Lính Mỹ bối rối khi canh mỏ dầu Syria
Trump muốn bảo vệ các mỏ dầu tại Syria, nhưng quân đội không nhận được mệnh lệnh cụ thể và không có cơ sở pháp lý để làm nhiệm vụ.
Sau khi đột ngột tuyên bố rút gần như toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi đông bắc Syria đầu tháng trước, Tổng thống Donald Trump lại đảo ngược tiến trình khi nói rằng sẽ duy trì lực lượng tại nước này nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các giếng dầu. “Chúng tôi đang bảo vệ nguồn dầu. Tôi luôn nhấn mạnh mục tiêu này”, ông phát biểu trước các sĩ quan cảnh sát tại Chicago hôm 28/10.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 27/10, Trump cũng bày tỏ mong muốn đạt thỏa thuận với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil hoặc một công ty khác của Mỹ để “khai thác dầu một cách đúng đắn và lan tỏa sự giàu có”.
Ông giải thích rằng dầu mỏ ở Syria rất có giá trị vì đây từng là nguồn thu quan trọng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc kiểm soát các mỏ dầu có thể giúp hỗ trợ dân quân người Kurd và Mỹ “cũng nên có phần của mình”. Washington sau đó điều thêm binh sĩ cùng xe tăng, xe bọc thép tới Deir Ezzzor để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn dầu ở đông bắc Syria.
Đoàn xe thiết giáp Mỹ tuần tra gần một giếng dầu tại tỉnh Hasakeh, đông bắc Syria hôm 6/11. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, khi binh sĩ Mỹ được triển khai tới khu vực Deir Ezzzor bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra quanh mỏ dầu, họ chưa nhận được mệnh lệnh cụ thể nào về các chi tiết quan trọng liên quan đến hoạt động của mình, theo một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề. Các chỉ huy Mỹ tại Syria phải vật lộn trong nỗi hoang mang bởi nhiệm vụ của họ được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau.
Không có nhiệm vụ được phê duyệt nào nêu cụ thể cách quân đội Mỹ “kiểm soát” nguồn dầu, bao gồm thời điểm tuần tra hay khi nào thì được dùng vũ lực, cũng không có quyết định về việc liệu có nên bảo vệ các mỏ dầu khác ở đông bắc Syria ngoài khu vực Deir Ezzzor, nơi họ đang hiện diện, hay không.
Theo bình luận viên Barbara Starr và Nicole Gaouette của CNN, có lẽ điều quan trọng nhất là quân đội Mỹ không biết chính xác họ phải chống lại ai tại các mỏ dầu. Thông tin về “kẻ thù” chính xác giúp họ nhận định tình huống và biết được khi nào được phép nổ súng, đồng thời giúp các nhà hoạch định quân sự ước tính số binh sĩ và phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc tuần trước, khi được hỏi liệu nhiệm vụ của quân đội Mỹ có bao gồm “ngăn chặn lực lượng Nga và Syria” tiếp cận các mỏ dầu hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết “câu trả lời ngắn gọn là có, bởi trong trường hợp đó Washington muốn đảm bảo Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) có quyền tiếp cận nguồn tài nguyên”.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ chưa có quyết định nào về vai trò trên chiến trường của quân đội Mỹ tại các mỏ dầu được đưa ra, dù đó là điều mà họ vô cùng mong mỏi, và cũng chưa có phương án xử lý nào trong trường hợp lực lượng Nga hoặc Syria tiến lại gần.
Quyết định bổ sung thêm binh sĩ và phương tiện chiến đấu tại Syria được cho là mâu thuẫn với tuyên bố ban đầu của Trump rằng ông muốn thoát khỏi các cuộc chiến “không có hồi kết” ở Trung Đông. Các quan chức an ninh và đảng Cộng hòa dường như đã khiến ông chủ Nhà Trắng đổi ý bằng cách đưa ra lý do bảo vệ nguồn dầu mỏ, thứ mà Trump luôn quan tâm.
Video đang HOT
“Các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp và nhà ngoại giao của chúng tôi không muốn rời khỏi Syria”, William Wechsler, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho biết. Ông giải thích rằng những lập luận có khả năng thuyết phục các tổng thống khác như duy trì uy tín và sự răn đe của nước Mỹ, chống khủng bố hay kiềm chế Iran, đều không có tác dụng với Trump. Lý do duy nhất phát huy hiệu quả chính là dầu mỏ.
“Dầu mỏ là điều duy nhất có sức ảnh hưởng với Trump, do đó nó trở thành cái cớ để Mỹ duy trì lực lượng tại Syria và bảo vệ các lợi ích khác”, Wechsler cho hay.Lập luận này dường như đã đạt được mục đích, nhưng lại “mở ra một loạt câu hỏi khác”, ông nói thêm.
Vị trí các mỏ và cơ sở dầu khí trọng yếu của Syria. Đồ họa: EIA.
Theo Wechsler, hiện chưa rõ cơ sở pháp lý để Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng quân sự tại Syria, đặc biệt khi chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad không đề nghị điều đó. Những câu hỏi để ngỏ khác bao gồm nhiệm vụ chính xác của họ là gì, đâu là các quy tắc can thiệp ngoài tự vệ, hay như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu trước các cảnh sát Chicago hôm 28/10, Trump không trả lời những câu hỏi đó, mà chỉ nhấn mạnh rằng Mỹ “đang bảo vệ nguồn dầu”. Tuyên bố này khiến Trump bị Tổng thống Assad mỉa mai trên truyền hình quốc gia Syria hôm 31/10 rằng “ít nhất thì ông ấy cũng thành thật”.
Chưa rõ chính phủ Mỹ sẽ dựa vào căn cứ pháp lý nào để kiểm soát hoặc hút dầu ở Syria. Giới chuyên gia cho biết Mỹ có thể áp dụng Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF), cơ sở pháp lý cho phép Mỹ chống lại IS tại Syria, để ngăn các mỏ dầu tại nước này rơi vào tay nhóm phiến quân. Tuy nhiên, trong trường hợp quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga muốn giành lại những mỏ dầu nằm trên lãnh thổ hợp pháp của họ, các chỉ huy Mỹ khó có thể ra lệnh không kích hoặc khai hỏa đáp trả dựa trên căn cứ này.
Quan chức quốc phòng giấu tên cho biết quân đội Mỹ hiện nay coi nhiệm vụ của mình tại Syria là “phòng thủ trước bất kỳ sự xâm nhập nào để tạo điều kiện cho SDF ngăn IS tiếp cận các mỏ dầu”. Bộ trưởng Esper cũng nói rằng họ sẽ giúp SDF bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ “chiếm” các mỏ dầu như Trump nói hay không, Esper đáp rằng nhiệm vụ của họ là “ngăn IS tiếp cận”.
Thêm vào đó, trong khi Trump bày tỏ mong muốn để các công ty Mỹ khai thác dầu tại Syria, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman hôm 7/11 cho biết doanh thu từ nguồn tài nguyên này “sẽ không chuyển cho Mỹ mà thuộc về SDF”.
Trong trường hợp Washington không nhận được bất cứ phần lợi nhuận nào từ dầu mỏ ở Syria, lý do chính khiến Trump duy trì hiện diện quân sự tại nước này sẽ không còn. Khi đó, quyết định giữ binh sĩ tại Syria một lần nữa không có nghĩa lý gì, bình luận viên Alex Ward của Vox đánh giá.
Theo petrotimes.vn/VNE
Cơ hội hoá thách thức cho chính quyền Assad từ quyết định rút và duy trì quân Mỹ tại Syria?
Việc Mỹ rời khỏi đông bắc Syria có thực sự mở toang cánh cửa hồi sinh cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad?
Tờ Wall Street Journal nhận định, quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút hầu hết quân đội khỏi đông bắc Syria đã tái định hình lại bối cảnh an ninh của quốc gia Trung Đông, đồng thời mở ra cánh cửa cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại những khu vực mà ông từng mất quyền kiểm soát trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Syria vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Mỹ hiện để lại binh lính canh gác các mỏ dầu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến sâu vào bắc Syria và lực lượng người Kurds tại miền đông muốn có được ít nhất một vài khu vực tự trị.
Người Kurds hiện đang viện tới sự trợ giúp của ông Assad để chống lại chiến dịch tấn công của Thổ. Điều này cho phép quân đội Syria quay trở lại và bắt đầu tái thiết lập quyền kiểm soát.
"Rõ ràng là ông ấy [Assad] có được lợi ích mà không phải trả giá hay chiến đấu gì", một nhà ngoại giao phương Tây đánh giá. "Một khi anh trao ra chìa khoá, nó đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ lại nắm hoàn toàn quyền kiểm soát".
Trong khi một số thường dân đón chào sự trở lại của quân đội chính phủ, nhiều người khác lại nghi ngại, sự tái xuất này sẽ có ý nghĩa gì đối với hàng nghìn người dân ở đông bắc đang bị truy nã vì từng phản đối chính quyền hoặc từ chối lệnh nhập ngũ bắt buộc.
Mỹ đang trao cơ hội hồi sinh cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad? (ảnh: AFP)
Mặc dù vậy, sự hiện diện của lực lượng chính phủ tại một số vùng ở đông bắc Syria đã giúp củng cố lời tuyên bố của ông Assad rằng, chính quyền của ông là chính phủ khả thi duy nhất cho đất nước. Nó cũng làm tan vỡ những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các chính phủ trong khu vực bình thường hóa quan hệ với chính quyền Assad. Hồi đầu năm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng kêu gọi các nước Arab không nối lại quan hệ với Syria. Tuy nhiên, một số nước như Bahrain và UAE đã mở lại đại sứ quán hoặc gửi phái đoàn ngoại giao tới Damascus. Theo ông Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, Đại học Oklahoma, xu thế trên gần như chắc chắn sẽ tiếp tục.
"Quyết định rút quân của Mỹ là một thắng lợi lớn cho chính phủ Syria và cho các đồng minh của họ là Nga và Iran", ông Landis phân tích.
Hôm thứ tư (30/10), trong một cập nhật trên Twitter, một chỉ huy của Bộ Quốc phòng Syria cho hay, họ đã đề nghị toàn bộ SDF - lực lượng quân sự do người Kurds dẫn đầu, gia nhập quân đội Syria.
Trong khi đó, chính quyền Trump mới đây đã công bố kế hoạch để lại một số binh lính ở miền đông Syria nhằm duy trì quyền kiểm soát của người Kurds với các mỏ dầu tại đây. Trước đó, chính phủ Syria từng trao các hợp đồng khai thác dầu cho một số công ty Nga như một động thái "có đi có lại" sau những ủng hộ của Moscow dành cho ông Assad.
Hiện vẫn còn những câu hỏi xung quanh việc Tổng thống Assad sẽ điều hành một đất nước Syria được tái xây dựng như thế nào. Lực lượng người Kurds đã kiểm soát miền đông bắc theo thể thức bán tự trị trong nhiều năm qua và họ vẫn muốn có được quyền tự quyết ở một mức độ nào đó.
Quyết định rút quân của Mỹ là một thắng lợi lớn cho chính phủ Syria và cho các đồng minh của họ là Nga và Iran.
Joshua Landis
Một quan chức Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố với truyền thông rằng, chính phủ hoan nghênh người dân ở những vùng thuộc quyền kiểm soát của người Kurds quay trở lại và tái hòa nhập với xã hội Syria. Damascus từ lâu đã cáo buộc SDF muốn li khai và đòi độc lập cho đông bắc Syria.
Phát biểu trên tivi vào tối ngày 31/10 về thỏa thuận triển khai quân đội chính phủ tới đông bắc Syria, Tổng thống Assad nhấn mạnh: "Mục tiêu tối thượng là quay trở lại tình hình trước đây - đó là nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước".
Trong khi đó, giới lãnh đạo lực lượng người Kurds khẳng định, thỏa thuận với chính quyền Assad sau khi Mỹ rút quân chỉ là một hiệp định quân sự và các thỏa thuận liên quan tới chính trị khác cần phải được thương lượng thêm. Họ cũng đề nghị Nga đảm bảo "một quá trình đối thoại tích cực" giữa chính quyền người Kurds và chính phủ Syria. Theo người Kurds, các cuộc đàm phán trước đó giữa hai bên đã bị đổ vỡ do Damascus không muốn nhượng bộ.
Một vấn đề nữa là liệu quân đội Syria có cố gắng chiếm được tỉnh tây bắc Idlib - hiện vẫn đang nằm trong tay lực lượng đối lập và các nhóm cực đoan? Hiện Idlib đang được bảo vệ theo một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ; tuy nhiên, hồi đầu tháng, Tổng thống Assad từng ghé thăm các binh lính chính phủ tại tiền tuyến. Đây được cho là một dấu hiệu về khả năng nổ ra tấn công.
Có thể nói, một trong những thách thức lớn nhất của ông Assad trong hành trình quay trở lại đông bắc Syria chính là quyết định của Tổng thống Trump duy trì quân đội Mỹ tại các mỏ dầu.
Việc giành lại quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ Syria luôn là một ưu tiên cho chính quyền Assad. Nga - đồng minh lớn nhất của Damascus đã gọi động thái của Mỹ là "trò ăn cướp quốc tế".
"Chắc chắn là tất cả những tài nguyên nằm trên lãnh thổ Cộng hòa Arab Syria không thuộc về nhóm khủng bố IS và tất nhiên là không thuộc về 'những người bảo hộ đến từ nước Mỹ', mà chúng thuộc về chính Syria", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong một thông cáo.
Còn ông Landis chỉ ra, Syria đang mắc nợ cả Moscow và Tehran. "Họ [Nga và Iran] sẽ muốn nhận lại phần của mình nhưng họ cũng cần Damascus tự đứng vững được".
Minh Đức
Theo toquoc
Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí tuần tra chung ở Syria Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ thực hiện tuần tra chung ở miền Bắc Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết về kết quả của cuộc hội đàm kéo dài 6 tiếng với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi hôm qua 22-10. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi...