Lính mũ nồi xanh Việt Nam Những sứ giả hòa bình của Tổ quốc
Đúng 15 giờ ngày 30/9, chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 của Không quân Australia hạ cánh và lăn bánh vào vị trí tiếp nhận hàng hóa ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đây là chiếc máy bay sẽ đưa 63 chiến sĩ quân y của quân đội Việt Nam lên đường triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ngày 1/10/2018, chiếc C-17 cất cánh đưa họ tới đất nước Nam Sudan xa xôi.
“Trực chiến” trong màn
Cũng chỉ đúng một tuần sau khi đặt chân đến Nam Sudan, các chiến sĩ quân y Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ công tác ổn định cuộc sống, lắp đặt trang thiết bị. Buổi tối ngày 7/10, khi tiếp nhận chùm chìa khóa cổng doanh trại từ tay những quân nhân Anh, những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chính thức bước vào ca trực đầu tiên. Ca trực trong màn chống muỗi vì bệnh sốt rét ở Nam Sudan đặc biệt nguy hiểm…
Những chiến sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chuẩn bị lên đường sang Nam Sudan thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cung cấp)
Dù chỉ mới sang được vài ngày nhưng tất cả mọi phái bộ Liên Hợp Quốc đều công nhận quân đội Việt Nam có khả năng thích nghi rất nhanh. Với khí hậu châu Phi, nhiệt độ thường xuyên ở mức 50oC thì chỉ riêng việc làm quen với cái nóng cũng đủ khiến người mệt nhoài. Nước sinh hoạt không có nhiều. Vấn đề giao thông cũng khó khăn. Cả đất nước Nam Sudan có chưa tới 100km đường nhựa.
Khi vừa đặt chân đến phái bộ, các chiến sĩ còn không có chổi (vì chổi gửi theo đường biển) nhưng họ đã dùng những tấm bìa và chỉ trong vòng một đêm đã làm sạch tất cả các công-ten-nơ với tổng diện tích lên tới 10.000 m2. Vài ngày sau, chi bộ Đảng đã họp buổi đầu tiên còn các Hội Thanh niên, Hội phụ nữ cũng đều đi vào hoạt động rất sớm như thể đang ở trong nước.
Có một chuyện rất thú vị ít người biết là ngay khi vừa đặt balo xuống Nam Sudan, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã lập tức tỏa ra đi “cuốc vườn” và đánh luống trồng rau bằng những hạt rau giống mang từ Việt Nam sang.
Chỉ có mấy bữa ăn đầu tiên là được Liên Hợp Quốc cung cấp nhưng cũng chỉ sau khoảng 3 ngày, bếp ăn của Bệnh viện đã đỏ lửa, từ đó bộ đội ta bắt đầu ăn cơm Việt Nam. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại là một việc rất khó ở một địa bàn như Nam Sudan hay các nước châu Phi khác. Chính nhờ những vườn rau này mà chỉ sau một thời gian ngắn, bữa ăn của bộ đội được cải thiện đáng kể, theo đúng khẩu vị bữa ăn Việt Nam. Việc chúng ta trồng rau cũng là điều gây ra cho các sĩ quan nước ngoài ở phái bộ LHQ rất kinh ngạc. Lúc đầu họ không hiểu các “ông lính” Việt Nam làm gì nhưng khi rau lớn và được mời ăn thử thì họ thán phục: Sao mà các bạn giỏi thế, có nhiều thứ ngon thế!
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trồng rau, cải thiện bữa ăn tại Nam Sudan.
Nói về khả năng thích ứng của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kể: “Có thể ở trong nước, điều này không có dịp thể hiện nhưng sang nước ngoài, khả năng thích nghi của bộ đội Việt Nam lại trở thành một đặc điểm nổi trội. Chúng ta không bị mang hình ảnh của một đội quân viễn chinh bụi bặm, nhếch nhác, lôi thôi. Bộ Quốc phòng là người tổ chức cho những đồng chí đó đi mà cũng phải ngỡ ngàng. Nó rất đáng tự hào và cũng thú vị”.
Những sứ giả hòa bình
Video đang HOT
Có thể nói việc Việt Nam đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 đi Nam Sudan đã tạo ra một tiếng vang trong dư luận thế giới. Ấn tượng đầu tiên của phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan là những người lính Việt Nam rất thân thiện. Triển khai một Bệnh viện dã chiến cấp 2 trong một doanh trại lớn của Liên Hợp Quốc với nhân viên là những người đủ các quốc tịch khác nhau, đủ các loại bệnh khác nhau nhưng thái độ của các chiến sĩ quân y Việt Nam khiến mọi người rất hài lòng.Từ thái độ đón tiếp bệnh nhân, cho đến khi khám chữa bệnh hay khi quan hệ với các phái bộ khác đều được đánh giá rất cao. Thậm chí có những nhân viên của Liên Hợp Quốc khi điều trị khỏi bệnh đã nói rằng họ muốn được bệnh nữa để có dịp quay trở lại.
Một điểm đặc biệt và tạo ra sự khác biệt nhất của bộ đội Việt Nam ở Nam Sudan là chúng ta rất quan tâm đến những người dân nghèo của đất nước này. Một yêu cầu của Bộ Quốc phòng đề ra đối với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là phải đặc biệt quan tâm đến việc giúp đỡ trẻ em. Ở đó, các chiến sĩ quân y Việt Nam sẵn lòng khám chữa bệnh, cấp thuốc cho trẻ em, người nghèo Nam Sudan với mệnh lệnh: Trẻ em có bệnh là phải khám, có thuốc là phải cấp mà không được thu tiền.
Thuốc chữa bệnh cho người dân Nam Sudan theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc nhưng để tuân thủ quy định “không cấpthuốc cho người ngoài phái bộ” của Liên Hợp Quốc, Bệnh viện dã chiến của Việt Nam phải mang theo một cơ số thuốc riêng của mình.
Việt Nam – Hồ Chí Minh
Ở Nam Sudan, mỗi vùng đều do một lực lượng, bộ tộc hay phe phái có vũ trang chiếm cứvà “bắn nhau suốt ngày”. Khi các đoàn công tác hoặc cứu trợ của Liên Hợp Quốc phải đi qua ranh giới những khu vực đó là cả một vấn đề nan giải bởi những tay súng ở đó rất thích gây khó dễ, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Một số sĩ quan liên lạc người Việt Nam thường được tín nhiệm giao nhiệm vụ dẫn các đoàn xe của Liên Hợp Quốc đi qua các vùng này bởi mỗi khi bị chặn lại,chỉ cần sĩ quan liên lạc nói: Chúng tôi là sĩ quan Việt Nam! thì hầu hết những tay súng ở Nam Sudan đều ồ lên và nói: Việt Nam – Hồ Chí Minh. Ngay lập tức đoàn xe của Liên Hợp Quốc được đi qua rất dễ dàng, bất kể đó là phe nào.
Rút kinh nghiệm việc này, từ các chuyến công tác sau, những sĩ quan Việt Nam ngoài treo cờ thường gắn thêm dòng chữ VIỆT NAM thật to trên xe. Phù hiệu trên ngực áo cũng được thay bằng dòng chữ Việt Nam to hơn.
“Ở một đất nước xa xôi, người dân ít học và bị cô lập như thế mà vẫn biết đến Việt Nam – Hồ Chí Minh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các sĩ quan ta làm tốt nhiệm vụ chỉ vì câu “là sĩ quan Việt Nam”. Thế mới thấy chữ Việt Nam có một vốn liếng lớn đến như thế nào”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Vượt qua gian khó
Bộ đội Việt Nam cũng có nhiều sáng tạo, ví dụ như chuyện nước sinh hoạt. Thông thường, các nhân viên của phái bộ sử dụng nước đóng chai do LHQ cung cấp, kể cả nước tắm hay nước sinh hoạt cũng được cấp nhưng số lượng khá hạn chế. Nắm được tình hình này, khi triển khai Bệnh viện dã chiến chúng ta đã mang theo 3 bộ thiết bị khoan giếng. Một trong những việc đầu tiên ở Nam Sudan là khoan giếng và sau đó là sử dụng các máy lọc do Nhật, Mỹ viện trợ. Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn chúng ta đã tự chủ được nguồn nước uống và nước tắm, nước sinh hoạt, thậm chí là nước sử dụng cho y tế.
Lễ kéo cờ Việt Nam tại Nam Sudan.
Tiếp đến là chuyện đào hầm phẫu thuật. Trong danh mục của LHQ, một bệnh viện dã chiến cấp 2 buộc phải có 2 cái hầm đủ điều kiện thực hiện các ca mổ hay khám chữa bệnh trong trường hợp có chiến sự. Thông thường các nước khác phải đúc boongke bằng bê tông rồi cẩu từ nước mình sang. Cái loại boongke này thì rất hiện đại nhưng lại bất tiện. Nhưng các chiến sĩ Việt Nam lại quyết định sử dụng “đặc sản” từ thời chiến tranh chống Mỹ là… hầm chữ A. Khi sang Nam Sudan, 2 chiếc hầm chữ A này lập tức thể hiện được sự tiện lợi, thông thoáng hơn hẳn mà lại rất…Việt Nam. Tất cả những sự sáng tạo này khiến các bạn bè quốc tế cảm thấy rất lạ và thừa nhận “chỉ mỗi Việt Nam làm được như thế”.
Dự kiến đến đầu năm 2020, Việt Nam sẽ cử một đội công binh với khoảng gần 300 chiến sĩ sang một nước châu Phi. Đây là một yêu cầu rất thiết tha của LHQ đối với Việt Nam. Các hoạt động chuẩn bị cũng sẽ nặng nề hơn rất nhiều bởi quân số đông và quy mô, yêu cầu về trang thiết bị, máy móc… nhưng Bộ Quốc phòng rất quyết tâm là chúng ta sẽ triển khai được và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lê Gạch
Theo Infornet
"Bật mí" về khổ luyện tại bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng "mũ nồi xanh"
Hiện nay, các quân nhân thuộc bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang tham gia lớp huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, sẵn sàng thay quân cho bệnh viện số 1 tại Nam Sudan vào tháng 10 tới.
Cán bộ chiến sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 diễn tập các tình huống giả định trong quá trình huấn luyện - Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2) tham gia hoạt động GGHB Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập theo Quyết định ngày 13-6-2017 của Bộ Quốc phòng với biên chế 70 cán bộ, nhân viên thuộc Học viện Quân y, dự kiến triển khai thay thế bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 làm việc tại Phái bộ LHQ Nam Sudan vào tháng 10-2019. Hiện nay, các quân nhân thuộc BVDC2.2 đang tham gia lớp huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với tổng quân số 82 quân nhân (gồm cả thành phần biên chế chính thức và dự bị).
Huấn luyện thực địa thực hành tổng hợp
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết: Lực lượng BVDC2.2 là những quân nhân ưu tú, nòng cốt được lựa chọn từ Học viện quân y, Tổng cục Hậu cần, Quân khu 2, Cục GGHB Việt Nam và Cục Quân y và từng bước được kiện toàn về tổ chức, biên chế theo chuẩn của LHQ. Năng lực một BVDCC2 theo yêu cầu của LHQ bao gồm: Khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; Khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; Khả năng thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê; Khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; Thực hiện 10 ca chụp X quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chuẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày; Có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; Tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao - thuốc chữa bệnh trong bất kì tình huống nào...
Khóa huấn luyện tiền triển khai được thực hiện theo yêu cầu bắt buộc của LHQ, kéo dài gần 3 tháng, bao gồm: Kiến thức nền tảng về GGHB LHQ; khuôn khổ pháp lý GGHB LHQ như Luật Nhân đạo, Luật Giao chiến; các nguyên tắc và quy tắc trong tham gia hoạt động GGHB LHQ; kiến thức về tình hình phái bộ nơi BVDC2.2 triển khai; kiến thức và kỹ năng về công tác tham mưu chỉ huy; thông tin liên lạc; bảo đảm an ninh, an toàn; quan hệ với truyền thông; chăm sóc sức khỏe; kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi; nhận diện bom - mìn - vật liệu nổ, chống lạm dụng tình dục, tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh GGHB, kỹ năng giao lưu văn hóa...
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết từ nay đến trước khi triển khai luân phiên BVDC2.2 đến phái bộ, Cục GGHB sẽ còn tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện khác theo chương trình huấn luyện tổng thể cho BVDC2.2, trong đó có huấn luyện cập nhật tình hình địa bàn, huấn luyện thực hành trên sa bàn, và huấn luyện thực địa thực hành tổng hợp trên bộ trang bị của BVDC.
Cán bộ chiến sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 diễn tập các tình huống giả định trong quá trình huấn luyện - Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Chuẩn đầu ra kỹ lưỡng
Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết sau khi nhận quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập BVDC2.2, Học viện Quân y phải đứng ra tổ chức về mặt chính quyền về mặt chuyên môn để đảm bảo mọi công tác chuẩn bị thật là sẵn sàng.
Các sĩ quan được huấn luện để làm việc trong môi trường quốc tế - Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
"Đầu tiên là công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Việc này chúng tôi đã thực hiện khá tốt, về cơ bản. Tuy nhiên vào từng trường hợp cụ thể có những khó khăn. Ví dụ như từng gia đình có những hoàn cảnh như chồng, con còn nhỏ mẹ già ốm đau, bản thân sức khỏe của các đồng chí quân nhân... Tuy nhiên đến thời điểm này hầu hết cán bộ chiến sĩ của bệnh viện dã chiến cấp hai đều đã yên tâm và đều quyết tâm xác định nhiệm vụ của mình"- Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết khẳng định.
Bệnh viện làm nhiệm vụ quốc tế, trước tiên phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cứu chữa người bệnh. Do đó việc đầu tiên là phải hiểu biết kiến thức chuyên môn, nắm được cơ cấu bệnh tật của người dân ở Nam Sudan. Lãnh đạo BVDC2.2 đã liên hệ với bệnh viện dã chiến cấp hai phố một, đồng thời nhờ phái bộ LHQ gửi cho cơ cấu các mặt bệnh có thể có để Học viện Quân y chủ động xây dựng một giáo trình và tổ chức dạy các quy trình cứu chữa các mặt bệnh.
Các sĩ quan thuộc bệnh viện dã chiến và khách mời Lễ ra mắt và khai mạc huấn luyện tiền triển khai bệnh viện cấp dã chiến cấp 2 số 2 - Ảnh: Dương Ngọc
Về tập huấn, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia trong và ngoài nước, đã tổ chức diễn tập chung trên sa bàn với Ấn Độ và Thái Lan, khóa các chiến dịch hỗ trợ Hòa Bình tại Indonesia, hội nghị tư vấn của LHQ để xây dựng sổ tay chất lượng y tế về an toàn bệnh nhân tại Ý , tập huấn điều phối quân gạch ngang dân sự tại Nê-pan, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu tại Bangladesh và Malayxia, tập huấn sỹ quan tham mưu LHQ, luật nhân đạo quốc tế, ngoại dã chiến, trao đổi chuyên môn, nâng cao nhận thức về bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, phân loại bệnh nhân và quy trình xử lý thương vong hàng loạt...
Đồng thời, để bảo đảm thật tốt quy trình chuyên môn theo chuẩn quốc tế trong điều kiện tác nghiệp ở nước ngoài, Học viện đã chú trọng xây dựng chương trình đào tạo theo quy trình chuẩn của LHQ cả về chuyên môn, y đức; đào tạo tiếng Anh, xây dựng chương trình nâng cao thể lực đối với cán bộ chiến sĩ để đáp ứng điều kiện làm việc khắc nghiệt ở nước ngoài trong điều kiện tầm vóc người Việt Nam vốn nhỏ.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổng thể theo năm trong kế hoạch tổng thể chia ra các kế hoạch chi tiết và sau đó chia làm lịch học tập và làm việc của các cán bộ chiến sĩ một cách chi tiết: ăn - ngủ giờ nào, chạy bộ, tập tạ như thế nào, thể lực nâng lên ra sao theo từng thời điểm...." - Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh mỗi sĩ quan, chiến sĩ trong BVDC 2.2 là một đại diện, là sứ giả ở nước ngoài, nên bên cạnh việc rèn luyện về mặt chuyên môn, Học viện chú trọng rèn luyện về mặt điều lệ, tác phong, nguyên tắc ứng xử của LHQ, xác định về chuẩn đầu ra một cách rất kỹ lưỡng.
Đội công binh sẽ sang hoạt động ở phái bộ năm 2020
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định trong năm 2018, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam về cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra từ năm 2014 được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng chấp thuận.
Trong năm 2018, đã đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi Nam Sudan. Đây là sự kiện không lớn nhưng là việc Việt Nam chưa bao giờ làm, cơ động lực lượng gồm hơn 70 đồng chí sang châu Phi cùng gần 400 tấn hàng bằng cả đường biển và đường không. Ngay khi sang tới nơi phải đảm bảo về các mặt sinh hoạt, ăn ở, thực hiện ngay được nhiệm vụ. Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã bước vào hoạt động thuận lợi và đạt được yêu cầu của LHQ.
Trong năm 2019, ưu tiên đầu tiên là tiếp tục làm tốt hoạt động GGHB, hoạt động của từng sĩ quan cũng như bệnh viện dã chiến. Đặc biệt là chuẩn bị tốt việc thay quân vào tháng 1-2019, thay quân không có nghĩa là nghỉ. Lực lượng bệnh viện dã chiến cấp 2 hiện đang ở châu Phi khi về nước sẽ là lực lượng bệnh viện dã chiến của quân đội, thực hiện nhiệm vụ của quân đội, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa cho người dân trong nước. Việt Nam đang nghiên cứu chuẩn bị để năm 2020 có thể có đội công binh sang hoạt động ở phái bộ. Điều này còn phụ thuộc vào hai yếu tố chính là yêu cầu của LHQ và khả năng chủ trương của Việt Nam .
Bài: Dương Ngọc
Theo NLĐO
Bệnh viện dã chiến sẵn sàng lên đường Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của quân đội Việt Nam sẽ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại quốc gia châu Phi Nam Sudan vào ngày 1-10 Lễ xuất quân đưa bệnh viện (BV) dã chiến cấp 2 lên đường sẽ được tổ chức tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Sự kiện...