Linh thiêng chùa nghìn tuổi giữa lòng núi đá
Ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có một ngôi chùa nghìn năm tuổi là Chùa Hang hay còn gọi là Kim Sơn Tự, tọa lạc trong lòng ba ngọn núi lớn là Thanh Long, Bạch Hổ và Huyền Vũ.
Chùa Hang là ngôi chùa linh thiêng, một di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng bậc nhất của Thái Nguyên. Trải qua bao biến động của thời gian, di tích này đã được tu bổ, tôn tạo, trở thành quần thể di tích lịch sử, thắng cảnh văn hoá tâm linh đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên.
Chùa Hang và Âm Linh Tự
Đại đức Thích Nguyên Thanh thắp hương trong chùa Hang. Ảnh: Thanh Thuận
Từ trong truyền thuyết và lịch sử
Dừng chân ghé thăm chùa Hang, chúng tôi được Đại đức Thích Nguyên Thanh, trụ trì chùa tiếp đón nhiệt tình. Trong không gian bề thế của quần thể di tích chùa Hang mới được trùng tu, tôn tạo, mở rộng, Đại đức Thích Nguyên Thanh cho biết, di tích Chùa Hang đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích là 8,2ha. “Tâm nguyện lớn nhất của tôi khi lập dự án này là xây dựng chùa khang trang để người dân, phật tử khắp nơi tu tập, hành thiện, hoằng pháp” – Đại đức Thích Nguyên Thanh chia sẻ.
Theo chân Đại đức Thích Nguyên Thanh, chúng tôi được dẫn vào một cái hang mà theo lời giới thiệu của Đại đức chính là di tích chùa Hang cổ. Chùa có tên là Kim Sơn Tự, nhưng dân gian thường gọi nôm na là chùa Hang (bởi chùa nằm trong hang núi). Tương truyền, chùa Hang còn có tên gọi là “Tiên Lữ động”, gắn với một huyền thoại được lưu truyền trong dân gian. Tương truyền rằng, xưa kia nơi đây thường có các vị tiên xuống dạo chơi, đánh cờ và tắm ở giếng Mắt Rồng nước mát lạnh từ núi đá chảy ra. Trong đó có nàng tiên thứ Bảy, vì yêu người, mến cảnh chốn này mà đã phạm vào luật tiên giới. Nàng tiên thứ Bảy bị Ngọc Hoàng nổi giận đẩy vào hang, cấm không cho về thiên cung nữa, cho nên động trong núi mang tên “Tiên Lữ động”.
Đại đức Thích Nguyên Thanh còn cho biết thêm, Chùa Hang – Kim Sơn Tự có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI) vốn là thời kỳ rất hưng thịnh của Phật giáo. Chuyện kể rằng: Một sáng xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông chợt tỉnh sau cơn mơ dài, bèn kể lại cho hoàng hậu Nguyên Phi Ỷ Lan rằng, ngài được Đức Phật dát vàng đưa tới vùng đất đẹp Đồng Hỷ. Nguyên Phi Ỷ Lan bèn kinh lý đến đây, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn đúng như giấc mộng của vua bèn lấy hang dựng chùa thờ Phật, sắc phong cho chùa là Kim Sơn Tự (chùa núi vàng). Có lẽ, Kim Sơn Tự chính thức được ra đời từ đấy.
Còn có tương truyền, năm Nhâm Tuất 1482, thầy địa lý nổi danh Tả Ao qua vùng đất này nhìn thấy ngôi chùa Kim Sơn được thiên nhiên ban tặng nhiều vẻ đẹp tuyệt vời nên dừng lại vãn cảnh. Ông phát hiện một con suối ngầm chảy qua động về hướng Tây bèn đặt tên là Long Tuyền. Suối ngầm ấy lại có mạch phun thành ang nước to, tròn, quanh năm đầy nước mát nên đặt tên là giếng Mắt Rồng. Sách “An Nam nhất thống chí” ghi: “Núi Long Tuyền ở Đồng Hỷ rộng rãi, có thể chứa hơn 300 người, trong núi có đền thờ Phật Thích Ca và các vị Phật tổ”.
Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Núi đá Hóa Trung (Núi Nghiên) ở cách huyện lỵ Đồng Hỷ chừng 20 dặm về phía Tây Bắc, trong động có nhiều cột đá lớn, phía trước và sau đều có cửa, người ta nhân động làm chùa”.
Hiện nay, trong chùa Hang vẫn còn một số bài thơ của các danh sĩ, thi sĩ nổi tiếng được khắc lên vách đá. Vào năm Đinh Tỵ (1497), niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông, có hai danh sĩ Vũ Quỳnh và Đặng Nghiệm, khi đến chiêm bái cảnh chùa, cảm kích mà viết lên vách đá 2 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của chốn linh thiêng. Đến năm 1859, thi sĩ Cao Bá Quát cũng đã đến Thái Nguyên du ngoạn, ông cũng đã viết bài thơ khắc lên đá trong động…
Video đang HOT
Kỳ thú của tạo hóa
Chùa Hang nằm trên vùng đất bằng phẳng trong lòng 3 ngọn núi lớn là Thanh Long, Bạch Hổ và Huyền Vũ, phía trước là dòng sông Cầu uốn lượn. Chùa Hang có một kiến trúc độc đáo bậc nhất bởi lẽ chùa được dựng theo thế núi tự nhiên, không có sự can thiệp nhiều của sức người. Do đó, những kiến trúc xưa nhất vẫn còn trường tồn đến ngày nay.
Trước khi bước vào hang để tham quan chùa Hang, du khách sẽ được thấy tam quan chùa với hai câu đối cổ: “Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất/ Danh lam nhân tạo nhị vô song” (Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất/ Danh lam do con người tạo ra thì đẹp cũng không kém). Hai bên cửa đi vào động là tượng Hộ pháp ông Thiện cưỡi voi và ông Ác cưỡi hổ, tạo sự oai hùng, uy nghi trấn giữ cửa chốn linh thiêng.
Càng đi vào sâu trong hang, không gian càng rộng với vòm hang mở rộng, lô nhô chùm nhũ đá. Chính giữa là tượng Phật A di đà cao trên 3m, mình mặc cà sa, khuôn mặt nhân từ. Phía trước tượng Phật A di đà là hình Phật Tổ nhỏ hơn, đầu đội lá sen. Khói hương được thắp thường xuyên trong lòng hang khiến cho chùa Hang thêm mờ ảo, thâm u, kì bí.
Chùa Hang nổi tiếng là chốn linh thiêng, là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu không chỉ có công phát triển Phật giáo tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc, mà còn có công lớn trong phát triển Phật giáo Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hang là nơi che giấu bộ đội, vũ khí, đạn dược… Nơi đây đã từng có cả bệnh viện dã chiến được lập trong lòng hang… Với giá trị lịch sử và văn hóa, danh lam thắng cảnh, chùa Hang chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa, Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia vào ngày 26-2-1999.
Lễ Phật xong, du khách sẽ có dịp thỏa sức khám phá trong lòng hang với nhiều nhũ đá kỳ thú, nhiều ngóc ngách mà dân gian ví như đường “lên trời” và đường “xuống âm phủ” đi ngoằn ngoèo trong lòng núi đá chùa Hang. Cũng bởi thế mà người ta thường nói trong chùa Hang có trận địa bát quái. Một điều đặc biệt nữa ở đây là dẫu du khách có đi sâu vào hang cũng không thấy ngột ngạt bởi các ngách thông gió, cửa thông trước sau. Vì vậy, không khí trong chùa luôn điều hòa trong lành, ấm áp vào mùa Đông, mát mẻ vào mùa Hè. Những khối nhũ đá đẹp hình ông Bụt ốc, cột đá to hình Linh – ga, những cột đá vôi lớn như cột trụ nhà, có khối đá khiến người ta liên tưởng đến thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, cầu vồng, chó ngao… khiến du khách thích thú. Trên nhiều phiến đá vẫn còn vết tích chữ khắc từ thời Lê.
Với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của chùa Hang cùng tâm nguyện của sư trụ trì – Đại đức Thích Nguyên Thanh và toàn thể nhân dân, quần thể kiến trúc di tích chùa Hang được tôn tạo, mở rộng sẽ góp phần gìn giữ một di sản văn hóa, nâng tầm giá trị di tích, trở thành trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên và là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.
Theo bienphong.com
Ngắm cây Dã Hương gần ngàn năm tuổi, lớn nhất thế giới ở Bắc Giang
Đến Bắc Giang, du khách không nên bỏ qua điểm tham quan đặc biệt: Cây Dã Hương cổ thụ. Theo các nhà khoa học, đây là một trong hai cây Dã Hương lớn nhất thế giới.
Đến Bắc Giang du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu về những giá trị lịch sử nghệ thuật của những ngôi chùa cổ kính, được khám phá trải nghiệm với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà tự nhiên ưu đãi cho Bắc Giang... Và với những du khách đam mê nghiên cứu khoa học, thì không thể không ghé qua điểm du lịch "Cây Dã Hương ngàn năm tuổi " thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trong hai cây Dã Hương đại thụ lớn nhất thế giới.
Cây cao khoảng 36m, từ năm 1932 đã được trường Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp hạng là cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam
"Dã Hương" được hiểu là hương thơm dân dã. Mùi thơm của cây tỏa ra từ nhựa cây và hoa của cây. Mùi thơm nhẹ nhàng và lan tỏa ra rất xa nên người dân nơi đây quen gọi là cây Dã Hương.
Gốc cây rỗng, từng chứa được 13 người bên trong
Theo các nhà khoa học, cây này từng được vua Lê Cảnh Hưng phong cho là "Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương" (cây Dã hương lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larausse của Pháp và giới thiệu ảnh tại hội chợ Maseille (Pháp) năm 1932; được trường Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp hạng là cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam.
Những cành gẫy đã được các nhà khoa học quốc tế hỗ trợ bảo tồn năm 2017
Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp cây Dã Hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây Dã Hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa...).
Theo ước lượng, gốc cây Dã Hương to đến 8 người ôm, còn theo những người làm công tác nghiên cứu vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m, cây cao khoảng 36m, có đường kính trên 2,5m. Lớp vỏ cây trung bình dày 15cm, tán cây Dã Hương xòe phủ kín mái đình Tiên Lục, tạo ra một cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa Dã Hương thường nở vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ lan.
Theo người dân nơi đây, những cành gẫy đều gắn với sự chuyển biến lớn của đất nước
Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt.
Cây Dã Hương gắn với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân địa phương
Theo người dân ở đây thì mỗi cành cây gẫy là thể hiện một sự kiện báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước như: Năm 1945 cành Dã Hương lớn phía đông bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công; Năm 1954, cành phía tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Năm 1964 cành phía nam gãy gắn với sự kiện Vịnh Bắc Bộ chiến tranh mở rộng ra miền Bắc; Năm 1975 cành phía tây gãy gắn với sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Năm 2006 một cành ở đỉnh ngọn phía Nam gãy thì năm đó nước ta gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Gốc cây Dã Hương to đến 8 người ôm
Hiện nay cây Dã Hương đã được nhà nước coi là di sản quốc gia, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây "Dã đại vương" nghìn năm tuổi, được người dân nơi đây lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về một cây cổ thụ như một biểu tượng, tượng trưng cho một sức sống trường tồn của dân tộc. Cây Dã Hương được người dân trong xã gọi là "cây Dã ngàn năm", nó đã sống ở đây được gần một thiên nhiên kỷ, cũng từng trải qua bao thăng trầm của lịch sử Việt Nam nên mọi người luôn coi cây như một linh vật phù hộ cho làng từ ngàn đời nay.
Mùi thơm từ lá của cây Dã Hương xua đuổi được những loài côn trùng có hại
Qua hàng trăm năm sống với dân làng, cùng những truyền thuyết, huyền thoại và tín ngưỡng tâm linh, cây Dã Hương đã tạo ra một bầu không khí trong lành cho người dân sống xung quanh. Đến đây, ngoài việc tham quan và thỏa mãn nhu cầu tâm linh, du khách có thể thỏa mãn nhu cầu du lịch sinh thái, tìm hiểu các giá trị sinh thái và khoa học của cây đại thụ này.
Bóng cây tỏa mát một vùng rộng lớn
Ngoài tham quan và giải trí, du khách sẽ có một tinh thần thoải mái được tận hưởng hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ cây cao như một luồng không khí được điều hòa qua tán lá xanh, cao.
Theo ivivu.com
Lý Sơn đẹp thế này, không xách balo lên và đi là phí hoài cả tuổi trẻ đấy Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví là "Maldives của Việt Nam". Đến Lý Sơn bạn sẽ phải choáng ngợp vì hòn đảo này quá đẹp, đồ ăn lại ngon bổ rẻ với sự dễ thương của người dân địa phương. Chỉ cần tạo dáng là có ngay bức ảnh để đời Thanh xuân của bạn là gì? Đừng để nó quá...