Lính Mỹ bắt đầu rời sân bay Kabul, Taliban vào tiếp quản
Quân đội Mỹ bắt đầu rút bớt binh sĩ tại sân bay Kabul, trong khi Taliban thông báo tiến vào kiểm soát một số vị trí bên trong.
Quân đội Mỹ hiện còn chưa đầy 4.000 binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan, giảm đáng kể so với tổng số 5.800 binh sĩ được triển khai trong đợt cao điểm của chiến dịch di tản, một quan chức Mỹ cho biết ngày 28/8.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby sau đó xác nhận Mỹ đã bắt đầu rút binh sĩ làm nhiệm vụ ở sân bay Kabul, song từ chối công bố số binh sĩ còn lại ở đây.
Một quan chức an ninh phương Tây tại sân bay Kabul cho biết chiến dịch di tản khỏi Afghanistan đã bước vào giai đoạn cuối cùng, với hơn 1.000 dân thường đang chờ được chuyển khỏi sân bay Kabul bằng đường không. Quan chức này cho biết đám đông tụ tập ở các cổng sân bay Kabul thưa dần, sau khi Mỹ liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố khác.
Một binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tham gia đảm bảo an ninh tại sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 26/8. Ảnh: USMC .
Trong khi đó, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid thông báo lực lượng này đã tiến vào kiểm soát một số vị trí trong sân bay Hamid Karzai và sẵn sàng tiếp quản cơ sở này một cách hòa bình sau khi Mỹ rút đi.
Dù phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby bác thông tin này, một quan chức Taliban ngày 29/8 cho biết đang đợi phía Mỹ chấp thuận để toàn quyền kiểm soát sân bay Kabul. Quan chức này khẳng định Taliban có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư trình độ cao sẵn sàng tiếp quản sân bay.
Tại hiện trường, Taliban đã triển khai thêm lực lượng, phong tỏa các tuyến đường dẫn tới sân bay và ngăn người Afghanistan tới đây. Các lớp hàng rào kiểm soát mới đã được dựng lên trên các con đường, do những chiến binh Taliban mặc quân phục, đi xe thiết giáp Humvee canh giữ. Nhiều khu vực tập trung đông người ngoài sân bay Kabul giờ đây đã vãn bớt.
Video đang HOT
Taliban thông báo đã bắt một số nghi phạm liên quan đến vụ đánh bom liều chết hôm 26/8, khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, trong đó có 28 tay súng của nhóm này và 13 lính Mỹ. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), chi nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhận trách nhiệm vụ đánh bom này.
Mỹ sau đó điều máy bay không người lái (UAV) vũ trang không kích diệt hai thành viên cấp cao IS-K, trong đó có một chiến lược gia, tại tỉnh Nangahar của Afghanistan để đáp trả vụ đánh bom liều chết. Một phát ngôn viên Taliban chỉ trích vụ không kích của Mỹ, nói rằng nước này “đáng lẽ phải thông báo cho chúng tôi trước khi tấn công”.
Tay súng Taliban đứng gác tại một chốt an ninh bên ngoài sân bay Kabul ngày 28/8. Ảnh: AP .
Taliban mở chiến dịch quân sự chớp nhoáng đánh chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan trong vài tuần qua, sau khi Mỹ và đồng minh rút khỏi quốc gia Trung Á. Taliban ngày 15/8 tiến vào Kabul mà không vấp phải sự kháng cự của quân chính phủ, hoàn thành kiểm soát lãnh thổ Afghanistan.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, sân bay quốc tế Hamid Karzai luôn chìm trong hỗn loạn do dòng người ồ ạt đổ tới đây nhằm tìm kiếm cơ hội thoát khỏi Afghanistan. Chính quyền Biden nhiều lần cảnh báo đám đông tập trung ở sân bay có thể trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố.
Tương lai sân bay Kabul sau khi Mỹ rút quân
Taliban sẽ tiếp quản sân bay Kabul sau khi Mỹ rút quân theo hạn định, song khả năng cơ sở này tiếp tục hoạt động vẫn là câu hỏi lớn.
"Chúng tôi sẽ khởi hành trước ngày 31/8. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ bàn giao, về cơ bản là trả lại sân bay cho người Afghanistan", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ngày 27/8, bác bỏ đồn đoán rằng sân bay Kabul sẽ do lực lượng nước ngoài tiếp quản sau khi Mỹ rút đi.
Taliban dự kiến kiểm soát sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul ngày 1/9, sau khi quân đội Mỹ rút đi. Lực lượng này ngày 27/8 thông báo đã di chuyển vào một số khu vực quân sự của sân bay.
Chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ khi Taliban tiến vào Kabul ngày 15/8, song lực lượng này chưa thành lập chính phủ mới sau khi nắm quyền.
"Điều hành một sân bay không phải công việc đơn giản", Price cho biết. "Tôi nghĩ sân bay khó có thể hoạt động bình thường vào ngày 1/9".
Khuôn viên sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 23/8. Ảnh: Maxar .
Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 25/8 nêu khả năng sân bay Kabul phải đóng cửa tạm thời sau khi Mỹ rút lực lượng. Blinken cho biết các quốc gia trong khu vực đã có những nỗ lực rất tích cực trong xem xét khả năng duy trì hoạt động của sân bay Kabul, hoặc mở lại nó sau một thời gian đóng cửa.
Blinken nhấn mạnh số phận của sân bay Kabul đóng vai trò quan trọng với Taliban, lực lượng tuyên bố không muốn duy trì chế độ cai trị hà khắc như giai đoạn 1996-2001. Taliban mong muốn viện trợ nhân đạo của quốc tế tiếp tục tới Afghanistan qua sân bay Kabul.
Sân bay này cũng rất quan trọng với các nước phương Tây muốn di tản công dân và hàng nghìn người Afghanistan, vốn không kịp rời quốc gia Trung Á trong cuộc không vận của Mỹ trước ngày 31/8.
Cho tới nay, các thành viên NATO vẫn đóng vai trò chủ chốt trong điều hành sân bay Kabul, khi nhân viên dân sự của khối này đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát không lưu, thông tin liên lạc của sân bay. Lực lượng quân sự Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phụ trách an ninh cho sân bay.
Hạn chót để lực lượng quốc tế rút khỏi Afghanistan đang đến gần, nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng ra đảm bảo an ninh tại sân bay. Họ cũng hy vọng Taliban sẽ chấp nhận một lực lượng nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia với dân số chủ yếu theo đạo Hồi, hiện diện tại sân bay Kabul.
Thủy quân lục chiến Mỹ đứng gác tại một điểm kiểm soát di tản ở sân bay Hamid Karzai tại thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 20/8. Ảnh: USMC .
Tuy nhiên, Taliban sau khi nắm quyền nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận quân đội nước ngoài hiện diện ở Afghanistan sau ngày 31/8 và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu rút về nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Taliban vẫn tiếp tục.
Sau cuộc hội đàm đầu tiên của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Taliban tại Kabul ngày 27/8, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Taliban muốn giám sát an ninh tại sân bay Kabul, trong khi để Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách về hậu cần.
"Chúng tôi sẽ quyết định khi tình hình nhìn chung ổn định trở lại", Tổng thống Erdogan nói và cho biết vụ đánh bom liều chết ngày 26/8 ở cổng Abbey của sân bay cho thấy nhiệm vụ tại đây phức tạp thế nào.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và các đơn vị khai thác hàng không tư nhân cũng tham gia thảo luận với Taliban, trong khi Mỹ cho biết họ có thể tham gia với vai trò hỗ trợ hoạt động tại sân bay Kabul.
Việc ai tiếp quản sân bay Kabul tiếp tục là câu hỏi nhạy cảm do ngoài những lo ngại về an ninh, các quan chức Mỹ cho biết cơ sở này đang trong tình trạng tồi tệ. Họ khẳng định rằng ngoài lục quân Mỹ, rất ít cơ quan, tổ chức trên thế giới có khả năng đảm bảo vận hành sân bay Kabul trong thời gian dài.
Phát ngôn viên Price cho biết các chuyên gia Mỹ và phương Tây vừa hoàn tất đánh giá sân bay Kabul nhằm xác định xem có thể nhanh chóng nối lại các chuyến bay thương mại tại đây hay không.
Tuy nhiên, các quan chức khác dự đoán sẽ không có nhiều hãng hàng không đồng ý bay tới Kabul chừng nào Taliban chưa thể đưa ra đảm bảo thực sự về an ninh, cũng như tình trạng vận hành tốt của sân bay Hamid Karzai.
Tướng Mỹ gặp Taliban, yêu cầu không tấn công sân bay Kabul Tướng McKenzie gặp đại diện Taliban để yêu cầu nhóm này không tấn công vào sân bay Kabul, nơi đang tiến hành cuộc di tản quy mô lớn. Đại tướng Frank McKenzie, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, trong cuộc họp tại Doha ngày 15/8 cảnh báo các lãnh đạo Taliban rằng quân đội Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ để...