của họ với chính quyền Trump. Việc phá hủy văn phòng liên lạc cũng nhằm gửi thông điệp đến cho Washington.
Lee Seong-hyon, nhà phân tích tại Viện Sejong, tổ chức nghiên cứu ở Hàn Quốc, cho biết nền kinh tế vốn yếu kém của Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn do Covid-19 làm tê liệt thương mại với nước ngoài.
"Họ phải bày tỏ sự thất vọng và bất mãn, nhưng họ sợ bị đáp trả nếu trực tiếp khiêu khích Mỹ", Lee nói. "Vì vậy, họ hành động giống như câu nói của người Triều Tiên: 'Nếu ghét người hàng xóm thì hãy đá con chó của anh ta".
Các nhà phân tích cho biết những rắc rối trong nước mà Trump đang đối mặt, gồm hệ quả kinh tế do dịch và bất ổn dân sự sau cái chết của George Floyd, giúp Triều Tiên có cơ hội vàng để khuấy động tình hình.
Bằng cách làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, một số người cho rằng ông Kim đang gây áp lực để ông Trump cung cấp cho ông ít nhất là một thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng, dưới hình thức nới lỏng các biện pháp trừng phạt, nếu Tổng thống Mỹ không muốn chính sách ngoại giao với Triều Tiên hoàn toàn tan vỡ trước cuộc bầu cử tháng 11.
Trump đã nhiều lần khoe mối quan hệ cá nhân với ông Kim là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của mình, nói rằng điều đó đã giúp ngăn chặn chiến tranh với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng gần đây kịch liệt chỉ trích việc người đào tẩu ở Hàn Quốc thả truyền đơn chống chính quyền sang Triều Tiên. Họ thể hiện nó như minh chứng cho thấy Hàn Quốc đã thất bại trong việc thực thi các thỏa thuận liên Triều. Khi ông Kim và ông Moon gặp nhau vào năm 2018, họ đã hứa sẽ chấm dứt hành vi tuyên truyền xuyên biên giới như vậy.
Đầu tháng này, Triều Tiên cắt mọi liên lạc với Hàn Quốc và cảnh báo sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn. Hôm 16/6, vài giờ trước khi phá hủy văn phòng liên lạc, quân đội Triều Tiên dọa sẽ tái triển khai quân đến khu vực gần biên giới Hàn Quốc.
Theo thỏa thuận được ký kết từ năm 2000, Triều Tiên đã rút một số đơn vị biên phòng để mở đường nối Hàn Quốc với núi Kumgang - điểm nghỉ mát ở Triều Tiên nằm trong chương trình thí điểm du lịch liên Triều - và đến Kaesong, nơi hai nước cùng vận hành một khu công nghiệp nhiều năm trước khi văn phòng liên lạc mở cửa.
Lời đe dọa của quân đội Triều Tiên báo hiệu rằng Bình Nhưỡng có thể phá hủy các cơ sở do Hàn Quốc xây dựng ở Kaesong cùng Kumgang và triển khai binh sĩ tới Khu Phi quân sự, Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong, nói . Cả hai cơ sở ở Kaesong và Kumgang đều không hoạt động nhiều năm, sau khi bị đóng cửa giữa lúc căng thẳng về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tăng cao.
"Triều Tiên đã kết luận rằng họ không còn có thể mong đợi bất cứ điều gì từ chính quyền Moon Jae-in", Cheong nói, đề cập đến việc Hàn Quốc từ chối mở lại các dự án ở Kaesong và Kumgang, vốn là nguồn tiền mặt quan trọng cho Bình Nhưỡng .
Khi cuộc bầu cử ở Mỹ ngày càng tới gần, Triều Tiên có thể chuyển các hành động khiêu khích sang hướng đe dọa Washington, như thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Sin Beom-chul, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Hàn Quốc về Chiến lược Quốc gia ở Seoul, nói.
"Gia tăng căng thẳng gia với Hàn Quốc là một phần trong chiến lược lớn hơn của Kim Jong-un nhằm gây áp lực với Mỹ", Sin nói.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc đệ đơn từ chức Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul xin từ chức, một ngày sau khi Triều Tiên giật sập Văn phòng Liên lạc chung Liên Triều ở Kaesong. Phát biểu với các phóng viên hôm nay, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim yeon-chul nói rằng ông chịu "toàn bộ trách nhiệm trong việc quan hệ liên Triều suy yếu" và ông "rất...