Lính Đức ở tuyến đầu trong trận Điện Biên Phủ?
Ngày 2/5, hãng tin Pháp AFP đưa tin, hơn một ngàn binh sĩ người Đức đã tham gia trận chiến Điện Biên Phủ, dưới lá cờ của lực lượng viễn chinh Pháp.
Trong cuốn sách “Kẻ thù có ích” (L’ennemi utile) (Nxb Schneider Text), tác giả, nhà sử học trẻ Pierre Thoumelin, nhấn mạnh lính Đức “đã có mặt đông đảo trong trận chiến này, có đơn vị, tới 80% là binh sĩ Đức”. Khoảng 1.200 đến 1.300 người Đức đã tham chiến tại Điện Biên Phủ, trong tổng số hơn 15.000 binh sĩ quân đội Pháp.
Tại Điện Biên Phủ, lực lượng viễn chinh – còn gọi là lính “lê dương”, nằm ở tuyến đầu, trong đó binh sĩ Đức là xương sống của các đơn vị.
Lê dương (Légion étrangère) là đơn vị quân đội chính quy trong lục quân Pháp, bao gồm những người nước ngoài tình nguyện phục vụ trong quân đội Pháp, ra đời từ năm 1831.
Theo hãng tin Pháp đây là một thực tế mà chính quyền Pháp đã giữ im lặng trong một thời gian dài.
Ngoài ra, trong thời gian chiến tranh Đông Dương, tức cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia, trong số khoảng 11.000 lính lê dương tử trận, có 3.000 lính Đức.
Lính Đức được tuyển mộ trong các trại tù binh, trong và sau khi Thế chiến II 1945 kết thúc. Việc tuyển mộ đã bắt đầu ngay từ năm 1943, tại các trại tù binh ở Bắc Phi. Điều ít người hình dung được vào lúc đó, chính quyền Pháp đã tuyển mộ được rất nhiều binh sĩ thuộc các quốc gia thua trận. Ngoài người Đức, còn có người Ý, người Áo hay người Hungary. Các cựu quân nhân Đức là các chiến binh dày dạn, có tuổi đời cao hơn tuổi trung bình của đội quân lê dương. Một số người đã tham gia chiến tranh từ năm 1939. Nhiều cựu binh nhảy dù đã được gia nhập bộ khung của các đơn vị đặc nhiệm trong lực lượng viễn chinh Pháp.
Báo Tin tức từng dẫn nguồn từ báo chí Đức cho hay, năm 1945, sau khi nước Đức phát xít thất trận, vô số binh lính và sĩ quan Đức đã trở về nhà trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng vì bại trận, vì nhà cửa, làng mạc thành phố bị phá hủy, nhiều người bị buộc phải rời bỏ quê hương sau khi nước Đức bị chia cắt. Trong khi đó, Pháp ráo riết tuyển mộ lính lê dương để đưa sang Đông Dương nhằm giành lại thuộc địa đã bị mất vào tay người Nhật, sau đó là chống lại Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, người ta ước tính có tới 2/3 số lính lê dương được đưa sang Đông Dương sau Chiến tranh Thế giới thứ II là người Đức, trong đó phần lớn là lính trẻ từng phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã.
Tuy nhiên, cũng theo cuốn sách của Pierre Thoumelin, đầu quân vào lính lê dương, còn có “nhiều thanh niên Đức thất nghiệp, trong một đất nước hoang tàn” sau chiến tranh. Báo chí Đức cũng từng cho biết, nhiều người Đức gia nhập đội lính lê dương của Pháp hy vọng sau 5 năm phục vụ họ có thể nhập quốc tịch Pháp và sang Pháp sinh sống.
Theo nhà sử học Pierre Thoumelin, khoảng 10% cựu binh Đức đầu quân vào lính lê dương là thành viên tích cực trong lực lượng SS (của Đức Quốc xã) hay có một quá khứ tội ác.
Chính quyền Pháp có thái độ dè dặt về hồ sơ tuyển mộ các cựu binh của chế độ Đức quốc xã. Tuy nhiên, đảng Cộng sản Pháp – vốn phản đối quyết liệt chiến tranh thực dân – liên tục tố cáo việc lực lượng viễn chinh Pháp là nơi ẩn náu của các phần tử Đức Quốc xã cũ, đặc biệt là tại Điện Biên Phủ.
Có một điều ít người biết là trong số khoảng 70.00 lính lê dương Pháp điều đến Đông Dương, có tới trên 35.000 lính lê dương người Đức đã tham chiến ở cả hai chiến tuyến trong cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.Trong khoảng thời gian từ 1946 tới 1954, gần 1.400 lính lê dương Đức đã chạy sang phía Việt Minh và một số đã tham gia vào các hoạt động gọi hàng các chiến binh trong quân đội Pháp.
Theo AFP, Tin tức
Điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ- Bí mật 50 năm của Pháp
Thảm bại khó tin tại Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền Pháp phải thành lập một Ủy ban điều tra vào ngày 31/3/1955.
Mọi thông tin về Ủy ban này bao gồm 22 cuộc điều trần và những kết luận cuối cùng đã được giữ kín ở mức "tuyệt mật" trong vòng 50 năm và cho đến nay rất ít người Pháp, ngay cả đến những cựu tướng lĩnh khi xưa, biết đến sự tồn tại và những kết luận của Ủy ban này.
Các băng ghi âm các phiên điều trần đều được đánh dấu tuyệt mật
Video đang HOT
Vì sao lại có Ủy ban điều tra đó? Phải chăng vì chính tướng lĩnh Pháp cũng không hiểu nổi vì sao họ lại thua ở Điện Biên Phủ? Và kết luận cuối cùng của Ủy ban là gì?
Phóng viên VOV đã tiếp cận thành công toàn bộ hồ sơ về Ủy ban điều tra này tại trung tâm lịch sử của Bộ quốc phòng Pháp cũng như phỏng vấn Đại úy Ivan Cadeau - tác giả đề tài nghiên cứu về Ủy ban.
Một phần nội dung phiên điều trần của tướngDe Castries
Chủ tịch Ủy ban điều tra Tướng Catroux: Việt Minh đã xây dựng được những con đường tiếp tế à?
Tướng De Castries: Vâng, họ có những con đường và có xe tải Molotova để vận chuyển đạn dược và tiếp tế. Những con đường đó chúng tôi chỉ nhìn thấy khi chúng tôi bị bắt làm tù binh.
- Tại sao máy bay lại không nhìn thấy?
- Vì những con đường đã được bộ đội Việt Nam ngụy trang rất giỏi...
- Những đợt tấn công mà các ông tiến hành đã có thể cho phép thâm nhập vào trận địa của quân đội Việt hay các ông chỉ luôn bị khóa ở vòng ngoài ?
- Chúng tôi chỉ luôn ở vòng ngoài.
- Các ông chỉ luôn ở vòng ngoài ư ?
- Đúng thế, chỉ một vài lần chúng tôi vào được phía Bắc, còn phía Đông thì gần như chưa bao giờ.
Đó là hai đoạn trích dẫn phần điều trần của tướng De Castries- chỉ huy quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ trước Ủy ban điều tra.
Tổng cộng có 22 phiên điều trần đối với những tướng lĩnh cấp cao như ông De Castries, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương Navarre hay cấp phó của ông này là tướng Réné Cogny-chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc bộ...
Tất cả những phần hỏi đáp chi tiết được lưu đầy đủ trong 9 hộp tư liệu có mã số GR1R từ 229 đến 237, hiện được lưu tại trung tâm lịch sử của Bộ Quốc phòng Pháp.
Yêu cầu thành lập Ủy ban điều tra - "lời kêu cứu của tướng Navarre"
Trả lời phóng viên VOV, Đại úy Ivan Cadeau, thuộc bộ phận lịch sử và trung tâm tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Ủy ban điều tra được thành lập theo yêu cầu của tướng Navarre-người được giao làm Tổng tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương từ 5/1953 với mục tiêu tìm một "lối thoát trong danh dự" cho quân Pháp tại Đông Dương.
"Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, tướng Navarre cảm thấy bị tổn thương về danh dự, bị phán xét sai và đối xử tệ, những chức vụ mà ông được hứa hẹn trước đây thì ông đều không được nhận. Cuối năm 1954, ông kêu cứu lên Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề chiến tranh và đề nghị thành lập một Ủy ban điều tra bao gồm các chuyên gia quân sự để điều tra rõ trách nhiệm chỉ huy của từng người kể từ thời điểm ông nhận chức Tổng tư lệnh ở Đông Dương tháng 5/1953 cho đến khi kết thúc cuộc chiến ở Điện Biên Phủ", Đại úy Cadeau nói.
Đại úy Ivan Cadeau trả lời phỏng vấn phóng viên VOV
"Tướng Navarre muốn làm sáng tỏ rằng nguyên nhân thất bại thực sự của cuộc chiến Đông Dương là về mặt chính trị, và có trách nhiệm của các chính trị gia trong chính quyền Pháp lúc đó. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Mendes France đã từ chối, không muốn nhắc lại chuyện này, nước Pháp lúc đó muốn quên câu chuyện thảm bại tại Điện Biên Phủ", Đại úy Cadeau nói thêm.
Vì các khúc mắc về pháp lý và các tranh cãi chính trị, yêu cầu thành lập Ủy bancủa tướng Navarre đã rất nhiều lần được nâng lên, đặt xuống trong các tranh luận giữa giới chức quân đội cấp cao và nhiều lần bị gạt bỏ.
Tuy nhiên, tướng Navarre không chấp nhận và tiếp tục đấu tranh. Đến tháng 1/1955, một vài bài báo xuất hiện, châm lại ngòi lửa. Các bài báo này là của một người thân cận với tướng Cogny-chỉ huy quân đội Pháp tại Bắc Bộ- người có những bất đồng nghiêm trọng với tướng Navarre-quy kết ông Navarre là nguyên nhân gây nên thất bại.
Tướng Navarre đã nổi giận và trả lời trong một loạt bài trên tờ Le Figaro, dọa rằng ông sẽ cho "nổ tung" sự thật. Điều này khiến Chính phủ Pháp phải hành động.
Ngày 22/1/1955, Thủ tướng Pháp Mendes France đã tiếp riêng Tướng Navarre. Hai bên đã thỏa thuận với nhau là ông Navarre sẽ không gửi các bài báo cho tờ Le Figaro và đổi lại, một Ủy ban điều tra sẽ được thành lập. Đến ngày 5/2/1955, hãng tin AFP đưa tin sẽ có một Ủy ban điều tra và ngày thành lập Ủy ban chính thức là 31/3/1955.
"Bí mật quốc gia" của Pháp suốt 50 năm (1955-2005)
Chủ tịch Ủy ban điều tra Tướng Catroux và các thành viên đều là những nhân vật cao cấp trong quân đội Pháp, có quyền hành tối cao, được phép tiếp xúc với tất cả các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Pháp và tiến hành điều trần chi tiết với từng nhân vật lãnh đạo chính của trận Điện Biên Phủ.
Vì có quyền hạn rất lớn như thế, nên kết luận của Ủy ban điều tra đã đề cập đến gần như mọi chi tiết của cuộc chiến, từ các sai lầm chiến thuật, các mâu thuẫn cá nhân, sai lầm chính trị...
Và cũng vì thế, chính quyền Pháp đã không cho phép công bố những kết luận của Ủy ban trong suốt 50 năm (đến năm 2005, bộ tư liệu được mở cho công chúng và giới chuyên môn tiếp cận).
Hộp hồ sơ GR 1R231 về các phiên điều trần
Về điều này, Đại úy Ivan Cadeau cho biết: "Ủy ban điều tra kết luận rằng đặt trong tình huống đó, đối mặt với đội quân Việt minh mạnh và được Trung Quốc yểm trợ, các tướng lĩnh khác của Pháp cũng khó có thể làm tốt hơn những gì mà các Tướng Navarre hay Cogny đã làm ở Điện Biên Phủ".
"Sau khi Ủy ban điều tra kết thúc công việc, có một sự thống nhất cao trong quân đội là những nhân vật chính phải điều trần trong vụ điều tra không thể bị coi là những thủ phạm chính của thất bại ở Đông Dương. Việc nước Pháp bị hất ra khỏi Viễn Đông là hệ quả của một loạt những sai lầm từ chính trị đến quân sự", ông Cadeau nói.
"Tuy nhiên, những kết quả của cuộc điều tra sau đó không được công bố cho dư luận, lý do là các chính trị gia thì muốn trốn tránh trách nhiệm và cũng có nhiều cơ quan khác phía quân đội cũng không muốn những kết luận đó được biết đến nhiều. Vì vậy, cả phía dân sự lẫn quân sự đều bắt tay nhau làm chìm đi các kết luận của Ủy ban điều tra, với lập luận là ở thời điểm đó nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với các cuộc chiến khác ở Bắc Phi. Đến cuối năm 1955, tướng Navarre cũng yêu cầu được có một bản sao kết luận của Ủy ban điều tra nhưng bị từ chối và kết luận này được giữ như một tài liệu mật", ông Cadeau chia sẻ.
Hộp tư liệu mang mã số GR1R237 có lưu những kết luận của Ủy ban điều tra với dấu "tuyệt mật", gồm 6 phần: Phần 1: Kế hoạch của Tướng Navarre; phần 2: triển khai kế hoạch của Tướng Navarre ; phần 3: Trận Điện Biên Phủ; phần 4: Diễn biến chiến tranh và trận Điện Biên Phủ; phần 5: Rà soát trách nhiệm ở các cấp khác nhau và ý kiến của ủy ban; cuối cùng là phần 6: Tưởng nhớ những binh lính đã tham gia trận Điện Biên Phủ.
Trong phần kết luận, Ủy ban điều tra có nêu: "Vị trí của Điện Biên Phủ, cách bờ biển 400km, cách các căn cứ không quân của Pháp 300km và gần biên giới với Trung Quốc, khiến quân đội Pháp hoàn toàn bị bất lợi khi tiến hành trận đánh với Việt Minh".
Ủy ban kết luận, "quyết định tiến hành trận Điện Biên Phủ là một sai lầm mà tướng Navarre có thể đã không vấp phải nếu có thời gian lãnh đạo dài hơn, đủ để đánh giá đúng về khả năng hậu cần của đối thủ, cũng như các đặc thù của trận địa".
Rõ ràng, một phần thừa nhận những bất lợi dẫn đến thất bại khó tránh khỏi tại Điện Biên Phủ, phần vì không muốn đào sâu những sai lầm của giới cầm quyền lẫn quân đội, nên Ủy ban đưa ra những kết luận không quá nặng nề.
Vén bức màn bí mật về mâu thuẫn trong bộ chỉ huy Pháp
Nhiều cựu chiến binh Pháp cho biết họ chỉ biết mang máng về Ủy ban điều tra. Đại tá Jacques Allaire, khi đó là thượng úy thuộc binh đoàn 6 tham chiến tại Điện Biên Phủ, còn cho biết Ủy ban điều tra sau này đã hé lộ cho những tướng lĩnh cấp thấp như ông biết về mâu thuẫn lớn giữa Tướng Navarre và Tướng Cogny.
Điện mật gửi Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5
"Ở vào thời điểm chiến sự, lính Pháp không hay biết gì về mối thâm thù nội bộ giữa hai nhà lãnh đạo này. Ở cấp của tôi, tôi không hay biết về điều đó. Chỉ sau khi được quân đội Việt Nam trả tự do về Pháp, tôi có nghe đến Ủy ban điều tra và nói đến sự chia rẽ của hai nhà lãnh đạo. Tôi đã đọc được các tài liệu của Ủy ban và thấy rằng Ủy ban có phần nhẹ tay với ông Navarre và khiển trách nặng nề đối với ông Cogny. Nhưng tôi thấy có sai lầm ở cả hai vị tướng này. Nếu Tướng Navarre đã tin tưởng một cách mù quáng ở ông Cogny thì dù sao ông ấy cũng phải giám sát chặt để xem ông Cogny có xử lý tốt trận Điện Biên Phủ hay không", Đại tá Jacques Allaire cho biết.
Nếu như những kết luận của Ủy ban điều tra không có nhiều đột biến và không tạo chấn động lớn, thì câu chuyện giằng co về sự thành lập Ủy ban này cũng như việc giấu diếm những kết luận của Ủy ban trong suốt 50 năm, cho thấy chính quyền, quân đội và người dân Pháp coi thất bại tại Điện Biên Phủ là nỗi hổ thẹn lớn không muốn nhắc đến.
Từ tướng lĩnh đến cựu binh trở về từ Điện Biên Phủ đã không được nhìn nhận trong một thời gian dài; và điển hình là vị tổng tư lệnh Navarre đã phải đấu tranh quyết liệt để đi đến kết luận về một trách nhiệm "tổng thể và toàn diện" của cả hệ thống chính trị và quân sự Pháp trong thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Hỉnh ảnh một số tài liệu khác liên quan đến Ủy ban điều tra:
Các mệnh lệnh của quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ
Bản chứng nhận gửi điện của Bộ chỉ huy Quân sự Pháp
Kết luận của Ủy ban điều tra về trận Điện Biên Phủ
Theo Thùy Vân/VOV-Paris
"Sự lạ" về con người làm nên chiến thắng hai cường quốc Từ vị tướng bại trận tại thung lũng Mường Phăng Đờ Catsxtơri tới những tướng lĩnh, sử gia của Pháp, Mỹ, Anh đều tâm phục, tôn vinh Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp là một thống soái lớn của mọi thời đại, một tài năng quân sự chưa từng thấy. Câu chuyện của tướng Đờ Catsxtơri được thiếu...