Linh quy đá và những “quái hình” bí ẩn
Ông Quách Văn Diệt ở thôn Phi Long nhặt được rùa lạ bằng đá trắng với những vết đẽo gọt như vô tình, như hữu ý khiến ai nấy đều rất tò mò.
Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Diệt để tận mắt chứng kiến và ghi lại những câu chuyện ly kỳ xung quanh rùa đá.
Tình cờ hay hữu ý?
Ông Diệt cho biết đã nhặt được “thạch quy” từ cuối năm 2010, lúc đó ông lên đồi Bò Đái để phát rẫy. Trong lúc lia dao phát vào một bụi cây thì bỗng nhiên nghe tiếng đá vỡ, một mảnh đá trắng văng ra. Khi nhìn lại ông thấy con dao bị sứt mẻ không thể tiếp tục công việc. Sau đó, ông ngồi tại chỗ mài dao và chợt thấy một hòn đá nhỏ bằng bao thuốc lá có hình con rùa.
Thấy lạ, ông nhặt lên xem rồi bỏ vào túi mang về nhà để vào tủ kính cho đẹp. Lúc đó, ông không để ý kỹ những hình khắc trên mai rùa đá nên chỉ mang về chơi cho vui.
Rùa đá chỉ bé bằng bao thuốc lá
Tuy nhiên, đêm mồng 1 Tết Tân Mão, có một người khách đến đi chơi, người khách xin ông Diệt cho coi rùa rồi mới phát hiện trên mình của nó có những vết như đẽo, gọt, đồng thời rất nhiều kỳ hình cũng xuất hiện khiến cho ông Diệt mất ăn mất ngủ lo sợ. Đặc biệt, những hình ảnh này bằng mắt thường rất khó phân biệt, hình chỉ hiện rõ khi nhìn qua một tấm gương (cách mà nhiều dân săn đồ cổ địa phương hay dùng) hoặc chụp ảnh độ nét cao rồi phóng to lên.
Theo một số cụ cao niên trong vùng, phải có duyên và vận máy mới gặp được linh vật như vậy. Trong dân gian từ xưa đến nay, những vật như vậy không thường xuyên xuất hiện. Ông Diệt lại cho rằng, mình nhặt được chẳng qua là do tình cờ, bỗng dưng phát phải chứ không chủ ý đi tìm kiếm.
Kỳ hình
Chỉ có một viên đá nhưng có rất nhiều kỳ hình, nếu nhìn bằng mắt thường thì đó là một con rùa có đầu có đuôi, nhưng khi chúng tôi chụp hình thì lại nhìn thấy hình của một con vật gì đó khác con rùa.
Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi đưa máy ảnh chụp mọi góc cạnh. Từ đầu chụp xuống là hình của một người trong tư thế đang quỳ gối. Trên mai rùa phần phía trên cổ có một dấu cộng ( ) và một nhân ảnh bán thân. Trên sườn phải của rùa đá bằng mắt thường có thể thấy đó chỉ là những vết dao đẽo gọt vô tình, nhưng khi chụp hình thì những vết đẽo này hiện hình của một đàn chuột trắng, có người lại cho rằng những hình đó còn giống với một đàn cá ở dưới nước. Phía mai trái có thể nhìn các hình khắc rõ hơn, một số hình giống với nét chữ tượng hình.
Video đang HOT
Ngoài ra, phần mảnh đá bị phát vỡ ra, lại có hình của hai người đàn bà tựa đầu vào nhau, cạnh đó là hình của một người trọc đầu giống như là ông sư trong chùa. Phần đuôi lại là hình của một bãi đá, lởm chởm…
Vứt đi rồi lại gặp
Quá hoảng hốt vì những quái ảnh trên rùa đá, ông Diệt đã đem vứt ngay trong đêm mồng 1 Tết Tân Mão. Biết tin đó, anh Quách Bá Ngôn ở thôn Báy, một người hay chơi với dân “săn” đồ cổ trong huyện nói rằng, phải tìm lại rùa đá, vì vật này nằm trong bộ tứ linh là Long, Ly, Quy, Phụng, đó là sự thèm muốn của bao nhiêu người, nó sẽ mang lại điềm lành vì thế không nên vứt.
Dấu cộng và hình người trên mai rùa
Nghe theo lời anh Ngôn, hai hôm sau ông Diệt lọ mọ đi tìm lại, ông cứ nhằm hướng ném hôm trước rồi ước chừng theo đó mà đi tìm, ông vừa loay hoay được một lúc ở vườn cây keo trước nhà thì thấy chân cồm cộm, ông nhấc chân lên lại thấy rùa đá đang nằm dưới chân mình và ông mang về cất tiệt từ đó đến nay.
Theo ông Diệt thì ngay từ trong Tết đã có vài người thấy lạ đã đòi mua, nhưng ông không bán. “Con rùa nó chỉ bé bằng cái nắm tay. Bán đi làm gì, tôi để đó bỏ vào tủ làm cảnh thôi”, ông Diệt cho biết.
Theo quan niệm về Quy trong văn hóa Trung Hoa thì Quy tượng trưng cho sự trường tồn, nếu sống được 5.000 năm gọi là Thần Quy, 10.000 năm gọi là Linh Quy. Thông thường phương bắc tôn sùng Hắc Quy và có một con rắn cuộn quanh, còn ở Thanh Hóa là Bạch Quy. Nhà khảo cổ học Lê Đình Phụng giải thích rằng, rùa đá là biểu tượng văn hóa của mỗi vùng. Trong sách Kinh Dịch thì Hà đồ và Lạc thư là hai phần có nguồn gốc xuất phát từ những hình vẽ trên mai rùa. Theo quan niệm của người phương bắc thì quái hình rùa và rắn gọi là huyền vũ thường đi kèm với nhau, biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn. Tuy nhiên, về chất liệu thì mỗi cư dân, tộc người có một chất liệu sử dụng để đẽo gọt khác nhau, không phân biệt đá đen, đá trắng, đồng hay vàng… Giải thích về việc xuất hiện nhiều hình thù trên mai rùa, ông Phụng cho rằng: “Thanh Hóa là vùng giao thoa văn hóa giữa văn hóa Trung Hoa với Ấn Độ giáo, tượng trưng cho thần Vishinu. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chính xác niên đại và nguồn gốc văn hóa thì phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ các hình vẽ trên mai rùa, và có thể đây sẽ là một Linh Quy của người Việt.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Thoát chết nhờ tầm gửi cây gạo
Nói về tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo, ở Hiền Quan ai cũng biết đến một trường hợp được coi là thoát chết nhờ loài cây ăn bám này, đó là chị Ngô Thị Huyền (28 tuổi), quê ở Thanh Uyên, Tam Nông.
Thoát chết nhờ tầm gửi!
Theo kinh nghiệm chữa bệnh dân gian thì tầm gửi cây gạo là một loại thuốc quý
Nhiều người từng dùng tầm gửi cây gạo cho rằng loại cây này rất mát, giúp thanh lọc cơ thể và tốt cho sức khỏe. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đến Hiền Quan mua tầm gửi về chỉ để uống cho mát, chứ cũng không phải vì có bệnh tật. Riêng người Hiền Quan uống tầm gửi hàng ngày.
Theo ông Phan Văn Khoa, một trong những nhà có nhiều tầm gửi nhất làng Hiền Quan thì tầm gửi cây gạo có tác dụng chữa sản hậu mòn ở phụ nữ (người phụ nữ bị gầy mòn đi sau khi sinh con), ngoài ra nó còn giúp lợi tiểu, mát gan, nên rất tốt cho những người bị bệnh về thận và gan.
Nói về tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo, ở Hiền Quan ai cũng biết đến một trường hợp được coi là thoát chết nhờ loài cây ăn bám này, đó là chị Ngô Thị Huyền (28 tuổi), quê ở Thanh Uyên, Tam Nông.
Năm 2006, chị Huyền đang du học ở bên Nga thì thấy có biểu hiện chán ăn, người xanh xao và sút cân nhanh chóng. Chị Huyền phải bỏ học giữa chừng để về nước chữa bệnh.
Ông Tuấn, bố chị Huyền, đã đưa con đi chữa chạy ở nhiều bệnh viện, các bác sỹ bảo con ông bị "bệnh máu nóng". Thế nhưng, điều trị mãi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Trong khi gia đình chỉ biết trông vào mệnh trời thì ông Tuấn nghe nói ở xã Hiền Quan có loại tầm gửi cây gạo có tác dụng chữa bệnh rất tốt nên đã tìm đến và mua mấy ấm tầm gửi về cho con mình uống thử.
Từ khi con gái ông uống tầm gửi thì thấy trong người nhẹ nhõm dần. Vậy là ông lại tiếp tục về Hiền Quan lấy thuốc cho con. Một năm sau khi uống tầm gửi, chị Huyền đã tăng từ 38kg lên 61kg và khỏi hẳn bệnh.
Ông Tuấn không khẳng định chắc chắn con gái ông chỉ nhờ tầm gửi cây gạo mà khỏi bệnh, vì cùng với tầm gửi con gái ông cũng uống thêm một số cây thuốc khác như bông mã đề, râu ngô, quả dứa dại. Tuy nhiên, ông rất coi trọng tác dụng của loài cây này vì ít nhất đó cũng là một trong những loại cây cứu sống con gái mình.
Cho đến bây giờ, ông Tuấn vẫn thường xuyên về Hiền Quan mua tầm gửi để cả nhà cùng uống. Ông Tuấn cho biết thêm: "Cây tầm gửi này đúng là tốt thật. Say rượu chỉ cần uống một bát nước tầm gửi là tỉnh ngay".
Những cây gạo như thế này đã mang lại cuộc sống sung túc cho người dân Hiền Quan
Về tác dụng của tầm gửi cây gạo đối với phụ nữ trong thời kỳ sinh nở thì trên một số diễn đàn, nhiều chị em cũng chia sẻ sự hiệu nghiệm của loài cây này.
Một phụ nữ có nickname là "giangkhoi" trên diễn đàn Webtretho chia sẻ: "Tác dụng chính của nó là chữa sản hậu rất hiệu quả, tăng tiết sữa và sữa rất mát! Cái này thì mình nghiệm ra từ chính bản thân mình khi nuôi 2 thằng cu con, trộm vía là sữa mẹ về nhanh và nhiều, con bú thoải mái. Sữa mát nên các cháu cứ lên cân tằng tằng... Nếu bạn có ý định mua dùng thì nên mua loại có nhiều cành, lượng được ít nhưng tốt hơn là chỉ có lá không. Bạn đun càng lâu càng tốt (như sắc thuốc bắc ấy) nhưng lượng nước thì không hạn chế như thuốc bắc, bạn uống được bao nhiêu đun bấy nhiêu nước và có thể đun 2-3 lần. Khi để nguội, nước sẽ có váng nhưng không sao cả, xài được tất!"
Trong bài báo trả lời thư độc giả về tác dụng của tầm gửi cây gạo với tựa đề Cây tầm gửi và tác dụng chữa bệnh trên trang điện tử báo Nông nghiệp Việt Nam (ngày 3.12.2009) của GS.TS Nguyễn Lân Dũng có đoạn viết: Tầm gửi cây gạo: trong nhân dân có nhiều người cho rằng tầm gửi cây gạo có công dụng giải nhiệt, điều hòa huyết áp và tốt cho người bệnh gan, thận... nên nhiều người săn tìm mua làm thuốc... Tầm gửi cây gạo có mặt trong rất nhiều các bài thuốc nam, thuốc bắc. Công dụng: Mát gan, thải độc cho người bị thận (viêm cầu thận); chữa sỏi thận, phù thận, chức năng gan yếu; tăng thể lực cho người mệt mỏi, gây thèm ăn, dễ ngủ, tiêu phù. Cách dùng: Đun, sắc uống hằng ngày.
Cần được nghiên cứu bằng khoa học
Theo tìm hiểu của PV thì trên đây là những kinh nghiệm chữa bệnh được lưu truyền trong dân gian chứ chưa có một công trình hay tài liệu khoa học nào nói về tầm gửi cây gạo và tác dụng chữa bệnh của nó.
PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, PGĐ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh cho biết, cơ quan của ông chưa từng nghiên cứu và sử dụng loại cây này trong các bài thuốc chữa bệnh. Bản thân PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cũng chưa biết đến tài liệu khoa học nào nghiên cứu tầm gửi cây gạo.
Khi nghe PV trình bày một số tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo đã tìm hiểu qua dân gian, thì PGS.TS Nguyễn Duy Thuần nói: "Không thể phủ nhận giá trị của y học dân gian vì người ta thường nói y học dân gian là một bộ phận của y học cổ truyền. Nhưng y học dân gian chỉ là kinh nghiệm chữa bệnh của một nhóm người hay một khu vực nào đó. Nếu muốn y học sử dụng như một loại thuốc phổ biến thì cần phải có sự nghiên cứu theo quy trình khoa học cụ thể.
Theo dân gian thì loại cây này có thể có tác dụng chữa được một số bệnh. Tuy nhiên, có tác dụng hay không, chữa được bệnh gì, cách uống thế nào, liều lượng ra sao... thì cần có sự phân tích, nghiên cứu trên cơ sở khoa học mới có thể khẳng định được.
Ngoài việc xác định tác dụng của loài cây này, thì việc nghiên cứu trên cơ sở khoa học còn có mục địch đặc biệt quan trọng là để xác định độ an toàn của nó. Vì trong tự nhiên có rất nhiều cây cỏ có tác dụng làm mát cơ thể và cũng không có hại gì. Tuy nhiên, có một số loại cây được cho là có tác dụng chữa bệnh lại có thể gây tác dụng phụ mà có khi đến 20 năm sau khi uống mới có biểu hiện".
PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cũng cho biết: "Việc xác định tác dụng loài cây này là không khó. Chỉ cần một người dân ở địa phương đó cầm một mẫu (cành tầm gửi - PV) đến chính quyền địa phương đề nghị được nghiên cứu hoặc có thể đem trực tiếp tới các cơ quan y tế như các bệnh viện, các viện dược liệu... Tại đây sẽ được những người có chuyên môn như chúng tôi kiểm tra bằng phương pháp khoa học".
Do chưa có sự xác minh của khoa học về tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần khuyên người dân, đặc biệt là những người khỏe mạnh bình thường không nên lạm dụng loài cây này. Nếu có sử dụng thì cần được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Khi bị bệnh, cách tốt nhất là đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để các bác sỹ có chuyên môn kiểm tra điều trị.
Th.S - Dược sỹ Đoàn Xuân Đinh, Trưởng ban Quản lý cấp phát, Khoa Dược, Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe nói đến loài cây này. Trong tất cả tài liệu mà ông sưu tầm như: Dược điển Việt Nam IV; Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi; Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I và II, được viết bởi nhiều nhà chuyên môn đầu ngành về dược liệu thuộc Viện Dược liệu Việt Nam... đều không thấy nói về tầm gửi cây gạo cũng như tác dụng chữa bệnh của nó.
Trong thiên nhiên có nhiều loại cây có tác dụng quý hiếm mà chúng ta chưa thể biết hết. Tầm gửi cây gạo cũng có thể là một trong số đó. Nếu quả thực đây là loài cây có tác dụng chữa bệnh tốt thì điều đó vừa có ý nghĩa cho y học nước nhà vừa đem lại lợi ích cho người dân Hiền Quan.
Theo VTC
Rùa Hồ Gươm là 'cụ bà' hay 'cụ ông'? Rùa Hoàn Kiếm vừa được mang lên chữa trị rất có thể là "cụ" bà, TS Bùi Quang Tề, Viện Nuôi trồng Thủy sản, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hoàn Kiếm, nhận định. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, trong trường hợp chỉ có 1 cá thể...